Tác động từ thị trường đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam

Lê Trịnh Diễm Loan - Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng

Diễn biến của thị trường gạo thế giới đang có xu hướng sụt giảm về lượng và giá. Tại châu Á, giá gạo xuất khẩu diễn biến trái chiều, tương đối ổn định tại Việt Nam, nhưng giảm khoảng 10 USD/tấn tại Thái Lan và tăng khoảng 10-15 USD/tấn tại Ấn Độ và Pakistan. Tính chung trong năm 2015, giá gạo trung bình thế giới đã giảm khoảng 11% (khoảng 45 USD/tấn), từ 431 USD/tấn xuống 389 USD/tấn. Tất cả các yếu tố này đang tác động không nhỏ đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Làm thế nào để ứng phó với những tác động xấu đến giá gạo Việt Nam là vấn đề đặt ra trong bài viết.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Tại thị trường trong nước, giá gạo biến động theo xu hướng giá xuất khẩu. Thời điểm giá thấp nhất trong năm 2015 là vào cuối tháng 9, tuy nhiên đã hồi phục sau đó và đến cuối năm 2015, giá gần như ổn định trở lại so với trước.

Tính chung cả năm 2015, nhu cầu tiêu dùng gạo chất lượng tăng cao, nhất là gạo nếp thường tăng cao vào dịp lễ Tết. Tuy nhiên, do tình hình xuất khẩu đầu năm chưa khả quan, nên nhìn chung 2 tháng đầu năm, giá thóc, gạo nguyên liệu trong nước tương đối ổn định hoặc giảm nhẹ.

Mặc dù, được hỗ trợ từ chương trình tạm trữ của Chính phủ và các thông tin tích cực từ thị trường xuất khẩu song giá thóc gạo chỉ tăng nhẹ trong tháng 4, sau đó có xu hướng giảm liên tục cho đến tháng 9, do tác động của thị trường thế giới, tình hình xuất khẩu hạn chế và nguồn cung dồi dào. Trong 3 tháng cuối năm, giá gạo tăng nhẹ do nhu cầu nhập khẩu gạo từ Philippin và Indonesia tăng.

Tỷ giá tiền tệ của một số nước xuất khẩu gạo chủ chốt

Tiền tệ

+/-

19/12/2014

17/12/2015

Baht Thái Lan

-10%

32.7550

36.0240

Rupee Ấn Độ

-6,3%

62.3795

66.2817

Đồng Việt Nam

-5%

21.158,7

22.185,4

Rupee Pakistan

-4,2%

99.8595

104.032

Nguồn: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

Nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu sụt giảm là do bị tác động bởi yếu tố sau: Đồng nội tệ của các nước xuất khẩu lớn giảm giá tạo cơ hội cho khách hàng có lý do ép giá. Riêng đối với Việt Nam, việc tiền đồng giảm giá ít hơn so với tiền baht Thái và tiền rupee Ấn Độ là một trong những nguyên nhân khiến cho giá gạo Việt trở nên đắt hơn so với hai đối thủ cạnh tranh này.

Nguyên nhân chính khiến giá gạo giảm liên tiếp trong vòng một năm qua là do nguồn cung dồi dào, nhất là ở những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong khi đó nhu cầu nhập khẩu lại thấp, hợp đồng thì nhỏ; khách hàng truyền thống lại nỗ lực theo đuổi chính sách tự cung tự cấp, hạn chế nhập khẩu gạo.

Bên cạnh đó, do thời tiết diễn biến thất thường, tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá”; đồng thời, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, chuyển sang thích tiêu thụ loại gạo dẻo thơm, gạo hạt dài… nhu cầu tiêu dùng gạo cao cấp chiếm 35% và có xu hướng tăng, trong khi nguồn cung chỉ tập trung vào loại gạo cấp thấp.

Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam và Pakistan là những quốc gia xuất khẩu gạo chính trên thế giới, chiếm tới 71,81% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Trung Quốc, Nigeria, Iran và Indonesia là những nước nhập khẩu gạo chính nhưng chỉ chiếm 23,32% tổng lượng gạo nhập khẩu toàn cầu. Điều này cho thấy, các nước xuất khẩu gạo có xu hướng tập trung hơn, trong khi các nước nhập khẩu khá phân tán.

Tác động từ thị trường đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam - Ảnh 1

Việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng và đặc biệt đang tập trung rất nhanh vào thị trường Trung Quốc. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên toàn bộ thị trường nội địa, gây thiệt hại cho các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo trong nước, đặc biệt là người nông dân.

Thương hiệu tạo nên giá trị, gạo Việt Nam chưa có thương hiệu thì khó cạnh tranh trên thế giới và không bán được giá cao. Điều này đã được cảnh báo từ nhiều năm trước đây. Nhà nước đã khuyến khích xây dựng thương hiệu nhưng các doanh nghiệp làm ăn ở thị trường chất lượng thấp, nên không chịu đầu tư.

