Tác động của môi trường kinh doanh đến phát triển kinh tế tư nhân vùng Đông Nam Bộ
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân vùng Đông Nam Bộ đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế các tỉnh trong Vùng…
Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) qua các năm cho thấy các bằng chứng về tác động của môi trường kinh doanh đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Bài viết sẽ làm rõ mối quan hệ này trong giai đoạn 2005 - 2018, qua đó gợi ý giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của kinh tế tư nhân vùng Đông Nam Bộ.
Môi trường kinh doanh và sự gia tăng số lượng doanh nghiệp
Kết quả phân tích tương quan giữa môi trường kinh doanh (MTKD) (với 10 chỉ số thành phần trong PCI) và số lượng doanh nghiệp (DN) thuộc thành phần kinh tế tư nhân (KTTN) vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2005-2018 cho thấy, chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN tại mức ý nghĩa thống kê 5%.
Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong Báo cáo PCI năm 2018, cụ thể, chỉ số Tiếp cận đất đai hay Ðào tạo lao động tăng 1 điểm sẽ giúp tăng thêm 12% DN đăng ký mới (PCI, 2018). Ngoài ra, hệ số nhân trong dài hạn có giá trị khá lớn đối với lĩnh vực tiếp cận đất đai (0,15) cho thấy, các nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận đất cũng như đảm bảo tính ổn định trong sử dụng đất có tác động lớn và đảm bảo lợi ích lâu dài của cộng đồng DN. Theo đó, một điểm cải thiện về chỉ số thành phần này có thể giúp tăng thêm 15% số DN đăng ký mới trong 10 năm tới (PCI, 2018).
Bên cạnh đó, “Chi phí không chính thức” có mối quan hệ tương quan nghịch chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN tại mức ý nghĩa thống kê 10%; “Chính sách phát triển KTTN” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN tại mức ý nghĩa thống kê 5%. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong Báo cáo PCI năm 2018: Trong dài hạn, một điểm cải thiện về chỉ số thành phần này có thể giúp tăng thêm 15% số DN đăng ký mới trong 10 năm tới.
Ngoài ra, “Đào tạo lao động” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN tại mức ý nghĩa thống kê 10%. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong Báo cáo PCI năm 2018: Cụ thể, tăng một điểm trong chỉ số Tiếp cận đất đai hay Ðào tạo lao động sẽ giúp tăng thêm 12% DN mới đăng ký (PCI, 2018).
Về “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” không có ý nghĩa thống kê trong phân tích của nhóm tác giả. Tuy nhiên, trên thực tế, các DN tham gia thị truờng cần có nguồn thông tin xác thực, đầy đủ và kịp thời để tham gia các giao dịch. Những thông tin từ phía Nhà nước cũng góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro cho các DN.
Kết quả phân tích tương quan giữa MTKD và số lượng DN thuộc thành phần KTTN vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2005-2018 phân theo quy mô lao động được thể hiện trong Bảng 2. Theo đó, chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” có mối quan hệ tương quan nghịch chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN. Tuy nhiên, mối quan hệ này không cho thấy mức ý nghĩa thống kê thông thường.
Đối với DN thuộc thành phần KTTN ở tất cả các quy mô, chỉ số “Chính sách phát triển KTTN” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN và mối quan hệ này có ý nghĩa thống kê ở mức thông thường. Nhìn chung, quy mô DN càng cao thì độ lớn của mối quan hệ càng lớn.
Đối với DN thuộc thành phần KTTN có quy mô lao động từ 5 người đến dưới 10 người, chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN, chỉ số “Chi phí không chính thức” và chỉ số “Ưu đãi đối với DNNN (môi trường cạnh tranh)” có mối quan hệ tương quan nghịch chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN. Trong khi đó, chỉ số “Chính sách phát triển KTTN” và chỉ số “Đào tạo lao động” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN.
Đối với DN thuộc thành phần KTTN có quy mô lao động từ 10 người đến dưới 50 người, chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, chỉ số “Chi phí không chính thức” và chỉ số “Ưu đãi đối với DNNN (môi trường cạnh tranh)” có mối quan hệ tương quan nghịch chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN. Trong khi đó, chỉ số ‘Chính sách phát triển KTTN’ và chỉ số “Đào tạo lao động” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN.
Đối với DN thuộc thành phần KTTN có quy mô lao động từ 50 người đến dưới 200 người, chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, chỉ số “Chi phí không chính thức”, và chỉ số “Ưu đãi đối với DNNN (môi trường cạnh tranh)” có mối quan hệ tương quan nghịch chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN. Trong khi đó, chỉ số “Chính sách phát triển KTTN” và chỉ số “Đào tạo lao động” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN.
