Ảnh hưởng từ môi trường khởi nghiệp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp


Bài viết đánh giá tổng quan về ảnh hưởng của môi trường khởi nghiệp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp (DN) thông qua việc xem xét các công trình nghiên cứu trước đây. Việc phân tích nội dung của các công trình nghiên cứu khác nhau giúp làm rõ những khía cạnh về môi trường khởi nghiệp, trên cơ sở đó, bài viết đề xuất mô hình nghiên cứu đo lường các yếu tố môi trường khởi nghiệp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Giới thiệu

Dựa trên dữ liệu điều tra dân số (của nghiên cứu Chỉ số Khởi nghiệp Toàn cầu Global Entrepreunership Monitor) và số liệu thống kê kinh doanh quốc gia, Việt Nam nổi lên như một nền kinh tế với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Đây là kết quả của sự tăng trưởng nhanh chóng, tạo ra cơ hội kinh doanh cho cả doanh nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam có tỷ lệ khởi nghiệp cao (số liệu điều tra dân số), tỷ lệ khuấy động cao (churn rate - tổng tỷ lệ các công ty được thành lập và ngừng hoạt động) và tỷ lệ cao các DN và công ty tăng trưởng nhanh.

Hỗ trợ đổi mới sáng tạo là mục tiêu chung của các chính sách hỗ trợ DN của Việt Nam, mặc dù ngân sách hỗ trợ còn nhỏ và không có nhiều DN tham gia do đặt trọng tâm vào Nghiên cứu và phát triển và phát triển quyền sở hữu trí tuệ.

Các chính sách khuyến khích phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được thực hiện, điển hình là “Đề án 844”- hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” của Bộ Khoa học và Công nghệ, ưu tiên các hoạt động liên kết, đào tạo và ưu tiên hỗ trợ các vườn ươm DN thông qua các hoạt động nâng cao năng lực.

Kaplan và Norton (1993) cho rằng, kết quả kinh doanh của DN được xác định từ 04 nhóm thành phần cơ bản, bao gồm: Tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ và học tập phát triển. Trang nghiên cứu của Waal và Coevert (2007) đã đề cập đến yếu tố về tài chính, quá trình đáp ứng nhu cầu khách hàng, phát triển sản phẩm và tạo ra năng lực của DN. Kết quả nghiên cứu phản ánh tính hệ thống trong các tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và thích ứng với môi trường năng động của DN.

Dựa trên cơ sở các công trình nghiên cứu trước đây tác giả xây dựng khung nghiên cứu các yếu tố môi trường khởi nghiệp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, từ đó gợi ý các nghiên cứu sâu hơn về môi trường khởi nghiệp.

Tổng quan nghiên cứu

Antoncic và cộng sự (2002) đã chỉ ra chuẩn mực văn hóa và xã hội, sự ủng hộ hoặc chống đối hoạt động kinh doanh cũng có tác động đến hoạt động của DN và nhà khởi nghiệp. Nền văn hóa tôn trọng những người khởi nghiệp thành công thì nhiều DN sẽ hình thành. Hay những vùng có tổ chức các cuộc gặp gỡ cho các doanh nhân và các doanh nhân tiềm năng, nơi họ có thể thảo luận ý tưởng, vấn đề và các giải pháp thường có nhiều DN hơn các vùng khác.

Zain và Kassim (2012) nghiên cứu môi trường nội bộ của tổ chức môi trường và việc thực hiện cải tiến liên tục về khả năng cạnh tranh của các DN trong môi trường nước đang phát triển. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, có 4 yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến khả năng cạnh tranh của DN. Việc tiếp cận các dịch vụ hạ tầng như truyền thông, năng lượng và các hoạt động thiết yếu khác cho hoạt động sản xuất kinh doanh có tác động mạnh mẽ đến kết quả hoạt động của DN.

Các cải tiến liên tục do các công ty thực hiện cũng được cho là có ảnh hưởng tích cực đến khả năng cạnh tranh của các công ty. Hơn nữa, môi trường nội bộ của các công ty được cho là có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cạnh tranh của các công ty. Cuối cùng, khả năng cạnh tranh của các công ty được phát hiện có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả hoạt động của các công ty. Một số hàm ý quản lý của các phát hiện cũng được cung cấp.

