Tác động của năng lực tài chính tới tăng trưởng bền vững trong doanh nghiệp

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 11/2020

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, yêu cầu tăng trưởng bền vững đã được nhấn mạnh. Tăng trưởng bền vững trong doanh nghiệp được đặt ra trong khuôn khổ tăng trưởng bền vững chung, có tính đến đặc thù của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết này đi sâu phân tích tác động của năng lực tài chính tới tăng trưởng bền vững trong doanh nghiệp trên hai góc độ là năng lực tài chính tổng thể và năng lực tài chính cho tăng trưởng.

Năng lực tài chính của doanh nghiệp (DN) là khả năng đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động trong doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu doanh nghiệp đề ra. Tuy vậy, khi xem xét trên góc độ hay phạm vi khác nhau, nội dung cụ thể năng lực tài chính của DN có những điểm khác nhau. Thông thường năng lực tài chính được xem xét trên hai góc độ: Năng lực tài chính tổng thể và năng lực tài chính cho tăng trưởng.

Tăng trưởng bền vững được hiểu là điều bắt buộc đối với mỗi DN phải thực hiện sau khi hoàn thành các giai đoạn xây dựng và phát triển thương hiệu. Nếu không có sự tăng trưởng đồng nghĩa với việc DN của bạn đang chấp nhận dẫm chân tại chỗ, chấp nhận chiến lược phát triển không đúng với định hướng phát triển của DN. Bạn cần tung ra một chiến lược mới cho vấn đề tăng trưởng bền vững có chất lương tuyệt vời hơn và nhanh hơn.

Năng lực tài chính tổng thể

Xem xét trên góc độ tổng thể, năng lực tài chính của DN bao hàm 2 bộ phận cấu thành: Năng lực tài chính chủ sở hữu DN và năng lực tài chính từ nợ phải trả.

Năng lực tài chính chủ sở hữu DN: Là khả năng huy động các nguồn lực tài chính thuộc chủ sở hữu DN, nó được biểu hiện là nguồn vốn chủ sở hữu mà DN có khả năng huy động cho các hoạt động chủ yếu của DN bao gồm hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh thường xuyên. Nhìn nhận tổng thể cho thấy, năng lực tài chính chủ sở hữu là yếu tố cơ bản quyết định sức mạnh tài chính của một DN. Nó cũng là yếu tố chi phối khả năng huy động nguồn nợ vay. Tuy vậy, năng lực tài chính chủ sở hữu của một DN cũng bị giới hạn ở mức độ nhất định, bởi lẽ nó cũng chịu sự chi phối của nhiều yếu tố.

Năng lực tài chính từ nợ phải trả: Là khả năng huy động vốn vay và sử dụng các khoản nợ phải thanh toán nhưng chưa đến kỳ hạn trả để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động của DN. Đây là nguồn lực tài chính quan trọng của DN và bao gồm 2 bộ phận là: (i) Các khoản nợ phải thanh toán nhưng chưa đến hạn, là nguồn lực tài chính có tính chất bổ sung mà DN có thể chiếm dụng trong một khoảng thời gian nhất định; (ii) Nguồn vốn vay mà DN có thể huy động được.

Năng lực tài chính cho tăng trưởng

Tăng trưởng là một trong những vấn đề được nhiều DN đặc biệt quan tâm trong hoạt động kinh doanh. Tăng trưởng là quá trình mở rộng quy mô và mức độ hoạt động của các DN. Khi các DN gia tăng được tốc độ tăng trưởng điều đó cũng có nghĩa là DN gia tăng được thị phần và có cơ hội nhiều hơn gia tăng lợi nhuận.

Tăng trưởng của DN có thể được đánh giá bằng nhiều chỉ tiêu khác nhau như chỉ tiêu gia tăng tài sản, gia tăng doanh thu hay gia tăng lợi nhuận... Tuy nhiên, thước đo tăng trưởng của DN thường được các nhà kinh tế sử dụng là mức gia tăng doanh thu. Để tăng trưởng doanh thu với tốc độ cao đòi hỏi phải có sự đầu tư mới tăng thêm tài sản cho việc mở rộng hoạt động của DN. Từ đó cho thấy, một trong những điểm mấu chốt cho tăng trưởng của DN là năng lực tài chính của DN.

Muốn tăng trưởng với tốc độ cao, đòi hỏi DN phải có năng lực tài chính tương xứng. Chính vì vậy, một trong những điều thu hút sự quan tâm của các nhà quản trị DN khi đề cập đến năng lực tài chính của các DN là năng lực tài chính cho sự tăng trưởng.

