Bàn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và của lãnh đạo doanh nghiệp

Từ Thanh Hoài - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; TS. Nguyễn Phong Nguyên - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đã trở thành lợi thế cạnh tranh vượt trội của các doanh nghiệp.

DN thực thi những chính sách về trách nhiệm xã hội cũng chính là thực hiện nghĩa vụ với các bên liên quan
DN thực thi những chính sách về trách nhiệm xã hội cũng chính là thực hiện nghĩa vụ với các bên liên quan

Theo đó, doanh nghiệp nào biết thiết lập và vận dụng trách nhiệm xã hội một cách chủ động, thông minh thì sẽ gặt hái được những thành tựu đáng kể trong công tác quản trị, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động. Để trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trở thành mục tiêu cấp thiết và lâu dài thì nhân tố đóng vai trò đặc biệt cốt yếu chính là lãnh đạo. Lãnh đạo có trách nhiệm sẽ biết vận dụng linh hoạt khả năng quản lý, đổi mới tư duy, cải thiện tầm nhìn, cũng như quản trị nhân lực để tái thiết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thật sự tối ưu.

Quan điểm chung về trách nhiệm xã hội và trách nhiệm lãnh đạo

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần 3 cho đến những năm gần đây thì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) là một trong những lĩnh vực thu hút rất nhiều sự chú ý của giới học thuật và các cấp lãnh đạo tại DN. Watson (2015) cho rằng, trách nhiệm xã hội DN là một mảng đề tài thú vị và được khá nhiều nhà nghiên cứu kế toán quan tâm. Với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ số và chiến lược phát triển của các DN trong tương lai thì trách nhiệm xã hội của DN vẫn là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi DN phải nghiêm túc chú trọng và đầu tư thỏa đáng để có thể đem lại những thành quả đáng kể cho DN thông qua giá trị nhân văn cao cả từ việc thực hiện trách nhiệm xã hội của DN.

Theo Hội đồng kinh doanh thế giới vì sự phát triển bền vững (WBCSD) thì trách nhiệm xã hội DN chính là sự cam kết của DN để có thể hướng đến phát triển kinh doanh bền vững, hướng về người lao động và gia đình của họ, cũng như toàn thể cộng đồng và xã hội để nâng cao giá trị cuộc sống (WBCSD, 1999). Đồng thời, trách nhiệm xã hội DN là nghĩa vụ của DN trong việc đưa ra các chính sách, quyết định và tuân theo những hành động vượt ra ngoài các yêu cầu của pháp luật mong muốn về các giá trị và mục tiêu của xã hội (Hemingway & Maclagan, 2004).

Vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, trách nhiệm xã hội DN không chỉ là việc các DN mở rộng quan hệ tự nguyện với các đối tác liên quan và vận dụng các vấn đề về môi trường cũng như xã hội vào hoạt động kinh doanh, mà còn là sự tập trung vào công tác hoạch định và quản trị trách nhiệm xã hội DN để có thể thực thi một cách toàn diện, nhằm đem lại giá trị tăng thêm cho DN.

Trách nhiệm lãnh đạo

Theo Székely, F., & Knirsch (2005), trách nhiệm lãnh đạo có ý nghĩa như là vai trò chuyển đổi hoạt động của tập thể thành giá trị bền vững và có trách nhiệm với xã hội. Cũng theo Székely và Knirsch (2005), lãnh đạo là những người có phản ứng linh hoạt với mọi sự thay đổi và sẵn sàng xây dựng quan hệ đối tác với tất cả các cá nhân trong xã hội để từ đó DN có thể mong đợi những đóng góp của họ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và hỗ trợ lợi ích lâu dài của DN.

Theo góc nhìn của các tác giả thì trách nhiệm lãnh đạo được thể hiện thông qua nhiều phương diện khác nhau. Lãnh đạo có trách nhiệm sẽ biết cách phát huy tối đa năng lực quản lý để dẫn dắt đội ngũ đạt được kết quả cao nhất. Lãnh đạo có trách nhiệm sẽ không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo trong cách thức quản lý và duy trì giá trị đạo đức cốt lõi nhằm làm gương cho các thế hệ nhân viên.

Lý thuyết nền tảng

Lý thuyết thể chế

Lý thuyết thể chế là cách thức những áp lực thể chế điều chỉnh hành vi và chiến lược của các tổ chức hoạt động trong một lĩnh vực (McFarland và cộng sự, 2008). Theo Carpenter và Feroz (2001), lý thuyết thể chế là dựa trên quan điểm rằng, các DN phản ứng đối với áp lực thể chế từ bên ngoài (ví dụ như luật pháp, quy định…) và vận dụng các cấu trúc tổ chức, quy trình được chấp nhận bởi xã hội.

Theo lý thuyết này, các DN sẽ điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lĩnh vực mà DN đang hoạt động. Dưới áp lực của hệ thống thể chế, DN cần có những thay đổi nhất định, bởi vì khi đó DN sẽ được các lực lượng thể chế ủng hộ về tính hợp pháp cũng như các nguồn lực và năng lực để có thể sinh tồn (Fernando & Lawrence, 2014).

Theo Deegan (2009), lý thuyết thể chế kết nối các hoạt động của DN, bao gồm các hoạt động thực tiễn gắn với trách nhiệm xã hội của DN và các hoạt động kế toán với các giá trị và chuẩn mực xã hội trong môi trường mà DN đang hoạt động. Kết nối này nhằm giúp cho các DN thấy được sự cần thiết phải tạo lập và duy trì tính hợp pháp trong các hoạt động. Theo đó, các DN, dưới các áp lực của luật pháp cũng như các áp lực chuẩn tắc khác, có thể tăng cường thực hiện các hoạt động nhằm gia tăng trách nhiệm xã hội.

Chẳng hạn như: Việc tự nguyện công bố các thông tin về trách nhiệm xã hội, cũng như tự nguyện tham gia vào các hoạt động về trách nhiệm xã hội của DN được xem như một phần của hoạt động thể chế và nó được giải thích rõ hơn qua lý thuyết thể chế (Deegan, 2009). Đương nhiên, nếu DN đề cao vai trò của trách nhiệm xã hội của mình trong suốt quá trình vận hành thì điều này sẽ dẫn đến uy tín DN lan tỏa, khách hàng dễ có thiện cảm với phương châm của DN, từ đó có thể góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của DN. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả lập luận rằng, lý thuyết thể chế là lý thuyết phù hợp được sử dụng để giải thích cho ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội của DN đến hiệu quả hoạt động của DN.

Lý thuyết các bên liên quan

Nghiên cứu của Freeman (1984) đã chỉ ra lý thuyết các bên liên quan là lý thuyết đặt DN vào trung tâm của tổng thể các mối quan hệ với các bên liên quan để phân tích về trách nhiệm và ảnh hưởng của các hoạt động của DN đến các đối tượng này. Nghiên cứu của Carroll (1999) cũng cho rằng, các bên liên quan thường là những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ hiệu quả hoạt động của DN như: cổ đông, nhân viên, cơ quan quản lý… và những đối tượng khác bị chi phối bởi hoạt động của DN (khách hàng, nhà cung cấp, địa phương)...

Lý thuyết các bên liên quan cho thấy, dưới áp lực trách nhiệm đối với nội bộ DN và xã hội, DN phải xác lập chiến lược, mục tiêu rõ ràng và phải gắn với lợi ích của các bên liên quan. Việc DN thực thi những chính sách ưu việt về trách nhiệm xã hội của DN cũng chính là thực hiện nghĩa vụ với các bên liên quan, sự hài lòng của các bên liên quan sẽ tăng dần và điều này cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng cao hiệu quả của DN. Tác giả cũng lập luận rằng, lý thuyết các bên liên quan là lý thuyết phù hợp để giải thích cho tác động của trách nhiệm xã hội của DN đến hiệu quả hoạt động của DN. Nói cách khác, trách nhiệm xã hội của DN càng có giá trị thì hiệu quả hoạt động của DN càng lớn.

Lý thuyết lãnh đạo

Trong lý thuyết lãnh đạo chính thống, phân cấp lãnh đạo sẽ được thúc đẩy bởi lợi nhuận và tối đa hóa giá trị của cổ đông, nhà lãnh đạo với tư cách là người đại diện lý tưởng được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đến những người theo dõi để đạt được các mục tiêu của tổ chức và đưa lại hiệu quả ở cấp cao hơn (Rost, 1991).

Vì vậy, lãnh đạo có trách nhiệm sẽ cố gắng phát huy vai trò của mình để đem đến nhiều hơn giá trị cho cổ đông và DN, mà cụ thể nhất đó chính là gia tăng hiệu quả hoạt động. Trách nhiệm lãnh đạo không chỉ là với bản thân mình, với DN mà là còn trên những phương diện rộng lớn, nhằm giúp lãnh đạo đạt được lợi ích từ chính trách nhiệm của mình. Ở đây, lý thuyết lãnh đạo được dùng để giải thích cho tác động của trách nhiệm lãnh đạo đến hiệu quả hoạt động, lãnh đạo càng trách nhiệm thì hiệu quả hoạt động sẽ càng cao.

Ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội và trách nhiệm của lãnh đạo đối với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, các DN tiêu biểu như: Tập đoàn Mai Linh, Tập đoàn Duy Lợi, Tập đoàn Bảo Việt, ACB, Sacombank, Vietcombank… đã chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội và nhờ đó thương hiệu của các DN này càng được khách hàng và cộng đồng xã hội biết đến. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất - kinh doanh còn nhiều khó khăn, song các DN vẫn thể hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua hàng loạt các hoạt động thiện nguyện, tài trợ đóng góp, ủng hộ về tài chính để hỗ trợ người dân.

Thực tế thời gian qua cho thấy, thực hiện trách nhiệm xã hội của DN đang trở thành một xu hướng phổ biến và ngày càng nhiều nhà quản lý DN coi là hoạt động cần thiết. Có thể thấy, dù hoàn cảnh nào thì những người lãnh đạo có trách nhiệm ở các DN vẫn nỗ lực tiến hành những hoạt động trách nhiệm xã hội.

Trong những giai đoạn khó khăn như đối mặt với đại dịch Covid-19, lãnh đạo DN không hẳn mong muốn thu lại lợi ích từ trách nhiệm xã hội trong giai đoạn này, mà dường như họ coi đó là trách nhiệm đối với cộng đồng, cùng với Chính phủ chia sẻ, thực hiện trách nhiệm an sinh với người dân và cũng là khách hàng của họ. Về lâu dài, những hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội sẽ đem lại giá trị cho DN hoặc ở một thời điểm nào đó sẽ góp phần làm cho hiệu quả hoạt động của DN tốt hơn.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, xét trong bối cảnh các DN đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 thì tác động tích cực của trách nhiệm xã hội DN và trách nhiệm lãnh đạo đến hiệu quả hoạt động là không giảm sút, mà còn tăng lên theo thời gian nếu DN thường xuyên duy trì hoạt động này.

Trách nhiệm lãnh đạo là nhân tố quan trọng và có sự chi phối rất lớn đến hiệu quả hoạt động của DN. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, một DN có đi đúng lộ trình và phát triển bền vững hay không thì hầu hết đều phụ thuộc vào trách nhiệm của lãnh đạo. Lãnh đạo có trách nhiệm sẽ có ý thức trong mọi hành vi và sẽ đưa DN gặt hái những giá trị to lớn. Phần lớn lãnh đạo DN hành động theo hướng đem lại nhiều hơn các lợi ích cho cộng đồng và những đối tác có liên quan. Nghĩa là, họ sẽ thực hiện nhiều hơn các hoạt động thuộc về trách nhiệm xã hội, các hoạt động này có khả năng khuếch trương thương hiệu và đẩy mạnh hiệu quả hoạt động.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh bùng nổ của nền kinh tế số hiện nay, DN với lãnh đạo DN có trách nhiệm và thực hiện xuyên suốt hoạt động trách nhiệm xã hội DN sẽ có nhiều lợi thế hơn những DN khác trong kế hoạch gia tăng hiệu quả hoạt động, cũng như tiến trình phát triển toàn diện DN.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Anh Phương (2009), Trách nhiệm xã hội của DN và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Triết học, số 8 (219), tháng 8 – 2009;

2. Carpenter, V. L., & Feroz, E. H. (2001), Institutional theory and accounting rule choice: An analysis of four US state governments' decisions to adopt generally accepted accounting principles. Accounting, Organizations and Society, 26(7-8), 565-596;

3. Carroll, A. B., (1991), The pyramid of corporate social responsibility: Toward the moral management of organizational stakeholders. Business Horizons, 34(4), 39-48.

4. Deegan, C. (2009), Financial accounting theory. North Ryde: McGraw‐Hill;

5. Fernando, S., & Lawrence, S. (2014), A theoretical framework for csr practices: Integrating legitimacy theory, stakeholder theory and institutional theory. Journal of Theoretical Accounting Research, 10(1), 149-178;

6. Freeman E., (1984), Strategic Management: A Stakeholder Approach, Pitman: Boston;

7. Hemingway, C. A., & Maclagan, P. W. (2004), Managers' personal values as drivers of corporate social responsibility. Journal of Business Ethics, 50(1), 33-44;

8. McFarland, R. G., Bloodgood, J. M., & Payan, J. M. (2008), Supply chain contagion. Journal of Marketing, 72(2), 63-79;

9. Rost, J. C. (1991), Leadership for the 21st Century (Quorum, Westport, CT/ London);

10. Székely, F., & Knirsch, M. (2005), Responsible leadership and corporate social responsibility: Metrics for sustainable performance. European Management Journal, 23(6), 628-647;

11. Watson, L. (2015), Corporate social responsibility research in accounting. Journal of Accounting Literature, 34, 1-16.