Tác động của thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đến hoạt động chống chuyển giá ở Việt Nam


Bài viết đề cập đến tác động của thỏa thuận thúc đẩy kế hoạch áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đến hoạt động chuyển giá; nghiên cứu thực trạng và hệ thống pháp luật về chống chuyển giá tại Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp giúp Việt Nam chống chuyển giá hiệu quả, thu hẹp lỗ hổng trong quản lý thuế quốc tế, đảm bảo nguồn thu bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Để tối đa hóa lợi nhuận, các tập đoàn đa quốc gia ngày càng có nhiều biện pháp đối phó, dàn xếp để trốn tránh thuế, gian lận thương mại, đặc biệt là việc gia tăng các hoạt động chuyển lợi nhuận về các "thiên đường thuế" nhằm che giấu nguồn thu nhập và tránh thuế. Để ngăn chặn và hạn chế hành vi chuyển giá, trốn tránh thuế, Việt Nam đã ban hành khung pháp lý về chống chuyển giá. Quá trình hoàn thiện các văn bản pháp luật đã từng bước tiếp cận phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính thuế tại Việt Nam. Thuế doanh nghiệp (DN) tổi thiểu toàn cầu đã đạt được  thỏa thuận bước đầu của nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và nhóm các nền kinh tế lớn (G20).

Bài viết đề cập đến tác động của thỏa thuận thúc đẩy kế hoạch áp thuế DN tối thiểu toàn cầu đến hoạt động chuyển giá; nghiên cứu thực trạng và hệ thống pháp luật về chống chuyển giá tại Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp giúp Việt Nam chống chuyển giá hiệu quả, thu hẹp lỗ hổng trong quản lý thuế (QLT) quốc tế, đảm bảo nguồn thu bền vững.

Cơ sở lý thuyết

Chuyển giá là hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ được chuyển dịch giữa các bên có quan hệ liên kết không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp của DN (Tạp chí thuế Nhà nước, 2017). Hoạt động chuyển giá ngày càng phức tạp, tác động đến nền kinh tế của mỗi quốc gia, cụ thể:

(i) Đối với quốc gia tiếp nhận dòng vốn đầu tư, chuyển giá diễn ra dưới dạng định giá cao các yếu tố đầu vào nhằm rút ngắn thời gian thu hồi vốn của công ty mẹ, dẫn đến các luồng vốn có xu hướng chảy ngược ra khỏi quốc gia tiếp nhận đầu tư. Trường hợp, quốc gia tiếp nhận dòng vốn đầu tư có mức thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN) hoặc loại thuế tương đương với thuế TNDN thấp có lợi thế về số thu thuế thông qua chuyển giá. Do có lợi thế về nguồn vốn đầu tư dồi dào, các công ty đa quốc gia dễ dàng thôn tính các công ty trong nước thông qua các chiêu thức quảng cáo và khuyến mại lớn, dẫn tới hậu quả là lũng đoạn thị trường;

(ii) Đối với quốc gia xuất khẩu vốn đầu tư có mức thuế suất thuế TNDN hoặc loại thuế tương đương với thuế TNDN cao, hành vi chuyển giá sẽ chuyển lợi nhuận ra nước ngoài làm thất thu thuế, làm mất tính cân đối trong kế hoạch thu chi của Chính phủ quốc gia này. Hành vi chuyển giá của các công ty đa quốc gia sẽ làm cho dòng vốn đầu tư dịch chuyển không theo ý muốn quản lý của Chính phủ, dẫn tới mục tiêu quản lý kinh tế vĩ mô của Chính phủ sẽ gặp khó khăn (Tạp chí thuế Nhà nước, 2017).

Thực trạng và pháp luật liên quan đến hoạt động chống chuyển giá tại Việt Nam

Quản lý đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài  đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo thống kê, từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, cả nước có 32.025 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 376,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ước đạt 218,48 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. 

