Nhà nước trợ giá 60-70% giá vé tàu Cát Linh-Hà Đông

Quang Hưng (Báo Nhân dân)

Bắt đầu từ hôm nay, 21/11, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại, vận chuyển khách có thu tiền sau khi kết thúc 15 ngày vận hành miễn phí. Nhà nước trợ giá vé tàu 60-70%, phù hợp nhu cầu và khả năng chi tiêu của người dân.

Gần 20 giờ ngày 20/11 khách đi tàu vẫn chật kín. Ảnh: Lộc Huy.
Gần 20 giờ ngày 20/11 khách đi tàu vẫn chật kín. Ảnh: Lộc Huy.

Người dân thủ đô đã hết sức chia sẻ với phương thức vận tải mới và tiếp cận nhanh, những ngày đầu Metro Hà Nội phải tăng cường tối đa nhân lực để hướng dẫn người dân đi tàu. Đến nay, những người đã đi tàu lại trở thành tuyên truyền viên, hướng dẫn viên cho người khác”, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) Vũ Hồng Trường cho biết.

Hơn 2.500 chuyến tàu tuyệt đối an toàn

Theo thống kê của Metro Hà Nội, trong 15 ngày khai thác miễn phí phục vụ hành khách tham quan, trải nghiệm, (từ ngày 6 đến 20/11), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã khai thác 2.554 chuyến tàu tuyệt đối an toàn và 380.510 hành khách, bình quân 1 ngày vận chuyển được 25.361 hành khách. Trong đó, phân bổ hành khách ở ga Cát Linh chiếm 28%, ga Yên Nghĩa chiếm 24%, còn 10 ga chiếm 48%.

Đánh giá về thời gian đầu khai thác, ông Trường cho rằng, người dân Hà Nội rất hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, đường sắt đô thị chính là “xương sống” của giao thông công cộng, “chìa khóa” giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường thủ đô.

Theo Phó Tổng Giám đốc Hà Nội Metro Nguyễn Văn Ngọc, hành khách đi vé lượt từ 8 - 15 nghìn đồng có thể mua ở máy bán vé tự động hoặc tại quầy, nên chuẩn bị tiền mệnh giá phù hợp để mua vé được nhanh chóng. Trường hợp mua vé tại máy bán vé tự động, nên chuẩn bị tiền có mệnh giá dưới 100 nghìn đồng.

Khách đi vé ngày, tới quầy mua vé giá 30 nghìn đồng, sử dụng không giới hạn số lượt đi trong ngày và hết ngày sẽ hết hiệu lực; mua vé tháng phổ thông 200 nghìn đồng, tới quầy mua vé cung cấp thông tin cá nhân, trả tiền sẽ được nhận vé ngay (có tác dụng trong 30 ngày, sau 30 ngày trả lại vé cũ để lấy vé mới). Mua vé tháng tập thể được giảm 30%, số lượng từ 30 người trở lên.

Vé tháng giảm 50% cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp, khách cung cấp thông tin cá nhân như thẻ học sinh, sinh viên hoặc xác nhận lao động tại khu công nghiệp, nhận thẻ như vé tháng bình thường có dán tem ưu tiên.

“Hiện đơn vị quản lý đường sắt Cát Linh-Hà Đông chỉ bán vé trực tiếp ở các nhà ga trên tuyến. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu các hình thức bán vé khác, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho hành khách”, ông Ngọc cho hay.

Hành khách được miễn phí là những người đã được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí của Trung tâm quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, đưa thẻ miễn phí xe buýt tại quầy vé để được phát thẻ vé 0 đồng như 15 ngày đi miễn phí.

Trong sáng 21/11, các toa tàu phần lớn đều vắng khách, có thời điểm sảnh lên tàu chỉ có nhân viên nhà ga, so ngày hôm trước, ngày cuối chạy miễn phí, có rất đông hành khách đi trải nghiệm, khung cảnh trái ngược hoàn toàn. Theo một người dân đi tàu, phán đoán hôm nay thu vé người đi tàu, nhiều khả năng khách vắng, nên anh đã mua vé ngày 30 nghìn đồng trải nghiệm không giới hạn lượt đi, yên tâm về phòng, chống dịch khi trải nghiệm.

Bước phát triển mới của giao thông công cộng

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến hơn 13 km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; gồm 13 đoàn tàu, tốc độ chạy tối đa 80 km/giờ, tốc độ khai thác 35 km/giờ. Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án hơn 18 nghìn tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD), sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Dự án được Bộ Giao thông vận tải bàn giao cho TP Hà Nội vào ngày 6/11 và vận hành, khai thác miễn phí 15 ngày đầu để người dân trải nghiệm một loại hình vận tải công cộng hiện đại lần đầu có mặt tại Việt Nam.

Khẳng định đối tượng của đường sắt đô thị hướng tới và tuyến Cát Linh-Hà Đông là những người đi lại thường xuyên đi vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường nhận định, mỗi phương thức vận tải đô thị chỉ đáp ứng một số đối tượng nhất định nên cần có hệ thống và một tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh-Hà Đông không thể giải quyết được tất cả vấn đề, nhưng rõ ràng đây là sự khởi đầu tốt đẹp, bước phát triển mới về giao thông công cộng.

“Chỉ khi nào hình thành mạng lưới đường sắt đô thị hoàn chỉnh mới giải quyết được căn cơ những vấn đề đặt ra của giao thông đô thị ở các thành phố lớn ở Việt Nam và hy vọng Hà Nội sớm đưa các tuyến đường sắt đô thị khác đưa vào hoạt động”, ông Trường nói.

Theo đánh giá của ông Trường, việc kết nối tuyến Cát Linh-Hà Đông với xe buýt tại các nhà ga hết sức thuận lợi. Hiện có 54 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, trong đó ga Cát Linh và Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt và các ga trung gian có 8-9 tuyến buýt. Sắp tới, Metro Hà Nội sẽ dán hệ thống tuyến xe buýt ở nhà ga để khi khách xuống sẽ biết thông tin để đi các tuyến buýt kết nối.

Ông Vũ Hồng Trường cũng thông tin thêm, trong giai đoạn từ 21/11/2021 - 6/5/2022, các đoàn tàu hoạt động từ 5 giờ 30 phút đến 22 giờ hằng ngày, tần suất 10 phút có một chuyến tàu dừng tại ga; thời gian dừng tại ga 25-50 giây để khách lên xuống. Giai đoạn tiếp theo, từ ngày 7/5 - 6/11/2022, tàu chạy từ 5 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút; giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/chuyến, giờ bình thường 10 phút/chuyến.