Tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Mỹ
Dựa trên mô hình trọng lực trong thương mại quốc tế, mô hình kinh tế lượng VAR và mô hình hiệu chỉnh sai số VECM, bài viết xem xét mức độ tác động của chính sách tỷ giá đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường Mỹ trong ngắn hạn và dài hạn, từ đó đưa ra những đánh giá và khuyến nghị góp phần phát huy vai trò tích cực của chính sách tỷ giá đến xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Mỹ.
Đặt vấn đề
Xuất khẩu và chính sách tỷ giá hối đoái là 2 vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Chính sách tỷ giá của Việt Nam thời gian qua đã gắn liền với chính sách đổi mới, hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại, góp phần tăng trưởng kinh tế. Trong quá trình đổi mới, Việt Nam luôn coi xuất khẩu là động lực chính để tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong những năm qua, xuất khẩu Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích nổi bật. Mỹ trở thành một trong những đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, với thặng dư thương mại của Việt Nam ở thị trường Mỹ ngày càng tăng. Giai đoạn 2011-2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng bình quân đạt 12,73% còn kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng bình quân đạt 18,5%. Nếu như năm 2011, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm 17,47% thì đến năm 2020 tỷ trọng này đã đạt mức kỷ lục 27,28%.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đã đạt gần 30 tỷ USD (đạt 40% mức kim ngạch của cả năm 2020) và tăng gấp 49% so với mức kim ngạch cùng kỳ năm trước (20,14 tỷ USD) dù đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, có lúc Mỹ đã cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế. Do đó, nghiên cứu về vai trò của chính sách tỷ giá đối với xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Mỹ là cần thiết.
Trên thế giới có nhiều nghiên cứu về vai trò, tác động của chính sách tỷ giá đến xuất khẩu, nhưng chưa tập trung phân tích trường hợp điển hình ở Việt Nam. Việt Nam cũng có nghiên cứu liên quan đến vấn đề này nhưng thường phân tích tác động của tỷ giá đến cán cân thương mại, lạm phát, tăng trưởng hoặc các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế trong khi các điều tra ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam trên một thị trường cụ thể như Mỹ chỉ có một vài nghiên cứu nhưng tập trung vào 1-2 nhóm hàng cụ thể (thủy sản, nông sản) và trong các giai đoạn trước 2017. Do đó, xét cả về mặt khoa học và thực tiễn, lý thuyết và thực nghiệm, thì việc nghiên cứu vai trò của chính sách tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu Việt Nam trên thị trường Mỹ có tính cấp thiết.
Vai trò của chính sách tỷ giá đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ
Tương quan chính sách tỷ giá và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ
Mục tiêu của chính sách tỷ giá của Việt Nam là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bền vững, góp phần khuyến khích xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối… Để thực hiện các mục tiêu này, Việt Nam đã sử dụng nhiều công cụ điều hành tỷ giá khác nhau như: Biên độ tỷ giá, điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu; điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc; nghiệp vụ ngoại hối; quản lý chặt thị trường ngoại hối, giảm tình trạng đô la hóa.... Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở ngày càng lớn, nhạy cảm với những biến động của thế giới, Việt Nam đã có sự thay đổi lớn trong việc xác định tỷ giá chính thức từ tỷ giá liên ngân hàng sang tỷ giá trung tâm. Tỷ giá hối đoái của Việt Nam giai đoạn từ tháng 01/2011 đến tháng 5/2021 được biểu hiện qua Hình 1.