Năng lực tài chính cho tăng trưởng của DN bao gồm 2 bộ phận cấu thành: Năng lực tài chính nội sinh và năng lực tài chính ngoại sinh. Năng lực tài chính nội sinh cho tăng trưởng của DN là phần lợi nhuận để lại tái đầu tư. Đây là bộ phận năng lực tài chính chủ sở hữu nội sinh. Năng lực tài chính ngoại sinh cho tăng trưởng là nguồn lực tài chính mà DN có khả năng huy động từ bên ngoài DN để đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng.

Xem xét kỹ hơn có thể thấy, năng lực tài chính nội sinh là yếu tố cực kỳ quan trọng cho sự tăng trưởng của DN. Điều này được thể hiện được ở mối quan hệ giữa năng lực tài chính nội sinh với sự tăng trưởng nội sinh và sự tăng trưởng bền vững của DN

Năng lực tài chính nội sinh và sự tăng trưởng nội sinh

Điểm khởi đầu xem xét sự tăng trưởng của DN được các nhà quản trị DN quan tâm là sự tăng trưởng nội sinh trong mối quan hệ với năng lực tài chính nội sinh.

 Tăng trưởng nội sinh là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất mà DN có thể đạt được dựa trên cơ sở năng lực tài chính nội sinh mà không cần huy động tài trợ từ bên ngoài và có thể được xác định bằng công thức sau:

Tác động của năng lực tài chính tới tăng trưởng bền vững trong doanh nghiệp   - Ảnh 1

Từ công thức trên có thể biến đổi và rút ra:

Tác động của năng lực tài chính tới tăng trưởng bền vững trong doanh nghiệp   - Ảnh 2

Qua đây cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng nội sinh có mối quan hệ chặt chẽ với tỷ lệ lợi nhuận giữ lại tái đầu tư, mức độ tự tài trợ và hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu của DN.

Năng lực tài chính nội sinh và sự tăng trưởng bền vững

Như phần trên đã phân tích, tăng trưởng đối với các DN là cần thiết. Tuy vậy, thực tế cho thấy, nếu các DN tăng trưởng quá nhanh hay nói cách khác tăng trưởng quá “nóng” sẽ dễ dẫn đến sự tổn thất, thậm chí là đổ vỡ. Vì thế, cần xem xét đến sự tăng trưởng bền vững của DN. Tăng trưởng bền vững là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất mà DN có thể đạt được nhưng không cần tăng thêm mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính.

Nói cách khác, tăng trưởng bền vững là tốc độ tăng trưởng tối đa mà DN có thể đạt được dựa trên cơ sở kết hợp năng lực tài chính chủ sở hữu nội sinh với năng lực tài chính ngoại sinh từ vốn vay theo cơ cấu nguồn vốn tối ưu của DN. Tỷ lệ tăng trưởng bền vững của DN được xác định theo công thức sau:

Tác động của năng lực tài chính tới tăng trưởng bền vững trong doanh nghiệp   - Ảnh 3

Như vậy, tỷ lệ tăng trưởng bền vững phụ thuộc vào năng lực tài chính chủ sở hữu nội sinh và hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu của DN. Tăng trưởng bền vững là tốc độ tăng trưởng tối đa DN có thể đạt được mà vẫn không làm cạn kiệt năng lực tài chính.

Tỷ lệ lợi nhuận giữ lại tái đầu tư

Tỷ lệ lợi nhuận giữ lại phản ánh thái độ của lãnh đạo DN, của các cổ đông trong chính sách phân phối kết quả kinh doanh. Phần lợi nhuận để lại tái đầu tư chính là năng lực tài chính nội sinh cho tăng trưởng của DN. Như vậy, tỷ lệ lợi nhuận giữ lại phản ánh năng lực tài chính nội sinh mà không cần huy động tài trợ từ bên ngoài. Việc giữ lại lợi nhuận có cả 2 mặt lợi ích và chi phí, do đó có thể có một mức tối ưu mà tại đó giá trị DN là tối đa. Lợi ích của lợi nhuận giữ lại xuất phát từ các nguyên nhân như:

- Đối với động cơ phòng ngừa, các DN duy trì được tính thanh khoản để phản ứng lại các tình huống bất ngờ không dự đoán trước được.

- Đối với động cơ giao dịch, giữ lại lợi nhuận để đáp ứng các hoạt động thường xuyên của DN.

- DN có thể giữ lại tiền mặt nội bộ để tận dụng các cơ hội đầu tư do sự hiện hữu của vấn đề bất cân xứng thông tin có thể làm tăng chi phí tài trợ bên ngoài.

- Đối với động cơ về thuế, các DN có thể thích giữ lại lợi nhuận hơn là chi trả cổ tức cho cổ đông để tránh phải nộp thuế trên cổ tức.

