Tác động từ yếu tố môi trường, xã hội và quản trị đến hoạt động của các doanh nghiệp ở Mỹ, Australia

Lại Hoài Phương, Đào Thị Thanh Bình - Trường Đại học Hà Nội

Nghiên cứu này phân tích các tác động của các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) tới hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và Australia. Nghiên cứu sử dụng mô hình bình phương nhỏ nhất (OLS) trên dữ liệu bao gồm gần 200 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ và Australia. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, các ESG và các cấu phần của ESG không có mối quan hệ đáng kể với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo phạm vi quốc gia và có tác động không đồng nhất theo phạm vi ngành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giới thiệu

Nhìn chung, các doanh nghiệp luôn hướng tới việc tăng cường hiệu quả hoạt động. Một số nghiên cứu đã xem xét các yếu tố có thể cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và một trong số đó là các yếu tố về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) (Alareeni và Hamdan, 2020). Trên thực tế, việc công bố thông tin về các khía cạnh ESG là điều cần thiết để tăng giá trị của doanh nghiệp cũng như chứng tỏ khả năng chống chọi và hoạt động bền vững của doanh nghiệp đó (Melinda và Wardhani, 2020).

ESG là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điểm số ESG được đánh giá dựa trên những tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị của doanh nghiệp khi quản lý các ảnh hưởng đó. Điểm ESG càng cao càng chứng minh thương hiệu thực hành tốt ESG.

Việc công bố các hoạt động liên quan đến ESG được kỳ vọng sẽ làm gia tăng giá trị cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (Alareeni và Hamdan, 2020). Tuy nhiên, các nghiên cứu thực tiễn cho thấy, mối quan hệ giữa ESG và hiệu quả hoạt động không phải lúc nào cũng có mối quan hệ cùng chiều. Atan và cộng sự (2018) đã chứng minh rằng các thông tin liên quan đến ESG không có bất kỳ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, Ruan và Liu (2021) chỉ ra rằng các hoạt động ESG có ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Sự trái chiều trong kết quả của các nghiên cứu có thể được giải thích như sau:

Thứ nhất, sự đa dạng của các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động khiến việc xác định mối quan hệ với ESG trở nên chưa chính xác. Bên cạnh đó, việc sử dụng một chỉ số hiệu quả duy nhất (ROA, ROE hoặc Tobin’s Q) thường không thể giúp xác định được mối quan hệ tiềm ẩn giữa hiệu quả hoạt động và ESG.

Thứ hai, chỉ số ESG là một chỉ số đa khía cạnh được xây dựng dựa trên các thông tin công bố về các hoạt động liên quan môi trường, xã hội và quản trị và tác động của một khía cạnh có thể đôi khi loại bỏ tác động của khía cạnh khác (Buallay và cộng sự, 2020). Khi đó, các nghiên cứu tập trung vào các khía cạnh ESG khác nhau có thể dẫn đến các kết luận khác nhau về mối quan hệ giữa ESG và hiệu quả hoạt động.

Bài viết này sử dụng các chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động khác nhau để kiểm định mối quan hệ giữa hiệu quả hoạt động và chỉ số ESG, bao gồm chỉ số hiệu quả hoạt động theo giá trị thị trường, theo lợi nhuận và hiệu suất doanh nghiệp. Việc sử dụng hiệu suất doanh nghiệp làm chỉ báo hiệu quả hoạt động sẽ giúp tránh được vấn đề chỉ sử dụng một con số làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động. Hiệu suất doanh nghiệp được ước lượng thông qua việc xem xét tất cả các yếu tố sản xuất, bao gồm doanh thu, tài sản, lao động, và giá vốn hàng hóa (COGS), và do vậy được kỳ vọng đưa ra mối quan hệ toàn diện hơn giữa 2 nhóm biến nghiên cứu.

Ngoài ra, bài viết xem xét chỉ số ESG tổng quát cùng với 3 chỉ số riêng lẻ về môi trường, xã hội và quản trị trong mối quan hệ với hiệu quả hoạt động để xác định yếu tố chính ảnh hưởng đến hiệu suất của các doanh nghiệp ở Mỹ và Australia.