Theo Hình 1, tỷ giá có xu hướng tăng nhưng với mức điều chỉnh tăng nhẹ, ổn định hàng năm (khoảng 1-2%), trừ một số mốc như lần phá giá cao nhất trong lịch sử (9,3%/năm) vào giữa tháng 2/2011 và giảm biên độ từ +/-2% xuống còn +/-1%. Đặc biệt, trong năm 2015, xuất phát từ bối cảnh bất ổn của thế giới, trong đó có sự phá giá NDT của Trung Quốc, VND có 3 lần phá giá và biên độ giao dịch được nới từ +/- 2% lên +/- 3%. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã giảm tỷ giá trung tâm 81 lần (nhưng chỉ dao động khoảng từ 1 đến 15 đồng) và có 3 lần lập đỉnh mới do những biến động lớn từ môi trường quốc tế (cuối tháng 4/2019, đạt mức 23.004 đồng; đầu tháng 8/2019, mốc mới tại 23.115 đồng và cuối tháng 12/2019, chạm mức 23.169 đồng).
Trong 5 tháng đầu năm 2021, tỷ giá trung tâm giảm 46 lần với mức giảm cao nhất là 21 đồng, trong khi mức tăng cao nhất là 19 đồng. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND được đánh giá vẫn ổn định, dao động phổ biến quanh mức 23.150 USD/VND - 23.200 USD/VND, trong khi cùng khoảng thời gian, nhiều đồng tiền có quan hệ thương mại đầu tư với Việt Nam biến động mạnh như: JPY giảm 7,26%, EUR giảm 4,12%, CNY giảm 0,57%...
Hình 1 cũng cho thấy, về mặt tổng thể thì tỷ giá và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Mỹ biến động cùng chiều với nhau và cùng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng của tỷ giá và xuất khẩu khác nhau, thậm chí, ở những thời điểm nhất định, chẳng hạn tháng 3/2017, tháng 2/2019, tháng 1/2020, mặc dù tỷ giá tăng nhưng xuất khẩu giảm. Như vậy, ngoài yếu tố tỷ giá thì còn có yếu tố tác động đến xuất khẩu của Việt Nam như yếu tố thời vụ, nhu cầu của thị trường...
Tương quan chính sách tỷ giá và cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ
Với chính sách tỷ giá tương đối ổn định trong thời gian dài và đôi khi có tăng nhẹ thì cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực, góp phần nâng cao giá trị và giá trị giá tăng trong kim ngạch xuất khẩu. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ dịch chuyển theo hướng giảm dần hàm lượng xuất khẩu thô và nông sản, tăng dần xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp và hàng công nghiệp cao, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi xuất khẩu và cung ứng toàn cầu.
Theo Hình 2, tỷ giá tăng dần nhưng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh, từ 12.535 triệu USD năm 2011 lên 47.974 triệu USD năm 2020, tỷ trọng của nhóm hàng này cũng tăng từ 4,5% năm 2011 lên mức 25,2% vào năm 2020 và ngược lại tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 4,5% năm 2011 xuống còn 1,7% năm 2020.
Tương quan chính sách tỷ giá và mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ
Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhiều loại hàng khác nhau. Nếu như năm 2011, Việt Nam chỉ có 03 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang thị trường Mỹ thì đến năm 2020 đã có 11 mặt hàng (chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ).
Tại thị trường Mỹ năm 2020, Việt Nam có 03 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD và 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 5 -10 tỷ USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng khá nhanh trong 10 năm qua, góp phần quan trọng giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường Mỹ.
Nếu so sánh kim ngạch năm 2020 với năm 2015 thì kim ngạch xuất khẩu túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng 7,2%; thủy sản tăng 23,9%; hàng dệt may tăng 27,9%; giày dép tăng 54,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 631,3%; phương tiện vận tải tăng 165,3%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 171,4%; điện thoại và linh kiện tăng 217,9%; máy vi tính và linh kiện tăng 267,1%. Chỉ tính quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may tăng 6%, máy vi tính tăng 46% và mặt hàng máy móc thiết bị tăng 174% so với cùng kỳ năm trước.
