Tác động từ năng lực động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch ở TP. Hồ Chí Minh
Nghiên cứu này khám phá mối quan hệ giữa năng lực động và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch ở TP. Hồ Chí Minh. Một mô hình nghiên cứu được đề xuất để đánh giá tác động của năng lực động và năng lực đổi mới vào kết quả kinh doanh. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, năng lực động và năng lực đổi mới đã tác động đến kết quả kinh doanh và xác nhận vai trò trung gian của năng lực đổi mới. Kết quả nghiên cứu đóng góp vào cơ sở lý thuyết và thực tiễn trong việc xây dựng các nhân tố quyết định đến kết quả kinh doanh cũng như năng lực động trong các doanh nghiệp du lịch tại TP. Hồ Chí Minh.
Giới thiệu
Từ đầu năm 2020, với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, các quốc gia đã phải áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan, ảnh hưởng của dịch bệnh. Dù có nhiều biện pháp phòng chống và khắc phục dịch bệnh nhưng hậu quả của nó để lại quá lớn đối với tất cả ngành nghề và các doanh nghiệp du lịch là không tránh khỏi.
Để đạt được kết quả kinh doanh các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư vào: môi trường kinh tế, môi trường quốc tế, các chính sách chính trị, môi trường văn hoá – xã hội, môi trường công nghệ, sự minh bạch, môi trường tự nhiên (Nguyễn Chí Tranh, 2019). Ngược lại, theo Ong và cộng sự (2020) thì nên tập trung vào công tác lãnh đạo, công tác hoạch định, sự hỗ trợ, sự vận hành, công tác đánh giá hoạt động. Tóm lại, để đạt được kết quả kinh doanh, có nhiều quan điểm khác nhau và vì vậy kết luận khái quát hoá các yếu tố tác động đến kết quả kinh doanh còn hạn chế. Theo Fatoki (2021) để đạt kết quả kinh doanh cần đầu tư vào năng lực động. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay về tác động của năng lực động vào kết quả kinh doanh tại các doanh nghiệp du lịch còn hạn chế và phần lớn chỉ là nghiên cứu tác động của từng nhân tố của năng lực động, ít có nghiên cứu tích hợp nhiều nhân tố năng lực động cùng lúc và kiểm định tác động gián tiếp qua tác động trung gian của năng lực đổi mới vào kết quả kinh doanh.
Cơ sở lý thuyết
Lý thuyết năng lực động
Năng lực động là năng lực của một tổ chức thể hiện qua việc tạo, mở rộng hoặc sửa đổi nguồn lực của tổ chức một cách có chủ đích (Helfat và cộng sự, 2007). Helfat và cộng sự (2007) cho rằng, quy trình phát triển sản phẩm, khả năng liên minh và thu nhận, quy trình phân bổ tài nguyên, quy trình chuyển giao và nhân rộng kiến thức là những năng lực động. Ngoài ra, định hướng thị trường, quản trị quan hệ khách hàng, quản trị tri thức cũng là nhân tố thuộc năng lực động (Menguc và Auh, 2006; Desai và cộng sự, 2007; Wang và cộng sự, 2007)
Định hướng thị trường
Định hướng thị trường đề cập đến khả năng tạo giá trị cho khách hàng của một công ty dựa trên thông tin về khách hàng và đối thủ cạnh tranh (Lekmat và cộng sự, 2018). Hơn nữa, định hướng thị trường có tác động trực tiếp thuận chiều vào kết quả kinh doanh (Bamfo và Kraa, 2019). Ngoài ra, định hướng thị trường có tác động trực tiếp thuận chiều vào năng lực đổi mới (Huhtala và cộng sự, 2014). Quan trọng, định hướng thị trường có tác động gián tiếp vào kết quả kinh doanh thông qua trung gian năng lực đổi mới (Huhtala và cộng sự, 2014). Do đó, tác giả đề xuất các giả thuyết ban đầu như sau:
Đề xuất 1: Định hướng thị trường vừa tác động trực tiếp thuận chiều vào kết quả kinh doanh vừa vào năng lực đổi mới của doanh nghiệp du lịch.
Đề xuất 2: Định hướng thị trường có tác động gián tiếp thuận chiều vào kết quả kinh doanh qua trung gian năng lực đổi mới.
