Tác động của các giải pháp kích cầu đối với doanh nghiệp Việt Nam

ThS.Nguyễn Bích Ngọc - Viện Khoa học Tài chính

TCTC Online - Nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, đầu năm 2009, Việt Nam đã kịp thời triển khai các gói kích cầu. Cụ thể, Chính phủ đã dùng quỹ tài chính lớn trực tiếp chi cho các hoạt động kích cầu đầu tư và tiêu dùng, chống suy giảm kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Bên cạnh nhiều mặt tích cực, cho đến thời điểm này, các gói kích cầu đã nảy sinh một số hiệu ứng không mong muốn...

Những gói kích cầu...

1. Ngày 15/01/2009, Chính phủ đã quyết định các phương án sử dụng khoản kích cầu 1 tỷ USD (17.000 tỷ VND) để hỗ trợ 4% lãi suất vốn vay cho các khoản vay ngắn hạn trong thời gian tối đa là 8 tháng, kết thúc vào ngày 31/12/2009. Đối tượng được hưởng là các DN nhỏ và vừa, có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng, sử dụng không quá 300 công nhân, không có nợ đọng thuế và không có nợ tín dụng quá hạn.

2. Ngày 04/04/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn và sẽ được Nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay 4%/năm trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng, với tổng số lãi hỗ trợ là 20.000 tỷ VND. Việc hỗ trợ lãi suất này được thực hiện từ ngày 01/04/2009 đến hết ngày 31/12/2011.

Gói kích cầu thứ hai này có quy mô lớn hơn, thời hạn dài hơn (tới 2 năm), điều kiện nới lỏng hơn (DN và cả HTX có vốn dưới 20 tỷ đồng, sử dụng dưới 500 lao động, có thể nợ thuế và tín dụng quá hạn nhưng có dự án phù hợp vẫn được xét cho vay) và lĩnh vực cho vay cũng được mở rộng hơn.

3. Chính phủ cũng thiết lập cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là đơn vị duy nhất được giao thực hiện giải pháp bảo lãnh tín dụng cho đối tượng là các DN thuộc các thành phần kinh tế. VDB có thể đảm bảo 100% khoản vay bằng USD hay VND. Những DN có vốn điều lệ 20 tỷ VND tương đương 1,1 triệu USD với số lao động sử dụng không quá 500 người mới đủ điều kiện tham gia vào chương trình này. DN không được phép có khoản nợ ngân hàng hay nợ thuế nào quá hạn. Không giống như chương trình hỗ trợ lãi suất, VDB có toàn quyền quyết định DN nào sẽ được nhận bảo lãnh tín dụng.

4. Chính phủ thực hiện miễn, giảm, giãn một số loại thuế, và kéo dài thời hạn nộp thuế xuất nhập khẩu, ước tính có khoảng 28.000 tỷ đồng để kích cầu nhờ thực hiện chính sách giảm thuế. Giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với 19 nhóm mặt hàng tiêu thụ nội địa (Quyết định 16/2009/QĐ-TTg) và hoãn thu thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng đầu năm 2009. Tạm hoàn 90% số thuế GTGT đầu vào khi chưa có chứng từ và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán. Giãn thời hạn nộp thuế GTGT đến 180 ngày đối với hàng nhập khẩu là thiết bị, máy móc trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu để tạo tài sản cố định của DN. Đối với thuế nhập khẩu, thực hiện giảm thuế cho nhiều mặt hàng là nguyên liệu đầu vào và hàng tiêu dùng.

Để thực hiện chính sách kích cầu, Chính phủ đã cho phép giảm 30% số thuế thu nhập DN (TNDN) phải nộp của quý IV/2008 và cả năm 2009 của DN nhỏ và vừa. Đồng thời, giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời gian 9 tháng của năm 2009 đối với thu nhập từ các hoạt động: sản xuất sản phẩm cơ khí là tư liệu sản xuất, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ du lịch, kinh doanh lương thực, phân bón,... 