Cơ sở lý thuyết và xây dựng giả thuyết

Các yếu tố ESG đã trở thành một định nghĩa mới về quản trị bền vững. Tuy nhiên, không có định nghĩa cụ thể về ESG mà các quan điểm được phát triển và mở rộng dựa trên khái niệm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).

ESG bao gồm 3 yếu tố chính: môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp nhằm tối đa hóa lợi ích của các bên liên quan.

Yếu tố bền vững về môi trường và hiệu quả doanh nghiệp

Nghiên cứu trên 56 tập đoàn lớn tại Vương quốc Anh về ảnh hưởng của ESG cho thấy, giữa các yếu tố môi trường và hiệu quả hoạt động có mối quan hệ ngược chiều (Balabanis và cộng sự, 1998). Kết luận này giống với nghiên cứu của Smith và cộng sự (2007), Chiong (2010). Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây về các công ty niêm yết theo chỉ số S&P 500 trong khoảng thời gian 10 năm (2009 - 2018) cũng cho ra kết luận tương tự (Alareeni và Hamdan, 2020).

Một số nghiên cứu khác lại lập luận rằng mối quan hệ giữa yếu tố môi trường trong ESG và hiệu quả hoạt động trên thực tế là không đáng kể (Elsayed và Paton, 2005; Sarumpaet, 2006; Bodhanwala và Bodhanwala, 2021). Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đưa ra bằng chứng thực nghiệm về ảnh hưởng tích cực của yếu tố môi trường lên hiệu quả hoạt động, ví dụ như, Tarmuji (2016), Menicucci và Paolucci (2022).

Do sự thiếu đồng nhất trong các nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến ảnh hưởng của yếu tố bền vững về môi trường tới hoạt động của doanh nghiệp, bài viết này đặt ra giả thuyết như sau:

- Chỉ số bền vững về môi trường có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trách nhiệm xã hội và hiệu quả doanh nghiệp

Các nghiên cứu thực nghiệm cũng đưa ra các ý kiến trái chiều về mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Han và cộng sự (2016) kết luận rằng, tác động của ESG đối với hiệu suất của doanh nghiệp là không đáng kể. Menicucci và Paolucci (2022) cũng chỉ ra rằng giữa tính bền vững xã hội và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có mối quan hệ tiêu cực hoặc không đáng kể. Mặt khác, Sassen và cộng sự (2016) chỉ ra rằng, hoạt động xã hội có tác động tiêu cực đáng kể đến rủi ro tổng thể, rủi ro hệ thống và rủi ro đặc thù và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các công ty. Alareeni và Hamdan (2020) đưa ra kết luận rằng, việc công bố thông tin ESG có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của công ty, điều này có thể là do chi phí tài chính cao hơn, hoạt động và hiệu quả tài chính thấp hơn phát sinh từ các hoạt động có trách nhiệm xã hội. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã đưa ra minh chứng cho ảnh hưởng tích cực của yếu tố trách nhiệm xã hội tới hoạt động doanh nghiệp (Barnett và Salomon, 2012; Nollet và cộng sự, 2016).

Do sự thiếu đồng nhất trong các nghiên cứu thực nghiệm liên quan đến ảnh hưởng của yếu tố trách nhiệm xã hội tới hoạt động của doanh nghiệp, bài viết này đặt ra giả thuyết như sau:

- Chỉ số trách nhiệm xã hội có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Yếu tố quản trị và hiệu quả hoạt động

