“Mạnh tay” với tín dụng đen

Minh Khôi

Tình trạng tín dụng đen hành hoành đang đe dọa đến cuộc sống người dân, gây mất an ninh trật tự xã hội. Các đối tượng cho vay có nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động: gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ như đe dọa, khủng bố về tinh thần, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người vay… Thực trạng này đòi hỏi các bộ, ngành cần có đồng bộ giải pháp căn cơ để ngăn chặn, không cho tín dụng đen tiếp tục biến tướng, gây hại đến đời sống toàn xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: thoibaonganhang.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: thoibaonganhang.vn

Tín dụng đen “bủa vây” dân nghèo

Mặc dù hiện có đến 78 ngân hàng, công ty tài chính và hàng nghìn quỹ tín dụng nhân dân, song thời gian qua tình hình tín dụng "đen" vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên. Theo báo cáo của Công an tỉnh Đăk Nông, hiện trên địa bàn tỉnh này có tới 186 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng đen. 

Thực tế thời gian qua cho thấy, các đối tượng chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người vay như vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay. Tuy nhiên, người vay trên thực tế phải trả lãi suất rất cao, từ 282% đến 365%/năm. Nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con. Các đối tượng cho vay có nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động: gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ như đe dọa, khủng bố về tinh thần, thuê các đối tượng hình sự để đe dọa gây mất an ninh trật tự xã hội…

Thậm chí tại tỉnh Gia Lai, cũng vừa xảy ra vụ một nhóm đối tượng đòi nợ một người dân, nhưng người vay mất khả năng thanh toán nên nhóm này đã đánh đập, hành hạ con nợ đến tử vong.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông Trần Xuân Hải cho biết, tại địa phương này, nhu cầu tín dụng tiêu dùng của Tỉnh này là rất lớn và ngày càng tăng cao. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tín dụng tiêu dùng của người dân, tuy nhiên do địa hình tỉnh rộng lớn và hiểm trở, dân cư thưa thớt, phân bố không đồng đều gây khó khăn trong việc khách hàng tìm đến ngân hàng và ngân hàng thẩm định cho vay. Người dân do nguồn thu nhập không ổn định, hạn chế về trình độ nhận thức nên phát sinh tâm lý ngại tiếp xúc với ngân hàng do sợ thủ tục phức tạp. Bên cạnh đó, người dân tại một số địa bàn nông thôn, các đối tượng nghèo, chính sách chưa tiếp cận được vốn ngân hàng do tài sản bảo đảm là đất rẫy chưa được cấp quyền sử dụng đất.

Giảm sự lệ thuộc vào dòng vốn từ tín dụng "đen"

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng đã tăng cường cho vay không chỉ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn tập trung cho vay tiêu dùng. Việc triển khai những nhóm sản phẩm để giải quyết nhu cầu vay cấp thiết của khách hàng với quy mô khoản vay nhỏ sẽ góp phần giảm sự lệ thuộc vào dòng vốn từ tín dụng đen.

Tính trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung bình quân là 16,4%, nhưng riêng tốc độ tín dụng cho vay tiêu dùng tăng tới hơn 41%. Như năm 2018, một số địa phương có tốc độ tín dụng tiêu dùng tăng rất nhanh, điển hình là TP. Hồ Chí Minh, Thái Bình, Lâm Đồng... tăng trên 50% so với cuối năm 2017. Ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết ngân hàng này đã dành ra trong cơ cấu tín dụng hàng năm 20.000-30.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng. Trong số này, Agribank dành riêng 5.000 tỷ đồng mỗi năm để hướng tới nhóm khách hàng có những nhu cầu vay cấp bách dưới 30 triệu đồng. 

Tại hội nghị triển khai các giải pháp hạn chế tín dụng đen do NHNN mới tổ chức, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã nêu lên một số giải pháp cơ bản để “chặt vòi” tín dụng đen, trong đó tập trung vào một số nội dung như: Hoàn thiện khung khổ pháp lý về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động, Khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án củng cố và phát triển hệ thống Qũy tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…; Sửa đổi bổ sung quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, hạn chế các hộ dân tìm đến nguồn tín dụng đen; Tích cực tuyên truyền, giải thích cho người dân về tác hại của tín dụng đen…

Đặc biệt, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đề nghị cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong đó có việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đen hoạt động tín dụng đen. Ngành Công an cần tăng cường trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm minh đối tượng tín dụng đen bất hợp pháp các tổ chức đòi nợ thuê tín dụng đen, thông qua lực lượng công an cơ sở tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại tín dụng đen. Cần xử lý tội phạm hoạt động tín dụng đen với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn để hạn chế hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen…