Ứng dụng công nghệ 4.0 đo “sức khỏe” doanh nghiệp
Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp (DN) và phần mềm ứng dụng bộ chỉ số này vừa được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN giới thiệu rộng rãi tới các DN. Ở góc độ công nghệ, đây là bước đi quan trọng của Ủy ban trong việc hướng tới ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), qua đó vừa nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban, vừa thúc đẩy các DN hiện đại hóa và phát triển.
Tự động hóa công tác báo cáo
Ngay từ những ngày đầu thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban trong đổi mới tư duy, đổi mới quản trị, cách thức quản lý, cách thức hoạt động của DN nhà nước, làm sao khắc phục cho được các yếu kém, cải thiện và tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của DN nhà nước.
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 phát triển mạnh mẽ, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban cho biết, Ủy ban đã nghiên cứu xây dựng Đề án Xây dựng Bộ chỉ số và phần mềm Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hoạt động DN do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN làm đại diện chủ sở hữu để kết nối trực tiếp với các DN được giao quản lý. Khi kết nối, bộ chỉ số này sẽ giúp Ủy ban cập nhật tình hình hoạt động của DN thường xuyên, liên tục, qua đó sẽ góp phần quan trọng tự động hóa việc truyền nhận số liệu và công tác báo cáo của DN cũng như của Ủy ban, đảm bảo tiết kiệm chi phí, thời gian và tăng tính chính xác của thông tin, số liệu.
Điểm khác biệt lớn nhất của Bộ chỉ số này được ông Trần Công Hòa, Phụ trách Trung tâm Thông tin của “siêu” Ủy ban chia sẻ, thông thường khi đánh giá tình hình tài chính của một DN chỉ dừng lại ở các chỉ số ROA, ROE…, thì Bộ chỉ số này đưa ra 36 chỉ số giám sát, đánh giá hoạt động của DN.
Đơn cử, về chỉ số kinh doanh và tài chính, Dự thảo Đề án đưa ra các chỉ số chính và các chỉ số thành phần. Đo lường chỉ số kinh doanh là 2 chỉ số: vòng quay kinh doanh; hiệu quả kinh doanh. Trong chỉ số vòng quay kinh doanh có 4 chỉ số thành phần (vòng quay tồn kho, vòng quay khoản phải thu; vòng quay khoản phải trả; vòng quay tài sản) nhằm đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của DN, cho biết hiệu quả của DN trong việc quản lý hàng tồn kho cũng như đánh giá thanh khoản hàng tồn kho…
Bên cạnh các chỉ số kinh doanh và tài chính, Dự thảo Đề án cũng đưa ra các chỉ số chung về quản trị áp dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng theo nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD).
Doanh nghiệp đánh giá cao
Theo đơn vị xây dựng Đề án, để đảm bảo tính thực tiễn và đáp ứng yêu cầu minh bạch, nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát tại 19 DN vừa chuyển giao về “siêu” Ủy ban. Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các DN đánh giá cao Dự thảo Đề án và đều sẵn sàng triển khai ứng dụng.
Tại Hội thảo Ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 trong đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính của DN do Ủy ban tổ chức đầu tháng 12/2018 tại TP. Đà Nẵng, bà Tô Thị Thảo, Trưởng ban Kiểm soát thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc đánh giá, nội dung triển khai Bộ chỉ số là rất hữu ích cho DN trong công tác quản trị. Các bảng biểu rất chi tiết, dễ dàng cho người sử dụng. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, về cơ bản, Bộ chỉ số nếu được áp dụng sẽ thuận lợi cho cả DN và Ủy ban. Tuy nhiên, việc áp dụng như thế nào cho ăn khớp, hiệu quả thì cần có thời gian chạy thử và điều chỉnh…
Chung nhận định này, trong Hội thảo Ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 tại phía Nam diễn ra ngày 7/12/2018, các DN đánh giá cao ý tưởng xây dựng Bộ chỉ số. Các ý kiến cho rằng, nếu được áp dụng đồng bộ sẽ rút ngắn được rất nhiều công đoạn, thủ tục hành chính và điều quan trọng nhất là tạo sự minh bạch, góp phần lành mạnh hóa các hoạt động tài chính, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cho rằng, Bộ chỉ số không chỉ giúp Ủy ban quản lý, theo dõi tình hình hoạt động của DN trực thuộc mà còn giúp DN biết mình đang ở đâu để tự điều chỉnh… Một số ý kiến khác cũng nhận xét, các chỉ số đưa ra khá hợp lý để có thể đánh giá được “sức khỏe” của DN hiện tại. Bên cạnh đó, DN thành viên có thể kết hợp sử dụng phần mềm quản lý vốn này để tự đánh giá tình hình tài chính, đưa ra các chính sách, kế hoạch phù hợp, khắc phục hoặc mở rộng đầu tư thêm.
Về lộ trình triển khai, Dự thảo Đề án cho biết sẽ thực hiện theo lộ trình hoàn thiện phần mềm và ứng dụng, nhiều khả năng có thể triển khai ngay trong năm 2019 để đo “sức khỏe” của DN tại Ủy ban.