Tác động từ Hiệp định EVFTA đến xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường EU

TS. Hoàng Thị Bảo Thoa, Đinh Thị Hoàng Anh - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Bài viết nghiên cứu tác động của Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) đến tình hình xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam. Với các giả thiết về cắt giảm thuế quan dựa vào biểu thuế của EVFTA, bài viết đã chứng minh được tác động tích cực của Hiệp định đến xuất nhập khẩu giày dép Việt Nam. Nghiên cứu cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức mà Hiệp định EVFTA đem lại cho xuất khẩu giày dép Việt Nam từ đó đưa ra những giải pháp kiến nghị cho doanh nghiệp và Nhà nước nhằm phát triển ngành hàng tiềm năng này.

Giới thiệu

Trong thương mại quốc tế, ngành giày dép luôn được coi là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và đóng góp lớn cho xuất khẩu Việt Nam. Từ năm 1998, giày dép đã vào danh sách các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và nhanh chóng ghi danh trong nhóm có kim ngạch cao. Theo báo cáo của Bộ Công Thương năm 2020, từ mức 5,1 tỷ USD (năm 2010), kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã tăng gấp hơn 3,5 lần lên đến 18,3 tỷ USD (năm 2019). Giá trị kim ngạch xuất khẩu giày dép ghi nhận tăng trưởng hai con số trong nhiều năm liền đã giúp Việt Nam hiện giữ vị trí thứ 2 các nước xuất khẩu giày dép thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…

Theo báo cáo của Worldfootwear năm 2023, xét về thị trường nhập khẩu, Mỹ, Trung Quốc và Bỉ lần lượt là 3 thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam. Trong năm 2023, Mỹ đã chi hơn 7,1 tỷ USD nhập khẩu giày dép từ Việt Nam. Trung Quốc là thị trường đứng thứ 2, với trị giá xuất khẩu sang quốc gia láng giềng này đạt 1,8 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2022. Đứng thứ 3 là thị trường Bỉ với hơn 1,2 tỷ USD, giảm 26% so với năm trước. Năm 2023 có nhiều khó khăn đối với ngành giày dép Việt Nam. Nguyên nhân đến từ các thị trường chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản bị suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm, đặc biệt số lượng các mặt hàng tồn kho khá lớn.

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong đó bao gồm cả xuất khẩu giày dép. Do đó, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) sẽ mang lại nhiều tác động đến xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là với xuất khẩu ngành chủ lực giày dép. Vì vậy, bài nghiên cứu được thực hiện mới mục tiêu đánh giá tình hình xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam bởi tác động của hiệp định EVFTA mang lại, đồng thời đánh giá những cơ hội và thách thức của hiệp định này cho xuất khẩu giày dép Việt Nam sang EU.

Lý thuyết và tổng quan

Theo Điều 28 của Luật Thương mại (2005), “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”. Xuất khẩu hàng hóa cũng có thể được coi là hành động bán hàng hóa, dịch vụ cho nước ngoài (Bùi, 2006). Từ đó, có thể hiểu đơn giản rằng, xuất khẩu giày dép chính là việc bán, đưa các sản phẩm giày dép ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc khu vực đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam nhằm thu về lợi ích.

Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều sự cạnh tranh từ các đối thủ lớn đến từ các nước EU và đăc biệt là vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc chi phối sản lượng giày dép của thế giới, Việt Nam cần có những giải pháp bứt phá trong lĩnh vực này.

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, là một trong những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế và được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, không thể không nhắc tới mặt hàng giày dép. Việc EU dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm giày dép Việt Nam theo EVFTA không chỉ làm tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam mà còn khiến các sản phẩm này trở lên cạnh tranh hơn so với các đối thủ, thậm chí là các nhà sản xuất trong nước sở tại (Hoàng và cộng sự, 2021).

Trong một nghiên cứu khác, Từ Thúy Anh và cộng sự năm 2021 đã sử dụng mô hình trọng lực nhằm ước tính hiệu quả cũng như các yếu tố tác động đến xuất khẩu giày dép Việt Nam trong giai đoạn 2001 – 2018. Kết quả cho thấy, hiệu quả xuất khẩu giày dép ảnh hưởng tích cực bởi GDP, tình hình biên giới và đất liền, tự do thương mại, tự do tài chính và mật độ dân số các nhà nhập khẩu. Bài nghiên cứu cũng chỉ ra các quốc gia xuất khẩu giày dép hiệu quả nhất và tiềm năng nhất từ đó đưa ra những giải pháp chính sách phù hợp cho xuất khẩu giày dép của Việt Nam dựa theo 4 loại thị trường với các mức độ ưu tiên khác nhau.

