Đẩy mạnh hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 11/2020

Trong những năm qua, phương thức kinh doanh nhượng quyền thương mại đã trở thành một kênh đầu tư được giới kinh doanh vận dụng để đưa các doanh nghiệp nước ngoài mở rộng vào thị trường Việt Nam, cũng như để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức, cần có các giải pháp tháo gỡ.

Khái quát về nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương hiệu (nhãn hiệu) là tên gọi được phiên dịch ra từ thuật ngữ tiếng Anh “franchise”, tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay quy định tên gọi chính xác là nhượng quyền thương mại (NQTM). Đây là một trong số hoạt động thương mại phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới.

Điều 284 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “NQTM là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện: Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh”.

Thực tiễn trên thế giới, hoạt động NQTM rất phát triển và được các chủ thể thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng được những nhu cầu linh động trong những trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây còn là mô hình kinh doanh mới nên Nhà nước dễ dàng trong việc thực hiện quản lý, đồng thời giúp cho các chủ thể dễ dàng trong việc thực hiện và bảo vệ các chủ thể khỏi những rủi ro, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép thực hiện duy nhất một hình thức NQTM nêu trên.

Hiện nay, xu hướng nhượng quyền thương mại tại Việt Nam chủ yếu dừng lại ở mô hình nhượng quyền cấp 1 (hay còn gọi là nhượng quyền độc quyền) khi thương hiệu quốc tế trao quyền cho một doanh nghiệp nội địa phát triển hệ thống
chi nhánh trên toàn lãnh thổ dưới hình thức tự đầu tư và kinh doanh.

Bên cạnh Luật Thương mại năm 2005, hiện nay, hoạt động NQTM còn được quy định tại các văn bản pháp lý sau: Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động NQTM; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Thông tư số 09/2006/TT-BTM, ngày 25/5/2006 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn đăng ký hoạt động NQTM; Thông tư số 04/2016/TT-BCT ngày 6/6/2016 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, NQTM, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực…

Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam

Kết quả đạt được

Ở Việt Nam, phương thức kinh doanh NQTM xuất hiện từ trước năm 1975, thông qua một số hệ thống nhượng quyền các trạm xăng dầu của Mỹ như: Mobil, Exxon (Esso), Shell. Sau đó, NQTM xuất hiện trở lại vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, nhưng phải đến những năm gần đây, với xu hướng mở cửa hội nhập kinh tế sâu rộng, Việt Nam mới trở thành thị trường được các thương hiệu lớn quốc tế và khu vực quan tâm tìm kiếm cơ hội hợp tác NQTM.

Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 12/6/2020, Việt Nam đã cấp phép cho 262 doanh nghiệp (DN)nước ngoài nhượng quyền tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến các thương hiệu lớn của nước ngoài như: McDonalds, Baskin Robbins (Hoa Kỳ), Pizza Hut, Burger King (Singapore), Lotteria, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensens (Malaysia), Karren Millen, Coast London (Anh), Bvlgari, Moschino, Rossi (Italia)… Lĩnh vực nhận NQTM từ các thương hiệu nước ngoài nhiều nhất ở Việt Nam là chuỗi thức ăn nhanh, nhà hàng; cửa hàng bán lẻ nội thất, mỹ phẩm, bán lẻ hàng hóa tiêu dùng khác…; thời trang; giáo dục - đào tạo…

Các DN Việt Nam cũng đã hình thành mô hình NQTM để phát triển thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu. Tiêu biểu cho mô hình NQTM của các doanh nghiệp Việt Nam phải kể đến như Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô Bakery, thời trang Ninomax, Foci, giày dép T&T, kinh doanh cà phê Bobby Brewers…

Việc phát triển kinh doanh theo phương thức NQTM đã giúp các doanh nghiệp NQTM tận dụng được nguồn vốn, nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh; đồng thời, gia tăng doanh số và lợi nhuận từ nguồn thu chi phí nhượng quyền, nâng cao giá trị thương hiệu và nâng tầm doanh nghiệp. Đối với bên nhận NQTM, mô hình này giúp hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Các doanh nghiệp cũng tiết kiệm đáng kể chi phí để tạo dựng thương hiệu, cũng như quảng cáo, xúc tiến bán hàng.

