Tỉnh Bạc Liêu:

Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo sản xuất phát triển

Theo Kim Trung/ Báo Bạc Liêu

Với những ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 gây ra đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Song, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực duy trì phát triển sản xuất, góp phần cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thu nhập cho nhiều lao động.

Duy trì sản xuất tôm xuất khẩu tại Công ty Tân Phong Phú, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: L.D
Duy trì sản xuất tôm xuất khẩu tại Công ty Tân Phong Phú, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: L.D

Doanh nghiệp gặp khó

Một trong những lĩnh vực sản xuất được các doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu cố gắng duy trì là hoạt động chế biến hàng thủy sản xuất khẩu. So với cùng kỳ năm, tăng trưởng của ngành thủy sản tuy có giảm mạnh, nhưng các doanh nghiệp đã đem về kim ngạch xuất khẩu khoảng 494,84 triệu USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 27% giá trị kim ngạch xuất khẩu với trên 133 triệu USD.

Hiện nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, sản xuất chế biến thủy sản xuất nhập khẩu, lưu thông vận chuyển hàng hóa… đều gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Đơn cử như chi phí logistics gia tăng cao, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải (do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp), thiếu hụt lao động, đặc biệt là chi phí phát sinh từ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch... đã làm giảm năng lực cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Cùng với đó, việc thực hiện giãn cách xã hội và doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định trong thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”... cũng gây nhiều khó khăn, làm giảm doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu đối với nông sản Việt Nam. Vì vậy, sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc đòi hỏi phải có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho từng lô hàng; giảm xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch mà chuyển sang xuất khẩu theo hình thức chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế.

Ngoài ra, quy định mới tại cửa khẩu, tuyệt đối không cho lái xe và chủ hàng Việt Nam đưa xe hàng sang Trung Quốc mà phải giao xe hàng để lái xe phía Trung Quốc đưa đến nơi giao hàng. Sau khi hết hàng trên xe, lái xe phía nước bạn sẽ đánh xe trở lại bãi để trao trả…

Tất cả các quy định này đã làm cho doanh nghiệp Việt Nam phải tốn kém thêm chi phí và bị động trong kinh doanh. Thêm vào đó, việc tiêu thụ được hàng sẽ phải phụ thuộc vào nước bạn và quá trình giao hàng bị chậm lại. Nếu như trước đây kiểm tra theo container thì nay kiểm tra từng thùng, từng lô hàng. Thời gian giao hàng tăng lên gấp đôi, chi phí cũng tăng thêm làm cho chất lượng sản phẩm bị hao hụt, giảm đi khá nhiều…

Chủ động ứng phó

Để giải quyết các khó khăn, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông - thủy sản theo hướng bền vững, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ động xây dựng các phương án trong sản xuất - kinh doanh, tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa cục bộ, bảo đảm tiêu thụ, xuất khẩu nông sản - thủy sản thông suốt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Cùng với đó là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các phương án duy trì sản xuất - kinh doanh, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để phục hồi sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát, phù hợp với điều kiện bình thường mới; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Coi trọng phát triển thị trường nội địa và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng, đồng thời chú trọng phát triển các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cạnh tranh, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất và đời sống Nhân dân. Đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

UBND tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, cung cầu hàng hóa ổn định, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng.

Tích cực tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của địa phương sau dịch…