Tác động của đại dịch Covid-19 và giải pháp ứng phó của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch


Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề đến mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Bài viết nhận diện những tác động của đại dịch Covid-19, cũng như xu hướng phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới, từ đó gợi mở giải pháp giúp các doanh nghiệp du lịch Việt Nam thích ứng và phục hồi trong bối cảnh mới.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Những tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành Du lịch Việt Nam

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt mặt kinh tế - xã hội Việt Nam, nhất là đối với ngành Du lịch. Theo thống kê, trong năm 2020, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, du lịch Việt Nam đã gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề. Nhiều kế hoạch hầu như không thực hiện được, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa sụt giảm mạnh.

Năm 2020, có 201 công ty lữ hành xin cấp giấy phép mới, song có tới 338 công ty xin thu hồi giấy phép. Phần đa các công ty lữ hành quốc tế chuyển sang kinh doanh lữ hành nội địa. 26.721 hướng dẫn viên, với 16.965 cũng chuyển sang hướng dẫn nội địa hoặc chuyển nghề.

Tổng số lượt du khách do các cơ sở lưu trú phục vụ trong năm 2020 chỉ đạt 97,3 triệu lượt khách, giảm 44% so với năm 2019; số lượt du khách do các công ty lữ hành phục vụ chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt khách, giảm 80,1%.

Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 78,7% so với năm 2019, chỉ đạt 3,8 triệu lượt người. Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm mạnh, kéo theo doanh thu của các cơ sở lưu trú và lữ hành sụt giảm nghiêm trọng, năm 2020 chỉ đạt khoảng 61,8 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 43,2% so với năm 2019.

Khảo sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy, trong năm 2020, cả nước có 3.339 doanh nghiệp (DN) lữ hành, trong đó 2.519 DN lữ hành quốc tế, 820 DN lữ hành nội địa, nhưng trong số đó có trên 95% DN du lịch tạm dừng hoạt động, khoảng 20-30% DN du lịch có nguy cơ phá sản.

Năm 2020, có 201 công ty lữ hành xin cấp giấy phép mới, song có tới 338 công ty xin thu hồi giấy phép. Phần đa các công ty lữ hành quốc tế chuyển sang kinh doanh lữ hành nội địa. 26.721 hướng dẫn viên, với 16.965 cũng chuyển sang hướng dẫn nội địa hoặc chuyển nghề.

Trên cả nước có hơn 30.000 cơ sở lưu trú, với 650.000 phòng, nhưng công suất phòng ở các tỉnh, thành phố chỉ đạt 20 - 25%; một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhiều khách sạn phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, vì không cầm cự nổi.

 Số lượng nhân viên nghỉ việc tại các công ty du lịch ngày càng tăng. Qua khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, có tới 18% số DN đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% DN cho từ 50-80% nhân viên nghỉ việc; 75% DN có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động bị mất việc làm.

Theo báo cáo từ các địa phương, trong năm 2020, mặc dù đã chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19 nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh đến lĩnh vực du lịch vẫn là rất nặng nề. Minh chứng như: Năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đón 1,3 triệu lượt khách quốc tế (giảm 85% so với năm 2019); Khánh Hoà đón 1,2 triệu lượt khách (giảm 82,3% so với năm 2019), trong đó khách quốc tế chỉ đạt 435.000 lượt (giảm 87,8% so với năm 2019); Đà Nẵng chỉ đón khách 881.000 lượt khách quốc tế (giảm 69,2% so với năm 2019); Quảng Ninh đón 536.000 lượt khách quốc tế (giảm 90,6% so với năm 2019)… Sở Du lịch Hà Nội cho biết, số lao động tạm thời nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động tại các DN lữ hành, vận chuyển trên địa bàn chiếm khoảng 50-90%.

Một số các sự kiện quảng bá, xúc tiến điểm đến trong kế hoạch công tác năm 2020 đã không thực hiện được như: Năm Du lịch quốc gia 2020 - Ninh Bình chuyển sang năm 2021 thực hiện; quảng bá nhân sự kiện giải đua xe F1; Hội chợ WTM (Anh), MITT (Nga), ITB (Đức), ITE (TP. Hồ Chí Minh)... buộc các DN hoạt động trong ngành Du lịch chuyển đổi mạnh mẽ cả về tư duy và phương pháp quản lý.

Tổ chức Du lịch thế giới dự báo, du lịch quốc tế sẽ phải mất từ 3 - 4 năm để phục hồi. Trong khi, đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp, bào mòn năng lực của DN, nhất là đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hiện đang gặp khó khăn về tài chính, nhiều DN chuyển nhượng hoặc chuyển hướng kinh doanh; thu nhập người lao động giảm mạnh, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng khá lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu thị trường giảm sút; nhiều chính sách hỗ trợ dù đã có chủ trương nhưng chưa đến được với DN và người lao động.

Thực tế này buộc ngành Du lịch Việt Nam phải chuyển hướng, tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2021, du lịch nội địa sẽ là một trong những đòn bẩy để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong đó yếu tố an toàn, tuân thủ nghiêm túc quy định phòng, chống dịch tiếp tục được các DN lữ hành và du khách đặt lên hàng đầu.