Theo thống kê, từ khi thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, cả nước có 32.025 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 376,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ước đạt 218,48 tỷ USD, bằng 58% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Vốn FDI đã đầu tư vào 19 trong tổng số 21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 220,3 tỷ USD, chiếm 58,5% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58,3 tỷ USD (chiếm 15,5% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với 27,5 tỷ USD (chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư). Hiện có 136 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore (Tô Hà, 2021).

Các DN lớn, nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại, quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, đầu tư vào Việt Nam đã tạo cho hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Tư duy và định hướng đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu đồng bộ, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn. Hệ thống pháp luật để khắc phục những hạn chế chưa hoàn thiện, đồng bộ (Bộ Chính trị, 2019).

Thực tiễn cũng cho thấy, hoạt động chuyển giá đã gây thất thu cho ngân sách và tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế Việt Nam, vì vậy, các quy định pháp luật về chống chuyển giá tại Việt Nam đã và đang dần được hoàn thiện qua từng giai đoạn, cụ thể như:

- Giai đoạn (1988-1997): Tháng 12/1987, Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, tạo hành lang pháp lý quan trọng để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

- Giai đoạn 1997-2004: Giai đoạn hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp lý kiểm soát hoạt động chuyển giá. Trong giai đoạn này, hiện tượng chuyển giá đã lan sang cả các DN trong nước.

- Giai đoạn từ năm 2005 đến trước ngày 01/5/2017: Giai đoạn bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến quản lý hoạt động chuyển giá. Văn bản pháp lý đầu tiên đề cập đến chuyển giá và kiểm soát chuyển giá là Thông tư số 74/1997/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 20/10/1997 nhằm hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài, liên quan đến hoạt động chuyển giá và các biện pháp chống chuyển giá. Tiếp đó, ngày 16/7/1999, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 89/1999/TT-BTC thay thế Thông tư số 74/1997/TT-BTC và đến ngày 08/3/2001. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 13/2001/TT-BTC thay thế Thông tư số 89/1999/TT-BTC. So với các quy định trước, Thông tư số 13/2001/TT-BTC có nhiều điểm mới, quy định pháp luật về kiểm soát chuyển giá được sửa đổi từ “Biện pháp chống chuyển giá” thành “Biện pháp xác định giá thị trường trong quan hệ giao dịch giữa các DN liên kết”.

- Giai đoạn từ ngày 01/5/2017 đến trước ngày 01/7/2020: Năm 2005, Luật DN và Luật Đầu tư ra đời áp dụng chung cho các khu vực kinh tế. Các văn bản pháp lý kiểm soát hoạt động chuyển giá áp dụng chung cho khu vực kinh tế trong nước và vốn đầu tư nước ngoài. Các văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn này gồm: (i) Thông tư số 117/2005/TT-BTC ngày 29/12/2005 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 27/01/2006: Văn bản hướng dẫn khá chi tiết về giá thị trường các bên được coi là "có quan hệ liên kết". Bổ sung các nguyên tắc, phân tích so sánh và loại trừ khác biệt, xác định rõ các yêu cầu về hồ sơ để xác định giá thị trường, kê khai và xử lý vi phạm của các bên có quan hệ liên kết...

(ii) Thông tư số 66/2010/TT-BTC ngày 20/4/2010 của Bộ Tài Chính, có hiệu lực từ ngày 06/6/2010 hướng dẫn thực hiện về việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết...

(iii) Luật số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội đã đề cập tới 2 vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động chuyển giá, đó là:“Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong QLT” và “Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế”.

- Giai đoạn từ ngày 01/5/2017 đến trước ngày 01/7/2020: Ngày 24/02/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về QLT đối với DN có giao dịch liên kết. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/5/2017, trong đó quy định cụ thể về nguyên tắc, phương pháp xác định giá giao dịch liên kết; nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá của giao dịch liên kết và kê khai nộp thuế; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Nhằm hướng dẫn thực hiện Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, ngày 28/4/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTC, Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/5/2017. Đến ngày 24/6/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về QLT đối với DN có giao dịch liên kết quy định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về chi phí lãi vay được trừ. Nghị định số 68/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký và áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2019.

