Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Theo T. Trúc - Duy Khánh/Báo Hậu Giang

Những năm qua, bên cạnh việc vận động người dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Hậu Giang còn triển khai nhiều dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Trồng màu trong nhà lưới kết hợp sử dụng công nghệ tiên tiến nên hiệu quả mang lại khá cao. Ảnh: T.Trúc
Trồng màu trong nhà lưới kết hợp sử dụng công nghệ tiên tiến nên hiệu quả mang lại khá cao. Ảnh: T.Trúc

Chuyển đổi sản xuất hiệu quả

Ông Hồ Văn Phú - Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho hay: Những năm qua, cây mía liên tục thua lỗ, không còn mang lại hiệu quả. Chủ trương chung của tỉnh là ổn định phát triển diện tích mía ở những khu vực phù hợp. Những nơi sản xuất kém hiệu quả sẽ vận động người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, huyện đã mạnh dạn quy hoạch lại vùng sản xuất, tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ cao vào sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh cho nông sản của huyện trên thị trường.

Như khu vực xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, trước đây là vùng chuyên canh mía nhưng không hiệu quả. Cách đây 2 năm, chính quyền địa phương đã vận động bà con bỏ mía chuyển sang trồng khóm MD2 theo hợp đồng đầu tư và bao tiêu từ doanh nghiệp.

Theo hợp đồng, doanh nghiệp sẽ đầu tư giống, nông dân sẽ trả chậm trong thời gian 3 năm. Toàn bộ sản lượng khóm sẽ được doanh nghiệp thu mua với giá 5.700 đồng/kg. Về phía nông dân phải tuân thủ các quy trình sản xuất VietGAP để tạo ra trái khóm sạch làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm đóng hộp xuất khẩu sang các thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp công nghệ cao Westfood Bửu Long, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, cho biết: “Trung bình 1ha sản xuất khóm theo quy trình của công ty đưa ra cho năng suất 60 tấn/vụ, với giá bao tiêu cố định 5.700 đồng/kg, trừ hết chi phí bà con vẫn còn lãi 200 triệu đồng/ha. Chính vì thế mà từ 5ha trồng thử nghiệm ban đầu, hiện khu vực này đã phát triển được 60ha khóm MD2, dự kiến sẽ tăng lên 100ha vào cuối năm”.

Không chỉ có mô hình trồng khóm MD2, mà trong 2 năm qua huyện Phụng Hiệp đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân xây dựng được 9 mô hình sản xuất công nghệ cao trên các loại cây trồng, vật nuôi của huyện như: Dưa lưới, măng tây, chanh không hạt, rau trong nhà lưới, trồng gấc, lúa an toàn, bưởi da xanh và mô hình nuôi lươn không bùn… Tất cả các sản phẩm của những mô hình này đều đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Cách đây 4 năm, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện, ông Võ Văn Trưng, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn chi hơn 600 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng dưa lưới nhà kính theo công nghệ tưới của Israel. Ưu điểm của công nghệ này là tiết kiệm được 80% lượng nước tưới, 50% chi phí nhân công lao động và hạn chế được dịch bệnh đến 90%, vì trồng trong nhà kính. Do sinh sống ở thành phố Cần Thơ, để tiện cho việc đi lại và chăm sóc dưa, ông Trưng cho lắp thêm hệ thống kiểm tra dinh dưỡng cho cây dưa lưới. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ông có thể quản lý được quá trình sinh trưởng và phát triển của cả vườn dù đang ở bất cứ đâu.

Từ 2.000m2 ban đầu, hiện nay ông Trưng đã thành lập hợp tác xã (HTX) dưa lưới Thuận Phát với 16 thành viên và mở rộng diện tích lên gấp 15 lần so với cách đây 4 năm. Mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường gần 300 tấn dưa lưới, thu về lợi nhuận hơn 1,5 tỉ đồng. Bên cạnh mở rộng diện tích, ông Trưng còn phối hợp với Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang để xây dựng mô hình trồng dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho HTX dưa lưới Thuận Phát. Sau gần một năm rưỡi thực hiện các quy trình, cuối tháng 4 vừa qua, HTX dưa lưới Thuận Phát vinh dự nhận giấy chứng nhận GlobalGAP.