Hình 3 thể hiện kết quả của chính sách tỷ giá từ quý I/2011 đến quý I/2021 cùng sự biến động của kim ngạch xuất khẩu 06 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ. Dù tỷ giá và kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường Mỹ có xu hướng tăng nhưng tốc độ tăng của các nhóm hàng là khác nhau. Đánh giá mức độ ảnh hưởng của tỷ giá đến việc tăng khả năng xuất khẩu của Việt Nam còn những hạn chế nhất định, do đặc thù cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Thứ nhất, nhóm hàng nông lâm thủy sản có độ co giãn theo giá thấp trên thị trường thế giới nên lợi thế về giá (nếu có được nhờ chính sách tỷ giá) chưa đủ mạnh để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, trong khi nguồn cung của các mặt hàng này lại phụ thuộc vào các điều kiện khách quan như thiên nhiên, thời tiết và cầu hàng hóa lại phụ thuộc vào sự biến động tình hình kinh tế thế giới hơn là phụ thuộc vào tỷ giá.
Thứ hai, nhóm hàng gia công (dệt may, giày dép...) mặc dù có độ co giãn của cầu theo giá cao hơn nhưng các mặt hàng này lại phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, do đó những lợi thế về tỷ giá xuất khẩu lại bị triệt tiêu bởi những bất lợi do tỷ giá khi nhập khẩu nguyên liệu.
Thứ ba, nhóm hàng công nghệ (điện thoại, sản phẩm điện tử và linh kiện...) có sự tăng trưởng nhanh, mạnh hơn nhiều so với sự biến động của tỷ giá, đặc biệt trong vài năm gần đây. Nhóm hàng này chủ yếu của doanh nghiệp FDI, có đóng góp nhiều cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Mỹ nhưng đi kèm với đó là sự gia tăng nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu … Do vậy, việc giảm giá VND trong thời gian qua chưa thể làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu bởi năng lực cạnh tranh chịu tác động bởi nhiều yếu tố đan xen nhau.
Tác động của chính sách tỷ giá đến xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Mỹ
Dữ liệu và nguồn dữ liệu
Tác giả sử dụng dữ liệu thứ cấp theo quý (từ quý I/2011 đến quý IV/2020) với 40 quan sát. Dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu định lượng được thu thập từ nguồn số liệu thứ cấp từ FRED, IMF, Ngân hàng Nhà nước; Tổng cục Thống kê; Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Mô hình nghiên cứu
Dựa trên lý thuyết trọng lực trong thương mại quốc tế, nghiên cứu xây dựng mô hình:
EX = f(ER, TB, CPIUS, CPIVN, GDPUS, GDPVN) (*)
trong đó, EX là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ; ER là tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – tỷ giá được tham chiếu tính giá trong các giao dịch thương mại quốc tế; CPI là chỉ số giá tiêu dùng; GDP là tổng sản phẩm quốc nội; TB là chênh lệch giữa tỷ giá trần và tỷ giá sàn, được tính toán dựa trên tỷ giá chính thức (tỷ giá trung tâm) và biên độ do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Các dữ liệu trong phương trình (*) được nhập vào phần mềm Eviews. Riêng biến xuất khẩu có trị số lớn do đó sử dụng biến lnEX thay thế, nhằm giảm bớt xu thế. Biến CPIUS và GDPVN không có ý nghĩa thống kê nên được loại ra khỏi mô hình. Mô hình được sử dụng cho nghiên cứu tiếp theo là:
LnEXt =α0 + α 1ERt + α2TBt + α3CPIVt + α4GDPFt + αt (**)
Kết quả nghiên cứu
Kiểm định tính dừng của các biến trong mô hình: Kết quả kiểm định cho thấy, tất cả các chuỗi đều không dừng ở chuỗi gốc, nhưng sau khi lấy sai phân bậc 1 đều trở thành chuỗi dừng. Mô hình VAR được ước lượng với các chuỗi số liệu ở dạng sai phân bậc nhất.
Xác định độ trễ tối ưu: Dựa vào kết quả mô hình VAR, nghiên cứu chọn độ trễ phù hợp là 3.
Kiểm định tự tương quan: Kết quả cho thấy phần dư không bị tự tương quan.