Nhiều nghiên cứu đã xem xét mối quan hệ giữa quản trị doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động và hầu hết các nghiên cứu này đều khẳng định ảnh hưởng tích cực của quản trị doanh nghiệp. Sau khi nghiên cứu 496 doanh nghiệp từ 25 quốc gia, Klapper và Love (2004) khẳng định rằng quản trị doanh nghiệp có tương quan tích cực với giá trị doanh nghiệp và định giá thị trường, đặc biệt trong bối cảnh môi trường pháp lý chưa chặt chẽ. Hamdan và cộng sự (2017) cũng chỉ ra rằng, các hoạt động quản trị doanh nghiệp hiệu quả giúp gia tăng hiệu quả hoạt động doanh nghiệp thông qua việc xây dựng danh tiếng, tăng cường giám sát và giảm thiểu tình trạng quản lý yếu kém (Zehri và Zgarni, 2020). García‐Sánchez và cộng sự (2017) đã xem xét tác động của quản trị công ty đối với hiệu quả hoạt động trên danh mục đầu tư gồm 154 tổ chức tài chính từ 22 quốc gia và kết luận rằng quản trị doanh nghiệp có tác động tích cực rõ ràng tới hiệu quả hoạt động. Do vậy, bài viết này đặt ra giả thuyết như sau:

- Chỉ số quản trị doanh nghiệp có ảnh hưởng tích cực tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, quản trị và hiệu quả công ty

Các cấu phần của ESG có mối liên kết chặt chẽ với nhau, do vậy, các nghiên cứu dựa trên một cấu phần đơn lẻ trong ESG có thể chưa đem lại kết quả chính xác (Galbreath, 2013). Nói cách khác, các nghiên cứu cũng cần tập trung vào chỉ số ESG tổng quát trong mối quan hệ của nó với hiệu quả hoạt động.

Về mặt thực tiễn, nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa ESG và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng đưa ra những kết luận trái ngược nhau. Theo Friedman (2007), ESG và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp có mối quan hệ ngược chiều, do việc công bố các thông tin về ESG có thể làm gia tăng chi phí cho các bên liên quan, khiến hiệu quả hoạt động và lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút. Các nghiên cứu của Ruan và Liu (2021), Fahad và Busru (2021) cũng đưa ra kết luận tương tự.

Atan và cộng sự (2018) lại cho rằng, ESG không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, một số nghiên cứu chứng minh được mối quan hệ cùng chiều giữa 2 biến này (Buallay, 2018; Tarmuji và cộng sự, 2016). Jamieson và cộng sự (2016) lập luận rằng, ESG chính là yếu tố giúp doanh nghiệp duy trì hiệu quả hoạt động và vận hành bền vững. Alareeni và Hamdan (2020) phát hiện ra rằng, việc công bố các thông tin liên quan đến ESG giúp cải thiện hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, ESG còn có thể giúp giảm thiểu rủi ro tài chính trong thời kỳ khủng hoảng (Broadstock và cộng sự, 2020).

Mặc dù, các kết quả nghiên cứu chưa thực sự đồng nhất nhưng có tới 90% các nghiên cứu chỉ ra rằng giữa ESG và hiệu quả hoạt động có mối quan hệ cùng chiều (Friede và cộng sự, 2015). Do vậy, bài viết này đưa ra giả thuyết nghiên cứu như sau:

Chỉ số ESG tổng quát có mối quan hệ tích cực tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu

Bài viết này sử dụng bộ dữ liệu 100 doanh nghiệp niêm yết có vốn hoá thị trường cao nhất ở Mỹ và 94 doanh nghiệp Australia có cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong năm 2023. Bài viết đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiêp theo ba chiều hướng: (1) hiệu quả hoạt động kế toán (tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA)); (2) hiệu quả hoạt động theo giá trị thị trường (Tobin’s Q); và (3) hiệu quả sử dụng nguồn lực (hiệu suất hoạt động).

Nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu liên quan đến chỉ số ESG của doanh nghiệp từ S&P500 Global. Chỉ số này lượng hoá việc quản lý rủi ro, cơ hội và tác động liên quan đến ESG, dựa trên sự kết hợp các thông tin trong công bố của doanh nghiệp, phân tích truyền thông và cổ đông, và dao động trong khoảng từ 0 đến 100. Nghiên cứu tiếp tục lấy các dữ liệu khác về doanh nghiệp như quy mô doanh nghiệp, tỷ lệ nợ vay, vòng quay tài sản và tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp để đưa vào mô hình nghiên cứu.