Quản trị quan hệ khách hàng
Quản lý quan hệ khách hàng được định nghĩa là các quy trình giúp các công ty quản lý hiệu quả các mối quan hệ có lợi và bền vững với các khách hàng quan trọng nhằm tối đa hóa giá trị cho cả cổ đông và khách hàng (Vu và cộng sự, 2018). Hơn nữa, quản trị quan hệ khách hàng có tác động thuận chiều trực tiếp vào kết quả kinh doanh (Mohammad và cộng sự, 2013). Ngoài ra, quản trị quan hệ khách hàng có tác động trực tiếp thuận chiều vào năng lực đổi mới (Pour và cộng sự, 2018). Quan trọng, quản trị quan hệ khách hàng có tác động gián tiếp vào kết quả kinh doanh thông qua trung gian năng lực đổi mới (Battor và Battor, 2010). Do đó, tác giả đề xuất giả thuyết ban đầu như sau:
Đề xuất 3: Quản trị quan hệ khách hàng vừa tác động trực tiếp thuận chiều vào kết quả kinh doanh vừa vào năng lực đổi mới của doanh nghiệp du lịch.
Đề xuất 4: Quản trị quan hệ khách hàng có tác động gián tiếp thuận chiều vào kết quả kinh doanh qua trung gian năng lực đổi mới.
Quản trị tri thức
Quản trị tri thức có thể được định nghĩa là quá trình tạo, sử dụng, chia sẻ, lưu trữ và quản trị kiến thức và thông tin trong một tổ chức nhằm đạt được các mục tiêu của tổ chức (Jiménez và cộng sự, 2021). Hơn nữa, quản trị tri thức là một tài sản mạnh mẽ và là nguồn lực chiến lược giúp doanh nghiệp tồn tại, tăng trưởng và phát triển (Habib và Bao, 2019). Ngoài ra, quản trị tri thức có tác động thuận chiều trực tiếp vào kết quả kinh doanh (Ale, 2021). Bổ sung thêm, quản trị tri thức có khả năng ảnh hưởng đến sự đổi mới và khả năng cạnh tranh (Jiménez và cộng sự, 2021). Quản trị tri thức có tác động gián tiếp vào kết quả kinh doanh thông qua trung gian năng lực đổi mới (Byukusenge và Munene, 2017).
Do đó, tác giả đề xuất giả thuyết ban đầu như sau:
Đề xuất 5: Quản trị tri thức vừa tác động trực tiếp thuận chiều vào kết quả kinh doanh vừa vào năng lực đổi mới của doanh nghiệp du lịch.
Đề xuất 6: Quản trị tri thức có tác động gián tiếp thuận chiều vào kết quả kinh doanh qua trung gian năng lực đổi mới.
Mối quan hệ giữa năng lực động, năng lực đổi mới và kết quả kinh doanh
Giniuniene và Jurksiene (2015) nhấn mạnh rằng đổi mới là quá trình có thể được lặp lại liên tục và có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức. Mục đích của đổi mới là sử dụng các điều kiện và cơ hội đã hình thành trong môi trường, nhằm tạo ra giá trị mới và đạt được lợi thế cạnh tranh (Giniuniene và Jurksiene, 2015). Thêm nữa, năng lực đổi mới là tiềm năng tạo ra những ý tưởng mới, xác định các cơ hội thị trường mới và thực hiện những đổi mới nhưng phải tận dụng các nguồn lực và năng lực hiện có (Breznik và Hisrich, 2014). Ngoài ra, năng lực đổi mới là khả năng liên tục chuyển đổi kiến thức và ý tưởng thành các sản phẩm, quy trình và hệ thống mới vì lợi ích của doanh nghiệp và các bên liên quan (Breznik và Hisrich, 2014). Bổ sung thêm, Breznik và Hisrich (2014) cho rằng, một công ty cần áp dụng tri thức nếu muốn liên tục thúc đẩy đổi mới. Tổng quát hơn, đổi mới có nghĩa là phá vỡ, thay đổi và cải thiện các khuôn mẫu đã có, và đó là trọng tâm chính để các công ty trở nên linh hoạt và duy trì lợi thế cạnh tranh (Breznik và Hisrich 2014) nếu muốn tồn tại. Song song đó, Breznik và Hisrich (2014) còn nhận ra rằng, năng lực đổi mới có lẽ là năng lực quan trọng nhất mà một công ty có.
Theo Ilmudeen và cộng sự (2021), năng lực đổi mới là đặc điểm quan trọng nhất mà công ty cần, để đảm bảo tăng trưởng và duy trì lợi thế cạnh tranh. Năng lực đổi mới của công ty là một tài sản chiến lược quan trọng để tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững có khả năng tạo ra hiệu suất cao hơn. Có rất nhiều bằng chứng chứng minh mối quan hệ tích cực giữa năng lực đổi mới và kết quả kinh doanh (Ilmudeen và cộng sự, 2021)
Qua nội dung phân tích và căn cứ vào các đề xuất nêu trên, tác giả xây dựng các giả thuyết sau:
Hình 1: Mô hình đề xuất
H1: Năng lực động (định hướng thị trường, quản trị quan hệ khách hàng, quản trị tri thức) có tác động thuận chiều tích cực vào năng lực đổi mới của doanh nghiệp du lịch ở TP. Hồ Chí Minh.