Khối lượng và kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang EU tăng liên tục qua các năm, tuy nhiên chưa cao bởi các yếu tố như: chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm từ Việt Nam chưa cao; chính sách thương mại với các quy chế nhập khẩu chặt chẽ từ EU (Bùi, 2008). Bằng sử dụng mô hình WITS SMART, nghiên cứu của Thắng và cộng sự năm 2019 đã đánh giá tác động của EVFTA đến xuất khẩu giày dép Việt Nam theo 2 kịch bản: xóa bỏ thuế quan về 0% khi thỏa mãn các quy tắc xuất xứ và tương tự nhưng với chính sách chống bán phá giá vẫn được áp dụng (mức thuế 10%). Kết quả cho thấy rằng việc loại bỏ thuế quan trong EVFTA sẽ làm cho giá trị xuất khẩu giày dép Việt Nam sang EU tăng kể cả dưới tác động của chính sách chống bán phá giá.

Phương pháp nghiên cứu

hình SMART

SMART là công cụ lập mô hình cân bằng từng phần có trong WITS (World Integrated Trade Solution) được sử dụng để phân tích thị trường. Mô hình này tập trung vào một thị trường nhập khẩu và các đối tác xuất khẩu của nó và đánh giá tác động của kịch bản thay đổi thuế quan bằng cách ước tính các giá trị mới cho một tập hợp các biến (Thu và cộng sự, 2019).

Phương trình của 2 chỉ tiêu được trình bày như sau:

Tạo lập thương mại (trade creation) được ước tính là sự gia tăng trực tiếp của nhập khẩu do cắt giảm thuế quan.

Tác động từ Hiệp định EVFTA đến xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường EU - Ảnh 1

Chệch hướng thương mại (trade diversion) là sự gia tăng nhập khẩu từ các nguồn của các đối tác FTA, thay thế nhập khẩu từ các nguồn sản xuất hiệu quả ở các nước khác.

Tác động từ Hiệp định EVFTA đến xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường EU - Ảnh 2

Trong đó, TC: tạo lập thương mại; Ex: độ co giãn của cung xuất khẩu; TD: chệch hướng thương mại; Em: độ co giãn của cầu nhập khẩu; i: Chỉ số phụ biểu thị hàng hóa; Es: độ co giãn của sự thay thế; j: Chỉ số phụ biểu thị nước nhập khẩu; Ex: độ co giãn của cung xuất khẩu; k: Chỉ số phụ biểu thị nước xuất khẩu ; t: biến dạng thuế suất; M: nhập khẩu; d: tiền tố biểu thị sự thay đổi; K: chỉ số dưới biểu thị nước ngoài thay thế; P: giá; d: tiền tố biểu thị sự thay đổi (Laird và Yeats, 1986).

Kịch bản nghiên cứu

Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam khi EU cam kết xóa bỏ hầu hết các loại thuế đối với các sản phẩm của Việt Nam nhập khẩu vào EU, trong đó thuế quan nhập khẩu các mặt hàng giày dép được giảm trung bình từ 12,4% xuống 0% theo lộ trình 7 năm. Hiện tại, nhóm này đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 3-4% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP.

Kịch bản 1: EU xóa bỏ hoàn toàn thuế quan cho ngành giày dép Việt Nam về 0%. Quá trình hội nhập của EU trong lĩnh vực giày dép với phần còn lại của thế giới không đưa vào xem xét. Với kịch bản này, bài nghiên cứu sẽ đánh giá cụ thể duy nhất tác động thuế quan mà EVFTA đem lại ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường EU. Tình trạng xem xét này là tách biệt hoàn toàn với việc hội nhập với các FTA khác nhằm xác định rõ hơn EVFTA sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam.

Kịch bản 2: EU xóa bỏ hoàn toàn thuế quan xuất khẩu giày dép về 0% cho Việt Nam và Indonesia.

Trong xuất khẩu giày dép sang thị trường EU, Indonesia là một trong những quốc gia có kim ngạch đứng thứ 3, xếp ngay sau Việt Nam ở vị trí thứ hai. Trong những năm gần đây, EU đang có những động thái trở thành đối tác kinh tế với Indonesia khi tiến hành đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện song phương (IEU – CEPA). Khi hiệp định này được ký kết thành công và đi vào hiệu lực sẽ giúp hàng hóa và dịch vụ của Indonesia dễ dàng tiếp cận vào thị trường EU hơn bởi những cam kết hỗ trợ thương mại, thuế quan, thúc đẩy hợp tác phát triển giữa hai bên. Kịch bản 2 của bài báo đưa ra là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn khi việc đàm phán giữa EU và Indonesia đang tiến triển thuận lợi và có khả năng thành công là rất lớn.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

- Tác động của Hiệp định thương mại EVFTA đối với những thay đổi chung và tổng quan xuất khẩu giày dép Việt Nam sang EU.

