Tiêu thụ nông sản mùa dịch: Cách làm mới của hợp tác xã ở Hậu Giang

Theo Thiên Trang/Báo Hậu Giang

Hàng ngàn combo nông sản do các hợp tác xã trong tỉnh thiết kế, thu mua và đóng gói, thông qua các chương trình kết nối đã đến tay người dân ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, góp phần tiêu thụ số lượng lớn nông sản ở Hậu Giang.

HTX Hậu Giang Xanh kết hợp các loại sản phẩm phù hợp để đóng gói combo nông sản. Ảnh: Thiên Trang
HTX Hậu Giang Xanh kết hợp các loại sản phẩm phù hợp để đóng gói combo nông sản. Ảnh: Thiên Trang

Hàng ngàn combo ra thị trường

Trong mấy ngày qua, ông Nguyễn Văn Thích - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Long, ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang bận rộn chuẩn bị cho gói combo nông sản mới với giá 100.000 đồng cung ứng cho tỉnh Bình Dương.

Khi nhận được đặt hàng cho combo này, ông Thích cùng nhiều đầu mối HTX, cơ sở cung ứng đã thiết kế sao cho giá cả phù hợp với những sản phẩm hiện có tại địa phương, bao gồm các loại mắm, khô và củ cải muối… Cuối cùng thành phẩm 12.000 combo cũng chuẩn bị đóng gói xong để đưa ra thị trường.

Tham gia cung ứng cho chương trình combo nông sản của Tổ công tác 970 (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch Covid-19), theo sự kết nối của ngành nông nghiệp tỉnh, ông Thích cho biết tính đến nay đã cung ứng được khoảng 20.000 combo các loại.

Ban đầu là combo giá 350.000 đồng và 400.000 đồng, HTX tự lên phương án chọn loại nông sản, thiết kế combo sao cho giá cả phù hợp. Bản thân HTX có gạo nên phải liên kết với nhiều HTX và cơ sở để có khả năng cung ứng số lượng lớn, ổn định các sản phẩm khác cần có trong combo như chả cá thát lát, bún, trứng, rau, củ…

Bà Lý Hồng Tiên - Giám đốc HTX Hậu Giang Xanh, cũng tham gia cung ứng cho chương trình combo nông sản với combo 300.000 đồng, từ khi tham gia đến nay đã cung ứng 2 đợt với tổng cộng hơn 1.000 combo, bao gồm các sản phẩm chả cá thát lát, cá lòng tong một nắng, cá lóc non tẩm gia vị, củ cải muối, dưa mắm, rau củ, trứng… Trong thời gian khó khăn, việc cung ứng theo combo không chỉ góp phần cho HTX bán được hàng mà còn giúp người dân ở nơi khác tiếp cận hàng hóa thuận lợi hơn.

Khẳng định vai trò liên kết

Chương trình combo nông sản khởi đầu là gói combo 10kg giá 100.000 đồng. Sau đó, nhu cầu người dân đa dạng hơn nên ngày càng nhiều combo với mức giá từ 100.000-500.000 đồng. Bên cạnh rau, củ, quả tươi còn có thêm trứng, gạo, thủy sản và các sản phẩm chế biến từ nông sản khác. Ngoài cách liên hệ trực tiếp, khách hàng còn tiếp cận combo nông sản qua website với đầy đủ thông tin, hình ảnh, giá cả và thành phần mỗi combo.

Hậu Giang có lợi thế nhất định vì đa dạng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của nhiều combo theo từng mức giá khác nhau và khả năng cung ứng nhanh. Như ông Nguyễn Văn Thích, HTX Tân Long chia sẻ thời gian chuẩn bị theo đơn cả ngàn combo trong vài ngày khá gấp rút, do đó mỗi đơn vị cần có sự chủ động từ trước về nguồn hàng hóa, dự báo nhu cầu thị trường cũng như theo yêu cầu của đơn vị đặt hàng và chất lượng phải là điều kiện tiên quyết.

Ông Ngô Minh Long - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hậu Giang, cho biết: Khi mới triển khai chương trình, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng các HTX của tỉnh đã thích ứng nhanh và nắm bắt cơ hội với tư duy tạo khác biệt. Chạy đua với thời gian để thiết kế ra combo phù hợp với yêu cầu thị trường đang thay đổi từng ngày.

Với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp tỉnh, mạng lưới kết nối HTX chặt chẽ hơn, nhiều HTX, cơ sở nhỏ và vừa nhóm lại và cử đại diện làm đầu mối để liên hệ. Qua đó nhiều combo ra đời không chỉ cung cấp cho chương trình của Tổ công tác 970 mà còn của nhiều đơn vị, doanh nghiệp phân phối có nhu cầu.

Dù về lâu dài, để khơi thông đầu ra cho nông sản cần nhiều giải pháp kết hợp cùng lúc, nhưng từ cách các HTX ở Hậu Giang tham gia cung ứng combo nông sản cho thấy trong tình hình mới, vai trò của HTX trong thay đổi tư duy sản xuất, định hướng và tìm đầu ra cho các loại nông sản. Đó là cầu nối để giúp người dân gắn kết với thị trường, thích ứng với nhiều thay đổi không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà còn thích nghi với quá trình chuyển đổi số, thương mại điện tử đang phát triển mạnh.

Như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: "Từ thành công của sáng kiến túi combo nông sản sẽ tạo một làn sóng, khơi dậy một phương thức kinh doanh mới, một cách vận hành khác, không chỉ bởi tình hình dịch bệnh mà cao hơn là thích nghi với cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số đang len vào từng ngõ ngách cuộc sống".

Có 21 hợp tác xã tại Hậu Giang tham gia cung ứng chương trình combo nông sản, trong đó 6 HTX làm đầu mối trực tiếp. Chủ yếu các sản phẩm trong combo là rau, củ, quả, trứng, thủy sản, gạo, các sản phẩm chế biến khác của Hậu Giang… Mỗi ngày có khả năng cung ứng từ 15-20 tấn nông sản cho Thành phố Hồ Chí Minh.