Xu hướng phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới

Mặc dù tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến ngành Du lịch Việt Nam là hiện hữu và nặng nề nhưng cũng gợi mở nhiều cơ hội để Du lịch Việt Nam vượt qua thách thức. Trải qua 4 đợt dịch bệnh Covid-19, thị trường đã thay đổi về hành vi tiêu dùng, theo đó nhu cầu của khách du lịch cũng dần thay đổi, chú trọng nhiều hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, bảo hiểm du lịch, tránh tiếp xúc đông người; nhu cầu đối với các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở, biệt lập gia tăng; lựa chọn các điểm du lịch gần, cắt ngắn thời gian các kỳ nghỉ, kế hoạch đi du lịch được xây dựng linh hoạt hơn so với trước. Thay vì ưu tiên về giá cả, khách hàng sẽ ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao… Để thích ứng, Du lịch Việt Nam tất yếu sẽ phải chuyển đổi và phát triển theo các xu hướng sau:

Kinh doanh du lịch trực tuyến: Đứng trước áp lực không có doanh thu và phải đóng cửa do dịch bệnh, khách hàng ngại tiếp xúc trực tiếp, các DN đã kịp thời chuyển hướng sang hình thức kinh doanh trực tuyến. Các DN kinh doanh lưu trú đã tăng cường liên kết với các hãng lữ hành, hàng không xây dựng các gói sản phẩm kích cầu; kết hợp với các hãng lữ hành xây dựng gói dịch vụ combo gồm vé máy bay và phòng khách sạn giá siêu ưu đãi; tổ chức các tour ưu đãi, giảm giá sâu đối với phân khúc khách hàng truyền thống; mở rộng tới đối tượng khách lẻ và khách nội địa; tận dụng thời gian này để nâng cao nghiệp vụ tại chỗ…

Bên cạnh đó, thông qua điện thoại và email, bộ phận kinh doanh của các DN liên tục duy trì mối quan hệ và gia tăng nguồn khách hàng thay thế. DN cũng chủ động thông báo với khách hàng về sự chuyển đổi, kế hoạch, chương trình ưu đãi... Tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, thông qua việc cung cấp nhiều gói sản phẩm ưu đãi, hấp dẫn du khách.

Phát triển hệ thống điều khiển không cần tiếp xúc hay chạm tay: Đại dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu về giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc, nâng cao tầm quan trọng của tính năng hệ thống điều khiển không cần tiếp xúc hay chạm tay đối với các lĩnh vực lưu trú, tự động hóa. Thông qua tính năng kết nối internet hay bluetooth, khách hàng có thể điều khiển được tivi, hệ thống chiếu sáng trong phòng, loa âm thanh, rèm cửa hay thậm chí là máy điều hòa… Theo đó, các điểm đến du lịch có thể áp dụng hình thức này, thay cho việc sử dụng vé vào cửa truyền thống.

Thay đổi thiết kế của không gian lưu trú: Phòng lưu trú của du khách sẽ không chỉ là nơi để nghỉ ngơi mà còn được kết hợp nhiều chức năng như phòng tập thể dục, phòng ăn và văn phòng. Điều này đòi hỏi hệ thống phòng, khu nghỉ dưỡng… cần thiết kế lại phù hợp hơn.

Đề xuất giải pháp

Năm 2020, nhờ kiểm soát dịch bệnh Covid-19, thành công được cộng đồng các nước trên thế giới đánh giá cao, Việt Nam có khá nhiều lợi thế phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là đối với lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong nước và trên thế giới tiếp tục phức tạp, dự báo bức tranh du lịch toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Thị trường nội địa vẫn giữ vai trò cốt yếu, thị trường du lịch quốc tế cần thêm thời gian để khôi phục, kể cả khi dịch bệnh kết thúc. Năm 2021, với nỗ lực tìm hướng đi phù hợp, ngành Du lịch Việt Nam xác định phương châm hành động là “Liên kết, hành động và phát triển”, trong đó tiếp tục tập trung khôi phục, phát triển du lịch nội địa. Theo đó, thời gian tới các DN du lịch cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, tập trung khai thác thị trường du khách chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn thị trường; chuyển đổi số trong phát triển du lịch, nhất là trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm du lịch…

Hai là, đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển du lịch; Tăng cường tổ chức các hoạt động liên kết, phối hợp giữa các đơn vị là cơ quản quản lý nhà nước với các hiệp hội nghề nghiệp như: Tổ chức Du lịch Thế giới, Hiệp hội Du lịch ASEAN, Hội đồng Du lịch quốc tế…; Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, đối thoại giữa DN, chuyên gia; Tổ chức các hoạt động thường kỳ như: Hội chợ Du lịch Quốc tế, Diễn đàn Du lịch ASEAN… nhằm chia sẻ kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ phát triển.

Ba là, tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời, tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước. Theo đó, các chương trình kích cầu du lịch nội địa cần được triển khai nhanh chóng như: chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” với chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2...

Bốn là, các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn, các hãng hàng không bên cạnh việc thực hiện các chương trình kích cầu du lịch cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Năm là, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hợp lý hóa cơ cấu nhân lực ngành Du lịch; Nâng cao năng lực và chất lượng của hệ thống đào tạo du lịch đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực. Để làm chủ được những công nghệ mới thì đội ngũ nhân lực phải nắm vững các kiến thức và kỹ năng liên quan đến ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh du lịch.

Sáu là, nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch và nhân lực ngành Du lịch, tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.          

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020, Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;

2. Tổng cục Du lịch Việt Nam (2020), Ứng phó Covid-19 và phục hồi hoạt động du lịch, http://vietnamtourism.gov.vn;

3. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2019), “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Hà Nội;

4. Đoàn Mạnh Cường (2019),  Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vietnamtourism.gov.vn;

5. Lê Anh (2021), Ngành Du lịch Việt Nam cần có quyết tâm vượt khó, dangcongsan.vn.

(*) Vũ Thị Kim Thanh – Khoa Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp).

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2021