Tác động từ yếu tố môi trường, xã hội và quản trị đến hoạt động của các doanh nghiệp ở Mỹ, Australia - Ảnh 1

Các biến sử dụng trong mô hình được trình bày trong Bảng 1.

Bảng 1: Giải thích các biến trong mô hình

Tên biến

Phương thức tính toán

Nghiên cứu

A. Biến phụ thuộc

ROA

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản

Lợi nhuận ròng / tổng tài sản của doanh nghiệp

Al Amosh và cộng sự (2023)

Tobin’s Q

Tobin’s Q

Log (giá trị thị trường / tổng tài sản của doanh nghiệp)

Boulhaga và cộng sự (2023)

Eff

Hiệu suất hoạt động

 

Eliwa và cộng sự (2021)

B. Biến độc lập

ESG

ESG

Chỉ số ESG tổng quát

Eliwa và cộng sự (2021)

ENV

Yếu tố bền vững về môi trường

Chỉ số ESG liên quan đến yếu tố môi trường

Eliwa và cộng sự (2021)

SOC

Yếu tố trách nhiệm xã hội

Chỉ số ESG liên quan đến yếu tố xã hội

Eliwa và cộng sự (2021)

GOV

Yếu tố quản trị doanh nghiệp

Chỉ số ESG liên quan đến yếu tố quản trị doanh nghiệp

Eliwa và cộng sự (2021)

C. Biến kiểm soát

Size

Quy mô doanh nghiệp

log(tổng tài sản)

Al Amosh và cộng sự (2023)

Lev

Tỷ lệ nợ vay

Tổng nợ / tổng tài sản

Boulhaga và cộng sự (2023)

AT

Tỷ lệ vòng quay tổng tài sản

Doanh thu/ Tổng tài sản

Alareeni và Hamdan (2020)

RevGro

Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu

(Doanh thu năm hiện hành/ Doanh thu năm trước) - 1

Điều chỉnh theo Alareeni và Hamdan (2020)

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Bảng 2: Thống kê mô tả

Tên biến

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Giá trị lớn nhất

Giá trị nhỏ nhất

Biến độc lập

ESG

47,14

13,73

85

17

EVN

49,16

18,24

92

2

SOC

44,08

15,36

88

7

GOV

48,44

12,08

78

22

Biến phụ thuộc

ROA

0,08

0,09

0,56

-0,09

Tobin’s Q

3,32

6,37

75,19

0,05

Eff

0,64

0,30

1

0

Biến kiểm soát

Size (triệu $)

153.968

451.528

3.875.393

137

Lev

0,27

0,19

0,96

0

AT

0,65

0,60

3,73

0

RevGro

0,11

0,33

2,42

-0,86

Nguồn: Kết quả nghiên cứu

Bảng 4: Kết quả mô hình của các doanh nghiệp Australia

Biến

ROA

Tobin’s Q

ESG

0.000

     

-0.007

     

EVN

 

0.000

     

-0.018

   

SOC

   

0.000

     

-0.022

 

GOV

     

-0.001

     

-0.012

Size

-0.005

-0.006

-0.006

-0.005

-2.217***

-2.127***

-2.158***

-2.202***

Lev

-0.165***

-0.162***

-0.167***

-0.167***

-6.953

-6.844

-7.134

-7.010

AT

0.035***

0.035***

0.035***

0.035***

-0.128

-0.151

-0.156

-0.132

RevGro

0.049***

0.050***

0.049**

0.050***

1.640

1.603

1.575

1.646

R2

0.212

0.209

0.213

0.214

0.182

0.183

0.184

0.183

*, **, ***: Có ý nghĩa thống kê ở mức 10%, 5% và 1% Nguồn: Kết quả nghiên cứu

Bảng 3: Kết quả mô hình của các doanh nghiệp Mỹ

Biến

ROA

Tobin’s Q

ESG

0.000

     

0.008

     

EVN

 

0.000

     

0.010

   

SOC

   

0.000

     

0.013

 

GOV

     

0.000

     

