Tập trung lấy lại đà tăng trưởng nông nghiệp

PV.

Nửa đầu năm 2016, lần đầu tiên ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng âm. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, từ nay tới cuối năm sẽ tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm là chăn nuôi, thủy sản và rau quả để bù đắp lại sự sụt giảm trong thời gian qua.

Bộ sẽ tập trung phát triển cả gia cầm, gia súc.
Bộ sẽ tập trung phát triển cả gia cầm, gia súc.

Nửa đầu năm nay, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng GDP âm 0,18%.

Trong số các lĩnh vực thì trồng trọt bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai, thời tiết, dẫn đến tăng trưởng giảm. Vụ đông xuân năm nay, sản lượng lúa cả nước đạt 19,37 triệu tấn, giảm 1,326 triệu tấn (6,4%) so với năm 2015, riêng Đồng bằng sông Cửu Long giảm tới 10,2%.

Hiện nay, 70% số dân vẫn sống ở khu vực nông thôn và hiện có 46% lao động trong khu vực nông nghiệp. Do đó, ngành nông nghiệp giảm tốc đã ảnh hưởng không chỉ tới nền kinh tế nói chung mà rất nhiều hộ dân sống bằng nghề nông gặp khó khăn.

Mặc dù trong những tháng gần đây, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi nhưng để có được tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 3% như mục tiêu đề ra hồi cuối năm 2015 là một thách thức không nhỏ.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường trong buổi tọa đàm trực tuyến cuối tuần trước, giải pháp để lấy lại đà tăng trưởng là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành; trước mắt tập trung vào các mặt hàng có dư địa lớn như chăn nuôi, thủy sản (đặc biệt là tôm), rau quả và cây công nghiệp.

Đối với chăn nuôi, theo Bộ trưởng, bộ sẽ tập trung phát triển cả gia cầm, gia súc. Tổng lượng thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước dự kiến cả năm nay khoảng 16 triệu tấn và giá nguyên liệu đầu vào hạ hơn so với năm trước. Bên cạnh đó, số lượng giống cũng được chuẩn bị tốt và không có dịch bệnh lớn. Điều thuận lợi nữa là tín hiệu thị trường khá tốt khi giá thịt heo, bò, gà đang có lợi.

Theo quy luật hàng năm, từ sau Tết Trung thu đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trên cả nước sẽ tăng, tạo thuận lợi cho đầu ra cả trong nước và xuất khẩu. Dự báo tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi có thể đạt 4-5% trong năm nay.

Đối với nhóm mặt hàng rau quả, từ tháng 6 trở đi, tốc độ tăng trưởng của mặt hàng này khá tốt, bình quân chung tăng trưởng 37%/tháng do vào vụ thu hoạch chính của một số loại quả xuất khẩu chủ lực và rau vụ đông. Năm nay khả năng giá trị xuất khẩu rau quả sẽ lần đầu tiên vượt gạo, đạt khoảng 2,5-2,6 tỉ đô la Mỹ. Ngoài ra, các cây công nghiệp như điều, cà phê, tiêu đều tăng, còn dư địa phát triển và các địa phương đang tập trung quyết liệt đẩy mạnh sản xuất.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê, tiêu và điều đều có tốc độ tăng trưởng đáng kể từ 12% đến 20% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, thủy sản còn dư địa lớn, đặc biệt là con tôm. Hiện có hai nhóm sản phẩm lớn là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Năm nay, dự kiến tổng diện tích nuôi trồng tôm khoảng 660.000 héc ta, đạt sản lượng 680.000 tấn. Tình hình xuất khẩu tôm cũng khá tốt, cuối năm có thể đạt trên 3 tỉ đô la Mỹ, kéo theo tổng giá trị xuất khẩu thủy sản khả năng cán đích trên 7 tỉ đô la Mỹ