Gỡ khó cho sản xuất và tiêu thụ nông sản

Theo Khánh Trung/ Báo Cần Thơ

Thời gian qua, ngành chức năng và người dân tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ổn định các hoạt động sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó khăn do dịch COVID-19. Ðặc biệt, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương và địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản.

Thu hoạch trái mận ở quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ. Ảnh: Khánh Trung
Thu hoạch trái mận ở quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ. Ảnh: Khánh Trung

Chuyển biến tích cực

Dù vẫn còn gặp khó nhưng sản xuất và tiêu thụ nhiều loại nông sản tại vùng ÐBSCL đã có những chuyển biến rất tích cực. Hiện giá lúa và một số loại nông sản đã tăng so với các tuần trước và việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Giá lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đã tăng trở lại so với trước, lúa OM 5451 và OM 18 đang có giá 5.500-5.900 đồng/kg. Thông qua kết nối, giới thiệu của các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương lực Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp đến Kiên Giang mua lúa cho dân, trong đó có doanh nghiệp đã ký hợp đồng mua trên 1.000ha lúa của nông dân. Ðến nay đã tỉnh thu hoạch được 176.000/281.000ha lúa hè thu và đã xuống giống 88.000ha lúa thu đông”.

Ðến ngày 17/8, nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang cũng đã thu hoạch và tiêu thụ được khoảng 80% diện tích lúa hè thu, dự kiến thu hoạch dứt điểm trong 2 tuần nữa. Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, chia sẻ: “Nhìn chung, việc tiêu thụ lúa trong vụ hè thu cũng còn gặp khó, nhưng không quá lo, mà lo cho vụ thu đông tới, dự kiến sản lượng cần tiêu thụ trên 1 triệu
tấn lúa”.

Do phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch COVID-19 nên tình hình sản xuất, tiêu thụ nhiều loại nông sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và liên kết, phối hợp giữa các địa phương, các khó khăn dần được tháo gỡ.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, nhờ tăng cường kết nối cung cầu, đẩy mạnh điều tiết tiêu thụ trái cây trong nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng mà trái cây của tỉnh không còn ùn ứ nhiều.

Ðã có nhiều thương lái và doanh nghiệp đến thu mua, giá lúa đã tăng từ 100-200 đồng/kg so với trước và tỉnh đang nỗ lực kết nối, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia thu mua vì toàn tỉnh có tới 141.000ha lúa vụ hè thu nhưng mới thu hoạch khoảng 7%. Ðối với thủy sản, Sóc Trăng chủ yếu nuôi tôm nước lợi và có 22 doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu nên việc tiêu thụ tôm của nông dân cũng có nhiều thuận lợi. Riêng đối các hộ chăn nuôi heo và gà còn gặp nhiều khó khăn do giá giảm mạnh.

Tiếp tục phát huy

Hoạt động của Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đang phát huy hiệu quả trong việc kết nối cung cầu, hỗ trợ các địa phương trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nên các địa phương vùng ÐBSCL rất mong hoạt động của Tổ tiếp tục duy trì trong thời gian tới, kể cả sau khi dịch bệnh COVID-19 lắng xuống. Ðồng thời, các địa phương trong vùng cần liên kết, phối hợp, hỗ trợ nhau tháo gỡ các khó khăn để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ông Phạm Minh Truyền - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, kiến nghị: “Tổ công tác 970 tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ các địa phương tiêu thụ kịp thời các loại nông sản và có các giải pháp căn cơ để tháo gỡ các khó khăn. Ðặc biệt, cần cập nhật, bổ sung, giới thiệu thêm nhiều đơn vị, doanh nghiệp có khả năng thu mua nông sản để các địa phương và nông dân chủ động liên hệ.

Bộ NN&PTNT cần kịp thời tham mưu Chính phủ có giải pháp bình ổn giá phân bón và các loại thức ăn chăn nuôi. Trà Vinh cũng rất cần các địa phương vùng ÐBSCL phối hợp, hỗ trợ thu hoạch lúa và tiêu thụ lúa vì lượng máy gặt đập tại địa phương còn hạn chế, cần huy động thêm máy từ ngoài tỉnh để thu hoạch nhanh và kịp thời”.

Tại TP. Cần Thơ, lúa hè thu 2021 đã thu hoạch dứt điểm từ nửa cuối tháng 7/2021. TP Cần Thơ đang phối hợp, hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ lúa hè thu, nhất là khi Cần Thơ có điều kiện thuận lợi với nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi phối hợp các địa phương vùng ÐBSCL rà soát, thống kê diện tích lúa hè thu cần tiêu thụ để trình Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nỗ lực kết nối để thu mua kịp thời.

Ðồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan xem xét, sớm mở “luồng xanh” cho các phương tiện vận tải đường thủy và đề nghị các tỉnh ưu tiên, hỗ trợ lực lượng tham gia thu mua, vận chuyển nông sản được thuận lợi trong đi lại. Sở cũng kiến nghị tất cả các địa phương cần phối hợp, thiết lập “đường dây nóng” để kịp thời tháo gỡ ách tắc cho phương tiện vận chuyển đi qua các chốt
kiểm dịch”.

Theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, thành viên Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, giá lúa và nhiều mặt hàng nông, thủy sản nông dân bán ra đã tăng so với trước và hoạt động thu mua tốt hơn là tín hiệu rất đáng mừng.

Song, đối với cây ăn trái còn lo ngại nhất là giá thanh long, chuối và trái chanh giảm mạnh và khó tiêu thụ. Giá heo và gia cầm cũng giảm. Ðể ổn định sản xuất, các địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân, có giải pháp giảm giá thành sản xuất, chủ động xây dựng kế hoạch thích ứng với tình hình dịch bệnh, thích ứng thị trường và thích ứng đối với biến đổi khí hậu.

Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với Tổ công tác 970 và lãnh đạo Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao hoạt động của Tổ công tác 970 và yêu cầu Tổ cần tiếp tục phát huy để hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ðồng thời, đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng, tăng cường các hoạt động kết nối, trao đổi và cập nhập thông tin để kịp thời nắm bắt, phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc…

Theo Tổ công tác 970, đến ngày 16/8 đã có 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác. Thông qua trang web kết nối cung cầu sản phẩm tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn, Tổ công tác 970 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người mua và người bán nhanh chóng tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm. Tổ cũng ứng dụng mạng zalo và email vào việc gửi thông tin các đầu mối cung cấp hàng đến các tiểu thương tại chợ, điểm kinh doanh và hệ thống nhân viên mua hàng các siêu thị. Mỗi ngày Tổ công tác 970 kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng, với sản lượng 200-400 tấn nông sản.