Ngược lại, việc giữ lại lợi nhuận cũng tạo ra các chi phí. Một mặt, nguồn dự trữ tiền mặt lớn có thể làm tăng chi phí đại diện do làm gia tăng mâu thuẫn đại diện giữa nhà quản trị và cổ đông. Dòng tiền tự do có thể làm gia tăng sự tùy ý của nhà quản trị, thực hiện các hành động đi ngược lại ý muốn của cổ đông. Mặt khác, nắm giữ tiền mặt hàm ý chi phí cơ hội, do tỷ suất sinh lợi thấp, cụ thể là nếu DN từ bỏ các cơ hội đầu tư có khả năng sinh lợi nhiều hơn để nắm giữ lượng tiền mặt đó.

Trong hầu hết các trường hợp, công ty giữ lại lợi nhuận nhằm đầu tư vào các khu vực mà công ty có thể tạo ra các cơ hội tăng trưởng tốt, thí dụ như mua máy móc thiết bị mới hoặc chi tiền chi nhiều hơn cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D).

Tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu

Tác động của năng lực tài chính tới tăng trưởng bền vững trong doanh nghiệp   - Ảnh 4

Tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu phản ánh khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu trong DN. Chỉ tiêu này đo lường mức lợi nhuận thu được trên mỗi đồng vốn của chủ sở hữu trong kỳ. Chỉ tiêu này càng cao cho thấy, một đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra tạo nhiều đồng lợi nhuận sau thuế hơn. Như vậy, nếu mọi yếu tố khác không thay đổi, lợi nhuận để lại sẽ gia tăng giúp DN gia tăng được năng lực tài chính chủ sở hữu nội sinh.

Vốn chủ sở hữu (Vốn cổ phần) bao gồm vốn của cổ đông ưu đãi và vốn cổ phần thường, được xác định bằng chênh lệch giữa tổng vốn với tổng nợ phải trả. Tổng lợi nhuận sau khi trả phần nghĩa vụ với nhà nước, phần còn lại được gọi là thu nhập của cổ đông. Do vậy, chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu cung cấp cách đánh giá về khả năng đảm bảo cho tất cả mọi đối tác góp vốn cổ phần với công ty. Từ đó, năng lực tài chính của DN càng được cải thiện và ngược lại. Tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu phụ thuộc vào các nhân tố:

- Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu:

Tác động của năng lực tài chính tới tăng trưởng bền vững trong doanh nghiệp   - Ảnh 5

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu phản ánh trình độ quản lý doanh thu và chi phí của DN. Nguồn gốc để DN tăng trưởng bền vững phải từ nhân tố này, bởi vì nếu DN có khả năng tăng trưởng doanh thu tốt, đòn bẩy tài chính cao, hiệu suất sử dụng tài sản cao nhưng mỗi sản phẩm, hàng hóa dịch vụ tiêu thụ đều gánh chịu chi phí cao hơn so với doanh thu thu được thì sẽ ăn mòn vốn kinh doanh của DN và sẽ dẫn đến suy thoái trong tương lai nếu khả năng sinh lợi của doanh thu không cải thiện.

Nếu tỷ số này giảm thì DN cần phân tích và tìm biện pháp tiết kiệm các khoản chi phí để nâng cao tỷ lệ lợi nhuận, từ đó tăng khả năng thu lợi của DN. Nhìn vào chỉ tiêu này, các nhà phân tích cần đánh giá được mức tăng tỷ suất lợi nhuận sau thuế của DN đến từ đâu. Nếu nó chủ yếu đến từ các khoản lợi nhuận khác như thanh lý tài sản hay đến từ việc DN được miễn giảm thuế tạm thời thì các nhà phân tích cần lưu ý đánh giá lại hiệu quả hoạt động thật sự của DN.

- Vòng quay toàn bộ vốn:

Tác động của năng lực tài chính tới tăng trưởng bền vững trong doanh nghiệp   - Ảnh 6

Hệ số vòng quay toàn bộ vốn dùng để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng tài sản của công ty. Thông qua hệ số này chúng ta có thể biết được với mỗi một đồng tài sản có bao nhiêu đồng doanh thu được tạo ra.

Hệ số vòng quay toàn bộ tài sản càng cao đồng nghĩa với việc sử dụng tài sản của công ty vào các hoạt động sản xuất kinh doanh càng hiệu quả và có khả năng mở rộng sản xuất. Nếu DN huy động được tối đa công suất hoạt động của máy móc, thiết bị, mọi bộ phận tài sản của DN đều tham gia vào quá trình kinh doanh để tạo ra thu nhập, thu hồi vốn về nhanh thì khả năng tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng tài sản ngắn hạn của DN sẽ cao, tạo điều kiện để DN tăng trưởng bền vững, tác động của nhân tố vòng quay toàn bộ vốn có thể đánh giá thông qua chính sách đầu tư tài sản cũng như tốc độ quay vòng của các loại tài sản ngắn hạn trong DN.