Kiểm định tính đồng liên kết giữa các biến trong mô hình: Mô hình có 3 quan hệ đồng liên kết. Với kết quả này, nghiên cứu sẽ thực hiện ước lượng theo mô hình VECM để tìm hiểu mối quan hệ trong dài hạn và mô hình VAR để tìm hiểu mối quan hệ trong ngắn hạn giữa các biến.
- Kết quả ước lượng ở mô hình VECM cho thấy, hệ số c(1) = -0,86799 < 0 và P_value = 0,0025 < 0,05, chứng tỏ các biến độc lập có tác động dài hạn đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Trong ngắn hạn, giá trị xuất khẩu Việt Nam trên thị trường Mỹ ở các thời kỳ trước có tác động ngược chiều đến xuất khẩu hiện tại với độ trễ từ 2 đến 3 thời kỳ; biến GDP_US có tác động đến giá trị xuất khẩu với độ trễ 2 thời kỳ. Đặc biệt, tỷ giá không ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong ngắn hạn.
- Ước lượng mô hình VAR với 2 độ trễ cho kết quả Adjusted R-squared = 0,947440 chứng tỏ các biến trong mô hình giải thích tốt sự biến động của biến xuất khẩu. Xuất khẩu ở thời kỳ trễ 1 bước có tác động khá lớn lên chính nó; Biến GDP_US có tác động nhỏ và ngược chiều; Biến TB cũng có tác động ngược chiều lên xuất khẩu, nghĩa là chênh lệch tỷ giá trần-sàn càng lớn thì xuất khẩu càng giảm nhưng mức tác động không đáng kể. Hệ số Prob(F-statistic) =0 cho thấy mô hình phù hợp.
Phân tích phương sai: Trong suốt 10 thời kỳ, đóng góp của yếu tố tỷ giá vào xuất khẩu tăng chậm và chỉ chiếm 8,204% ở thời kỳ cuối cùng, trong khi 59,2745% tăng xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Mỹ được giải thích bởi tăng lên của chính xuất khẩu các kỳ trước đó. Trong ngắn hạn, gần như tỷ giá không có tác động đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Phân tích phản ứng của biến xuất khẩu trước cú sốc của các biến khác: Xuất khẩu phản ứng với cú sốc tỷ giá ngay ở kỳ thứ nhất và chỉ ổn định từ kỳ thứ 8 trở đi. Xuất khẩu cũng sụt giảm nhanh chóng khi có cú sốc từ biến GDP_US và ổn định trở lại quan hệ cân bằng từ thời kỳ thứ 5 trở đi. CPI gây phản ứng sốc cho xuất khẩu ngay kỳ thứ nhất, nhưng trở lại cân bằng từ quý I năm sau.
Đánh giá vai trò của chính sách tỷ giá tới xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Mỹ
Chính sách tỷ giá của Việt Nam trong giai 2011-2020 đã bám sát diễn biến của thị trường ngoại tệ trong nước và quốc tế, chính sách tỷ giá của Việt Nam được đánh giá tương đối ổn định, góp phần tác động tích cực đến xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường Mỹ - kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, hiệu quả của chính sách tỷ giá đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ còn thấp, có độ trễ và chưa tận dụng được lợi thế của Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này:
- VND bị đánh giá cao so với USD bởi lạm phát Việt Nam cao hơn của Mỹ, ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cạnh tranh hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cũng như việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cho xuất khẩu. Do đó, chính sách tỷ giá thời gian qua chú trọng giảm giá VND so với USD nhưng chưa xem xét liệu VND có mất giá so với các đối tác thương mại chính hay không, trong khi các quốc gia này lại cung cấp đầu vào xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách neo tỷ giá có điều chỉnh cũng gây không ít bất lợi cho nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng, tạo cho doanh nghiệp xuất khẩu thói quen ỷ nại, ít chú ý nỗ lực đổi mới doanh nghiệp, đổi mới công nghệ và gia tăng giá trị của sản phẩm xuất khẩu...
