Đứt chuỗi cung ứng giảm hiệu suất nền kinh tế

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Khả năng thay đổi các nguồn nguyên vật liệu, hoặc tối ưu hoá quá trình luân chuyển nguyên vật liệu, hàng hoá, dịch vụ của một chuỗi cung ứng hoàn thiện có thể giúp doanh nghiệp (DN) tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.

Đứt chuỗi cung ứng giảm hiệu suất nền kinh tế
Dệt may không tìm đủ nguyên liệu cho sản xuất. Nguồn: internet

Sự lỏng lẻo, thiếu liên kết hoặc đứt gãy trong chuỗi cung ứng không những làm giảm hiệu suất, sức cạnh tranh, lợi nhuận của DN mà nó còn kéo theo sự phát triển trì trệ và kém hiệu quả của cả một nền kinh tế.

Với những DN sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm ra thị trường, chuỗi cung ứng giải quyết cả đầu ra lẫn đầu vào, giúp DN vận hành một cách hiệu quả, ông Mark Millar, chuyên gia với 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này phát biểu như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh chuỗi cung ứng 2013 vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Đứt chuỗi cung ứng giảm hiệu suất nền kinh tế - Ảnh 1

Bởi theo vị này, khả năng thay đổi các nguồn nguyên vật liệu, hoặc tối ưu hoá quá trình luân chuyển nguyên vật liệu, hàng hoá, dịch vụ của một chuỗi cung ứng hoàn thiện có thể giúp DN tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh.

Soi vào thực tiễn tại Việt Nam, thời gian qua việc các DN trong nước gặp phải hàng loạt vấn đề như: thiếu nguyên liệu sản xuất, tồn kho cao, không tìm được thị trường… cũng một phần là do chuỗi cung ứng trong nước bị rời rạc, đứt gãy, không phát huy được hiệu quả cho mỗi DN nói riêng và từng ngành hàng nói chung.

Đơn cử, ngành dệt may đang đối mặt với việc chậm đơn hàng, giảm kim ngạch xuất khẩu do không tìm được nguyên liệu đủ đáp ứng cho hoạt động sản xuất. Với những DN tìm được nguồn nguyên liệu thì lại chịu sự phụ thuộc quá lớn do phải nhập với mức giá bị đẩy cao hơn từ 10% - 15%  so với các đối thủ của mình.

Ông Trần Tiến Phát, Giám đốc điều hành Công ty Datalogic Scanning Việt Nam phân tích, cùng cung ứng một sản phẩm ra thị trường nhưng nếu so sánh một DN trong nước với một DN của Thái Lan hay Philippines, Singapore… cũng đã thấy có sự chênh lệch rõ ràng.

DN nước bạn khá chủ động từ khâu thu mua, tìm nguồn nguyên liệu đến việc kết nối hoàn chỉnh với các nhà phân phối, bán lẻ hàng hóa ra thị trường, hoặc tìm đối tác nước ngoài. Ngược lại, DN Việt Nam muốn tham gia cung ứng sản phẩm, hàng hóa, nguyên liệu cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia lại rất khó.

Có hai nguyên nhân, một là chuỗi liên kết, cung ứng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nước ngoài đã rất chặt chẽ, hoàn chỉnh nên người “ngoại đạo” khó có thể tham gia được. Còn nguyên nhân thứ hai là vì năng lực của DN trong nước quá kém nên không đủ đáp ứng yêu cầu, ông Phát lý giải. Trên thực tế, nhiều DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) muốn tìm kiếm đối tác kinh doanh tại Việt Nam rất khó.

Chẳng hạn như đối với lĩnh vực công nghiệp chế tạo, DN FDI chỉ có thể tìm thấy vài chục DN đáp ứng đủ yêu cầu. Trong khi ở những quốc gia khác, họ có thể lựa chọn trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn DN khác nhau để hợp tác.

Đó là chưa kể đến những “thất bại” khác trong chuỗi cung ứng của Việt Nam như cơ sở hạ tầng, đường giao thông khó khăn, giá thành vận chuyển cao, hệ thống phân phối chưa đồng bộ, không gắn kết nguồn nguyên liệu đầu vào và sản xuất đến thị trường đầu ra…

TS. Charles Guowen Wang, Giám đốc quản trị chuỗi cung ứng (Viện Phát triển Trung Quốc) cũng khẳng định tại hội nghị, sự lỏng lẻo, thiếu liên kết hoặc đứt gãy trong chuỗi cung ứng không những làm giảm hiệu suất, sức cạnh tranh, lợi nhuận của DN mà nó còn kéo theo sự phát triển trì trệ và kém hiệu quả của cả một nền kinh tế.

Chính vì vậy, DN muốn tồn tại, phát triển trước tiên phải xây dựng được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, quản trị và vận hành chuỗi cung ứng đó một cách thông suốt thì mới mong lớn mạnh và vươn ra quốc tế, ông Wan chia sẻ.