5. Đẩy mạnh, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đồng thời phát triển mạng lưới phân phối, hệ thống bán lẻ, nhất là ở vùng sâu vùng xa để cung cấp vật tư và hàng tiêu dùng thiết yếu.

6. Về chính sách tài chính, tiền tệ, sẽ tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các DN. Tiếp tục hạ lãi suất cơ bản và cho phép các tổ chức tín dụng, các quỹ tín dụng nhân dân cho vay theo lãi suất thỏa thuận.

7. Chính phủ sẽ điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ theo nguyên tắc linh hoạt, nhằm khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

Tổng nguồn lực sử dụng để kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Việt Nam là rất lớn, nếu tính thêm cả 17.000 tỷ đồng tăng thêm dư nợ bảo lãnh tín dụng cho DN thì tổng giá trị các gói kích cầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay lên đến 160.000 tỷ đồng, tương đương 9 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP của Việt Nam hiện nay.

Một số tác động tích cực

Có thể nói, gói kích cầu trước hết có hiệu ứng tâm lý tích cực, làm tăng tức thời lòng tin của các DN, các ngân hàng và nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ các DN đang gặp khó khăn, cũng như tin vào triển vọng thị trường và môi trường đầu tư Việt Nam.

Gói kích cầu đã  trực tiếp hỗ trợ DN tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng với chi phí rẻ hơn, từ đó giảm bớt chi phí kinh doanh, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng cạnh tranh và khả năng tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường; 

Nhiều DN nhận được sự hỗ trợ kịp thời của gói kích cầu đã có thêm cơ hội giữ vững và mở rộng sản xuất, từ đó góp phần giảm bớt áp lực thất nghiệp và đảm bảo ổn định xã hội.

Những hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại quốc gia được tài trợ từ gói kích cầu nếu thực hiện có hiệu quả sẽ có tác động tích cực đến việc tăng dòng vốn chảy vào Việt Nam, mở rộng thị trường đầu ra cho DN và nền kinh tế, từ đó trực tiếp góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước...

Một trong những yếu tố chính của gói kích thích kinh tế là khoản hỗ trợ lãi suất 4% đối với vay vốn ngắn hạn, qua điều tra thực tế cho thấy hiệu quả rất cao. Mục tiêu của Chính phủ thông qua chương trình hỗ trợ này là duy trì lạm phát ở mức thấp, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các DN, hạn chế việc sa thải lao động. Các DN có toàn quyền quyết định vốn vay để sản xuất, kinh doanh sao cho hiệu quả nhất (điều này cũng đem lại hiệu quả cho cả nền kinh tế). Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay nhằm mục đích giúp cho các DN giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính, nhờ đó khuyến khích DN tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, tuyển dụng lao động.

Về kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất, tính đến ngày tính đến ngày 2/07/2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng Việt Nam là 372.272,09 tỷ đồng.

Ngoài sự nỗ lực, năng động, sáng tạo của từng DN thì những chính sách kích cầu của Chính phủ được coi là một trong những giải pháp kịp thời giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vượt khó đạt kết quả khả quan, từng bước đi vào ổn định và phát triển.

Những tác động nói trên có thể được minh chứng bằng một số ví dụ thực tế: Công ty cổ phần Việt Vương (DN chuyên sản xuất cột ăng-ten, cột điện,… tại Phú Thọ), số vốn vay hỗ trợ lãi suất mà Công ty tiếp cận được là 15 tỷ đồng cùng với số tiền được giãn thuế trong năm 2009 là 1 tỷ đồng đã giúp Công ty duy trì hoạt động và đến thời điểm này đang đẩy mạnh sản xuất để kịp giao hàng trong sáu tháng cuối năm.