H2: Năng lực đổi mới tác động thuận chiều tích cực vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp du lịch ở TP. Hồ Chí Minh
H3: Năng lực động (định hướng thị trường, quản trị quan hệ khách hàng, quản trị tri thức) có tác động thuận chiều tích cực vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp du lịch ở TP. Hồ Chí Minh
H4: Năng lực động (định hướng thị trường, quản trị quan hệ khách hàng, quản trị tri thức) có tác động thuận chiều tích cực vào kết quả kinh doanh qua trung gian năng lực đổi mới của doanh nghiệp du lịch ở TP. Hồ Chí Minh
Cách thức phân tích dữ liệu
Nghiên cứu sử dụng phân tích nhân tố khẳng định (CFA), tiếp theo dùng mô hình SEM để phân tích kiểm định tất cả các giả thuyết trong mô hình nghiên cứu và kết quả sau cùng khi phân tích mô hình SEM cho thấy, tất cả 4 giả thuyết đều được chấp nhận và đều có ý nghĩa.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Bảng 1: Tính chính xác cấu trúc (construct validity) |
|||||||||||
|
TB |
Al-pha |
CR |
AVE |
MSV |
Max R(H) |
MO |
CRM |
KM |
BP |
IC |
MO |
2.15 |
0.879 |
0.880 |
0.646 |
0.396 |
0.881 |
0.804 |
|
|
|
|
CRM |
2.94 |
0.868 |
0.869 |
0.624 |
0.557 |
0.874 |
0.629 |
0.79 |
|
|
|
KM |
2.91 |
0.861 |
0.862 |
0.611 |
0.557 |
0.865 |
0.630 |
0.746 |
0.781 |
|
|
BP |
2.91 |
0.833 |
0.834 |
0.503 |
0.14 |
0.84 |
0.307 |
0.351 |
0.308 |
0.709 |
|
IC |
2.77 |
0.814 |
0.816 |
0.527 |
0.14 |
0.826 |
0.347 |
0.314 |
0.252 |
0.374 |
0.726 |
Nguồn: Kết quả nghiên cứu
Mỗi biến quan sát có hệ số tải phải cao hơn 0,5 để có hiệu lực thích hợp và 0,7 để có đạt được độ chính xác do giá trị hội tụ. Hơn nữa, các chỉ số Phương sai Trung bình Trích xuất (AVE) của mỗi yếu tố phải lớn hơn 0,5 để đảm bảo độ tin cậy và tính hợp lệ. Độ tin cậy tổng hợp (CR) và AVE và ghi nhận tất cả các cấu trúc là hoàn toàn chính xác, với các giá trị Cronbach Alpha lớn hơn 0,7, CR lớn hơn 0,7 (Nunnally và Bernstein, 1994), và AVE lớn hơn đáng kể 0,5. (Fornell và Larcker, 1981). Để đảm bảo tính phù hợp của phân tích CFA cần đáp ứng các yêu cầu sau: CMIN/DF = 3, TLI > 0,90; CFI > 0,95; GFI > 0,9 và RMSEA < 0,08 (Hair và cộng sự, 2014). Theo đó, mô hình đạt được sự phù hợp với mô hình tốt với các chỉ số sau: CMIN/DF = 1,158; TLI = 0,994; CFI = 0,995; GFI = 0,965 và RMSEA = 0,017; do đó, hỗ trợ mạnh cho phân tích nhân tố khẳng định CFA.
Kết quả định lượng
Năng lực đổi mới có giá trị trung bình là 2,77, trong khi biến kết quả kinh doanh có giá trị trung bình là 2,91. Kết quả này ngụ ý rằng các nhà quản trị/CEOs có xu hướng gần như chưa đồng ý với năng lực đổi mới và kết quả kinh doanh. Độ tin cậy tổng hợp (CR) dao động từ 0,816 đến 0,880. Phương sai trung bình trích xuất (AVE) cho tất cả các cấu trúc lớn hơn 0,5. Cronbach’s Alpha dao động từ 0,814 đến 0,879. Mô hình đo lường có kết quả phù hợp (model fit) đạt mức tốt: CMIN/DF= 1,158; TLI = 0,994; CFI= 0,995; GFI = 0,965; RMSEA = 0,017; và mô hình phương trình cấu trúc tuyến tính được xem là phù hợp.
Kiểm định mô hình
Đối với kiểm định giả thuyết, hệ số path coefficients cho thấy, năng lực động (β = 0,560; p = 0,000) tác động vào năng lực đổi mới (H1) và năng lực đổi mới (β = 0,248; p = 0,000) tác động vào kết quả kinh doanh (H2). Kết quả là những yếu tố dự báo và tác động có ý nghĩa đến kết quả kinh doanh. Do đó, các giả thuyết H1 và H2 được ủng hộ. Nghiên cứu này cũng khám phá mối quan hệ đáng kể của của nguồn lực vô hình vào kết quả kinh doanh (β = 0,419, p = 0,000) và giả thuyết H3 được ủng hộ. Mối quan hệ trung gian giữa năng lực đổi mới và nguồn lực vô hình được nhận thấy là có ý nghĩa (β = 0,107, p= 0,001) và do đó giả thuyết H4 được chấp nhận (Hình 2).