- Thị trường ngoại hối phát triển chậm, chính sách quản lý ngoại hối còn lỏng lẻo, chưa kiểm soát được chặt và hiệu quả các nguồn ngoại tệ ra vào. Việc điều hành tỷ giá còn mang nặng tính hành chính.
- Gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, không tạo ra nhiều giá trị thặng dư. Thực trạng này khiến xuất khẩu của Việt Nam trở nên nhạy cảm và phụ thuộc vào biến động của kinh tế thế giới và các doanh nghiệp FDI. Vì vậy, trong thặng dư thương mại với Mỹ, chỉ một phần nhỏ là của Việt Nam do phải bù đắp cho thâm hụt ở những thị trường mà Việt Nam xuất khẩu yếu tố đầu vào.
- Việt Nam kết nối nhiều hơn với kinh tế toàn cầu và cũng trở nên nhạy cảm hơn so với những biến động bên ngoài, đặc biệt khi các vấn đề toàn cầu ngày càng diễn biến phức tạp. Quá trình tự do hóa thương mại diễn ra mạnh nhưng cùng với đó là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại, tạo ra thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Một số đề xuất, khuyến nghị
Việt Nam trong quá trình đổi mới đã coi xuất khẩu là động lực chính để tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế. Để hướng đến mục tiêu xuất khẩu mà không bị cáo buộc là thao túng tiền tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Lựa chọn công cụ điều hành tỷ giá thúc đẩy xuất khẩu
Về phá giá nội tệ: VND hiện đang được định giá cao tương đối so với USD nên áp lực giảm giá VND trong giai đoạn tới là khá lớn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của chính sách tỷ giá, cụ thể là công cụ phá giá đến xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường Mỹ còn hạn chế và có độ trễ do xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ còn chịu nhiều tác động của yếu tố khác ngoài tỷ giá (GDP, suy thoái kinh tế, chất lượng, mẫu mã, thương hiệu…).
Thực tế cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nên khi phá giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhập khẩu, tăng chi phí đầu vào, thu hẹp sản xuất trong nước và sẽ thu hẹp khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, dẫn đến thu hẹp xuất khẩu. Nghiên cứu định lượng cho thấy, trong ngắn hạn, sự biến động của tỷ giá gần như không ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Trong suốt 10 thời kỳ, đóng góp của yếu tố tỷ giá vào xuất khẩu tăng chậm và chỉ chiếm 8,204% ở thời kỳ cuối cùng.
Chính vì vậy, việc phá giá mạnh VND chưa đủ đảm bảo cơ sở vững chắc cho việc tăng trưởng nhanh xuất khẩu, Việt Nam không nên phá giá mạnh đồng nội tệ khi quy mô, cơ cấu và chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa được cải thiện. Ngoài ra, Việt Nam cần tránh phá giá đồng nội tệ (giá trị danh nghĩa hoặc thực tế) liên tục để tránh việc bị Mỹ cáo buộc “thao túng tiền tệ” và có những biện pháp trừng phạt như: Áp thuế quan và rào cản thương mại làm cản trở hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Về quy định biên độ xác định tỷ giá: Theo kết quả nghiên cứu định lượng, chênh lệch tỷ giá trần - sàn có tác động ngược chiều lên xuất khẩu nhưng mức tác động không đáng kể. Việt Nam tiếp tục sử dụng tỷ giá trung tâm để theo sát diễn biễn của thị trường; áp dụng chế độ tỷ giá thả nổi có điều tiết nhưng trong ngắn hạn, biên độ thu hẹp để ổn định tỷ giá và trong dài hạn thì tăng dần mức độ thả nổi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường ngoại hối.
Công cụ điều hành chính sách tỷ giá trong ngắn và dài hạn:
- Trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện linh hoạt các biện pháp mang tính trực tiếp (can thiệp mua bán ngoại tệ trên thị trường, điều chỉnh tỷ giá, điều chỉnh biên độ nếu cần), cũng như các biện pháp mang tính hành chính. Tuy nhiên, cần tránh mua/bán khối lượng ngoại tệ lớn, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ.
