Mô hình siêu thị ảo được các nhà bán lẻ trên thế giới triển khai ra sao?

Theo Linh Lam/ndh.vn

Tại Việt Nam, siêu thị ảo là khái niệm mới với phần đông người tiêu dùng, tuy nhiên mô hình này đã được một số nhà bán lẻ trên thế giới áp dụng từ nhiều năm trước.

Tesco là nhà bán lẻ đầu tiên triển khai mô hình cửa hàng ảo. Nguồn: Archello.
Tesco là nhà bán lẻ đầu tiên triển khai mô hình cửa hàng ảo. Nguồn: Archello.

Ý tưởng về siêu thị ảo (virtual store) được triển khai lần đầu tiên vào năm 2011 bởi chuỗi bán lẻ Tesco của Anh ở Hàn Quốc. Tại quốc gia châu Á này, người dân rất bận rộn, không có nhiều thời gian mua sắm, trong khi phần đông lại sử dụng các phương tiện giao thông công cộng để di chuyển.

Nhận ra điều đó, chuỗi siêu thị Homeplus của Tesco đã mở những cửa hàng ảo bên trong các ga tàu điện ngầm và trạm xe bus của Hàn Quốc. Cửa hàng này không cần nhân viên, mà đơn giản chỉ là những tấm áp phích với hình ảnh các mặt hàng thường bày bán trong siêu thị. Để mua sắm, người dùng điện thoại chỉ cần tải về một phần mềm hỗ trợ và quét mã QR trên ảnh sản phẩm, thanh toán ngay trên điện thoại di động và nhận hàng tận nhà chỉ vài giờ sau đó.

Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, hình thức bán hàng mới giúp doanh số kinh doanh trực tuyến của Homeplus tăng 130%, đưa Tesco lên vị trí số 1 về bán hàng online và nhà bán lẻ đứng thứ 2 trên thị trường Hàn Quốc.

Bên cạnh Tesco, mô hình này cũng được nhiều nhà bán lẻ khác trên thế giới áp dụng. Năm 2012, Mattel Canada và Walmart bắt tay triển khai cửa hàng đồ chơi ảo đầu tiên tại Toronto dành cho những người quá bận rộn để mua quà Giáng sinh.

Nằm trong PATH - trung tâm mua sắm dưới lòng đất của thành phố, cửa hàng cho phép người tiêu dùng quét mã QR bằng thiết bị di động và mua đồ chơi từ trang web Walmart mà không cần đặt chân vào cửa hàng thực tế.

Từ thành công của cửa hàng đầu tiên, những năm sau đó, Mattel Canada và Walmart tiếp tục triển khai mô hình tương tự tại những nơi đông đúc như ga đường sắt Union Station và sân bay quốc tế Toronto Pearson.

Theo đại diện Mattel Canada, sự ra đời của cửa hàng ảo phản ánh hai xu hướng tiêu dùng: thời gian sử dụng các thiết bị di động ngày càng tăng và nhu cầu cá nhân hóa cao hơn. Trong khi đó, Walmart cho rằng, chọn lựa đồ chơi, đặc biệt trong những dịp lễ như Giáng sinh sẽ rất căng thằng và tốn nhiều thời gian. Các cửa hàng ảo trưng bày những món đồ chơi “hot” nhất, giúp cho việc mua sắm thuận tiện, dễ dàng hơn, đặc biệt với những khách hàng đi du lịch.

Mô hình siêu thị ảo được các nhà bán lẻ trên thế giới triển khai ra sao? - Ảnh 1

Một vị khách tại cửa hàng đồ chơi ảo của Walmart. Ảnh: Thestar.

Cũng trong năm 2012, ý tưởng về chuỗi cửa hàng ảo được Peapod – một công ty giao hàng tạp hóa trực tuyến triển khai tại nhiều địa điểm ở Mỹ. Hợp tác với các thương hiệu lớn như Coca-Cola, Barilla, Procter & Gamble, Kimberly Clark, các biển quảng cáo của Peapod nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người tiêu dùng.

Năm 2013, trang mua sắm thời trang trực tuyến Yebhi.com của Ấn Độ cũng khai trương 30 cửa hàng ảo bên trong các quán cà phê tại 2 thành phố Delhi và Bangalore, sử dụng cả thẻ từ tính (NFC tag) và mã QR.

Mô hình siêu thị ảo được các nhà bán lẻ trên thế giới triển khai ra sao? - Ảnh 2

Peapod đưa mô hình siêu thị ảo về Mỹ. Ảnh: Newhope.

Tại Việt Nam, mô hình siêu thị ảo VinMart 4.0 vừa được triển khai tại một số địa điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo chuỗi siêu thị này, VinMart 4.0 mô phỏng hơn 100 nhóm sản phẩm chọn lọc bằng hình ảnh trên những tấm áp phích khổ lớn. Các sản phẩm, thương hiệu được sắp xếp, bài trí màu sắc tương tự như quầy hàng thực tế trong siêu thị.

Tương tự các nhà bán lẻ khác, siêu thị ảo của VinMart được đặt tại các khu vực mật độ dân cư cao, đông người qua lại như khu tập thể, toà nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe bus... Khách mua hàng chỉ cần mở ứng dụng VinID, chọn tính năng Scan&Go, sau đó quét mã QR các sản phẩm muốn mua và thanh toán bằng ứng dụng VinID. Sau 2-4 giờ, hàng hóa sẽ được giao đến tay người mua.

Nếu như Adayroi của Vingroup là một sàn thương mại điện tử - nơi một sản phẩm có thể được bán bởi nhiều nhà cung cấp với mức giá khác nhau, VinMart 4.0 giống như các siêu thị truyền thống khi chỉ có một mức giá cho mỗi mặt hàng.

Ưu điểm của siêu thị ảo là việc xuất hiện thường xuyên tại những nơi đông dân cư, giúp tăng nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời “nhắc nhở” người tiêu dùng về một món đồ nào đó họ đang cần mua – điều các mô hình bán hàng trực tuyến thông thường đôi khi không làm được.

So với cửa hàng vật lý, siêu thị ảo giúp nhà bán lẻ tiết kiệm chi phí mặt bằng và vận hành, từ đó có thể đưa ra mức giá tốt hơn cho khách hàng. Trong khi đó, người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian mua sắm, xếp hàng thanh toán cũng như không phải lo việc xách đồ. Tuy nhiên, việc bán những mặt hàng tươi sống (thịt, cá, rau quả...) có thể là điểm hạn chế của các siêu thị ảo, khi nhiều người tiêu dùng vẫn muốn tận tay chọn lựa.