Giải pháp nào cho việc thiếu hụt lao động cục bộ?

Chu Thị Lê Anh (Báo Nhân dân)

Khoảng 2 tháng gần đây, trong bối cảnh bình thường mới, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng mất cân đối nguồn cung lao động cục bộ ở một số địa phương, một số ngành - nghề và lĩnh vực.

Sản xuất tại Công ty OrionVina ở Bình Dương. (Ảnh minh họa: Trịnh Bình).
Sản xuất tại Công ty OrionVina ở Bình Dương. (Ảnh minh họa: Trịnh Bình).

Vào thời điểm đầu tháng 8/2021, đã có những nhận định, đánh giá ban đầu về khả năng thiếu hụt lao động ở Việt Nam trước ảnh hưởng của đại dịch. Từ khi dịch được tạm kiểm soát, Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới, câu chuyện thiếu hụt lao động - hay mất cân bằng cung-cầu lao động cục bộ - đang được Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và người lao động quan tâm nhiều hơn. Trong bối cảnh thị trường lao động chịu nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch, việc triển khai các chính sách, giải pháp đột phá trở nên càng gấp rút.

Thừa, thiếu lao động cục bộ tại một số vùng, ngành nghề 

Sau một thời gian dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế-xã hội nước ta, từ tháng 10/2021 tới nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhờ sự đồng lòng của Đảng, Chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương cũng như sự nỗ lực hết mình của ngành y tế. Trạng thái “bình thường mới” đã lần lượt được thiết lập trên cả nước. Các doanh nghiệp ngay lập tức khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh để hoàn trả các đơn hàng tồn đọng và tận dụng sự tăng cao của nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ, Tết cuối năm để lấy lại đà tăng trưởng. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, khảo sát gần 23 nghìn doanh nghiệp trên toàn quốc cho thấy, có tới 17,8% doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động. 

Tình trạng này tập trung cao nhất ở các tỉnh Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và Thành phố Hồ Chí Minh (31,8%) và xuất hiện ở những nhóm nghề thâm dụng lao động, thế mạnh của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam như: Điện tử (55,6%), da giày (51,7%), may (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), dệt (39,5%).

Trong khi đó, tại một số tỉnh, thành phố khác lại gặp phải tình trạng dư thừa lao động. Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có gần 24 nghìn lao động trở về từ các vùng dịch nhưng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn chỉ là hơn 3.000 lao động.

Cũng tương tự tại Nghệ An, từ đầu năm đến nay có hơn 66 nghìn lao động trở về địa phương. Hiện có hơn 45 nghìn lao động đang tìm việc, nhưng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ bằng 1/3.

Nguyên nhân chính của gián đoạn cung-cầu lao động này là do sự dịch chuyển ồ ạt của các lao động nhập cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trở về quê tránh dịch nhưng chưa quay lại được để làm việc, trong khi lao động tại chỗ lại chưa đáp ứng đủ yêu cầu phòng dịch.

Nguyên nhân khác là một bộ phận người lao động lựa chọn ở lại quê tìm việc, chuyển đổi sang những công việc khác mà họ cho là phù hợp với điều kiện của bản thân hơn, thậm chí là rời khỏi thị trường lao động.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Là một trong những nước đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng diện rộng, Mỹ đã sớm gỡ bỏ được các yêu cầu giãn cách xã hội để doanh nghiệp phục hồi sản xuất và thị trường lao động sớm sôi động trở lại. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động của Mỹ cũng sớm trở nên rõ nét khi giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8/2021, số lượng việc tìm người lớn gấp rất nhiều lần số lượng người tìm việc.

Tính đến nay, việc thiếu hụt lao động đang xảy ra không chỉ ở Mỹ mà còn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, như Anh, Pháp, Australia, Trung Quốc, Thái Lan, Chile, Brazil… Tương tự như Việt Nam, tình trạng mất cân đối cung-cầu lao động ngày càng gia tăng ở các nhóm ngành nghề yêu cầu kỹ năng thấp và công việc bấp bênh như du lịch, khách sạn, chăm sóc người già, logistics…

Nguyên nhân của tình trạng này ở mỗi quốc gia, mỗi khu vực là khác nhau. Tại châu Âu, việc đóng cửa biên giới và các hạn chế đi lại liên quan đến sức khỏe là yếu tố chính làm gián đoạn dòng chảy của lao động thời vụ và lao động nhập cư.

Trong khi đó, sự thiếu hụt ở Anh lại được nhận định là do chính sách của Chính phủ. Việc chấm dứt việc di chuyển tự do của người lao động từ các nước Liên minh châu Âu (EU) và thêm băng đỏ vượt biên, song song cùng các hạn chế đi lại liên quan tới COVID-19 đã khiến thiếu hụt hơn 90 nghìn tài xế xe tải tại nước này.

Một yếu tố khác khiến thị trường lao động các nước bị gián đoạn là sự lựa chọn lối sống. Nhiều người ở các nước phương Tây đang suy nghĩ lại về sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống sau thời gian dài nghỉ dịch.