Còn với Công ty cổ phần Chế biến Nông lâm sản Yên Thành (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái), vốn hỗ trợ lãi suất được vay là 1,2 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho Công ty tăng giá thu mua măng nguyên liệu của nông dân để có đủ nguyên liệu sản xuất, đáp ứng kịp thời cho đơn hàng xuất khẩu 10 container sản phẩm măng chế biến của đối tác Đài Loan (Trung Quốc). Giám đốc Nguyễn Ðức Dũng cho biết: Do Công ty là DN nhỏ nên toàn bộ phần vốn lưu động đều phải đi vay ngân hàng. Năm 2008, có thời điểm, Công ty phải vay ngân hàng 700 triệu đồng với lãi suất 21%/năm, nên làm bao nhiêu cũng chỉ đủ để trả lãi vay ngân hàng. Nay nhờ vốn hỗ trợ lãi suất, Công ty đã khôi phục sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động.

Những vấn đề đang và sẽ phát sinh

Thứ nhất, số tiền cung ứng đưa vào lưu thông rất lớn, nếu triển khai chậm và không có giới hạn về thời gian thì khi kinh tế hồi phục trở lại sẽ tiềm ẩn rủi ro lạm phát cao. Sau khi lạm phát được đẩy lùi từ cuối năm 2008 do chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, thì nguy cơ tái lạm phát lại đang xuất hiện trở lại dưới tác động của các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế.

Nguy cơ tái lạm phát sẽ đậm nét hơn bắt đầu từ nửa cuối năm 2009 do kết quả trực tiếp có độ trễ của các gói kích cầu của Việt Nam và cả thế giới từ đầu năm đến nay kèm với các chính sách nới lỏng tiền tệ, làm gia tăng tổng cung tiền cho nền kinh tế. Nếu lượng tiền này không được đưa vào sản xuất tạo ra hàng hóa đối ứng sẽ gây ra tình trạng lạm phát. Về mặt tiền tệ, dư âm lạm phát 20% của năm 2008 vẫn còn đó, nên chính sách tiền tệ cần được mở rộng một cách thận trọng để tránh kích hoạt một làn sóng lạm phát mới.

Thứ hai, giảm thuế GTGT về lý thuyết là để hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trên thị trường có giá thấp hơn, nhờ đó tăng cầu cho sản phẩm. Song, việc xác định giá bán hàng hóa trên thị trường thuộc quyền của người bán. Do đó, không phải trường hợp nào giảm thuế cũng đồng nghĩa với việc giảm giá hàng hóa, dịch vụ. Các nhà làm chính sách kỳ vọng rằng việc hoãn thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp tăng thu nhập khả dụng, nhờ đó tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Rõ ràng, về mặt lý thuyết, đây là những kỳ vọng hợp lý.

Tuy nhiên, trên thực tế có thể những chính sách này không kích được tiêu dùng như kỳ vọng vì phản ứng của thị trường, của DN và của người tiêu dùng có thể rất khác so với tính toán của các nhà làm chính sách. Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm là chính sách tỷ giá cố định trong khi VND bị định giá cao so với USD sẽ khuyến khích nhập khẩu hàng tiêu dùng. Hơn nữa, rất khác với Trung Quốc, nền kinh tế của Việt Nam nhỏ, lại có tỷ lệ nhập khẩu trong tổng tiêu dùng cao nên không thể kích cầu đơn giản chỉ bằng cách tăng chi tiêu vì khi ấy một phần lớn nhu cầu tăng thêm sẽ được thoả mãn bởi hàng nhập khẩu chứ ít có tác dụng kích thích sản xuất trong nước.

