Phương pháp phân tích báo cáo kết quả hoạt động của các doanh nghiệp du lịch

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2021

Thông tin trên báo cáo tài chính được sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp và cả các bên liên quan bên ngoài doanh nghiệp như: Các nhà đầu tư, các chủ nợ, các nhà quản lý và ban điều hành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Những người sử dụng báo cáo tài chính phải phân tích các thông tin để đưa ra quyết định kinh doanh, do đó, phương pháp phân tích báo cáo tài chính là quan trọng. Hiện nay, có nhiều phương pháp để phân tích báo cáo tài chính, bài viết nghiên cứu, tìm hiểu hai phương pháp phân tích báo cáo kết quả hoạt động tại các doanh nghiệp du lịch.

Giới thiệu

Để đánh giá khái quát tình hình tài chính của công ty thông qua các chỉ số tài chính, có thể tiến hành phân tích báo cáo tài chính (BCTC) bằng nhiều cách. Việc phân tích BCTC công ty theo dạng so sánh là cần thiết. Các BCTC xếp thành dạng so sánh sẽ chỉ rõ các quá trình vận động, các xu thế, qua đó giúp người sử dụng BCTC dự kiến các kết quả hoạt động tài chính trong tương lai.

Phương pháp phân tích báo cáo kết quả hoạt động của các doanh nghiệp du lịch - Ảnh 1

Hoạt động kinh doanh dịch vụ nói chung, kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng mang tính thời vụ, phụ thuộc nhiều vào các điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, điều kiện di sản lịch sử văn hóa, phong cảnh, chùa chiền độc đáo, hấp dẫn.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cũng mang tính rủi ro cao. Có những loại hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch để hoàn thành sản phẩm dịch vụ phải đầu tư nhiều khoản kinh phí khác nhau, nhưng đôi khi vẫn không hoàn thành được số sản phẩm mong muốn, trong khi đó kết quả của nó (nếu có) thì nhiều ngành khác nhau được thụ hưởng.

Do vậy, để tổ chức một hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch doanh nghiệp (DN) cần phải bỏ rất nhiều chi phí (như chi phí quảng cáo, chi phí đặt khách sạn...) trước khi đi vào hoạt động, tuy nhiên, kết quả thu lại có thể chưa được như kỳ vọng.

Hơn nữa, trong lĩnh vực du lịch, có nhiều hoạt động nhỏ như lữ hành, lưu trú... Vì vậy, BCTC của các DN du lịch cần sử dụng các phương pháp phân tích làm cơ sở đánh giá về tình hình tài chính của DN.

Bài viết tập trung nghiên cứu, tìm hiểu về hai phương pháp phân tích báo cáo kết quả hoạt động cụ thể tại các doanh nghiệp du lịch đang áp dụng phổ biến hiện nay.

Phương pháp phân tích báo cáo kết quả hoạt động trong doanh nghiệp du lịch

Phương pháp phân tích theo chiều ngang

Phương pháp phân tích báo cáo kết quả hoạt động của các doanh nghiệp du lịch - Ảnh 2

Phương pháp phân tích BCTC thường liên quan đến việc so sánh các thông tin nhất định. Phân tích theo chiều ngang là so sánh các khoản mục cụ thể của BCTC qua một số chu kỳ kế toán.

Ví dụ như: Lợi nhuận gộp có thể được so sánh trong khoảng thời gian một vài tháng trong năm tài chính, hoặc doanh thu có thể được so sánh trong khoảng thời gian vài năm. Việc so sánh này được thực hiện bằng cách so sánh số tương đối và số tuyệt đối.

- So sánh số tuyệt đối: Phân tích BCTC theo chiều ngang là so sánh số tuyệt đối của các mặt hàng nhất định trong một khoảng thời gian theo công thức sau: Mức tăng (giảm) = Số cuối kỳ - Số đầu kỳ (của cùng 1 chỉ tiêu). Ví dụ, phương pháp này sẽ so sánh từng khoản mục doanh thu thực tế trong nhiều kỳ kế toán.

- So sánh số tương đối: Ngoài so sánh số tuyệt đối theo chiều ngang còn so sánh khoản chênh lệch về tỷ lệ phần trăm của các khoản mục nhất định trong một khoảng thời gian. Sự thay đổi tuyệt đối được chuyển thành sự thay đổi tỷ lệ phần trăm.

Để tìm hiểu phương pháp phân tích theo chiều ngang, có thể xét báo cáo kết quả hoạt động tóm tắt tại 1 DN như Bảng 1. Bảng 1 cho thấy, lợi nhuận sau thuế của tháng 6 giảm 74,31% so với tháng 3, tương ứng giảm 3.098,08 USD.

Tóm lại, phân tích BCTC theo chiều ngang sẽ giúp các nhà phân tích nắm được mức độ biến động tăng, giảm của từng chỉ tiêu và bản chất của các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới quá trình sinh lợi và trạng thái tài chính của công ty, qua đó có thể đưa ra các kết luận cần thiết cho công tác quản lý.

Phương pháp phân tích theo chiều dọc

Phân tích theo chiều dọc là một phương pháp phân tích BCTC, trong đó mỗi chỉ tiêu được biểu thị dưới dạng phần trăm theo một số liệu cơ sở trong bản báo cáo. Điều này có thể chỉ ra xu hướng và rất hữu ích trong việc đưa ra quyết định và giải thích về các phân tích theo chiều dọc của báo cáo kết quả kinh doanh.

Phân tích theo chiều dọc báo cáo kết quả kinh doanh liên quan đến việc so sánh từng khoản mục trên báo cáo kết quả kinh doanh với doanh thu.

Bảng 2 cho thấy, tỷ trọng của các khoản mục so với doanh thu có thay đổi nhưng không đáng kể. Chi phí thực phẩm và đồ uống tăng 1,44%, do vậy lãi gộp giảm thêm 1,44% so với năm tháng 3. Tuy nhiên, do các chi phí khác tăng 5,77%, nên lợi nhuận trước thuế của công ty giảm 7,21%.

Như vậy, phân tích theo chiều dọc sẽ giúp việc so sánh BCTC của các công ty và các ngành trở nên dễ dàng hơn. Không chỉ vậy, việc so sánh các giai đoạn trước để phân tích chuỗi thời gian cũng trở nên dễ dàng hơn, giúp các nhà quản lý thấy được hiệu suất đang được cải thiện hay xấu đi.  

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Thị Thủy, Nguyễn Thị Lan Anh (2018), Báo cáo tài chính Phân tích- dự báo và định giá, NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân;

2. Nguyễn Năng Phúc (2013), Giáo trình phân tích báo cáo tài chính, NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân;

3. Michael N. Chibili  (2010), Basic ManagementAccounting for the Hospitality Industry, Noordhoff Uitgevers;

4. https://smartrain.vn/cach-phan-tich-bao-cao-tai-chinh-cong-ty-don-gian-hieu-qua.html.