Ông Võ Văn Trưng - Giám đốc HTX dưa lưới Thuận Phát, cho biết: “HTX đang mở rộng diện tích, mục tiêu của HTX là không chỉ cung ứng sản lượng dưa lưới nội địa mà hướng đến thị trường nước ngoài. Tham gia xây dựng quy trình sản xuất dưa lưới theo hướng GlobalGAP sẽ là bước đầu tiên để HTX có thể thực hiện được mục tiêu đó. Bởi khi sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn sẽ đáp ứng được những yêu cầu của thị trường đặt ra”.

Sử dụng công nghệ tiên tiến

Từ vụ Đông xuân và Hè thu 2021 này, ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp đã áp dụng quy trình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay tại nhiều HTX sản xuất lúa của huyện, vừa giảm chi phí, vừa nâng cao hiệu quả canh tác.

Ông Phan Quốc Tuấn - xã viên HTX 26/3, xã Thạnh Hòa, cho biết: “Phun thuốc bằng hình thức này có nhiều cái lợi vì không gây tác hại cho lúa, lúa không bị đổ ngã và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, hiệu suất mang lại rất cao. Với máy bay phun thuốc một người điều khiển có thể phun được từ 30-40ha/ngày. Trong khi đó nếu phun theo cách truyền thống cần 10 nhân công mới bằng một chiếc máy”.

Trên cây rau màu công nghệ cao còn giúp bà con tiết giảm được chi phí nhân công lao động, từ đó giảm được giá thành sản xuất. Ông Võ Văn Thắng, ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Trước đây để tưới vườn rau 500m2 cần nhân công 2 người và thời gian gần 2 giờ. Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ tưới tự động chỉ cần thời gian tưới khoảng 15 phút và không cần nhân công lao động thì ở bất kỳ đâu cũng có thể tưới được cho vườn rau. Một điểm cộng khác ở hệ thống này là tưới theo dạng phun sương nên rau không bị dập như hình thức tưới truyền thống”.

Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: “Ứng dụng công nghệ cao hiện nay gần như là một phong trào lan tỏa ở nhiều địa phương. Hiệu quả mang lại là giảm được nhân công lao động, chất lượng sản phẩm khi ứng dụng công nghệ cao đảm bảo được những yêu cầu khắt khe của thị trường, từ đó lợi nhuận của người dân được cải thiện hơn”.

Ông Hồ Văn Phú - Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Hướng tới huyện sẽ tiếp tục cho nhân rộng và phát triển thêm những mô hình theo hướng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng, qua đó từng bước cải thiện chất lượng đời sống của bà con trong huyện. Mặt khác, phát triển nông nghiệp theo hướng này cũng làm tiền đề để huyện gắn kết phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trong tương lai”.

Trong định hướng phát triển tới đây, tỉnh Hậu Giang cũng xác định đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đến năm 2025 lấp đầy trên 50% diện tích khu đang mời gọi đầu tư (415ha) ở Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, ưu tiên hợp tác đào tạo sau đại học, đào tạo chuyển giao công nghệ về các kỹ thuật, công nghệ cao, phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từng bước đào tạo nghề cho nông dân trong vùng dự án, tạo chuyển biến từ nhận thức đến quy trình sản xuất theo hướng hiện đại. Tham gia nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp và các công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu tạo giá trị gia tăng của sản phẩm...

Ông Nguyễn Việt Triều - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết là thời gian qua đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu khoa học tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, đã chọn được nhiều giống lúa chất lượng cao cho vùng đất phèn; quy trình sản xuất lúa giống cấp xác nhận; quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng VietGAP…

Ngoài ra, còn phối hợp thực hiện mô hình trình diễn nhiều chế phẩm sinh học và thiết bị của Hàn Quốc trên cây lúa, xoài, bưởi, khóm của nhiều nông hộ trong tỉnh. Đa số các mô hình, sản phẩm bước đầu đạt hiệu quả cao...