Trong năm 2015, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt gần 6,6, triệu tấn, trị giá hơn 2,8 tỷ USD, tăng 4% về số lượng nhưng giảm 4,5% về giá trị xuất khẩu so với năm 2014. Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính sử dụng gạo toàn cầu niên vụ 2015-2016 đạt 498,2 triệu tấn, tăng 1,1% so với 492,7 triệu tấn năm 2014-2015 do lượng gạo sử dụng làm lương thực tăng 5,3 triệu tấn lên 401,5 triệu tấn; tiêu thụ gạo theo đầu người năm 2015 - 2016 đạt 54,6 kg.

Trong năm 2016, các nước đang phát triển dự báo sẽ nhập khẩu tổng cộng 39,4 triệu tấn gạo, tăng 1,3% so với năm 2015. Theo Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), các điều kiện xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay rất thuận lợi với lượng gạo lưu kho tương đối thấp so với năm 2015. Bên cạnh một số hợp đồng xuất khẩu đạt khoảng 1,3 triệu tấn ký kết trước đó, các thị trường truyền thống như Indonesia và Philippines được dự đoán sẽ tiếp tục đặt hàng trong năm 2016. Hơn nữa, sản lượng gạo vụ đông xuân khoảng 3 triệu tấn nên Việt Nam có thể xuất khẩu 4,3 triệu tấn gạo trong nửa đầu năm nay.

VFA cũng dự đoán thị trường xuất khẩu gạo vẫn sẽ ổn định cho đến hết năm nay khi Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Philippines có thể ký thêm hợp đồng nhập khẩu gạo nhằm ổn định nguồn cung nội địa và đối phó với hiện tượng El Nino. Như vậy, năm 2016, xuất khẩu gạo dự báo sẽ bớt khó khăn hơn năm 2015, bởi sản lượng dự báo giảm do thời tiết, kéo theo dự trữ sụt giảm.

Củng cố thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu gạo

Trước tình hình giá gạo đang biến động, Nhà nước cần không ngừng đề ra những chính sách, chủ trương và kế hoạch nhằm bình ổn giá gạo, củng cố thị trường xuất nhập khẩu và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Các doanh nghiệp cũng sẽ thiết lập mở rộng thị trường gạo cao cấp nhằm đa dạng hóa nhu cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và giá trị gia tăng, hạn chế phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường gần, tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do mang lại:

- Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam thông qua tuyên truyền tới người dân để mỗi người Việt Nam, từ nông dân tới nhà kinh doanh, đều có ý thức xây dựng thương hiệu và giữ gìn uy tín cho hạt gạo Việt.

- Tăng cường thông tin về các thị trường đang hướng tới, biết được sản xuất của họ tăng giảm bao nhiêu, các đối thủ cạnh tranh đang có chiến lược gì…

- Giảm giá thành sản xuất từ khâu hạt giống, phân bón, thất thoát, chế biến, thu mua trung gian… cùng biện pháp liên kết giữa 3 nhà (sản xuất, chế biến và xuất khẩu) để tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Chủ động được nguồn giống, sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu giống đến chế biến.

- Đảm bảo chất lượng hạt gạo để tạo uy tín với khách hàng: Vệ sinh an toàn thực phẩm, không có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, kim loại nặng có hại cho sức khỏe, làm sao để hạt gạo dù bảo quản lâu vẫn giữ được hương thơm và độ dẻo, không có sạn thóc;

- Lựa chọn một số giống/loại phù hợp với nhu cầu/sở thích của khách hàng,̉ kiên trì phát triển một cách bài bản. Hiện gạo xuất khẩu của Việt Nam chưa có được thương hiệu chủ yếu, bởi chất lượng không đồng đều, không có sự nổi bật;

- Chú trọng khai thác triệt để thị trường nội địa, đặc biệt là các loại gạo phẩm cấp cao và các sản phẩm làm từ gạo. Điều này không chỉ là nhiệm vụ của nông dân và doanh nghiệp mà cần có cả sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ngoài ra, để đảm bảo người trồng lúa có lãi, cũng như đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia, cần có sự thay đổi phương thức hỗ trợ người nông dân mang tính dài hơi, bền vững. Trước hết là quy hoạch sản xuất để không xảy ra tình trạng loại gạo cần thì có, loại đang có lại không bán được. Tiếp nữa là sự can thiệp trong giai đoạn thu hoạch lúa làm sao để mang lại hiệu quả cao, chẳng hạn như có chính sách hỗ trợ tài chính cho người nông dân hoặc hợp tác xã xây dựng kho bãi, sân phơi…

Tài liệu tham khảo

1.http://vov.vn/kinh-te/thi-truong/viet-nam-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-gao-481834.vov;

2. http://www.vietfood.org.vn/vn;

3. Hà Văn Hội, Tham gia TPP: cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam, tạp chí khoa học ĐHQGHN, tập 31, số 1/2015.