Hình 2: Kết quả kiểm định mô hình.
Lý thuyết năng lực động được dùng cho nghiên cứu này là lý thuyết nền tảng để khảo sát sự ảnh hưởng của những thành phần thuộc năng lực động và năng lực đổi mới đối với tình hình hoạt động của thị trường của Việt Nam. Qua đó, 1 mô hình nghiên cứu được đề xuất về kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp du lịch ở TP. Hồ Chí Minh đã được khuyến nghị. Mô hình nghiên cứu gồm nguồn lực vô hình (định hướng thị trường, quản trị quan hệ khách hàng, quản trị tri thức) và năng lực đổi mới, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch. Những giả thuyết được xây dựng dựa theo mô hình nghiên cứu. Sau cùng, kết quả đều phù hợp với mô hình nghiên cứu đề xuất của tác giả.
Hàm ý quản trị
Với kết quả nghiên cứu đạt được, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, năng lực động (định hướng thị trường, quản trị quan hệ khách hàng, quản trị tri thức) có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến năng lực đổi mới và kết quả kinh doanh. Vì vậy, các nhà quản trị nên tập trung đầu tư vào năng lực động qua việc theo dõi và đánh giá đối thủ cạnh tranh trong ngành và phản ứng nhanh khi đối thủ có những chiến lược chính sách mới. Thường xuyên giám sát hành vi khách hàng và khảo sát ý kiến khách hàng hàng tháng hoặc hàng quý để từ đó đưa ra các kế hoạch thay đổi phù hợp nhu cầu của khách hàng để khách hàng luôn hài lòng với doanh nghiệp; Quan tâm, duy trì hoạt động chăm sóc khách hàng thường xuyên. Hơn nữa, luôn khuyến khích động viên nhân viên tham gia đóng góp những ý tưởng, quan điểm mới để giúp doanh nghiệp cải thiện chiến lược, kế hoạch kinh doanh. Quan sát thường xuyên sự thay đổi biến động của thị trường, cụ thể là: chính sách của các cơ quan quản lý, đối tác hợp tác, nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho công ty để từ đó điều chỉnh các hoạt động, chính sách cho phù hợp
Thứ hai, để đổi mới được tốt hơn, cần xây dựng chiến lược định hướng thị trường, quản trị quan hệ khách hàng, quản trị tri thức để ứng phó với sự thay đổi của đối thủ cạnh tranh, thị trường, công nghệ, khách hàng, dịch bệnh.
Nghiên cứu cũng có những hạn chế, cụ thể; nghiên cứu chỉ thực hiện tại các doanh nghiệp du lịch ở TP. Hồ Chí Minh nên tính tổng quát hoá không cao. Cỡ mẫu trong nghiên cứu chỉ là 535 nên hạn chế về tính đại diện, mô hình còn những nhân tố khác thuộc năng lực động nhưng chưa được đề cập trong nghiên cứu này.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Chí Tranh. (2019), Hoàn thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong tiến trình toàn cầu hoá, Luận án tiến sĩ, Đại học Ngoại Thương;
- Desai, D., Sahu, S., và Sinha, P. K. (2007), Role of dynamic capability and information technology in customer relationship management: A study of Indian companies. Vikalpa, 32(4), 45–62;
- Menguc, B., và Auh, S. (2006), Creating a firm-level dynamic capability through capitalizing on market orientation and innovativeness, Journal of the Academy of Marketing Science, 34(1), 63–73;
- Wang, E., Klein, G., và Jiang, J. J. (2007), IT support in manufacturing firms for a knowledge management dynamic capability link to performance, International Journal of Production Research, 45(11), 2419–2434. https://doi.org/10.1080/00207540601020437;
- Ong, F., Purwanto, A., Supono, J., Hasna, S., Novitasari, D., và Asbari, M. (2020), Does Quality Management System ISO 9001:2015 Influence Company Performance? Answers from Indonesian Tourism Industries, Test Engineering and Management, 83, 24808–24817;
- Fatoki, O. (2021), Dynamic capabilities and performance of hospitality firms in south africa: The mediating effect of innovation, Geojournal of Tourism and Geosites, 36(2), 616–623. https://doi.org/10.30892/GTG.362SPL08-690;
- Helfat, C. E., Finkelstein, S., Mitchell, W., Peteraf, M. A., Singh, H., Teece, D. J., và Winter, S. G. (2007), Dynamic capabilities: understanding strategic change in organizations. Blackwell Publishing.