Dịch vụ, hàng hóa tăng theo xăng

Theo Trang Minh/ Báo Bình Thuận

Gas tăng, ăn sáng tăng, cà phê tăng… Bởi giá xăng tăng kéo theo cái gì cũng tăng. Chính sự tăng giá nhanh ấy làm cho nhiều người lo lắng đối mặt khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Xăng dầu tăng giá người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Ngọc Lân
Xăng dầu tăng giá người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Ngọc Lân

Xăng hơn 30.000 đồng/lít

Giá bán xăng dầu lẻ hiện nay cao hơn 30.000 đồng/lít. Cụ thể, xăng Ron 95 có giá 30.570 đồng/ lít, xăng E5 Ron 92 thì 29.520 đồng/lít. Khi giá xăng dầu tăng, các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách bị tác động mạnh. Đặc biệt, người tiêu dùng, sử dụng các dịch vụ, các mặt hàng thiết yếu cũng bị ảnh hưởng, trả phí tăng theo giá xăng.

Chẳng hạn, hộp cơm bình dân dao dộng 22.000 - 27.000 đồng tùy theo món ăn mà thực khách lựa chọn. Giá xăng tăng, thì giá hộp cơm cũng tăng theo dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/hộp. Một số chủ quán cho biết: xăng tăng giá, các nguyên liệu nấu món ăn, phí chuyên chở nguyên liệu, giá thuê mặt bằng cũng đều tăng theo. Tăng giá mỗi suất cơm bình dân là điều không ai muốn giữa người bán và người ăn. Nếu không tăng, người bán không có lãi.

Bên cạnh đó, một số quán cơm, quán phở - ngay mặt tiền ở những tuyến đường chính vẫn giữ giá cũ 35.000 - 45.000 đồng/dĩa hoặc tô. Chủ một quán phở đường Tuyên Quang chia sẻ: Sau thời gian dịch Covid-19 kéo dài, mọi cái còn khó khăn, khách hàng giảm chi tiêu, quán phở cũng vắng khách hơn. Mặc dù các khoản mua hàng hóa phục vụ cho quán đều tăng do xăng tăng giá, nhưng quán vẫn cố gắng giữ giá cũ (mặt bằng không phải thuê) cùng chia sẻ với thực khách.

Tại chợ truyền thống, dầu ăn, sữa, đường và các loại gia vị đều tăng. Các mặt hàng rau củ quả tăng từ 3.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại mặt hàng. Thủy hải sản không chỉ tăng giá do xăng dầu tăng ảnh hưởng đến cước vận chuyển, ghe tàu đánh bắt, mà còn tăng giá theo nguồn cung ứng tùy thuộc vào buổi chợ.

Nỗi lo nhiều gia đình

Xăng dầu tăng giá kéo theo việc những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân cũng tăng. Đó là nỗi lo của nhiều gia đình trong thời điểm này. Chị Nguyễn Thị Thanh (Phú Tài - Phan Thiết) chia sẻ: Sau dịch COVID-19, cuộc sống mọi thứ vẫn còn khó khăn. Lương hàng tháng hiện nay vẫn chưa tăng; trong khi đó, mọi chi phí sinh hoạt đã tăng nhanh. Trong gia đình, người phụ nữ không khéo léo, bóp chặt trong chi tiêu. Ắt rằng, tổng thu nhập của 2 vợ chồng làm công nhân sẽ không đủ trang trải chi phí trong gia đình và nuôi 2 con ăn học. Con trai đầu đang học đại học năm thứ 2 ở TP. Hồ Chí Minh đã gửi xe máy về nhà, đi học bằng xe buýt cho đỡ tiền xăng. Chị Thanh thở dài và nói: “Giá xăng tăng kéo theo cái gì cũng tăng, làm cho nhiều người lo lắng, đối mặt khó khăn hàng ngày”.

Một trường hợp khác, bà Nguyễn Thị Bảy (Phú Trinh - Phan Thiết), 58 tuổi, làm nghề giúp việc nhà. Bà Bảy cho biết: “Tôi có tuổi, rất khó xin việc làm. Xin được việc làm cho 1 gia đình ở Phong Nẫm (sáng đến làm, chiều về), tôi nhận mỗi tháng 4,5 triệu đồng, nhưng trả tiền xe ôm 1 triệu đồng/tháng do tôi không biết đi xe đạp. Nay xăng lên giá, tiền phí xe ôm cũng tăng, trả 1,3 triệu đồng/tháng. Thu nhập mỗi tháng còn lại 3,2 triệu đồng cố gắng tiết kiệm sao cho đủ trong gia đình”.

Qua đó cho thấy giá xăng dầu tăng thì dịch vụ, hàng hóa tăng theo ảnh hưởng mọi mặt trong nhiều khía cạnh từ trực tiếp đến gián tiếp đối với người dân. Để tránh câu chuyện “ăn theo” giá xăng, thiết nghĩ, các ngành chức năng quản lý, giám sát các mặt hàng, kịp thời xử lý và ngăn ngừa tình trạng tự ý tăng giá quá cao gây thêm khó khăn cho đời sống của người dân.