Xuất khẩu cà phê sang EU: Đòn bẩy từ EVFTA


Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã và đang giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và tiếp tục mở rộng thị phần tại Liên minh châu Âu (EU).

EU là thị trường lớn nhất của Phúc Sinh, chiếm từ 45- 55% tổng doanh thu của doanh nghiệp.
EU là thị trường lớn nhất của Phúc Sinh, chiếm từ 45- 55% tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Cho đến nay, EU vẫn đang là thị trường nhập khẩu và tiêu dùng cà phê lớn nhất thế giới. Niên vụ 2022-2023 (tính từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023), EU nhập khẩu 47,5 triệu bao cà phê (mỗi bao 60 kg), tăng 3 triệu bao so với năm 2022; chiếm 40% tổng lượng cà phê nhân nhập khẩu của thế giới. Các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho EU gồm: Brazil chiếm 35%; Việt Nam chiếm 22%; Uganda chiếm 7%; Honduras chiếm 6%.

Không chỉ vậy, EU còn là khu vực dẫn đầu về tiêu thụ cà phê trên đầu người cao nhất thế giới, trung bình trên 5kg/người/năm, trong đó dẫn đầu là các nước Bắc Âu. Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), trong giai đoạn 2020 – 2025, thị trường cà phê EU được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình là 5,5%/năm, trong đó nhu cầu tiêu thụ cà phê chế biến, đặc sản ngày càng gia tăng.

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, trong 6 tháng đầu năm 2023, EU nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt 9,74 tỷ EUR (tương đương 10,3 tỷ USD), giảm 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng giảm nhập khẩu tiếp tục diễn ra trong tháng 7/2023, kim ngạch đạt 1,57 tỷ EUR (tương đương 1,66 tỷ USD), giảm 11,1% so với tháng 7/2022. 

Ngược lại với xu hướng trên, EU lại tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, với mức tăng 20,1% trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch đạt 869 triệu EUR (tương đương 917,6 triệu USD). Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU từ thế giới chiếm 8,91% trong 6 tháng đầu năm 2023 và đã tăng lên 9,52% trong tháng 7/2023.

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group chia sẻ, EU là thị trường lớn nhất của Phúc Sinh, chiếm từ 45- 55% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Nhằm tận dụng những ưu đãi từ EVFTA, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Phúc Sinh, đã tăng cường đầu tư vào khâu chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 để xuất khẩu sang thị trường EU.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam qua các năm
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam qua các năm

Đặc biệt, nhu cầu tìm kiếm cà phê ngon và chất lượng cao ở khắp EU sẽ góp phần thúc đẩy sản phẩm cà phê của Việt Nam gia tăng thị phần và giá trị tại thị trường này. Ví dụ, tại Hà Lan, 80% người tiêu dùng chọn Arabica, còn lại 20% là Robusta. Dòng cà phê hạt Colombia; hương vị việt quất, socola, hạt phỉ và mận là loại cà phê được ưa chuộng nhất tại Hà Lan với doanh thu cao nhất trong dòng cà phê nguyên hạt, đóng trong túi 500g giá khoảng 11 - 15 euro, tương đương từ 300 - 400 nghìn đồng. Tương tự, Pháp được coi là thị trường tiềm năng đối với các nhà xuất khẩu cà phê, đặc biệt là phân khúc cà phê cao cấp. Dự tính, thị trường cà phê cao cấp có thể tăng từ 2% trong số 300.000 tấn bán ở Pháp mỗi năm lên 10% vào năm 2025.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt hơn các lợi thế từ EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sang thị trường EU. Bởi vì, với những cam kết thuế quan sâu rộng hơn và các nước thành viên EU đều công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý của cà phê, EVFTA sẽ góp phần tác động tích cực đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU.

Tuy nhiên, thị trường EU ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng cà phê. Họ đã siết chặt quy định dư lượng thuốc trừ sâu đối với các loại hạt, trong đó cà phê là 0,1 mg/kg. Điều này đòi hỏi nước nhập khẩu  phải điều chỉnh phương thức sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn này. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cũng cần lưu ý quy định của EU về chống phá rừng, gây suy thoái rừng có hiệu lực từ năm 2023 đến hết năm 2024. Theo đó, EU sẽ không nhập khẩu các sản phẩm trồng trên các diện tích phá rừng, trong đó có cà phê.

Theo Thanh Trà/Diendandoanhnghiep.vn