Tác động từ sự đa dạng về giới tính trong hội đồng quản trị đến quản trị lợi nhuận
Ngày càng có nhiều nghiên cứu liên quan đến quản trị doanh nghiệp, trong đó tập trung vào việc phân tích rõ hơn về những đặc điểm độc đáo của phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo cao cấp là phụ nữ, có ảnh hưởng đến các quyết định, quản trị lợi nhuận, kết quả tổ chức. Sự tham gia của nữ giới trong hội đồng quản trị ngày càng được đánh giá cao vì sự chăm chỉ hơn trong hoạt động giám sát các nhà quản lý, cũng như việc tăng cường tính minh bạch trong báo cáo, một yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá trị đạo đức trong doanh nghiệp.
Cơ sở lý thuyết
Lý thuyết đại diện
Lý thuyết đại diện giải thích mối quan hệ giữa cơ chế quản trị doanh nghiệp (QTDN) và thực tiễn quản trị lợi nhuận (QTLN) của DN. Lý thuyết này nhấn mạnh mối quan hệ liên kết giữa DN và các bên liên quan như khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên và nhà đầu tư.
Mục tiêu của QTDN là giám sát hành vi của các bên quan tâm khác nhau và giảm chi phí đại diện trong các mối quan hệ đại lý - người ủy quyền khác nhau (Karpoff và cộng sự, 1996; Lemmon và Lins, 2003).
Lý thuyết các bên có liên quan
Lý thuyết các bên liên quan do Freeman (1984) đưa ra, đã mở ra góc nhìn khác về các bên liên quan. Các nhà quản lý, khi thực hiện vai trò, chức năng điều hành nên xem xét lợi ích các bên liên quan, đối tượng liên quan. Về lý thuyết, hội đồng quản trị (HĐQT) càng lớn thì cơ cấu về giới tính và trình độ chuyên môn càng đa dạng, phù hợp và tạo điều kiện tăng tính liên kết giữa các thành phần giúp tăng hiệu quả giám sát.
Quan điểm về quản trị lợi nhuận
QTLN được phân thành 2 loại:
- QTLN theo cơ sở dồn tích: Xem xét tác động của mức độ dồn tích lên chất lượng lợi nhuận. Jones (1991) đã nhấn mạnh, biến động trong doanh thu sẽ dẫn đến biến động trong vốn kinh doanh, gây ra thay đổi trong dồn tích và khấu hao tài sản cố định làm giảm dồn tích. Dechow và các đồng nghiệp (1995) đã phát triển một phiên bản điều chỉnh của mô hình Jones (Mô hình Jones điều chỉnh), trong đó, sự biến đổi doanh thu được điều chỉnh với sự biến đổi các khoản phải thu. Tiếp theo, Kothari và cộng sự (2005) đã phát triển một mô hình dồn tích có thể điều chỉnh, đề xuất một mô hình mà các biến số liên quan đến dồn tích được đo lường thông qua lợi nhuận trên tài sản (ROA).
- QTLN qua các hoạt động kinh tế: DN có thể điều chỉnh lợi nhuận qua việc sắp xếp một số giao dịch thực tế xảy ra trong năm hiện tại. Tuy nhiên, điều này có thể không có lợi ích lâu dài cho DN. QTLN theo hoạt động kinh tế được phân chia thành 3 phần bao gồm doanh thu, sản phẩm và chi phí (Gunny, 2010).
Bài viết này đánh giá QTLN theo cơ sở dồn tích. Theo phương pháp này, sự khác biệt giữa dòng tiền được báo cáo trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dựa trên cơ sở tiền mặt, lợi nhuận được báo cáo trong báo cáo kết quả kinh doanh được dựa trên cơ sở dồn tích có chệnh lệch. Khoản chênh lệch này được gọi là biến kế toán dồn tích (AC). Biến kế toán dồn tích gồm hai loại: biến kế toán dồn tích không điều chỉnh (NDA) và biến kế toán dồn tích có thể điều chỉnh (DAC) - còn gọi là biến dồn tích bất thường.
Giả thuyết nghiên cứu
Với mẫu quan sát là các DN phi tài chính niêm yết trên Borsa Istanbul từ năm 2009 đến năm 2017, Arioglu (2020) không tìm thấy bằng chứng về tác động của nữ giám đốc đối với QTLN. Abdullah và Ismail (2016) nghiên cứu các DN phi tài chính niêm yết trên Bursa Malaysia giai đoạn 2008 -2011 nhận thấy, ảnh hưởng của phụ nữ trong HĐQT và ủy ban kiểm toán đối với QTLN là không đáng kể. Nghiên cứu của Githaiga và cộng sự (2022), Yami và cộng sự (2023) cho thấy, đa dạng về giới tính có ảnh hưởng tiêu cực và đáng kể đến QTLN.
