Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam trong điều kiện hội nhập CPTPP

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 9/2020

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là cách thức mà các doanh nghiệp thường áp dụng như là một chiến lược nhằm tìm kiếm lợi nhuận dài hạn, đi cùng với phúc lợi xã hội cũng như bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết này tập trung vào thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam trên hai khía cạnh: Quan hệ lao động và trách nhiệm với môi trường, đặc biệt là theo cam kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về trách nhiệm xã hội.

Các yêu cầu về trách nhiệm xã hội trong CPTPP

Các yêu cầu về CSR liên quan đến quan hệ lao động: Có thể tìm thấy các yêu cầu về CSR liên quan đến quan hệ lao động trong CPTPP tại Chương 19 về Lao động của Hiệp định CPTPP. Đặc biệt, trong chương này, CPTPP có hẳn 1 điều khoản về CSR, đó là “Điều 19.7: CSR doanh nghiệp (DN): Mỗi Bên phải cố gắng khuyến khích các DN tự nguyện áp dụng các sáng kiến CSR về vấn đề lao động đã được phê chuẩn hoặc hỗ trợ bởi Bên đó”

Về cam kết liên kết của các tổ chức của người lao động, theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, riêng Việt Nam có được thời gian chuẩn bị là 05 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 07 năm kể từ khi ký Hiệp định) để các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở DN có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định CPTPP và cũng phù hợp với quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam và tất cả các nước tham gia Hiệp định CPTPP phải tôn trọng, bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở DN.

Các yêu cầu về CSR liên quan đến môi trường: Có thể thấy các yêu cầu về CSR liên quan đến môi trường trong CPTPP ở Chương 20: Môi trường của Hiệp định. Đặc biệt, trong chương Môi trường - giống như trong chương Lao động - CPTPP có 1 điều khoản về Môi trường, đó là “Điều 20.10: CSR của DN: Mỗi Bên cần khuyến khích các DN hoạt động trong phạm vi lãnh thổ và quyền tài phán của mình tự nguyện áp dụng vào các chính sách và thông lệ của họ những nguyên tắc CSR của DN có liên quan đến môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn đã được công nhận quốc tế và các hướng dẫn đã được xác nhận hoặc được hỗ trợ bởi Bên đó”.

Thực trạng thực thi tại các doanh nghiệp Dệt may Việt Nam

Thực trạng thực thi CSR trong quan hệ lao động

 Theo yêu cầu của bộ tiêu chuẩn ISO26000, nội hàm CSR của DN đối với người lao động bao gồm 5 vấn đề lớn: (1) Việc làm và phát triển quan hệ lao động; (2) Chế độ đãi ngộ và bảo trợ xã hội; (3) Đối thoại xã hội; (4) Sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc; (5) Đào tạo và phát triển nhân viên.

Về việc làm và phát triển quan hệ lao động: Dệt may là một trong những ngành quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, với hơn 6.000 nhà máy, ngành hiện cung cấp khoảng 3 triệu việc làm trên cả nước, Ngành không chỉ quan trọng đối với nền kinh tế mà còn với xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, người lao động dệt may ở Việt Nam hiện đang phải làm thêm khá nhiều thời gian để tăng thu nhập do công ty áp dụng cách truyền thống là “trả lương cơ bản thấp”. Mặc dù, làm thêm giờ, tăng ca nhiều nhưng mức thu nhập của người lao động ngành Dệt may vẫn còn khá thấp. Vì thế, tình trạng lao động bỏ việc, chuyển việc diễn ra thường xuyên ở những DN dệt may. Quan hệ lao động ngành Dệt may phức tạp do thu nhập người lao động chưa cao, điều kiện việc làm hạn chế, ý thức, tác phong công nghiệp của người lao động phần lớn xuất thân từ nông thôn, tuổi đời còn trẻ…

Hiện tượng đình công diễn ra ở một số DN dệt may. Số liệu công bố mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động cho thấy, trong giai đoạn 2013-2016 trên cả nước xảy ra 1.284 cuộc tranh chấp lao động tập thể, đình công, chủ yếu trong ngành Dệt may (39,17%). Khảo sát cho thấy, hầu hết các cuộc đình công xảy ra là do xung đột về tiền lương, tiền thưởng.... Xét trên tổng thể, tỷ lệ đình công trong ngành Dệt may cao nhất cả nước (năm 2018 đã có 84 cuộc đình công trong ngành Dệt may, chiếm tỷ lệ 39,25%).