Đứng trước thực tế này, chính phủ các quốc gia đã triển khai nhiều chính sách duy trì và hỗ trợ phục hồi thị trường lao động. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ ngày 20/3/2020 đến 14/5/2021, đã có tổng số 3.333 biện pháp bảo trợ cho người lao động được hoạch định hoặc thực hiện ở 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 148% kể từ tháng 12/2020. Đặc biệt, các hoạt động hỗ trợ thị trường lao động tích cực tăng gần 330%, tập trung vào các biện pháp trợ cấp tiền lương; điều chỉnh quy định lao động; giảm thời gian làm việc; và đào tạo kỹ năng cho người lao động, giới thiệu việc làm.

Một số chính sách mang tính trung và dài hạn để giải quyết các tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 cũng được nhiều quốc gia đẩy mạnh để hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Một thí dụ điển hình là Singapore với gói hỗ trợ SGUnited Jobs & Skills nhằm hỗ trợ chuyển đổi, nâng cao kỹ năng và dịch vụ kết nối việc làm.

Đây là những chính sách nhằm khuyến khích người lao động quay lại thị trường với tay nghề tốt hơn, dễ dàng tìm được công việc bền vững với mức lương cao hơn và được bảo vệ tốt hơn.

Giải pháp nào phù hợp cho Việt Nam?

Quay lại với thị trường lao động trong nước, bài toán đặt ra là làm thế nào để hỗ trợ phục hồi thị trường lao động, giải quyết sự bất cân đối cung-cầu cục bộ và bảo đảm thị trường vận hành hiệu quả hơn.

Để khắc phục thiếu hụt lao động trước mắt, có thể thực hiện ngay một số chính sách mang tính thời điểm như kết hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp góp phần bù đắp lao động bị thiếu hụt. Mô hình kết hợp này không mới, nhưng trong thời gian vừa qua vẫn còn được thực hiện rất hạn chế và phần nhiều mang tính hình thức.

Về phía doanh nghiệp, cần xây dựng kế hoạch sản xuất và tuyển dụng lao động để bù đắp thiếu hụt; nỗ lực thực hiện các biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”… tạo môi trường an toàn để giữ chân lao động hiện có và duy trì sản xuất bảo đảm an toàn phòng dịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt phương thức làm việc tại nhà/trực tuyến, thay đổi mô hình kinh doanh để tạo được sự kết nối chặt chẽ với người lao động.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội này để đón xu hướng tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ, tìm hướng đi mới phù hợp và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể nghĩ tới xây dựng cơ chế phù hợp giữa điều kiện làm việc - mức lương và phúc lợi cao hơn cho những công việc đòi hỏi kỹ năng và trình độ cao hơn ở người lao động.

Về phía người lao động, bên cạnh việc chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp và đồng lòng với chính quyền trong thực hiện nghiêm các yêu cầu phòng dịch, họ cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tay nghề, tác phong công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và thích ứng với các công việc, ngành nghề có tính chuyên môn hóa cao.

Về phía chính quyền và các cơ quan hữu quan, để lao động quay trở lại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu hụt, cần triển khai cụ thể các chính sách dành cho lao động nhập cư kết hợp chính sách xã hội và an sinh, đặc biệt là về y tế. Một số mô hình điển hình đang đạt hiệu quả tốt nên được triển khai nhân rộng như “combo việc làm 3 trong 1” giúp lao động hồi hương muốn quay lại thành phố sẽ nhận được hỗ trợ “nhà trọ 0 đồng - test nhanh miễn phí - có việc làm ngay” của Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh; đề án hỗ trợ nhà ở giá rẻ, ưu đãi tín dụng…

Điểm mấu chốt trong giai đoạn này là bảo đảm thông tin thị trường lao động được thông suốt để người tìm việc gặp được việc tìm người sớm nhất và thuận tiện nhất. Hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm - một kênh kết nối cung-cầu lao động hiệu quả đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình lúc này. Các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với sự liên thông thông tin giữa các tỉnh đã và đang được tổ chức trong tháng 10 vừa qua đã kết nối được không ít người và việc.

Bên cạnh đó, thông qua các trung tâm này, cần tích cực mở các lớp sơ cấp nghề hỗ trợ người lao động mong muốn nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn-kỹ thuật và chuyển đổi công việc sau dịch. Giải pháp này được nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore… áp dụng ngay từ cuối năm 2020 để sẵn sàng cho giai đoạn mở cửa nền kinh tế khi dịch bệnh qua đi.

Tóm lại, thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương, một số ngành nghề là câu chuyện vẫn chưa có hồi kết. Để sự mất cân đối cung-cầu lao động không ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, ngay lúc này rất cần sự đồng lòng chia sẻ của cả doanh nghiệp và người lao động, và đặc biệt là sự vào cuộc, sự quan tâm quyết liệt và sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền ở tất cả các cấp, ngành và địa phương.