Nếu số vòng quay toàn bộ tài sản tăng lên là do tốc độ quay vòng của các loại tài sản ngắn hạn như tiền, các khoản phải thu, hàng tồn kho tăng lên thì hoàn toàn hợp lý. Nếu số vòng quay tổng tài sản tăng lên là do thay đổi cơ cấu đầu tư tài sản, thì điều này phải đảm bảo phù hợp với lĩnh vực ngành nghề kinh doanh và các điều kiện cụ thể khác của DN cũng như môi trường kinh doanh.

Ngược lại, tài sản của DN bị ứ đọng ở tất cả các khâu kinh doanh, không khai thác, sử dụng hết công suất tài sản cố định, hàng tồn kho bị ứ đọng, giảm giá, vốn phải thu bị chiếm dụng có khả năng mất vốn không đòi được… thì DN có khả năng bị suy thoái, mất vốn do dòng doanh thu, dòng tiền ngắn hạn bị tắc nghẽn, tài sản bị thất thoát. Hệ số này chịu sự ảnh hưởng của đặc điểm ngành nghề kinh doanh, chiến lược kinh doanh, trình độ quản lý sự dụng tài sản của DN.

- Hệ số vốn trên vốn chủ sở hữu:

Tác động của năng lực tài chính tới tăng trưởng bền vững trong doanh nghiệp   - Ảnh 7

Đây là nhóm nhân tố do chính sách tài trợ vốn tạo ra, phản ánh trình độ quản trị tổ chức nguồn vốn cho hoạt động của DN. DN sử dụng nợ cao nhằm thỏa mãn nhu cầu vốn trong hoạt động kinh doanh và hy vọng gia tăng được khả năng sinh lợi của vốn chủ sở hữu. Lãi vay là khoản chi phí tài chính cố định, là 1 trong các lá chắn thuế thu nhập của DN, nếu DN tạo ra được khoản lợi nhuận trước thuế và lãi vay như kỳ vọng khi huy động nợ thì sau khi trả lãi vay và nộp thuế thu nhập, phần lợi nhuận còn lại dôi ra là thuộc chủ sở hữu DN, khả năng sinh lợi vốn chủ cao tạo tiền đề vật chất quan trọng cho tăng trưởng bền vững. Khả năng sinh lợi của vốn chủ sở hữu được xem xét qua công thức:

ROE=[BEP+(BEP-i)*D/E]*(1-t)

Công thức trên cho thấy, khả năng sinh lợi vốn chủ sở hữu phụ thuộc vào khả năng sinh lợi cơ bản của tài sản (BEP), lãi suất vay vốn bình quân (i) và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu bình quân tức là đòn bẩy tài chính (D/E). Nếu DN đạt khả năng sinh lợi cơ bản của tài sản cao hơn lãi suất vay vốn có đòn bẩy tài chính càng cao sẽ càng khuyếch đại được ROE, EPS và ngược lại.

Nếu BEP của DN đạt thấp hơn lãi suất vay vốn thì DN nào có hệ số D/E càng cao, càng giảm mạnh ROE, EPS của DN. Đây cũng chính là tính 2 mặt của đòn bẩy tài chính mà các nhà quản trị phải xét đoán trước khi ra quyết định theo đuổi chính sách độc lập hay phụ thuộc về tài chính để không tác động tiêu cực đến tăng trưởng dài hạn của DN.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, tăng trưởng của các DN, nhất là tăng trưởng bền vững liên hệ chặt chẽ, mật thiết với năng lực tài chính, đặc biệt nó chịu sự chi phối rất lớn của năng lực tài chính chủ sở hữu nội sinh. Năng lực tài chính của DN, nhất là năng lực tài chính chủ sở hữu nội sinh được đảm bảo sẽ giúp DN tăng trưởng bền vững. Nếu một DN tăng trưởng quá nhanh hay nói cách khác là tăng trưởng quá nóng dễ rơi vào tình trạng cạn kiệt năng lực tài chính và đặc biệt có nguy cơ mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Như vậy, nguồn tài chính của DN chính là yếu tố trực tiếp tạo nên năng lực cạnh tranh của DN. Một DN có năng lực cạnh tranh cao là có nguồn vốn dồi dào, luôn đảm bảo huy động vốn trong những tình huống cần thiết với chi phí thấp, có khả năng hạch toán doanh thu chi phí chính xác để có kế hoạch cũng như quyết định sử dụng vốn hiệu quả. Nếu không có nguồn lực tài chính đủ mạnh, DN sẽ gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt, trong đó có tăng trưởng bền vững.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Thị Vân Anh (2012), Nâng cao năng lực tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Học viện Tài chính;

2. Phạm Thị Vân Anh (2016), Tăng trưởng bền vững của các doanh nghiệp ngành xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện, Học viện Tài chính;

3. Bùi Văn Vần; Vũ Văn Ninh (2015), Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính, Hà Nội.