- Trong dài hạn, công cụ trực tiếp mang tính hành chính của chính sách tỷ giá sẽ dần bị hạn chế, thay vào đó là công cụ gián tiếp như lãi suất…
Hoàn thiện cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái
Để phát huy vai trò tích cực của chính sách tỷ giá đến xuất khẩu Việt Nam trên thị trường Mỹ, Việt Nam cần xác định rõ các mục tiêu và khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ nhất quán, minh bạch, phù hợp với từng giai đoạn phát triển; Tăng cường công tác dự báo và kiên định trong việc theo đuổi những mục tiêu dài hạn về lạm phát và tăng trưởng. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước nên điều hành chính sách tiền tệ theo hướng gia tăng niềm tin của người dân về giá trị VND, qua đó giúp ổn định tỷ giá.
Các giải pháp hỗ trợ và điều kiện
- Phối hợp hiệu quả chính sách tỷ giá với chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất, chính sách tài khóa và chi tiêu Chính phủ và xây dựng cơ chế phối hợp giữa Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước
- Đổi mới mô hình tăng trưởng xuất khẩu hướng tới xuất khẩu bền vững để khai thác lợi thế cạnh tranh động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả xuất khẩu. Muốn vậy, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng ngành giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng nhập khẩu đầu vào của hàng hóa xuất khẩu. Nhà nước cần có các hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động xuất nhập khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu.
Kết luận
Xuất khẩu và chính sách tỷ giá hối đoái là hai vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Theo kết quả nghiên cứu định tính, ngoài tỷ giá thì xuất khẩu còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác, trong đó có đặc thù về cơ cấu, mặt hàng Việt Nam xuất khẩu tại Mỹ. Kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy, trong ngắn hạn, sự biến động của tỷ giá gần như không ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Chênh lệch giữa tỷ giá trần và tỷ giá sàn càng lớn thì xuất khẩu càng giảm nhưng mức tác động không đáng kể.
Trong suốt 10 thời kỳ, đóng góp của yếu tố tỷ giá vào xuất khẩu tăng chậm và chỉ chiếm 8,204% ở thời kỳ cuối cùng. Những kết quả này là một trong những minh chứng quan trọng để khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.
Vì vậy, để hướng đến mục tiêu xuất khẩu, ngoài việc hoàn thiện chính sách tỷ giá; phối hợp hiệu quả chính sách tỷ giá hối đoái với chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất và chính sách tài khóa thì Việt Nam cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng xuất khẩu hướng tới xuất khẩu bền vững. Điều kiện để thực hiện là cần có sự gắn kết của các cơ quan quản lý nhà nước, sự phối kết hợp thống nhất và nhịp nhàng của các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, đồng thời cần có sự đồng thuận và nỗ lực từ phía các doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Mai Trang và Thiều Quang Hiệp(2016), Chính sách tỷ giá hối đoái hướng tới mục tiêu xuất khẩu, Tạp chí Ngân Hàng, số18 (9/2016), 15-18;
2. Ngân hàng Nhà nước (2020), Báo cáo đánh giá về cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam thời kỳ 2021-2020 và phương hướng mục tiêu của thời kỳ 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025;
3. Nguyễn Thị Thu Hương (2017), Tỷ giá hối đoái trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn và gợi ý đối với Việt Nam, Tạp chí NCKH Viện Đại học Mở Hà Nội;
4. Trần Thị Thanh Huyền(2018), Exchange rate policy and macroeconomic stability in Vietnam. VNU Journal of Science:Economic and Business, Vol.34, No.2 , trang 1-16;
5. IMF (2020), Staticstic from 2009-2020.
(*) Nguyễn Thị Thu Hương – Trường Đại học Mở Hà Nội.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.