0.004

Size

-0.024***

-0.024***

-0.024***

-0.024***

-1.054***

-1.067***

-1.053***

-1.056***

Lev

0.009

0.008

0.009

0.009

-1.948

-2.005

-1.956

-1.957

AT

0.034***

0.033***

0.034***

0.034***

0.674

0.639

0.702

0.675

RevGro

0.206***

0.205***

0.206***

0.206***

12.878***

12.831***

12.927***

12.862***

R2

0.382

0.385

0.381

0.381

0.485

0.486

0.487

0.485

*, **, ***: Có ý nghĩa thống kê ở mức 10%, 5% và 1% Nguồn: Kết quả nghiên cứu

Bảng 5: Kết quả mô hình theo ngành

Ngành

Biến

ESG

EVN

SOC

GOV

Dịch vụ truyền thông (11)

ROA

N

N

N

N

Tobin’s Q

N

N

N

N

Eff

N

-0.0163**

N

N

Hàng tiêu dùng khôngthiết yếu (18)

ROA

N

N

N

N

Tobin’s Q

N

N

N

N

Eff

-0.0127*

-0.0093*

-0.0137**

N

Tài chính (31)

ROA

N

0.0012**

N

N

Tobin’s Q

N

0.0438**

N

N

Eff

N

N

N

N

Nguyên vật liệu (20)

ROA

N

N

N

N

Tobin’s Q

N

N

N

N

Eff

0.0081*

0.0078*

0.0059*

N

Công nghệ (25)

ROA

N

N

N

N

Tobin’s Q

N

-0.1756***

N

N

Eff

-0.0101*

-0.0066*

N

N

Công nghiệp (17)

ROA

N

N

N

0.0014**

Tobin’s Q

N

N

N

N

Eff

N

N

N

N

*, **, ***: Có ý nghĩa thống kê ở mức 10%, 5% và 1%

N: Không có ý nghĩa thống kê Nguồn: Kết quả nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Để ước lượng hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, bài viết sử dụng phương pháp phân tích màng bao dữ liệu (DEA), theo định hướng dữ liệu đầu vào (Banker và cộng sự, 1984). Các biến dữ liệu đầu vào bao gồm giá vốn hàng bán, tài sản cố định và số lượng nhân viên, và biến dữ liệu đầu ra là doanh thu. Hiệu suất được tính toán cho từng doanh nghiệp thuộc chung một ngành.

Bài viết sử dụng hồi quy bình phương tối thiểu để tìm hiểu về mối quan hệ giữa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp với các cấu phần của ESG thông qua các phương trình dưới đây. Các hệ số βi giải thích mối quan hệ giữa hiệu quả hoạt động và chỉ số ESG (bao gồm chỉ số ESG tổng thể và riêng lẻ). Xi đại diện cho các biến kiểm soát, bao gồm quy mô doanh nghiệp, rủi ro tài chính, vòng quay tài sản và tăng trưởng doanh thu.

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả

Bảng 2 trình bày các số liệu thống kê mô tả tóm tắt các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu. ESG có giá trị trung bình là 47,14, giá trị nhỏ nhất là 17 và lớn nhất là 85 cho thấy, giá trị ESG có độ biến động tương đối rộng. Đối với các cấu phần của ESG, biên độ biến động lớn nhất là EVN (92-2) và nhỏ nhất là GOV (78-22). Giá trị trung bình của ROA là 8% và giá trị cao nhất là 56%, với một độ lệch chuẩn là 9% cho thấy, ROA của các công ty ở mức tương đối cao. Giá trị Tobin’s Q có giá trị cao nhất là 75,19 và giá trị trung bình là 3,32. Các giá trị rất lớn của ROA và Tobin’s Q có thể ảnh hưởng tới mô hình nghiên cứu.

Các doanh nghiệp trong mẫu có quy mô lớn, với giá trị trung bình khoảng 154 tỷ USD. Tỷ lệ nợ vay có biên độ biến động lớn, với doanh nghiệp có mức vay nợ lên tới 96%.