Về chế độ đãi ngộ và bảo trợ xã hội: Kết quả khảo sát của Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong năm 2018 cho thấy thực tế là, dệt may lại là ngành có mức lương cơ bản thấp nhất trong các ngành, với 4,225 triệu đồng, không đủ đảm bảo cho nhu cầu cơ bản của người lao động. Nhìn chung, đời sống của người lao động trong ngành còn nhiều khó khăn, nhiều công nhân may có mức lương chưa đủ sống. Về chế độ phúc lợi, theo báo cáo Công đoàn Dệt may Việt Nam năm 2017, 100% đoàn viên công đoàn cơ sở có thiết chế công đoàn cơ bản như nhà ăn, phòng y tế, nơi sinh hoạt văn hóa để phục vụ người lao động.

Các công đoàn cơ sở lớn sử dụng từ 2000-5000 lao động đều xây dựng các thiết chế mang lại lợi ích cao hơn cho người lao động như: siêu thị, nhà ở, nhà trẻ, điểm sinh hoạt văn hóa, hội trường, khu vui chơi... Các cấp công đoàn tăng cường, chủ động đối thoại với người sử dụng lao động để thỏa thuận những lợi ích cho đoàn viên công đoàn, người lao động; quan tâm, thăm hỏi, trợ cấp người lao động khó khăn; xây dựng môi trường lao động đoàn kết, gắn bó, người lao động yên tâm công tác. Bên cạnh đó, còn một số đơn vị quy mô nhỏ hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nên chưa có hệ thống thiết chế công đoàn đầy đủ.

Về đối thoại xã hội: Nhìn chung, hoạt động đối thoại được chú trọng và tổ chức thường xuyên qua hội nghị người lao độngở nhiều cấp, góp phần nâng cao nhận thức, chia sẻ trách nhiệm giữa người sử dụng lao động và người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa và tiến bộ… Tuy nhiên, thực tế công tác đối thoại và xây dựng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các DN vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Phần lớn DN may không tuân thủ các quy tắc về thương lượng tập thể, người sử dụng lao động chưa tham vấn ý kiến công đoàn đầy đủ; không công bố thỏa ước cho tất cả các lao động được biết.

Gần 20% các nhà máy không đảm bảo rằng thỏa ước lao động tập thể đã được hơn 50% người lao động tán thành. Điều này dẫn đến việc người lao động có ít hoặc không có kiến thức về thỏa thuận, quyền và trách nhiệm được ghi trong thỏa ước lao động tập thể. Chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể còn nhiều hạn chế, số bản thỏa ước lao động tập thể có nội dung về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bữa ăn ca còn ít. Vai trò hỗ trợ, hướng dẫn của công đoàn cấp trên cơ sở chưa tương xứng. Việc mở rộng, triển khai thỏa ước lao động tập thể ngành còn chậm, không đạt chỉ tiêu đề ra…

Các vi phạm trong đối thoại xã hội ở ngành may chủ yếu là không tham vấn ý kiến của Công đoàn, người lao động chưa biểu quyết tán thành thỏa ước lao động tập thể và không công khai thỏa ước lao động tập thể tại DN. Những vi phạm này, ở nhiều mức khác nhau cho thấy, DN chưa coi trọng giá trị của đối thoại, tham vấn giữa người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình cải tiến DN.