Hơn nữa, với việc nhận NQTM từ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam được chuyển giao những thương hiệu có uy tín và được học hỏi, tiếp cận cách thức kinh doanh và phương thức quản lý tiên tiến của thế giới.

Một số khó khăn, thách thức

Mặc dù, tiềm năng thị trường NQTM của Việt Nam là rất lớn, nhưng vẫn còn những thách thức do hoạt động này hiện nay mang tính tự phát và thiếu chuyên nghiệp. Hiện nay, xu hướng NQTM tại Việt Nam chủ yếu dừng lại ở mô hình nhượng quyền cấp 1 (hay còn gọi là nhượng quyền độc quyền) khi thương hiệu quốc tế trao quyền cho một doanh nghiệp nội địa phát triển hệ thống chi nhánh trên toàn lãnh thổ dưới hình thức tự đầu tư và kinh doanh (gọi là phát triển hệ thống chuỗi).

Rất ít thương hiệu quốc tế tại Việt Nam phát triển thị trường qua hình thức nhượng quyền cấp 2 (nhượng quyền thứ cấp), khi đối tác cấp 1 tiếp tục nhượng quyền từng chi nhánh hoặc từng khu vực cho một đối tác thứ cấp tiếp theo.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu vốn, thiếu trình độ quản lý và kiểm soát, chưa chuẩn hoá được quy trình và thương hiệu, chưa hoạch định chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp nên hầu như chưa thực hiện được mô hình NQTM toàn diện, ít quan tâm đến bảo hộ thương hiệu.

Tính đồng bộ trong hệ thống chuỗi NQTM của các doanh nghiệp nhượng quyền trong nước còn thấp. Chất lượng, phong cách kinh doanh giữa các cơ sở nhận nhượng quyền ở cùng một thương hiệu còn khác nhau (Chẳng hạn, một số nhà hàng Phở 24 bán kèm cả cơm, lẩu, trong khi một số khác thì không; hay nhiều cửa hàng cà phê Trung Nguyên phục vụ trà Lipton, soda chanh muối thay vì chuyên cà phê, hương vị cà phê giữa các cửa hàng NQTM của cà phê Trung Nguyên cũng khác nhau).

Nhiều nơi kinh doanh NQTM tự ý đưa vào sản phẩm, dịch vụ khác làm mờ nhạt sản phẩm cốt lõi (sản phẩm được NQTM), trong khi đó, nguyên tắc nhượng quyền là các cửa hàng trong chuỗi phải giống nhau đến 80% với thực đơn thống nhất và nếu có mở rộng, thì không được làm lu mờ sản phẩm kinh doanh cốt lõi.

Nguyên nhân của thực tế trên là do môi trường pháp lý về NQTM còn bất cập. Khung pháp lý hiện nay vẫn chưa quy định đầy đủ các vấn đề về hoạt động NQTM như: các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động NQTM còn chung chung, nhiều hình phạt mang tính hình thức, chưa phù hợp với tính chất và quy mô của NQTM trên thực tế. Mặt khác, một số văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động NQTM còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn, tác động đến sự phát triển của hoạt động NQTM, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động nhượng quyền.

Hơn nữa, Việt Nam đang thiếu các tổ chức hỗ trợ hoạt động NQTM, chẳng hạn như Hiệp hội NQTM Việt Nam. Hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động NQTM cũng chưa được chú trọng...