Kết quả

Bảng 3 và 4 trình bày kết quả nghiên cứu theo quốc gia. Các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị không có ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động đo bằng ROA và Tobin’s Q ở cả 2 quốc gia. Xét trên phạm vi quốc gia, các giả thuyết đưa ra đều bị bác bỏ. Tuy nhiên, kết quả vẫn này phù hợp với nghiên cứu trước được tiến hành bởi Lopez-de-Silanes và cộng sự (2020) trên 6 quốc gia (Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Thuỵ Sĩ và Nhật Bản) trong giai đoạn 2015-2018. Nguyên nhân có thể do độ lệch trong cách tính chỉ số ESG của các nghiên cứu khác nhau hoặc tác động của công bố ESG có độ trễ và phụ thuộc vào giai đoạn nghiên cứu. Whelan và cộng sự (2021) cũng đưa ra nhận định rằng 13% các bài nghiên cứu trong giai đoạn 2015 đến 2020 cũng không thể đưa ra bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa hiệu quả hoạt động (theo giá trị doanh nghiệp) và lợi nhuận.

Đối với các doanh nghiệp Mỹ, tăng trưởng doanh thu có ý nghĩa tích cực tới lợi nhuận và giá trị doanh nghiệp. Kết luận này trùng khớp với kết quả nghiên cứu của Alareeni và Hamdan (2020). Vòng quay tổng tài sản có tác động tích cực đến ROA (một thước đo hiệu quả trong sử dụng tài sản) và không có ý nghĩa với giá trị doanh nghiệp (Tobin’s Q). Quy mô doanh nghiệp có tác động ngược chiều tới cả lợi nhuận và giá trị doanh nghiệp. Kết quả này trùng khớp với nghiên cứu của Hirdinis (2019) và Niresh và Thirunavukkarasu (2014).

Đối với các doanh nghiệp Australia, vòng quay tài sản và tăng trưởng doanh thu cũng có tác động tích cực tới lợi nhuận (ROA). Biến có tác động lớn nhất là chỉ số nợ vay với trọng số âm. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp càng vay nợ nhiều thì lợi nhuận càng giảm, có thể do tăng rủi ro phá sản và vỡ nợ (Dalci, 2018). Trong khi đó, biến duy nhất có tác động đến giá trị doanh nghiệp là quy mô doanh nghiệp.

Việc gộp các doanh nghiệp để phân tích theo quốc gia có thể không phù hợp, do các ngành có yêu cầu công bố thông tin cũng như đặc thù doanh nghiệp khác nhau. Do vậy, nghiên cứu tiến hành xem xét mối quan hệ giữa ESG và hiệu quả hoạt động theo ngành (Bảng 5).

Theo đó, yếu tố môi trường có tác động ngược chiều với hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ truyền thông. Với doanh nghiệp hàng tiêu dùng không thiết yếu, ESG, EVN và SOC đều có ảnh hưởng ngược chiều tới hiệu suất, trong đó mạnh nhất là yếu tố xã hội (SOC). Đối với lĩnh vực tài chính, EVN có tác động dương tới lợi nhuận và giá trị doanh nghiệp, tức là chỉ số đo lường yếu tố môi trường càng cao thì lợi nhuận và giá trị doanh nghiệp càng tăng. Đối với ngành nguyên vật liệu, ESG, EVN và SOC đều có ảnh hưởng tích cực tới hiệu suất, trong đó cấu phần có tác động mạnh nhất là yếu tố môi trường. Trong khi đó, ESG và EVN có tác động âm tới giá trị và hiệu suất của các doanh nghiệp công nghệ. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, GOV là yếu tố duy nhất có tác động tới ROA.

Xét trên phạm vi ngành, các giả thuyết đưa ra có bằng chứng thực nghiệm hay không phụ thuộc vào từng ngành cụ thể. Việc ESG và các cấu phần ESG có ảnh hưởng khác nhau với các thước đo hiệu quả khác nhau cho thấy doanh nghiệp cần tính đến tác động của ESG không chỉ đến lợi nhuận, mà còn cả giá trị doanh nghiệp và hiệu suất hoạt động. Khi xét theo phạm vi ngành nghề thì hiệu suất có thể là một biến đo lường tương đối tốt, do hiệu suất cũng được tính toán/ so sánh theo ngành.

