Hiệp định EVFTA thúc đẩy thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã thúc đẩy, tạo động lực để các nhà đầu tư EU tiếp cận và mở rộng đầu tư ở Việt Nam.
"Mở khoá" cho dòng vốn đầu tư
Theo lộ trình thực thi Hiệp định EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu từ EU ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU). Mức thuế tiếp tục giảm, đặc biệt giảm mạnh từ sau năm thứ 3 trở đi. Từ năm 2022 đến năm 2027, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt sẽ giảm từ 10,2% xuống còn khoảng 1%.
Tỷ trọng vốn đăng ký từ các nhà đầu tư EU tăng từ khoảng 5% tổng vốn đăng ký bình quân giai đoạn 2016 - 2020 lên mức 8,9% năm 2022 và 9,2% trong năm 2023. Hà Lan, Pháp, Luxembough, Đức, Đan Mạch, Bỉ lần lượt là 6 nhà đầu tư hàng đầu của EU vào Việt Nam.
EVFTA đã góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2,450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ euro. Trong bối cảnh xu thế FDI toàn cầu suy giảm, các "đại bàng" EU vẫn tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam và "rót" hơn 800 triệu euro vào Việt Nam trong năm 2023.
Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ), lĩnh vực năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm… Dự báo dòng đầu tư trực tiếp FDI từ EU vào Việt Nam về trung hạn và dài hạn sẽ gia tăng đáng kể với nhiều dự án chất lượng có giá trị cao.
Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trong bối cảnh địa chính trị phức tạp như hiện nay việc EU đa dạng hóa các thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một điều tất yếu. EU có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các thị trường có môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và có lợi thế tiếp cận các thị trường trên thế giới. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ xu thế này.
Một điểm đáng chú ý trong xu thế này là việc thực thi Hiệp định EVFTA không chỉ thu hút đầu tư của các doanh nghiệp EU mà còn thu hút những doanh nghiệp ngoài Châu Âu đầu tư vào Việt Nam sản xuất nhằm tận dụng ưu đãi thuế theo EVFTA để xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu.
Thời gian qua đã có nhiều nhà sản xuất cà phê không chỉ của châu Âu mà còn từ Mỹ hay các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Singapore, Ấn Độ… đầu tư vào Việt Nam để có sản phẩm Made in Việt Nam xuất sang châu Âu được hưởng lợi rất lớn từ thuế giảm theo EVFTA.
Hoàn thiện chính sách, tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA
Theo ông Dominik Meichle - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA đã tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp châu Âu tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, để hiệp định này phát huy hiệu quả hơn nữa, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam thì điểm đến cần giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, chính sách thuế.
Khảo sát chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Eurocham cho thấy, có nhiều thách thức mà doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt để có thể tận dụng tối đa EVFTA. Trong đó, có thách thức về tình trạng pháp lý không rõ ràng, thời gian thực hiện các thủ tục kéo dài và một số chính sách thuế chưa công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Cụ thể, với thách thức về pháp lý, có những quy định khá mơ hồ, được giải thích theo nhiều cách khác nhau… khiến nhà đầu tư gặp khó khăn khi xin giấy phép thực hiện dự án. Cùng với đó là những khó khăn khác do các bên liên quan không hiểu rõ thỏa thuận, thủ tục thông quan chưa minh bạch, làm phức tạp hóa hoạt động thương mại cùng các rào cản kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm.
Nhấn mạnh EVFTA chắc chắn đã tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Dominik Meichle cho biết, khi bước vào năm thứ 5 của thỏa thuận, điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, thống nhất các tiêu chuẩn và bảo đảm hiểu biết về cách thức hoạt động của EVFTA.
Ông Meichle cũng khẳng định, sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam để giải quyết những thách thức còn tồn tại và bảo đảm cả doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu đều có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà thỏa thuận mang tính bước ngoặt này mang lại.
Ngoài ra, EuroCham Việt Nam đang tích cực ủng hộ việc phê chuẩn đầy đủ Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) như một bước quan trọng để "mở khóa" toàn bộ tiềm năng của EVFTA nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù các tổ chức EU đã phê duyệt, EVIPA vẫn yêu cầu phê chuẩn riêng lẻ từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU, với 18 quốc gia thành viên đã phê chuẩn hiệp định này.
Đồng quan điểm, bà Đào Thu Trang - Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, EVFTA là một điểm nhấn thu hút đầu tư từ EU; trong đó, có đầu tư từ Đức vào Việt Nam.
Theo bà Trang, để gia tăng thương mại, đầu tư EU vào Việt Nam, các cơ quan quản lý cần tăng cường hiệu quả thực thi hiệp định, xây dựng và sửa đổi những văn bản luật liên quan. Cùng đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng uy tín và bền vững.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có những chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, kỹ năng để giúp cho doanh nghiệp của Đức, các nhà đầu tư Đức và nhà đầu tư của châu Âu yên tâm trong vấn đề phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam…
Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh, các ngành công nghiệp, công nghệ thân thiện với môi trường năng lượng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và quy định mà châu Âu đề ra với xuất khẩu từ Việt Nam.