- Giai đoạn từ ngày 01/7/2020 đến nay: Ngày 13/6/2019, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật QLT số 38/2019/QH19 gồm 17 chương, 152 điều. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó quy định một số hành vi bị cấm như: (i) Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý  để chuyển giá, trốn thuế…

Ngoài ra, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH19 đã bổ sung các nguyên tắc cơ bản trong kê khai, nộp thuế và QLT đối với nhóm người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết như: Nguyên tắc QLT đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; Áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết  đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp...

Triển khai áp dụng Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH19, ngày 05/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về QLT đối với DN có giao dịch liên kết. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2020, trong đó, quy định cụ thể về nguyên tắc, phương pháp, trình tự xác định yếu tố hình thành giá giao dịch liên kết; Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong xác định giá giao dịch liên kết, thủ tục kê khai; Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong QLT đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.

Cùng với hoàn thiện quy định pháp luật về chống chuyển giá, ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, quán triệt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: (i) Hoàn thiện thể chế, chính sách chung về đầu tư nước ngoài; (ii) Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư; (iii) Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư; (iv) Hoàn thiện thể chế chính sách quản lý, giám sát đầu tư; (v) Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; (vi) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài; (vii) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với đầu tư nước ngoài. Ngày 27/4/2020, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài. 

Tác động của thuế toàn cầu và định hướng chống chuyển giá ở Việt Nam

Thỏa thuận thúc đẩy kế hoạch áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

Với mục đích nhằm giải quyết tình trạng né thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước, ngày 13/6/2021, tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước G7 ở Anh, các nhà lãnh đạo G7 đã thông qua một thỏa thuận thúc đẩy kế hoạch áp thuế DN tối thiểu toàn cầu 15%. Hai trụ cột chính đã được nhóm G7 thảo thuận thống nhất, đó là:

(i) Cho phép các quốc gia đánh thuế một phần lợi nhuận mà các công ty lớn tạo ra dựa trên doanh thu họ kiếm được từ quốc gia đó, thay vì nơi mà họ đặt trụ sở (vốn được tận dụng để né thuế). Cụ thể, các quốc gia nơi DN tạo ra doanh thu sẽ lấy chuẩn biên lợi nhuận là 10%. Nếu DN có lãi vượt chuẩn này thì quốc gia đó có quyền đánh thuế ít nhất là 20% cho phần lãi vượt chuẩn đó.

(ii) G7 thống nhất đặt ra mức thuế suất tối thiểu cho các tập đoàn toàn cầu là 15%. Việc áp mức thuế tối thiểu 15%, nghĩa là nếu một tập đoàn và các công ty con nộp thuế ở nước ngoài dưới mức tối thiểu, họ sẽ tiếp tục phải nộp khoản chênh lệch so với mức tối thiểu tại chính quốc gia của họ.

Ngày 01/7/2021, tiến trình cải cách thuế TNDN toàn cầu đã có bước tiến khi 130 trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc OECD đã đồng ý về quy định áp mức thuế tối thiểu toàn cầu và phân bổ lại doanh thu từ thuế đối với các tập đoàn lớn, có lợi nhuận cao với mục đích giải quyết tình trạng trốn thuế và tạo bình đẳng về thuế giữa các nước.