Về sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc: Người lao động ngành Dệt may hay mắc các bệnh lý nghề nghiệp do môi trường làm việc và do sự thay đổi về xã hội và công nghệ. Ngành Dệt may thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ. Công việc không vất vả nhưng đơn điệu và thường phải ngồi hoặc đứng quá lâu nên rất dễ mắc những bệnh lý. Đặc thù của công nhân may là hay phải tăng ca, lương tính theo sản phẩm và các khâu có tính chất dây chuyền nên người lao động trong ngành Dệt may thường ngồi liên tục và thường ngồi quá lâu tại chỗ, trong quá trình lao động thường xuyên tiếp xúc với bụi từ vải may, bông… nên dễ mắc bệnh hô hấp...

Những thay đổi về xã hội và công nghệ cũng dẫn tới những bệnh mới xuất hiện như rối loạn tâm thần, xương khớp. Cả nước hiện chưa có cơ sở y tế nào thực hiện nhiệm vụ điều trị cho những người mắc bệnh phổi nghề nghiệp và điều trị phục hồi sức khỏe cho những viên chức, người lao động sau khi họ mắc bệnh và được giám định bệnh nghề nghiệp. Trong đó, nhiều DN chưa tổ chức huấn luyện và khám sức khỏe định kỳ theo đúng quy định cho người lao động, việc khám sức khỏe định kỳ còn mang tính hình thức, đối phó.

Công tác an toàn, vệ sinh lao động trong ngành Dệt may vẫn còn nhiều hạn chế; Còn rất nhiều rủi ro mất an toàn trong lao động ngành Dệt may như: lối thoát nạn hoặc cửa ra thoát nạn bị che chắn, chưa thực hiện đầy đủ các quy định về hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, lưu trữ bất cẩn các vật liệu sản xuất (như vải và hộp carton)…

Về đào tạo và phát triển lao động: Việc đào tạo lao động chưa được quan tâm thỏa đáng, nhiều DN ngại đào tạo lao động vì lo sợ khả năng rời bỏ DN sau khi được đào tạo dẫn tới tốn kém chi phí.Đào tạo nhân lực chất lượng cao và lao động công nghiệp của ngành còn bỏ ngỏ. “Cơn khát” về nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự là bài toán khó giải đối với các DN trong đó có ngành Dệt may. Trên cả chuỗi cung ứng, trừ những khâu liên quan đến sản xuất may và sợi, thì nhân lực của ngành thiếu toàn diện, gần như không có đơn vị nào đào tạo lực lượng này. Có thể nói, tỷ lệ lao động qua đào tạo của ngành thấp.

Thực trạng thực thi trách nhiệm môi trường

CSR xét trên  khía cạnh môi trường của các DN dệt may Việt Nam thể hiện trên các khía cạnh sau:

Phòng ngừa ô nhiễm môi trường: Gần 100% các DN lớn và vừa trong ngành Dệt may Việt Nam có tất cả chứng chỉ đánh giá của các hãng thế giới về tăng trưởng xanh, tiêu thụ năng lượng xanh, sản xuất xanh... Điều đó cho thấy, chuẩn mực môi trường của ngành Dệt may Việt Nam tại tất cả các nơi được khách đặt hàng là tương đối tốt. Hiện nay, nhiều DN tham gia vào sản xuất sạch hơn, nhiều DN dệt may đã giảm từ 20 - 30% tải lượng ô nhiễm mà không tốn khoản chi phí đầu tư nào do áp dụng công nghệ xử lý khí thải thông qua bộ phận thu khí lò hơi; sử dụng định mức tiêu hao hợp lý nguồn nguyên liệu dệt nhuộm.

Tuy nhiên, nhận thức của DN với vấn đề ô nhiễm môi trường còn hạn chế. Hiện còn nhiều DN chưa hiểu rõ nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và xem bảo vệ môi trường là việc của Nhà nước. Các DN cũng chưa nhận thấy lợi ích của sản xuất sạch hơn và cho rằng, sản xuất sạch hơn là việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải và điều này làm tăng chi phí.