Một điểm nữa cũng cần đặc biệt lưu ý khi thực hiện chính sách kích cầu, đó là khi tất cả các thị trường xuất khẩu cạnh tranh chính của Việt Nam và Trung Quốc (Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản) đều giảm cầu thì xu hướng hàng Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam sẽ càng gia tăng mạnh, tạo ra một sức ép rất lớn đối với sản xuất trong nước. Điều này đã từng xẩy ra cách đây 10 năm, trong những năm 1998 - 1999, khi chúng ta bơm tiền để kích cầu thì lượng xe máy Trung Quốc tiêu thụ ở Việt Nam tăng lên gấp 3 lần, từ khoảng 500-600 ngàn chiếc/năm tăng lên đến 1,8-2 triệu chiếc/năm. Hàng Việt Nam nói chung có sức cạnh tranh kém hàng Trung Quốc, bởi vậy kích cầu trong điều kiện Trung Quốc cũng đang ráo riết, khẩn trương tung ra các gói kích cầu lớn để kích thích tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu (Năm 2009, Trung Quốc đặt kế hoạch đạt tăng trưởng kinh tế 8%, gói kích cầu gần 600 tỷ USD) lại càng trở nên khó khăn hơn.

Nếu không có định hướng và giải pháp tốt thì đối tượng được ưu đãi “kích cầu” chủ yếu sẽ chính là hàng Trung Quốc (Việt Nam chủ yếu nhập siêu từ Trung Quốc, năm 2008 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc trên  11,1 tỷ USD). Hiện nay, Trung Quốc cũng đang thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vốn cho các DN của Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Do đó, khi thực hiện kích cầu, chúng ta cần phải tính đến cả tác động của hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam để vừa kích cầu hợp lý, vừa giữ được thị trường nội địa.

Thứ ba, chính sách bù lãi suất có một số hạn chế tiềm tàng có thể nhận thấy, cụ thể là: chính sách này không trực tiếp giúp giải quyết khó khăn lớn nhất của DN hiện nay là thiếu nhu cầu thị trường; chính sách này có thể không đến được những đối tượng cần hỗ trợ, thậm chí có thể hỗ trợ nhầm đối tượng do tình trạng bất cân xứng về thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước với ngân hàng thương mại và giữa ngân hàng thương mại với DN.

Ngân hàng thương mại rất khó kiểm soát việc sử dụng đúng mục đích của đồng vốn do tính có thể hoán đổi mục đích sử dụng của đồng tiền; Đồng thời, chi phí cho công tác hậu kiểm của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ rất tốn kém khi chỉ trong vòng hơn một tuần, riêng 5 ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước đã cho vay 32.000 tỷ đồng trong chương trình hỗ trợ lãi suất. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh như vậy, việc kiểm soát kịp thời và đầy đủ của Ngân hàng Nhà nước là rất khó khăn và tốn kém.

Giữa các ngân hàng thương mại và khách hàng, việc thiếu thông tin sẽ khiến nhiệm vụ của ngân hàng thương mại trong việc bảo đảm khách hàng sử dụng vốn hỗ trợ đúng mục đích cũng trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với các DN có hoạt động phức tạp và có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, các khoản vay này có khả năng được sử dụng không đúng mục đích. Vốn vay được hỗ trợ lãi suất có thể được DN dùng để đầu cơ mua cổ phiếu, tích trữ vàng, ngoại tệ mạnh hoặc đầu tư quá mức vào bất động sản thay vì đưa vào sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, tác động của giải pháp hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung dài hạn thực hiện đầu tư mới để phát triển sản xuất, kinh doanh cũng rất hạn chế trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, ít có chủ DN dám mạo hiểm vay vốn ngân hàng trung và dài hạn để đầu tư cho một dự án khi thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ trầm lắng. Khó khăn chủ yếu của DN hiện nay không phải là vốn mà là thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và ngoài nước, thiếu đơn hàng và hợp đồng sản xuất.

Không có đầu ra cho sản phẩm hàng hóa sản xuất ra, nên sản xuất bị thu hẹp, hoặc ngừng sản xuất, người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Bởi vậy, để chính sách kích cầu phát huy được hiệu quả thì phải tạo được đầu ra cho sản phẩm của DN. Nếu không tăng được nhu cầu thị trường, thì dù có kích thích như thế nào cũng không phát huy tác dụng, không giúp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, vì không có cầu thì DN càng cung nhiều, càng lỗ vốn.