Nghiên cứu của Betz và cộng sự (1989); Gilligan (1993) cho rằng, nam giới và nữ giới tồn tại sự khác biệt rõ rệt về giá trị và lợi ích cũng như xu hướng ứng xử đối với các vấn đề phi đạo đức trong quản trị kinh doanh. Nhà quản lý nam chủ yếu quan tâm đến lợi ích kinh tế, ngược lại, nhà quản lý nữ có xu hướng làm hài hòa các mối quan hệ và giúp đỡ những người khác và ít có khả năng thực hiện các hành vi phi đạo đức như QTLN (Betz và cộng sự, 1989; Lewis, 1985; Mason và Mudrack, 1996). Tương tự, nghiên cứu của Srinidhi và cộng sự (2011) cho thấy, số lượng thành viên nữ trong HĐQT càng cao thì việc thao túng lợi nhuận sẽ giảm (DN có sự đa dạng giới tính trong HĐQT lớn hơn sẽ có hiệu quả hơn trong việc hạn chế QTLN). Do đó, nghiên cứu cho rằng, việc có nữ giới trong HĐQT sẽ gia tăng vai trò giám sát, hạn chế mức độ dồn tích bất thường.
Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất giả thuyết:
H1: Sự đa dạng về giới tính trong HĐQT sẽ hiệu quả hơn trong việc giảm bớt việc quản trị lợi nhuận
Mô hình nghiên cứu đề xuất
Dựa trên khung lý thuyết và kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Yami và cộng sự (2023), Meckling và Jensen (1976), Freeman (1984), Kothari và cộng sự (2005), mô hình nghiên cứu được đề xuất như sau:
Quản trị lợi nhuận (DACi,t) = β0 + β1 Boardgenderi,t + β2 Sizei,t + β3 ROAi,t + β4 LEVi,t + εi,t.
Trong đó: i là số DN; t là số năm tài chính (t có giá trị từ 1-4).
Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên và các báo cáo khác của các DN phi tài chính niêm yết tại Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015 (loại trừ DN thuộc lĩnh vực tài chính). Mẫu dữ liệu cuối cùng gồm 1.156 quan sát (sau khi đã loại các quan sát không phù hợp), dữ liệu được phân tích trên phần mềm Stata 17.
Phương pháp hồi quy OLS được sử dụng làm phương pháp ước tính cơ sở để lựa chọn ra mô hình phù hợp, do mô hình hồi quy OLS có khiếm khuyết về hiện tượng tự tương quan hoặc phương sai sai số thay đổi, lúc này kiểm định Hausman được tiến hành để lựa chọn giữa hiệu ứng cố định (FEM) và hiệu ứng ngẫu nhiên (REM). Kiểm định Hausman đã chọn công cụ ước tính FEM thay vì công cụ ước tính REM. Nhưng mô hình FEM cũng bị khiếm khuyết, nên được khắc phục bằng phương pháp GLS.
Kết quả nghiên cứu
Thống kê mô tả dữ liệu
Kết quả thống kê mẫu nghiên cứu cho thấy, mức độ trung bình của dồn tích bất thường tại các DN giảm 0,18 % so với tài sản đầu năm. Mức độ dồn tích bất thường cao nhất là 44,14% và mức dồn tích bất thường thấp nhất tương ứng là - 59,78%, so với tổng tài sản đầu năm. Kết quả thống kê cho thấy, có tồn tại hành vi QTLN của các nhà quản lý. Tỷ lệ thành viên nữ trong HĐQT là thấp, trung bình chiếm 16% trong tổng số thành viên HĐQT. Số lượng thành viên nữ trong HĐQT tương đối thấp, trung bình chưa đến 1 thành viên nữ có trong HĐQT; DN cao nhất là có 5 thành viên nữ trong HĐQT.
Kết quả phân tích hồi quy đa biến
Bảng 2 cho thấy, mối quan hệ giữa các biến phụ thuộc, độc lập và biến kiểm soát, giá trị tuyệt đối hệ số tương quan cặp giữa các biến đều nhỏ hơn 0,5 chứng tỏ không có hiện tượng tự tương quan giữa các biến. Bảng 1 còn cho thấy, mô hình không có vấn đề đa cộng tuyến nghiêm trọng vì không có mối tương quan nào giữa các biến độc lập và biến kiểm soát cao hơn 0,8; không thấy có hiện tượng đa cộng tuyến cao theo Gujarati (2004): hệ số nhân tố phóng đại phương sai (VIF) vượt quá 10 là dấu hiệu cho biết hiện tượng đa cộng tuyến cao.
Đầu tiên, nhóm tác giả chạy mô hình OLS, Prob < α = 5%. Theo kết quả, mô hình được đánh giá là phù hợp. Sau đó, nhóm tác giả kiểm định một số khiếm khuyết của mô hình thì phát hiện mô hình OLS có hiện tượng phương sai sai số thay đổi. Để khắc phục điều này thì nhóm tác giả chạy tiếp mô hình FEM.