Kaplan và Norton (1993) đo lường kết quả hoạt động của DN, thông qua 4 nhóm yếu tố sau:

Tài chính, khách hàng, tiêu chí về quy trình, tiêu chí về học tập và phát triển

Marr và Schiuma (2003) nghiên cứu về kết quả hoạt động kinh doanh trong quá khứ, hiện tại và tương lai cho rằng, khái niệm đo lường kết quả DN tùy thuộc vào ý tưởng chủ quan của các nhà nghiên cứu khi muốn đánh giá các tiêu chí kết quả hoạt động (tài sản khi đưa vào sản xuất, nguồn vốn bằng tiền, quản trị, nguồn nhân lực và lợi nhuận tạo ra cho cổ đông...).

Các yếu tố thuộc về môi trường khởi nghiệp có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của DN vừa khởi sự kinh doanh bao gồm: Tiếp cận các nguồn lực tài chính; các chính sách hỗ trợ của chính phủ; tiếp cận các tổ chức hỗ trợ và đào tạo về khởi nghiệp, tiếp cận thị trường và các chuẩn mực về văn hóa thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.

Như vậy, những yếu tố trên sẽ giúp cho những DN vừa được thành lập tồn tại và tăng trưởng thông qua hình thành lợi thế cạnh tranh và lợi thế cạnh tranh này sẽ tác động tích cực đến kết quả hoạt động của DN.

Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở đánh giá các công trình nghiên cứu trên, tác giả đề xuất các yếu tố môi trường khởi nghiệp tác động đến kết quả kinh doanh gồm: Sự tiếp cận các nguồn lực tài chính; Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; Tiếp cận các tổ chức đào tạo và hỗ trợ về khởi nghiệp; Việc tiếp cận thị trường; Văn hóa thúc đẩy khởi nghiệp. Mô hình nghiên cứu được để xuất tại Hình 1:

Ảnh hưởng từ môi trường khởi nghiệp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh 1

Thông qua khảo cứu các lý thuyết, nghiên cứu trước đó và trên cơ sở mô hình nghiên cứu đề xuất phù hợp với điều kiện của Việt Nam, có thể thấy các yếu tố môi trường khởi nghiệp tác động nhất định đến kết quả kinh doanh, cụ thể như:

- Khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính: Vesper (1990) cho rằng, các điều kiện chung của vốn khan hiếm có thể tác động đến nhận thức của các doanh nhân. Gartner (1985) cho rằng, DN thành công hay không chính thức bắt đầu thiết lập nguồn quỹ là rất quan trọng trong giai đoạn đầu của việc phát triển thương mại sản phẩm thành công từ các kết quả của nghiên cứu học tập. Tương tự, Vesper (1990) cho rằng, tài chính sẵn có của tài chính gia đình có thể đóng vai trò trực tiếp trong cung cấp chính thức, ươm mầm và tài trợ khởi nghiệp. Vì vậy, sự tiếp cận các nguồn lực tài chính kỳ vọng có tác động tích cực đến kết quả hoạt động của DN.

- Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ: Các chính sách của Chính phủ cung hỗ trợ việc hình thành các nhà khởi nghiệp kinh doanh năng động, cũng như khuyến khích các DN này trong giai đoạn ban đầu của quá trình tăng trưởng (Radas và Bozic, 2009). Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã nhấn mạnh vào yếu tố quyết định chính như đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, một tầm nhìn dài hạn rõ ràng và tiến bộ về vai trò phát triển DN chưa được phản ánh trong các cơ chế, chính sách nhà nước ban hành. Saghir và Khan (2012) nghiên cứu tìm hiểu mối quan hệ giữa đầu tư công và đầu tư khu vực tư nhân. Kết quả thực nghiệm cho thấy, mối quan hệ lâu dài giữa đầu tư công và tư nhân, chi đầu tư phát triển của Chính phủ cần được cải thiện để giảm thiểu các chi phí sản xuất cho khu vực tư nhân, từ đó làm gia tăng lợi nhuận của các nhà đầu tư tư nhân. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được kỳ vọng có tác động tích cực đến kết quả hoạt động của DN.