Thứ năm, nền kinh tế Việt Nam có đặc thù phải dựa vào máy móc thiết bị và nguyên vật liệu từ bên ngoài sẽ không thể chịu nổi sức ép từ việc gia tăng đầu tư quá mức. Một khi tổng cầu nội địa tăng cao đặc biệt là cầu đầu tư sẽ khiến cho nhu cầu nhập khẩu tăng vọt điều này gây thâm hụt thương mại thêm trầm trọng.

Khối lượng dự trữ ngoại tệ khiêm tốn khiến cho Việt Nam không thể giữ ổn định tỷ giá hối đoái khi sức ép giảm giá VND tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu tăng vọt. Khi VND bị mất giá đáng kể thì các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ và DN sẽ ngày một phình to. Đây là những hệ lụy nguy hiểm và cần được cân nhắc trong thời gian tới khi đưa ra các gói kích thích kinh tế lớn.

Thứ sáu, toàn bộ qui trình kiểm tra, giám sát, theo dõi và đánh giá việc thực hiện các giải pháp kích cầu đã không được thiết kế và vận hành một cách đồng bộ. Định hướng chính sách kích cầu hiện nay không rõ ràng và không có sự phân định giữa các khái niệm kích cầu hay kích cung, kích cầu hay giải cứu,…

Tất cả các gói chính sách ấy đều được gộp vào dưới cái tên “kích cầu” trong khi thiết kế của nó, hay tác động thực tế của nó, chưa chắc đã nhằm làm tăng tổng cầu trong nền kinh tế. Ví dụ chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ là kích cầu nếu DN vay vốn đó để đầu tư. Nhưng nếu DN vay vốn đó để đảo nợ thì sẽ không còn gọi là kích cầu được nữa, mặc dù nó vẫn có thể có tác dụng tích cực nào đó. Vấn đề không phải là đảo nợ là xấu hay tốt mà là chúng ta không theo dõi được tiến trình đó và có sự mâu thuẫn giữa chính sách dự định và thực tế chính sách. Về nguyên tắc thì hỗ trợ lãi suất cấm đảo nợ nhưng thực tế thì việc này vẫn diễn ra mà không thể kiểm soát được.

Một số đề xuất, giải pháp

Để những chính sách kích cầu nhanh chóng phát huy hiệu quả, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất như sau:

- Cần đánh giá và rút kinh nghiệm ngay việc thực hiện gói kích cầu 1 tỷ USD: bao nhiêu DN được vay vốn hỗ trợ lãi suất để đưa vào sản xuất kinh doanh? bao nhiêu lao động không bị mất việc nhờ các giải pháp kích cầu? bao nhiêu mặt hàng giảm giá bán lẻ nhờ giảm 50% thuế GTGT? bao nhiêu DN được giảm thuế TNDN và số tiền đó là bao nhiêu? bao nhiêu dự án được đầu tư mới?... Và quan trọng hơn cả là những bài học gì cần rút ra cho việc thực hiện các giải pháp tiếp theo?

- Đảm bảo gói kích cầu thứ 2 được thiết kế một cách có chủ đích, có tính toán cẩn trọng, với đúng nghĩa "kích cầu". Từng nhóm giải pháp cần được luận cứ cụ thể, có cơ chế vận hành cụ thể, bảo đảm tính minh bạch cho mỗi đồng tiền chi ra và dự liệu cả các tác động tích cực lẫn những rủi ro có thể phát sinh. Chỉ có như vậy, các giải pháp mới phát huy được tác dụng tối đa, cả về lợi ích kinh tế, quan trọng hơn, tạo dựng lòng tin vào cách thức quản trị và điều hành của các cơ quan chính phủ.