Kết luận

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu của 100 doanh nghiệp Mỹ và 94 doanh nghiệp Australia trong năm 2023 để phân tích tác động của ESG và các cấu phần ESG tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sử dụng 3 thước đo: lợi nhuận (ROA), giá trị doanh nghiệp (Tobin’s Q) và hiệu suất. Kết quả của nghiên cứu cung cấp những nhận định sau: (1) ESG và các cấu phần riêng lẻ không có ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp khi xét trên phạm vi quốc gia; (2) ESG và các cấu phần có ảnh hưởng không đồng đều tới hiệu quả hoạt động khi xét trên phạm vi ngành nghề; (3) Tác động của ESG và các cấu phần khác nhau khi sử dụng các thước đo hiệu quả hoạt động khác nhau.

Về các hạn chế của nghiên cứu này, nhóm tác giả cho rằng việc sử dụng dữ liệu trong cùng một năm có thể làm giảm độ chính xác của phân tích, và việc sử dụng mô hình tuyến tính thông thường có thể không phản ánh đầy đủ mối quan hệ giữa ESG và hiệu quả hoạt động.

Các nghiên cứu trong tương lai có thể cân nhắc sẽ mở rộng phạm vi dữ liệu cũng như sử dụng các phương pháp phân tích phức tạp hơn, có tính đến mối quan hệ phi tuyến tính giữa hai biến nghiên cứu và độ trễ của công bố ESG.

Hướng nghiên cứu tiếp theo có thể bao gồm việc xem xét mở rộng mẫu doanh nghiệp ở cả 2 quốc gia theo quy mô doanh nghiệp và ngành nghề cũng như sử dụng các thước đo ESG khác nhau để đánh giá độ linh hoạt của mô hình.

Tài liệu tham khảo

  1. Al Amosh, H., Khatib, S. F., & Ananzeh, H. (2023). Environmental, social and governance impact on financial performance: evidence from the Levant countries. Corporate Governance: The International Journal of Business in Society, 23(3), 493-513;
  2. Alareeni, B. A., & Hamdan, A. (2020). ESG impact on performance of US S&P 500-listed firms. Corporate Governance: The International Journal of Business in Society, 20(7), 1409-1428;
  3. Atan, R., Alam, M. M., Said, J., & Zamri, M. (2018). The impacts of environmental, social, and governance factors on firm performance: Panel study of Malaysian companies. Management of Environmental Quality: An International Journal, 29(2), 182-194;
  4. Balabanis, G., Phillips, H. C., & Lyall, J. (1998). Corporate social responsibility and economic performance in the top British companies: Are they linked?. European Business Review, 98(1), 25-44;
  5. Banker, R. D., Charnes, A., & Cooper, W. W. (1984). Some models for estimating technical and scale inefficiencies in data envelopment analysis. Management Science, 30, 1078–1092;
  6. Barnett, M. L., & Salomon, R. M. (2012). Does it pay to be really good? Addressing the shape of the relationship between social and financial performance. Strategic Management Journal, 33(11), 1304-1320;
  7. Baughn, C. C., Bodie, N. L., & McIntosh, J. C. (2007). Corporate social and environmental responsibility in Asian countries and other geographical regions. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 14(4), 189-205;
  8. Bodhanwala, S., & Bodhanwala, R. (2021). Exploring Relationship Between Sustainability and Firm Performance in Travel and Tourism Industry: a Global Evidence. Social Responsibility Journal, 18(7), 1251-1269;
  9. Boulhaga, M., Bouri, A., Elamer, A. A., & Ibrahim, B. A. (2023). Environmental, social and governance ratings and firm performance: The moderating role of internal control quality. Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 30(1), 134-145;
  10. Broadstock, D. C., Chan, K., Cheng, L. T., & Wang, X. (2021). The Role of ESG Performance During Times of Financial Crisis: Evidence from COVID-19 in China. Finance Research Letters, 38, 101716;

 

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2024