Để quản lý tốt dòng tiền kinh doanh, cách nào?

Theo Tường San/thoibaonganhang.vn

Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ tự mình đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong số những người thành công nhất định thì cũng có không ít người phải mất trắng khoản tiền đầu tư ban đầu. Nguyên nhân thất bại được nhiều người đồng tình nhất vẫn là “ không quản lý được dòng tiền”.

Xu hướng tự khởi nghiệp của người trẻ hiện nay là thông qua các vườn ươm để được đào tạo bài bản. Nguồn: internet
Xu hướng tự khởi nghiệp của người trẻ hiện nay là thông qua các vườn ươm để được đào tạo bài bản. Nguồn: internet

Trên thực tế, rất nhiều người khi bắt đầu tham gia đầu tư đều tràn đầy hy vọng sẽ thành đại gia hay chí ít cũng kiếm được chút đỉnh trên thị trường. Họ thường hay tìm đến những khóa học về đầu tư hay tham gia các hội thảo chuyên đề để hiện thực hóa ước mơ của mình. Nhưng dù đã nỗ lực học tập miệt mài, không ngừng với những phương pháp được chia sẻ trong sách vở hay "bí kíp" của những nhà đầu tư nổi tiếng thì số lượng có thể kiếm được tiền bền vững trên thị trường chỉ đạt một tỷ lệ rất nhỏ.

Do vậy, giới chuyên môn mới nói rằng, bên cạnh việc áp dụng các bí quyết thành công, những nhà đầu tư trẻ hiện nay cũng nên xem xét lại lý do thất bại của mình. Điều này giúp chính bản thân ta hiểu chính xác hơn những thiếu sót, sai lầm trong chính trường hợp của mình và sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Bởi vì một chiến lược đầu tư tuân thủ kỷ luật riêng kèm với kinh nghiệm của bản thân là điều không thể thiếu của một nhà đầu tư thông minh.

Về mặt khách quan, giới chuyên môn thống kê được một số lý do đầu tư thất bại mà bạn trẻ thường gặp như: không tự tin, thay đổi chiến lược liên tục, đầu tư theo phong trào, mong muốn kiếm tiền nhanh, không nghiên cứu thị trường, đầu tư sai thời điểm… nhưng điểm đặc biệt khiến các nhà đầu tư trẻ thiếu đó chính là không biết quản lý dòng tiền khi kinh doanh.

Quả vậy, chia sẻ bài học bản thân, anh Vũ Tùng Lâm (29 tuổi, TPHCM) nói rằng, cách đây 2 năm, anh mở công ty kinh doanh và môi giới bất động sản. Thời gian đầu, công ty hoạt động rất hiệu quả, nhưng điều này không kéo dài được bao lâu. Bởi anh và những người đứng đầu công ty đều là người trẻ, thiếu kinh nghiệm, trong khi đó thành công quá sớm khiến cái tôi quá lớn. Điều này dẫn đến sự thất bại của anh trong thời gian ngắn.

“Nhiều lúc, tôi cho rằng, mình khôn ngoan khi dồn khá nhiều tiền đầu tư vào những lô đất giá rẻ, hoặc đặt cọc để ôm số lượng lớn. Điều này tạo cho tôi cảm giác rằng, mình đang mua được nhiều hơn với số tiền của mình bỏ ra. Thế nhưng tôi đã thất bại, và khi nghiệm lại mới thấy rằng, cần đầu tư mua mặt hàng tốt nhất có thể, chứ không phải mặt hàng rẻ nhất. Đồng thời, tôi chết cũng vì không biết cân nhắc dòng tiền cho hợp lý trong quá trình kinh doanh của mình”, anh Lâm cho biết.

Hay câu chuyện đầu tư vào việc bán hàng online của chị Vũ Thị Ly (24 tuổi, Đồng Nai) cũng vậy. Chị Ly cho biết, cách đây 1 năm chị bỏ hơn 500 triệu đồng để làm đại lý cho một người quen bán hàng online. Lúc đầu chị tự tin bán buôn vì có rất nhiều bạn bè ủng hộ. Thế nhưng, mọi việc trở nên mất kiểm soát khi việc kinh doanh ngày càng lớn, chị phải mượn thêm nhiều người để làm phụ. Đến nay, số lượng hàng hóa đã quá tầm kiểm soát và có lúc chị mất đến vài chục triệu đồng vì mất hàng.

“Một trong những điều góp phần cho sự thành công đó là biết xác định các cơ hội giao dịch. Các cơ hội giúp tôi mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Thế nhưng khi giao dịch quá lớn, bản thân lại không có kinh nghiệm quản lý tài chính cũng như không có nhiều thời gian để quản lý cũng có thể là ranh giới giữa thành công và thất bại”, chị Ly chia sẻ.

Quả vậy, xu hướng tự khởi nghiệp của người trẻ ngày càng phát triển và sôi động thì người ta bắt đầu nghĩ đến sự chuyên nghiệp. Bởi sự tự phát đầu tư đến một lúc nào đó cũng phải lớn lên, các công ty phải được hình thành và cần có mô hình hoạt động chuẩn để tránh khỏi những tổn thất không đáng có như trường hợp của anh Lâm (nêu trên).

Thừa nhận điều này, một chuyên gia tư vấn chiến lược nói rằng, bất cứ ai mới khởi nghiệp đều dùng tiền mặt để kinh doanh, thế nhưng khi mô hình hoạt động lớn mạnh, việc quản lý dòng tiền để trì hoãn việc chi tiêu tiền mặt càng lâu càng tốt, trong khi các khoản mà người khác nợ bạn thì cần đòi càng nhanh càng tốt.

Đơn cử, mỗi người khi kinh doanh đi vào ổn định đều cần chuẩn bị kế hoạch dòng tiền cho năm tiếp theo, quý tiếp theo và thậm chí là tuần tiếp theo. Vì một kế hoạch dòng tiền chính xác có thể báo động một cách tốt nhất cho những vấn đề trước khi nó xảy ra. Nói một cách dễ hiểu, việc lập kế hoạch dòng tiền không chỉ là cái nhìn thoáng qua trong tương lai. Mỗi người cần phải được rèn luyện khả năng dự đoán rằng, việc cân bằng một số yếu tố, bao gồm lịch sử thanh toán của các khách hàng, việc xử lý triệt để những khoản nợ của khách hàng khi xác định những chi phí sắp tới, và cả sự kiên nhẫn của các nhà cung cấp… Sau đó còn phải nghĩ tới chuyện đo lường dòng tiền, vượt qua sự thâm hụt, sắp xếp nhân sự...