- Vận hành quyết liệt hệ thống giám sát, theo dõi đánh giá việc thực hiện các giải pháp kích cầu. Mỗi đồng tiền chính phủ chi tiêu đều là tiền ngân sách. Các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thanh tra, giám sát và cả cộng đồng cần vào cuộc và có cơ chế rõ ràng để vào cuộc. Dứt khoát ngăn chặn xu hướng "đục nước béo cò" hoặc tạo tâm lý dễ dãi sinh ra tùy tiện. Không thể vin cớ "khó khăn", "cấp bách" mà loại trừ các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.

- Phải đặt chính sách kích cầu vào trong tổng thể chung chính sách của Nhà nước và phải được phối hợp đồng bộ và hiệu quả với các chính sách vĩ mô khác. Cụ thể là đối với chính sách tiền tệ, cần tiếp tục từng bước điều chỉnh chính sách tỷ giá trong mối quan hệ với chính sách lãi suất (tiền VND và USD) một cách hợp lý.

Bởi vì nếu vẫn để VND mạnh một cách tương đối so với USD, trong khi USD vẫn đang lên giá so với các đồng ngoại tệ khác, thì sẽ làm giảm sức cạnh tranh, đồng thời khuyến khích nhập khẩu - và đây rõ ràng là những điều chúng ta không muốn. Đối với chính sách tài khóa, vì đầu tư công của Nhà nước đã rất cao nên ưu tiên hiện nay không phải là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công mà là điều chỉnh cơ cấu và tăng cường hiệu quả. Nhà nước cần có chính sách cơ cấu lại và kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư công để tránh lạng phí.

Bên cạnh các chính sách tài khóa và tiền tệ, Nhà nước cần chú trọng đúng mức đến các chính sách xã hội, đặc biệt là hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong bối cảnh kinh tế suy giảm. Cụ thể là cần nhanh chóng có những chính sách hạn chế tình trạng thất nghiệp, hỗ trợ người lao động mất việc, trợ cấp cho những hộ nghèo ở cả thành thị và nông thôn.

- Đầu tư thỏa đáng cho việc nghiên cứu và xây dựng các phương án dài hạn hơn, khởi động các bước đi cần thiết để thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, thay đổi cơ bản cơ cấu và thể chế, chuẩn bị sẵn sàng cho sự phát triển của đất nước sau khủng hoảng.

Những bất ổn vĩ mô có tính nội tại cùng với tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đã giúp chúng ta nhận diện rõ những yếu kém nội tại, có tính cơ cấu của nền kinh tế. Đây chính là lúc chúng ta cần sáng suốt và đẩy mạnh quyết tâm khắc phục những yếu kém nội tại, thực hiện những cải cách có tính cơ cấu tuy rất khó khăn nhưng hứa hẹn sẽ đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.
 

Một số tiêu chuẩn để lựa chọn chính sách kích cầu

Thứ nhất, phải có trọng tâm, trọng điểm, không rải mành mành theo lối bình quân chủ nghĩa, phân tán, manh mún…, nhưng cũng không để xảy ra tình trạng “nước chảy chỗ trũng” hoặc tái diễn tình trạng “xin - cho”, “chạy” dự án để được ưu tiên vốn hoặc lãi suất kích cầu. Trọng tâm ưu tiên kích cầu hiện nay là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực kinh tế tư nhân, các DN vừa và nhỏ.

Thứ hai, kích cầu phải phát huy tác dụng nhanh, mang tính ngắn hạn, khẩn cấp do vậy tiêu chí thời gian phát huy tác dụng rất quan trọng.

Thứ ba, hiệu quả của gói kích cầu phải đến được các đối tượng bị tổn thương nhiều trong khủng hoảng kinh tế, tầng lớp dân nghèo, yếu thế ở khu vực nông thôn, lao động thất nghiệp.

Thứ tư, kích cầu được triển khai đồng bộ trên cả 2 góc độ sản xuất và tiêu dùng.