Bảng 3 trình bày kết quả phân tích tương quan giữa MTKD (10 chỉ số thành phần) và số lượng DN thuộc thành phần KTTN vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2005-2018 theo quy mô vốn. Đối với DN thuộc thành phần KTTN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” có mối quan hệ tương quan nghịch chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN. Trong khi đó, chỉ số “Chính sách phát triển KTTN” và “Đào tạo lao động” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN.
Đối với DN thuộc thành phần KTTN có quy mô vốn từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng, chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, “Chi phí không chính thức” và “Ưu đãi đối với DNNN (môi trường cạnh tranh)” có mối quan hệ tương quan nghịch chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN. Trong khi đó, chỉ số “Chính sách phát triển KTTN” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN.
Đối với DN thuộc thành phần KTTN có quy mô vốn từ 50 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng, chỉ số “Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất”, “Chi phí không chính thức” và “Ưu đãi đối với DNNN (môi trường cạnh tranh)” có mối quan hệ tương quan nghịch chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN. Trong khi đó, chỉ số “Chính sách phát triển KTTN” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với số lượng DN thuộc thành phần KTTN.
Môi trường kinh doanh và kết quả hoạt động của kinh tế tư nhân vùng Đông Nam Bộ
Bảng 4 nêu kết quả phân tích tương quan giữa MTKD (10 chỉ số thành phần) và hệ số ROA bình quân thuần bình quân DN thuộc thành phần KTTN vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2005-2018. Chỉ số “Ưu đãi đối với DNNN (môi trường cạnh tranh)” có mối quan hệ tương quan nghịch chiều với hệ số ROA bình quân DN thuộc thành phần KTTN.
Bên cạnh đó, phân tích tương quan giữa MTKD (10 chỉ số thành phần) và hệ số ROE bình quân DN thuộc thành phần KTTN vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2005-2018 cho thấy, chỉ số “Chính sách phát triển KTTN” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với hệ số ROE bình quân DN thuộc thành phần KTTN. “Thiết chế pháp lý” có mối quan hệ tương quan nghịch chiều với hệ số ROE bình quân DN thuộc thành phần KTTN.
Bảng 5 thể hiện kết quả phân tích tương quan giữa MTKD (10 chỉ số thành phần) và năng suất lao động bình quân DN thuộc thành phần KTTN vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2005-2018. Theo đó, chỉ số “Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với năng suất lao động bình quân DN thuộc thành phần KTTN; Chỉ số “Thiết chế pháp lý” có mối quan hệ tương quan thuận chiều với năng suất lao động bình quân DN thuộc thành phần KTTN.
Kết luận và hàm ý
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sự cải thiện MTKD đã tác động tích cực đến sự phát triển của KTTN vùng Đông Nam Bộ. Mặc dù vậy, một thực tế đáng lo ngại là quy mô DN càng lớn thì gánh nặng về thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước càng gia tăng. Hơn nữa, KTTN thời gian qua chưa phát triển mạnh mẽ bởi còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, khó khăn trong nắm bắt thông tin chính sách và pháp luật, chịu gánh nặng về chi phí không chính thức, chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chất lượng cao với chi phí phù hợp…
Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của KTTN Việt Nam trong thời gian tới, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
- Nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ KTTN phù hợp với các giai đoạn phát triển của DN. Ðối với giai đoạn mới thành lập và đi vào hoạt động, cần giúp các DN ứng phó với các thách thức về tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp, hỗ trợ về thủ tục hành chính.
- Nâng cao hiệu quả công tác thông tin về chính sách, pháp luật liên quan tới KTTN. Cải thiện tính minh bạch của MTKD cũng là cách giảm bớt và xóa bỏ các chi phí không chính thức mà KTTN đang phải gánh chịu.
- Cải thiện chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN, trong đó cần xác định đúng đối tượng thụ hưởng là KTTN. Các cơ quan chính quyền địa phương cần tính toán rút khỏi việc cung cấp trực tiếp các dịch vụ hỗ trợ DN và chuyển giao cho các hiệp hội DN và khu vực tư nhân thực hiện chức năng này, Nhà nước nên tập trung vào chức năng hoạch định chính sách và giám sát chất lượng dịch vụ.
- Các tỉnh, thành phố cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, dễ hiểu và dễ tiếp cận với DN và người dân. Trong đó, cần tập trung vào một số lĩnh vực mà KTTN hiện đang gặp nhiều vướng mắc về vấn đề đất đai, thuế, hải quan, an toàn phòng chống cháy nổ, lao động, thanh toán qua kho bạc. Ðồng thời, cần giảm bớt gánh nặng về thanh, kiểm tra cho các DN, đặc biệt tránh trùng lặp, chồng chéo.
Tài liệu tham khảo:
1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (2007-2018). Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam hàng năm từ 2006 đến 2017;
2. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (2016), Môi trường kinh doanh đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Hà Nội, tháng 3/2016;
3. Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: dangkykinhdoanh.gov.vn.