Dựa vào bảng 1 có thể thấy rằng, theo như kịch bản 1, khi EU xóa bỏ hoàn toàn thuế quan cho xuất khẩu giày dép Việt Nam về 0%, kim ngạch xuất khẩu ngành đạt khoảng 7695,480 triệu USD, tăng 1002,478 triệu USD so với giá trị xuất khẩu ban đầu. Mức tăng giá trị xuất khẩu tương đương của kịch bản 1 là 14,98%. Đối với kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu giày dép sang EU cũng sẽ tăng 891,487 triệu USD (tương đương 13,32%) khi đạt 7584,488 triệu USD. Mức tăng xuất khẩu giày dép của Việt Nam sẽ thấp hơn 11,07% trong kịch bản 2 so với kịch bản 1. Đó là vì khi EU xóa thuế quan không chỉ cho Việt Nam mà còn cho đối thủ cạnh tranh Indonesia, EU sẽ chuyển một phần nhập khẩu giày dép từ Việt Nam sang Indonesia. Tuy nhiên, mức giảm 11,07% cũng có hàm ý rằng việc EU xóa thuế cho cả Indonesia thì cũng không khiến xuất khẩu giày dép Việt Nam sang EU giảm quá nhiều và EU vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm tới.

Bảng 1: Những thay đổi tổng thể về xuất khẩu giày dép
Việt Nam sang EU-27

Chỉ báo

Kịch bản 1

Kịch bản 2

Giá trị xuất khẩu ban đầu (Nghìn USD)

6693001.502

6693001.502

Giá trị xuất khẩu khi thuế về 0% (Nghìn USD)

7695480.021

7584488.608

Tổng giá trị xuất khẩu thay đổi (Nghìn USD)

1002478.519

891487.106

Tạo lập thương mại (Nghìn USD)

433058.443

433058.443

Chệch hướng thương mại (Nghìn USD)

569420.076

458428.663

Tăng về xuất khẩu (%)

14.97801127

13.31969081

Tạo lập thương mại/ Tăng xuất khẩu (%)

43.19877531

48.5770843

Chệch hướng thương mại/ Tăng xuất khẩu (%)

56.80122469

51.4229157

Nguồn: Tính toán của tác giả từ kết quả mô phỏng SMART

Nhìn chung, kết quả cho thấy, xuất khẩu giày dép Việt Nam sang EU đều tăng trong cả hai kịch bản. Điều này có thể được lý giải bằng 2 lý do chính. Đầu tiên, khi EU xóa bỏ thuế cho giày dép Việt Nam theo EVFTA, giày dép Việt Nam sẽ rẻ hơn và mang tính cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác. Giày dép Việt Nam cạnh tranh và thay thế hàng hóa của EU được thể hiện qua số liệu tạo lập thương mại và hàng hóa của các đối thủ khác thông qua số liệu chệch hướng thương mại. Xét theo giá trị tạo lập thương mại và chệch hướng thương mại so với tăng xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu giày dép sang thị trường EU sẽ thay thế phần lớn các mặt hàng của các quốc gia khác nước nhập khẩu (EU) do có giá trị chêch lệch thương mại so với tăng xuất khẩu cao hơn. Các giá trị này lần lượt là 56,8% ở kịch bản 1 và 51,42% tại kịch bản 2.

- Tác động của EVFTA đến các quốc gia

Trong cả 2 kịch bản, Trung Quốc chính là quốc gia bị ảnh hưởng giảm xuất khẩu nhiều nhất bởi Hiệp định thương mại tự do EVFTA với giá trị kim ngạch giảm lần lượt là 398,191 triệu USD và 487,906 triệu USD. Ở kịch bản 1, khi xét EU xóa bỏ thuế quan về 0% chỉ cho Việt Nam, các quốc gia đứng đầu về ảnh hưởng giảm xuất khẩu đều nằm trong những nước xuất khẩu giày dép sang EU lớn nhất thế giới. Cụ thể, Trung Quốc vị trí đầu giảm 398,191 triệu USD; Indonesia giảm 106,06 triệu USD; Campuchia giảm -38,165 triệu USD và Ấn Độ giảm 27,349 triệu USD.

Tương tự ở kịch bản 2, các quốc gia giảm xuất khẩu hàng đầu cũng là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam khi xuất khẩu giày dép sang EU là Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ với mức giảm lần lượt là 487,906 triệu USD; 48, 481 triệu USD; 34,633 triệu USD. Nhìn chung, có thể thấy, lợi ích dành cho thị phần xuất khẩu giày dép Việt Nam sang thị trường châu Âu lớn hơn nhờ Hiệp định thương mại tự do EVFTA khi các đối thủ hàng đầu đều có xu hướng giảm giá trị xuất khẩu do tác động của hiệp định này.