Theo OECD, việc điều chỉnh thuế TNDN tối thiểu toàn cầu sẽ giúp các chính phủ trên toàn cầu tăng thu ngân sách thêm tới 150 tỷ USD mỗi năm. Trụ cột thứ nhất của thỏa thuận này là mức thuế DN tối thiểu thực tế được áp dụng cho các DN có doanh thu hàng năm trên 750 triệu Euro. Theo thỏa thuận này, các quốc gia nơi công ty đặt trụ sở chính thu thuế DN ít nhất 15% trên lợi nhuận của các công ty này trên toàn thế giới. Trụ cột thứ hai là cho phép các quốc gia mà DN không đặt trụ sở vẫn được đánh thuế trên một phần lợi nhuận của, áp dụng với các doanh DN gia có lợi nhuận lớn nhất thế giới như: Google, Facebook hay Apple...

Tiếp đó, ngày 10/7/2021, sau 2 ngày họp tại Venise (Italy), Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế G20 nhất trí thông qua thỏa thuận về đánh thuế DN tối thiểu toàn cầu với các tập đoàn đa quốc gia, nhưng vẫn chưa hoàn tất được các điều khoản chi tiết. Các đàm phán sẽ được tiếp tục thực hiện nhằm hoàn tất thỏa thuận cuối cùng vào tháng 10/2021 nhân Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Italy và dự kiến thỏa thuận sẽ chính thức được áp dụng từ năm 2023. Ngoài ra, các Bộ trưởng Tài chính G20 cũng nhất trí thông qua đề xuất đánh thuế vào doanh thu vượt trội của các tập đoàn đa quốc gia, theo đó các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu vượt trội vượt quá 10% sẽ phải chịu mức thuế 20 - 30% vào khoản doanh thu vượt trội này.

Tác động thuế doanh nghiệp toàn cầu đến Việt Nam

Theo nhận định của các chuyên gia, sáng kiến đánh thuế DN tối thiểu toàn cầu có thể tác động đến Việt Nam theo 3 hướng sau:

(i) Hiệp định thuế mới này có thể làm giảm khả năng thu hút các công ty nước ngoài của Việt Nam bằng các chính sách ưu đãi thuế. Bởi vì, nếu thuế suất này được áp dụng, những chính sách ưu đãi thuế mà các công ty nước ngoài đang được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn hiệu lực. Hiện nay, đối với công ty công nghệ cao đủ điều kiện, sẽ dược hưởng thuế suất ưu đãi là 10% trong 15 năm, đồng thời, miễn thuế 4 năm; giảm 50% trong 9 năm tiếp theo (thuế suất thuế TNDN phổ thông của Việt Nam là 20%, cao hơn mức tối thiểu toàn cầu là 15%)…

(ii) Đối với việc phân bổ thuế cho các quốc gia, thị trường, Việt Nam là một nước có thị trường nội địa tương đối lớn, sáng kiến thuế này có thể có lợi cho Việt Nam, vì nó sẽ cho phép Việt Nam được quyền đánh thuế, ở một chừng mực nào đó, đối với các công ty công nghệ và thương mại điện tử có doanh thu lớn tại Việt Nam.

(iii) Mức thuế DN tối thiểu toàn cầu mới có thể ảnh hưởng đến việc cơ cấu các giao dịch trong đơn vị thành viên của các công ty đa quốc gia, vì các công ty này thường sử dụng cơ chế giá nội bộ để quản lý các nghĩa vụ thuế trên toàn cầu. Giao dịch trong nội bộ của các công ty đa quốc gia là một lĩnh vực mà các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành rà soát chặt chẽ để tránh việc lạm dụng thuế (Jack Nguyen, 2021).

Như vậy, thỏa thuận về thuế DN tối thiểu toàn cầu sẽ có ảnh hưởng và tác động đến hoạt động chống chuyển giá nhằm thu hẹp lỗ hổng trong QLT quốc tế và đảm bảo nguồn thu bền vững tại Việt Nam. Theo đó, những ảnh hưởng của thuế DN tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam có thể nhận diện như sau:

Thứ nhất, thuế DN tối thiểu toàn cầu nếu được áp dụng 15% sẽ thấp hơn thuế suất phổ thông 20% và cao hơn thuế suất ưu đãi 10% (chưa kể thời gian miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50%). Tuy nhiên, thuế DN tối thiểu toàn cầu có dẫn đến sự thay đổi nào trong chính sách ưu đãi thuế ở Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và khó có thể xảy ra trong thời gian ngắn, do còn một số lượng đáng kể đối tượng được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi sẽ không nằm trong phạm vi của quy định thuế DN tối thiểu toàn cầu mới. Các trường hợp đã được hưởng ưu đãi sẽ được bảo đảm theo quy định của Luật Đầu tư hoặc Luật Đầu tư có thể điều chỉnh không làm ảnh hưởng ưu đãi của các DN đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, Việt Nam hiện đang thất thu thuế từ các giao dịch thương mại điện tử. Nghị định số 126/2020/ND-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019 nhằm quản lý việc thu thuế từ các DN  thương mại điện tử (thông qua hình thức tự đăng ký hoặc yêu cầu ngân hàng khấu trừ thuế), tuy nhiên, cơ chế chia sẻ thuế cho các quốc gia thị trường cũng sẽ yêu cầu một hệ thống QLT có năng lực và các nỗ lực phối hợp ở tầm quốc tế.

Thứ ba, giao dịch trong nội bộ của các công ty đa quốc gia là một lĩnh vực mà các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành rà soát chặt chẽ để tránh việc lạm dụng thuế. Nội dung này sẽ được thực hiện điều chỉnh, bổ sung bởi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP hoặc Luật Quản lý thuế và các văn bản khác có liên quan.

Đề xuất giải pháp chống chuyển giá tại Việt Nam

Hiện nay, chuyển giá tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng và gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vấn đề này. Để chống chuyển giá hiệu quả, Việt Nam cần quyết liệt một số giải pháp cơ bản sau: 

Một là, nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Chống chuyển giá; hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế, ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học và công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của DN có vốn đầu tư nước ngoài. Xây dựng bộ máy chuyên trách chống chuyển giá đủ mạnh, đủ năng lực; cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Hai là, nghiên cứu hướng dẫn Luật Quản lý thuế và sửa đổi bổ sung các quy định về chống chuyển giá trong QLT; về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin... để kiểm soát, quản lý, chống chuyển giá, trốn thuế làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp tại Việt Nam của các DN có quan hệ liên kết và giao dịch liên kết; Xây dựng và thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế về tăng cường năng lực QLT quốc tế, kiểm soát hoạt động chuyển giá của các DN liên kết; Phối hợp với các cơ quan, ban ngành xây dựng quy chế phối hợp để quản lý, kiểm tra nhằm ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận gây xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Nhà nước cần hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế; chuyển giao quyền điều tra cho cơ quan thuế từ cấp Tổng cục; hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người, DN nộp thuế. Bên cạnh đó, cần bổ sung Cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá. Thỏa thuận này được thiết lập trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan Thuế và DN nhằm chống gian lận trong chuyển giá…   

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội XIV (2019), Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 14/6/2019;

2. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;

3. Chính phủ (2020), Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;

4. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;

5. Tạp chí thuế Nhà nước (2017), Quản lý thuế đối với hoạt động giao dịch liên kết và chống chuyển giá theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Thông tư số 41/2017/TT-BTC, NXB Tài chính;

6. Jack Nguyen (2021), Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu và tác động với Việt Nam, Báo Đầu tư, Ngày truy cập 17/06/2021;

7. Tô Hà (2020), Ngăn chặn chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài, Nhân dân điện tử, Ngày truy cập 15/4/2021;

8. OECD (2017), OECD Transfer Pricing Guidelines for Multinational Enterprises and Tax Administrations;

9. Các website: doingbusiness.org, oecd.org, mof.gov.vn, thuvienphapluat.vn, moet.gov.vn, chinhphu.vn, gdt.gov.vn.

(*) TS. Nguyễn Văn Cương - Trung tâm miền Nam, Trường Bồi Dưỡng Cán Bộ Tài chính.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2021.