Nhiều DN vẫn duy trì hệ thống công nghệ sản xuất cũ, tiêu tốn năng lượng, cùng với hạn chế về năng lực kỹ thuật, dẫn đến không tiết kiệm năng lượng, gây phát thải cao. Điều tra của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) năm 2017 cho thấy, trong số các nhà đầu tư FDI dệt may vào Việt nam chủ yếu đến từ các nước: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, chỉ có 5% DN FDI có công nghệ cao, 80% sử dụng công nghệ trung bình, thậm chí có đến 14% sử dụng công nghệ thấp.

Điều này cho thấy, có tỷ lệ khá lớn số công ty dệt nhuộm chuyển công nghệ cũ sang Việt Nam và gây nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ngành Dệt may Việt Nam hiện đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải nhuộm có dư lượng hóa chất lớn. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí của các DN dệt may Việt Nam là vấn đề nóng. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, người dân sống xung quanh nhà máy đều phải “sống chung” với nạn ô nhiễm... Có thể kể đến rất nhiều DN như: Nhà máy dệt Hòa Thọ - Đà Nẵng, Công ty cổ phần Dệt may Huế…

Sử dụng nguồn lực bền vững: Quy trình sản xuất của ngành Dệt may Việt Nam còn tiêu tốn nhiều năng lượng. Công nghiệp dệt may của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm nước có cường độ sử dụng năng lượng lớn nhất thế giới (theo tính toán, cứ 1 đồng sản xuất phải mất 1 đồng cho chi phí năng lượng). Có đến gần 200 DN dệt may thuộc diện DN phát thải trọng điểm (tiêu thụ 1.000 tấn CO2 quy đổi). Hiện nay, đa số DN dệt may đã tiếp nhận yêu cầu dán nhãn các bon trên sản phẩm từ nhà nhập khẩu.

Ngành Nhuộm hiện nay đã sử dụng loại thuốc nhuộm thân thiện hơn với môi trường thay thế các loại thuốc nhuộm vô cơ trước đây. Tuy nhiên, việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường còn hạn chế. Đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 130 DN dệt nhuộm cỡ nhỏ cấp 3-4 (là vệ tinh của DN cấp 1) chưa được hỗ trợ về tiết kiệm điện nước và họ là những DN xả thải trực tiếp.

Công nghệ xử lý chất thải của các DN còn lạc hậu, các phương pháp xử lý nước thải dệt nhuộm được áp dụng phổ biến là phương pháp hoá học, sử dụng axit trung hoà kiềm và các chất tạo phản ứng oxy hoá khử, tuy nhiên những phương pháp xử lý này đạt hiệu quả không cao và vẫn gây ra ô nhiễm thứ cấp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Thích nghi với biến đổi khí hậu: Ngành Công nghiệp dệt may của Việt Nam đang là một trong những ngành có mức độ phát thải lớn khí nhà kính trên thế giới, chiếm 11% tổng nhu cầu năng lượng trong các ngành kinh tế công nghiệp của Việt Nam. Chi phí cho năng lượng của ngành Dệt may ngang bằng chi phí sản xuất (Trong khi Chính phủ Việt Nam đã cam kết cụ thể về cắt giảm phát thải khí nhà kính (giảm lượng phát thải hàng năm từ 8% - 25%). Hiện có nhiều hội thảo và chương trình về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Việt Nam. Các DN tham gia khá mạnh mẽ, tuy nhiên, việc thực hiện của DN còn hạn chế do cần có nhiều điều kiện chi phối, đặc biệt là về khả năng tài chính.

Giải pháp thực thi trách nhiệm xã hội, đáp ứng các yêu cầu đặt ra

Đối với DN dệt may Việt Nam, các giải pháp cần thực hiện để thực thi CSR, đáp ứng các các yêu cầu CPTPP gồm:

Thứ nhất, tăng cường nhận thức của DN dệt may về CSR. Để thực hiện tốt, trước hết các DN cần có nhận thức sâu sắc về vấn đề này, làm sao để việc thực hiện CSR trở thành động cơ bên trong của các DN, được xem là hành vi đạo đức và được điều khiển bằng động cơ đạo đức từ những người đứng đầu DN.