- Tác động của EVFTA đến các sản phẩm giày dép

Ở cả hai kịch bản, các sản phẩm ở nhóm hàng hóa 6402, 6403 và 6404 có sự tăng trưởng giá trị xuất khẩu sang thị trường EU cao nhất. Đây đều là nhóm những mặt hàng xuất khẩu giày dép chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU.

Mặt hàng 640411 (Giày, dép có đế ngoài bằng cao su hoặc plastic: Giày, dép thể thao, giày tennis, giày bóng rổ, giày thể dục, giày luyện tập và các loại tương tự) có giá trị tăng xuất khẩu cao nhất đạt 328,112 triệu USD (tăng 16,16%) ở kịch bản 1 và 254,968 triệu USD (tăng 12,56%) ở kịch bản 2. Xét về phần trăm tăng xuất khẩu nhiều nhất, mã hàng 640291 (Giày, dép khác: Giày cổ cao quá mắt cá chân) có giá trị tăng cao nhất. Ở kịch bản 1, phần trăm tăng của mã hàng là 25.29% (giá trị tăng 64,89 triệu USD), ở kịch bản 2 là 25,08% (giá trị tăng 66,837 triệu USD). Tuy nhiên có thể thấy giá trị gia tăng xuất khẩu và phần trăm tăng xuất khẩu của giày dép Việt Nam sang EU ở kịch bản 2 giảm hơn so với kịch bản 1. Điều này là dễ hiểu khi EU đồng thời xóa thuế cho đối thủ Indonesia, thị phần xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang thị trường EU sẽ phải nhường một phần cho Indonesia.

Giải pháp và kiến nghị

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Chính phủ cần tạo dựng một môi trường thuận lợi cho việc phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài bằng cách ban hành các chính sách, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý. Các bộ luật liên quan đến thương mại như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường... cần được rà soát, sửa đổi và bổ sung để đáp ứng được tính cấp thiết của các sự kiện của kinh tế. Việc phát triển môi trường hợp lý sẽ góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn vào nước ta đồng thời tạo dựng thêm nhiều hiệp định mới trong tương lai giữa Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, các thể chế luật pháp liên quan đến hiệp định.

Để tránh phụ thuộc vào nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu từ nước ngoài, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giày dép là rất cần thiết. Từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 nhằm tạo căn cứ và kế hoạch định hướng phát triển đối với ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Dựa vào quyết định trên, Chính phủ nên tiếp tục theo dõi và thúc đẩy các bộ, ban ngành điều hành, chỉ thị doanh nghiệp phát triển. Do ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ yêu cầu lượng lớn về vốn và nguồn lực để có thể đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị, nghiên cứu sản phẩm nên các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp lớn nên được chú trọng phát triển đầu tiên.

Chính phủ cần thúc đẩy và quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp giày dép trong nước. Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) cần sát sao hơn nữa trong việc thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp khi gặp khó khăn cũng như giúp các doanh nghiệp tiếp cận và hiểu rõ hơn về các cam kết và nội dung của hiệp định EVFTA, những yêu cầu mà EU đề ra để có thể xuất khẩu thuận lợi sang thị trường này. Những buổi hội thảo, tọa đàm, giao lưu, tập huấn được tổ chức cho các doanh nghiệp hàng tháng hoặc hàng quý sẽ là một cơ hội tốt để hiệp hội và Chính phủ có cơ hội hỏi đáp, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ doanh nghiệp một cách kịp thời.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Công Thương - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (2020), Thông tin xuất khẩu vào thị trường EU ngành giày dép, Nhà xuất bản Công Thương;
  2. Bùi Xuân Lưu, Nguyễn Hữu Khải (2006), Giáo trình Kinh tế ngoại thương, Nhà xuất bản Lao động – Xã hội, Hà Nội, tr.9;
  3. Bùi, V. H. (2008). Thị trường EU: Cơ hội và thách thức co xuất khẩu mặt hàng giầy dép Việt Nam;
  4. Anh, T., Ha, N., & Phuong, C. (2021). Determinants efficiency of Vietnam’s footwear export: A stochastic gravity analysis. Accounting, 7(2), 311-322;
  5. Laird, S. and Yeats, A. (1986) The UNCTAD trade policy simulation model - A note on the methodology, data and uses. UNCTAD discussion no.19;
  6. Hoang Tien Nguyen, Hanh Thị Bich Nguyen (2021), Impacts of EVFTA on exportation of Vietnamese footwear products to EU market, Vol 5 No 2, Science&Technology development Journal: Economics – Law& Management, 1499-1508.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2024