Chọn thế cờ đón đầu TPP

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Khi Hiệp định đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các doanh nghiệp (DN) ngành bia, rượu, nước giải khát sẽ phải đứng trước một thách thức rất lớn. Để có thể đứng vững, DN nội buộc phải chọn cho mình một thế cờ thích hợp.

  Chọn thế cờ đón đầu TPP
Dây chuyền sản xuất nước giải khát Bidrico. Nguồn: internet

Khốc liệt

“Khi TPP được ký kết, thuế suất thuế nhập khẩu các loại bia, rượu, nước giải khát sẽ hạ xuống mức 0%. Đó thực sự là một cú sốc với hầu hết DN, trong đó có Bidrico. Chắc chắn các DN sẽ có một cuộc so găng khốc liệt trên chính sân nhà của mình” - ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Tân Quang Minh (sở hữu thương hiệu Bidrico), mở đầu câu chuyện.

Nhìn vào bức tranh của thị trường nước giải khát Việt Nam có thể thấy một cuộc đua khá gay cấn, trong đó DN nội cũng đang tạo được thế đối trọng. Trong khi mảng nước ngọt có gas bị chiếm lĩnh bởi 2 “ông lớn” là Pepsi và Coca-Cola, mảng nước ngọt không gas được Tân Hiệp Phát chiếm thị phần lớn với những dòng sản phẩm tiên phong như Number 1, Trà xanh 0 độ hay Trà thảo mộc Dr Thanh.

Những DN nội khác như Bidrico muốn tồn tại ngay từ lúc đầu đã chọn cho mình phân khúc đi vào thị trường nông thôn, làm bàn đạp tiến dần ra thành thị. Tất nhiên, với mức tiêu thụ khoảng 4,22 tỷ lít trong năm 2012, thị trường không chỉ có những cái tên này.

Những ông lớn khác trong ngành nước giải khát ngoại cũng từng bước thâm nhập thông qua chiêu bài thâu tóm như Uni-Presidnet. Và khi TPP được ký kết, hẳn sẽ có một cuộc đổ bộ nhằm chiếm lĩnh miếng bánh thị trường đầy hấp dẫn này.

Trong khi đó thị trường bia không chờ đến TPP, đang diễn ra một cuộc cạnh tranh âm thầm mà khốc liệt. Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), chia sẻ: “Hiện đã có khoảng 37 hãng bia trên thế giới có mặt tại Việt Nam và sự chênh lệch về giá giữa một cốc bia rẻ nhất và đắt nhất ở Việt Nam khoảng 100 lần, tức người tiêu dùng có thể uống một cốc bia với giá 2.000 đồng nhưng cũng có thể uống cốc bia giá gần 200.000 đồng. Đây là sự chênh lệch lớn tạo thêm cơ hội cho các hãng bia nước ngoài nhảy vào với nhiều phân khúc giá khác nhau”.

Cũng như nước giải khát, sức tiêu thụ bia của người Việt Nam luôn khiến thế giới phải kinh ngạc: trong năm 2012 có 2,38 tỷ lít bia đã được tiêu thụ. Và khi thuế nhập khẩu được kéo từ 45% xuống 0%, không biết miếng bánh thị phần còn được xâu xé như thế nào.

Vẫn có niềm tin

Ông Nguyễn Đặng Hiến cho rằng thời điểm trước khi Việt Nam mở cửa, DN nhỏ bé của ông vẫn có thể tìm đường tồn tại. Nay, khi DN đã dần lớn mạnh, hoàn toàn có niềm tin vào mình. “Khi lên võ đài, nếu chịu được cú đấm thứ nhất cũng có thể chịu được cú đấm thứ hai” - ông ví von.

Đương nhiên, bản thân ông Hiến xác định ngoài việc đẩy mạnh đầu tư chất lượng, hạ giá thành… vẫn cần tìm ra một thế cờ riêng để đứng vững trên thị trường, bởi người Việt Nam thường có câu “yếu thì dùng thế”. Và một trong những lợi thế đó chính là hiểu tâm lý người tiêu dùng, đồng thời người tiêu dùng cũng đang  đặt niềm tin nhiều hơn vào hàng Việt Nam.

Một khảo sát mới đây cho thấy hiện đã có 59% người tiêu dùng xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt, 38% khuyên người thân trong gia đình, bạn bè mua hàng Việt và có 36% người tiêu dùng cho biết trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài, nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay bằng mua hàng Việt Nam.

Chính vì vậy, không có lý do gì chúng ta không hy vọng vào việc DN nội có thể làm nên chuyện. Nếu trong cuộc đua của nước giải khát, DN nội vẫn còn phải chịu sức ảnh hưởng của những ông lớn ngoại, thì trong ngành bia, 2 cái tên nội Sabeco, Habeco (Tổng công ty Bia Hà Nội) lại đang nắm giữ thị phần chủ yếu. Trong đó, chỉ tính riêng Sabeco đang nắm giữ khoảng 33% thị phần và chiếm lĩnh mạnh ở thị trường phía Nam. 30 hãng bia nước ngoài còn lại hiện chỉ tranh nhau 20% thị phần.

Tất nhiên cũng không thể chủ quan, vì trên thực tế không ít những cái tên lớn từng vang bóng một thời của Việt Nam đã từng bước bị thâu tóm như Tribeco hay bia Huda. Còn những cái tên khác như nước giải khát Chương Dương thì không thể tạo thêm dấu ấn trên thị trường. Và cũng có không ít lo ngại rằng việc nhiều DN nội chọn phân khúc trung bình có thể là một thách thức khi cánh cửa thị trường mở toang. Nhưng những người chủ DN lại có cách tính khác của mình.

“Mặc dù bia Sài Gòn ở phân khúc trung bình về giá, nhưng sẵn sàng có thể tự hào về sự cao sang của nó. Chúng tôi đang thực hiện 3 mục tiêu: nhất thể hóa, hiện đại hóa về công nghệ kỹ thuật, thiết bị và minh bạch hóa” - ông Tuất nhấn mạnh.