Thứ hai, các giải pháp về sản xuất sạch hơn gồm: Tránh các rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển và sản xuất, hay còn gọi là kiểm soát nội vi; Ðảm bảo các điều kiện sản xuất tối ưu từ quan điểm chất lượng sản phẩm, sản lượng, tiêu thụ tài nguyên và lượng chất thải tạo ra; Tránh sử dụng các nguyên vật liệu độc hại bằng cách dùng các nguyên liệu thay thế khác; Cải tiến thiết bị để cải thiện quá trình sản xuất; Lắp đặt thiết bị sản xuất có hiệu quả, và thiết kế lại sản phẩm để có thể giảm thiểu lượng tài nguyên tiêu thụ.

Thứ ba, chú trọng tới vai trò và quyền lợi của người lao động: Để làm được điều này, các công ty cần có chế độ lương bổng, phúc lợi thỏa đáng, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống và tạo động lực để người lao động hứng thú với công việc; Xây dựng môi trường làm việc an toàn, vệ sinh; Giờ làm việc và nghỉ ngơi đảm bảo đúng quy định; Đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đầy đủ. Khi người lao động được đáp ứng về thu nhập, môi trường làm việc thì họ sẽ cống hiến hết mình cho DN.

Thứ tư, bảo đảm an toàn lao động cho người lao động: DN dệt may cần trang bị và yêu cầu sử dụng đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động cho 100% lao động dệt may như: mũ, khẩu trang, bịt nút tai...; Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, có chế độ bồi dưỡng cho người lao động làm việc tại các vị trí nguy hiểm, độc hại, trang bị tủ đồ, tủ thuốc tại các khu vực sản xuất…; Tổ chức định kỳ các lớp tập huấn về phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; Kết hợp tuyên truyền, phổ biến tới chủ sử dụng lao động các quy định của pháp luật lao động; Xây dựng kế hoạch tổ chức phát động và hưởng ứng Tháng an toàn vệ sinh lao động; Tăng cường công tác tự kiểm tra, đánh giá tại cơ sở nhằm phát hiện kịp thời và chấn chỉnh những sai phạm trong thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Thứ năm, tăng cường đối thoại xã hội và nâng cao chất lượng đối thoại xã hội đối với người lao động. Các DN dệt may cần: Xây dựng và thực hiện đối thoại xã hội xuất phát từ ý chí, mong muốn thực sự của lãnh đạo DN; Đối thoại xã hội phải được đưa vào tầm nhìn dài hạn, có các kế hoạch và con người thực hiện và vận hành cụ thể, thậm chí với chi phí cụ thể; DN cần hiện thực hóa các thỏa ước, tránh tình trạng chậm về tiến độ và thiếu về số lượng cũng như chất lượng các thỏa ước đã nêu.

Đối với Nhà nước, để tạo điều kiện cho DN thực hiện CSR, cần bổ sung một số nội dung CSR vào Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về CSR; Tăng cường công tác khuyến khích DN xây dựng, thực hiện CSR; Tăng cường công tác hỗ trợ DN xây dựng, thực hiện CSR.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Thị Thanh Hương (2015), Áp dụng chiến lược CSR của DN tại DN quy mô nhỏ và vừa Việt Nam: nghiên cứu tình huống ngành may”, Luận án Tiến sĩ Kinh doanh và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân;

2. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (2019), Báo cáo tình hình phát triển ngành dệt may Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019;

3. Jean-Pascal Gond et al. (2010), “Corporate social responsibility influence on employees”, ICCSR. Research Paper Series;

4. Nguyễn Phương Mai (2013), CSR của DN trong ngành dệt may Việt Nam Trường hợp Công ty Cổ phần May Đáp Cầu, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh, tập 29, số 1;

5. Đào Quang Vinh (2003), Báo cáo tóm tắt nghiên cứu CSRDN tại các DN thuộc hai ngành dệt may và da giầy, Viện Khoa học Lao động và Xã hội.