Xem xét lựa chọn OLS hoặc FEM: Kiểm định F test được sử dụng, cho kết quả với giá trị Prob > F = 0,0000 (< α = 5%) với F (4,809) =12,25 cho thấy, với mức ý nghĩa 5%, tồn tại sự khác biệt đặc trưng giữa các công ty trong mô hình nghiên cứu.
Xem xét lựa chọn FEM hoặc REM: Tiến hành kiểm định Hausman, cho kết quả với giá trị Prob>chi2 = 0,0001 (< α = 5%) với chi2(4) = 23,68, mô hình FEM là phù hợp hơn khi nghiên cứu trên dữ liệu của đề tài.
Vậy, mô hình FEM sẽ được lựa chọn cho các phân tích tiếp theo.
Sau khi đã chọn được mô hình FEM, nhóm tác giả kiểm định lại khiếm quyết của mô hình. Kết quả cho thấy, mô hình FEM không tự tương quan vì F (1, 279) có Prob > F = 44,76% lớn hơn 5% và mô hình FEM có hiện tượng phương sai sai số thay đổi bởi giá trị Chi2 có Prob > chi2 = 0,0000 nhỏ hơn 5%. Kết quả kiểm định này sẽ làm giảm tính hiệu quả của mô hình FEM. Để khắc phục hiện tượng phương sai sai số thay đổi của FEM, thì phương pháp ước lượng FGLS là sự lựa chọn phù hợp nhất. Kết quả ước lượng mô hình FEM hiệu chỉnh bằng phương pháp FGLS (Bảng 3) cho thấy, các biến Size, ROA, LEV có tác động đến chất lượng chất lượng dồn tích (DAC).
Thảo luận kết quả hồi quy
Theo Bảng 3, nữ giới trong HĐQT không tác động đến QTLN. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Arioglu (2020); Abdullah và Ismail (2016); Sun và cộng sự (2011).
Bảng 1: Bảng kết quả thống kê mô tả |
|||||
Chỉ tiêu |
ĐVT |
Trung bình |
Độ lệch chuẩn |
Nhỏ nhất |
Lớn nhất |
Quản trị lợi nhuận (dac) |
% |
-0,18 |
10,14 |
-59,78 |
44,14 |
Boardgender |
Tỷ lệ TV nữ |
0,16 |
0,15 |
0 |
0,67 |
Giới tính (female_directors) |
Số TV nữ |
,87 |
,85 |
0 |
5 |
Quy mô công ty (Size_at) |
Triệu đồng |
2.541.247 |
6.773.905 |
916.248 |
7.18e+07 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phần mềm Stata
Bảng 2: Bảng tương quan giữa các biến |
||||||
DAC |
Boardgender |
Size |
Roa |
Lev |
VIF |
|
DAC |
1,00 |
|||||
Boardgender |
-0,0112 |
1,00 |
1,03 |
|||
Size |
0,0157 |
-0,0657** |
1,00 |
1,14 |
||
Roa |
-0,0142 |
0,1053*** |
-0,1424*** |
1,00 |
1,12 |
|
Lev |
0,1596*** |
-0,0809*** |
0,3654*** |
-0,3201*** |
1,00 |
1,24 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Stata
Ghi chú: Ký hiệu *; ** và *** hiển thị mức ý nghĩa tương ứng với 10%; 5% và 1%.
Bảng 3: Tổng hợp kết quả kỳ vọng và mức ý nghĩa thống kê |
|||||
Các biến |
Giả thuyết |
Kỳ vọng |
Kết quả |
Mức ý nghĩa |
Kiểm định giả thuyết |
Nữ giới (Boardgender) |
H1 |
- |
- |
Không có ý nghĩa |
Không chấp nhận |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ phần mềm Stata
Kết luận
Nghiên cứu này thực hiện để phân tích sự tác động của giới tính nữ trong HĐQT đến QTLN của các DN niêm yết ở Việt Nam. Phương pháp FGLS phù hợp được sử dụng trong nghiên cứu này. Kết quả là không tìm thấy sự ảnh hưởng của nữ giới trong HĐQT đến QTLN.
Tài liệu tham khảo:
- Abdullah, S. N., & Ismail, K. N. I. K. (2016), Women directors, family ownership and earnings management in Malaysia. Asian Review of Accounting, 24(4), 525–550;
- Adams, R. B., & Ferreira, D. (2009), Women in the boardroom and their impact on governance and performance. Journal of Financial Economics, 94(2), 291–309;
- Arioglu, E. (2020), The affiliations and characteristics of female directors and earnings management: evidence from Turkey. Managerial Auditing Journal, 35(7), 927–953;
- Barua, A., Davidson, L. F., Rama, D. V, & Thiruvadi, S. (2010), CFO gender and accruals quality. Accounting Horizons, 24(1), 25–39;
- Betz, M., O’Connell, L., & Shepard, J. M. (1989), Gender differences in proclivity for unethical behavior. Journal of Business Ethics, 8, 321–324.