Tăng cường quản lý thị trường đồ chơi trẻ em

Theo H.Lan/ Báo Sóc Trăng

Vì trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe nên theo quy định, đồ chơi trẻ em là mặt hàng bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy của cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành mới đảm bảo an toàn để lưu thông trên thị trường. Vì vậy, để phụ huynh và trẻ em có thể an tâm mua và sử dụng đồ chơi an toàn, thời gian quan, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Sóc Trăng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm QLTT đồ chơi trẻ em, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Lực lượng Quản lý thị trường Sóc Trăng thường xuyên kiểm tra đồ chơi trẻ em tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: H.Lan
Lực lượng Quản lý thị trường Sóc Trăng thường xuyên kiểm tra đồ chơi trẻ em tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: H.Lan

Toàn tỉnh hiện có 79 cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em, tập trung chủ yếu tại TP. Sóc Trăng với khoảng 10 cơ sở và các huyện, thị xã trong tỉnh. Hàng năm, Cục QLTT Sóc Trăng đều tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc các mặt hàng này, nhất là vào thời điểm trước, trong và sau Ngày Quốc tế thiếu nhi và tết Trung thu.

Thông qua đó, để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền các cơ sở kinh doanh phải bán đồ chơi theo quy định, đặc biệt không được bán các mặt hàng nằm trong nhóm đồ chơi bạo lực. Qua đó, các cơ sở dần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình khi tham gia kinh doanh các mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ em.

Anh Triệu Hồng Kông - chủ cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em Ngọc Tài (Phường 1, TP. Sóc Trăng) cho biết, cơ sở bán rất nhiều mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ em trai, trẻ em gái ở mọi lứa tuổi. Hầu hết các mặt hàng đều được anh lấy từ các công ty nhập khẩu tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Tất cả đều có nhãn mác, nguồn gốc, hóa đơn chứng từ, chứng nhận hợp quy theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho các bé, giá cả hợp lý.

Tại cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em Mini Smile (Phường 1, TP. Sóc Trăng) do anh Lý Công Minh làm chủ, qua kiểm tra của Cục QLTT Sóc Trăng cho thấy cơ sở kinh doanh các mặt hàng đồ chơi theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh đồ chơi trẻ em về nhãn mác, chứng nhận hợp quy, xuất xứ nguồn gốc…

Theo anh Minh, anh tham gia vào lĩnh vực này cũng được nhiều năm, qua công tác tuyên truyền của các ngành chức năng, anh nhận biết được các loại đồ chơi mô phỏng hình dạng như súng, lựu đạn, kiếm… thuộc nhóm đồ chơi bạo lực không được phép lưu hành trên thị trường nên anh không bao giờ kinh doanh.

Qua công tác kiểm tra và nắm bắt thị trường đồ chơi trẻ em, các lực lượng chức năng nhận thấy, đồ chơi được sản xuất trong nước ngày càng nhiều và được nhiều phụ huynh lựa chọn, bởi chất lượng, mẫu mã, giá cả hợp lý, đặc biệt có nhiều loại đồ chơi hướng đến giáo dục cao, kích thích sự sáng tạo, trí thông minh của trẻ em. Do đó, nhiều cơ sở kinh doanh rất chú trọng trong việc lựa chọn các mặt hàng đồ chơi trong nước để giới thiệu đến phụ huynh, điển hình là Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà - Phụ trách Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng cho biết: “Đối với siêu thị chúng tôi thì vấn đề quan tâm lớn là lựa chọn hàng hóa ưu tiên các nhà sản xuất, các doanh nghiệp trong nước để đưa vào bày bán tại đây. Đặc biệt, siêu thị chú trọng chọn lọc các mặt hàng đồ chơi thiên về trí tuệ, nhằm giúp phát triển tư duy sáng tạo, khơi gợi trí thông minh cho trẻ”.

Bên cạnh những cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật thì vẫn có cơ sở vì lợi nhuận vẫn bất chấp kinh doanh. Theo đồng chí Huỳnh Thùy Nhiên - Phó Cục trưởng Cục QLTT Sóc Trăng, trong 5 tháng đầu năm 2022 và trong tháng 6 này, Cục QLTT Sóc Trăng đã chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó có mặt hàng đồ chơi trẻ em.

Các đội QLTT đã chủ động nắm bắt thông tin tại các địa bàn, xây dựng phương án kiểm tra khi phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh đồ chơi trẻ em có dấu hiệu vi phạm. Qua thực tế kiểm tra trên địa bàn, các cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em luôn tuân thủ quy định pháp luật, chỉ một số ít cơ sở còn chưa chấp hành tốt.

Cụ thể, qua kiểm tra có 3 vụ việc vi phạm về mặt hàng đồ chơi trẻ em như: kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, kinh doanh hàng nhập lậu và bán hàng hóa không có dấu hợp quy theo quy định.

Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, Cục QLTT cũng phát hiện các mặt hàng đồ chơi trẻ em được bày bán xen kẽ cùng các mặt hàng khác tại các cửa hàng tạp hóa, tại các chợ, hội chợ…

Vì vậy trong thời gian tới, Cục QLTT Sóc Trăng sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, không chỉ tập trung kiểm tra tại các cửa hàng chuyên kinh doanh đồ chơi trẻ em mà còn kiểm tra cả các cửa hàng khác, nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường được đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

 Ngoài ra, thời gian qua Cục QLTT Sóc Trăng cũng thành lập Tổ Thương mại điện tử chuyên theo dõi, nắm bắt thông tin của người kinh doanh trên mạng xã hội, qua theo dõi nếu phát hiện các đối tượng kinh doanh đồ chơi trẻ em có hành vi vi phạm sẽ kịp thời báo cáo lãnh đạo xử lý theo quy định.

Đồ chơi trẻ em vừa mang tính giải trí cho trẻ vừa có tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Bên cạnh những sản phẩm đồ chơi hợp quy, đảm bảo chất lượng thì vẫn còn những sản phẩm không an toàn, độc hại, đồ chơi có tính bạo lực như súng, nếu chơi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhân cách, tâm lý của trẻ em.

Vì vậy, phụ huynh phải hết sức thận trọng, lựa chọn đồ chơi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đạt chuẩn theo quy định, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, nhằm giảm thiểu mối nguy hại, đừng vì con thích gì thì mua đó, hãy trao đổi và định hướng đồ chơi cho con, giúp các bé phát triển lành mạnh, an toàn.