- Tiếp cận các tổ chức đào tạo và hỗ trợ về khởi nghiệp: Autio và Keeley (1997) đồng quan điểm giáo dục và đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong phát triển con người và nguồn lực con người. Các tổ chức đào tạo và hỗ trợ về khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Trên quan điểm đó, sau này với sự nổi lên của các nghiên cứu dựa trên tâm lý học xã hội về hành vi dự định thì nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra chương trình đào tạo nói chung và đào tạo khởi nghiệp nói riêng, môi trường học đại học, các hỗ trợ của trường, có tác động rất tích cực tới mong muốn, sự quan tâm và định hướng khởi nghiệp. Nghiên cứu trên quy mô lớn của Kim và Hunter (1993) khẳng định, đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp có tác động tới thái độ của các cá nhân về khởi nghiệp kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DN.

- Việc tiếp cận thị trường: Việc tiếp cận các dịch vụ hạ tầng như truyền thông, năng lượng và các hoạt động thiết yếu khác cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng có tác động nhất định đến kết quả kinh doanh của DN. Sự cạnh tranh giữa các DN trong nền kinh tế thị trường cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh giữa các DN không chỉ diễn ra trong phạm vi một quốc gia, mà diễn ra trong phạm vi toàn cầu. Vì vậy, đòi hỏi nhà khởi nghiệp và DN phải có năng lực quản lý cao hơn để có thể quản lý và điều hành DN tồn tại và phát triển. Do đó, việc tiếp cận thị trường có tác động tích cực đến kết quả hoạt động của DN.

- Văn hóa thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp: Theo Shapero và Sokol (1982), Krueger (1993), ý kiến những người xung quanh tác động tới niềm tin của các nhà khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội và Nhà nước về hoạt động khởi nghiệp và các nhà khởi nghiệp có ảnh hưởng tới năng lực quản lý của nhà khởi nghiệp. Vai trò quan trọng của khu vực DN, DN vừa và nhỏ là không thể phủ định và nhà khởi nghiệp với vai trò đầu tầu trong việc quản lý điều hành DN giữ vai trò quyết định tới sự tồn tại và phát triển của DN vừa và nhỏ. Các quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước sẽ được thể chế hóa thành luật pháp và chính sách, tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường kinh doanh cho các tổ chức, DN và mọi người trong xã hội trong đó có các nhà khởi nghiệp.

Kết luận

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa môi trường khởi nghiệp và kết quả hoạt động kinh doanh của DN là yêu cầu bức thiết hiện nay. Mối quan hệ, mức độ ảnh hưởng của các thành phần trong mô hình được nghiên cứu kỹ lưỡng, giúp cho nhà quản trị DN có thêm tài liệu tham khảo, để nâng cao kỹ năng quản lý và ứng phó với sự thay đổi của môi trường. Thông qua xây dựng mô hình nghiên cứu về các yếu tố môi trường khởi nghiệp tác động đến kết quả kinh doanh của các DN tại Việt Nam, tác giả gợi ý cho những nghiên cứu thực nghiệm trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Antoncic, B., Hisrich, R.D., Petrin, T. and Vahcic, A. (2002), Podjetnistvo, GV Zalozba, Ljubljana;

2. Autio, E., H. Keeley, R., Klofsten, M., GC Parker, G., & Hay, M. (2001). Entrepreneurial intent among students in Scandinavia and in the USA. Enterprise and Innovation Management Studies, 2(2), 145-160;

3. Kaplan, R. S., and D. P. Norton., (1993). Putting the balanced scorecard to work. Harvard Business Review (September/October): 134-147;

4. Krueger, N. F., & Carsrud, A. L. (1993). Entrepreneurial intentions: Applying the theory of planned behaviour. Entrepreneurship & Regional Development, 5(4), 315-330;

5. Marr, B., & Schiuma, G. (2003). Business performance measurement–past, present and future. Management decision;

6. Shapero, A., & Sokol, L. (1982). The social dimensions of entrepreneurship. University of Illinois at Urbana-Champaign's Academy for Entrepreneurial Leadership Historical Research Reference in Entrepreneurship;

7. Zain, M., & Kassim, N. M. (2012). The influence of internal environment and continuous improvements on firms competitiveness and performance. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 65, 26-32.

* Vũ Trần Phương Anh - Khoa Quản trị và Kinh doanh - Đại học Quốc gia Hà Nội.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.