Giải pháp đẩy mạnh hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam

Để giúp các doanh nghiệp trong nước tận dụng được cơ hội trong hội nhập để phát triển NQTM; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho các đối tác nước ngoài mở rộng thị trường tại Việt Nam, trong thời gian tới, cần chú trọng triển khai một số giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động NQTM, phù hợp với các cam kết hội nhập mà Việt Nam đang tham gia. Cần ban hành các quy định quản lý chặt chẽ và hiệu quả, như: Quy định về việc kiểm tra, cụ thể hóa các biện pháp chế tài đối với trường hợp vi phạm pháp luật về NQTM.

Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường trọng tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội nghị xúc tiến, ưu đãi về vốn để doanh nghiệp trong nước, tạo dựng thương hiệu và thị trường ra bên ngoài; Đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến pháp luật về NQTM.

Ba là, có cơ chế, chính sách để ngân hàng thương mại hỗ trợ cho các bên nhượng và nhận NQTM thông qua việc cung cấp tín dụng có bảo lãnh hoặc thế chấp thương hiệu, thế chấp tài sản tự có.

Về phía doanh nghiệp

Thứ nhất, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm, tiếp cận các kinh nghiệm, kiến thức, pháp luật, các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực NQTM và tuân thủ các quy định của pháp luật về NQTM. Có chiến lược xây dựng thương hiệu và hệ thống kinh doanh được tổ chức khoa học, hợp lý, hiệu quả và mang tính đặc thù. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kỹ các yếu tố pháp luật ràng buộc và tài sản sẽ được chuyển giao kèm liên quan đến quyền của mình, nhất là những quyền liên quan đến bí mật kinh doanh, công nghệ.

Thứ hai, muốn đạt được hiệu quả trong NQTM, các doanh nghiệp cần lựa chọn được đối tác làm ăn là các thương hiệu có uy tín, đủ sức hấp dẫn, không thua lỗ và phải phân tích, đánh giá được xu hương tiêu dùng để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường để xác định mô hình kinh doanh phù hợp với năng lực tài chính, nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trên địa bàn dự kiến kinh doanh.

Doanh nghiệp cần tái cấu trúc, củng cố và phát triển nội lực doanh nghiệp trước khi chuyển sang áp dụng mô hình nhượng quyền. Xây dựng các nền tảng hỗ trợ thiết yếu trong nhượng quyền như: Nền tảng thương hiệu và tiếp thị; vận hành và cung ứng; nhân lực và đào tạo; phát triển hệ thống nhượng quyền.

Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động NQTM, qua đó các triết lý kinh doanh từ bên nhượng quyền mới được chuyển giao trọn vẹn cho bên nhượng quyền. Việc đào tạo cũng là cơ hội để cả bên nhượng quyền và nhận quyền tăng sự hiểu biết lẫn nhau, cùng duy trì và phát triển hệ thống nhượng quyền.

Thứ tư, thành lập Hiệp hội NQTM Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động NQTM phát triển, có chất lượng cao hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn về tổ chức, điều phối và phát triển có định hướng đối với loại hình thương mại này.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2005), Luật Thương mại, số 36/2005/QH11;

2. Bộ Công Thương (2016), Thông tư số 04/2016/TT-BCT ngày 6/6/2016 sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực;

3. Bộ Công Thương (2020), nhượng quyền thương mại, https://www.moit.gov.vn/web/guest/nhuong-quyenthuongmai1_nhuongquyenthuongmai_war_ecoitthongkebctportlet_instance_89toi4yhaufe_tabs1=vaoVietNam;

4. Nguyễn Trọng Điệp (2018), Thực tiễn thi hành pháp luật về thương mại tại Việt Nam hiện nay dưới góc nhìn tham chiếu với yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học, Tập 34, Số 2 (2018) 54-64;

5. Nguyễn Thị Liên Hương (2018), nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ quản trị kinh doanh, Học viện Khoa học xã hội;

6. Nguyễn Thị Phương Thảo (2020), nhượng quyền thương mại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, http://consosukien.vn/nhuong-quyen-thuong-mai-vietnam-thuc-trang-va-giai-phap.htm