Hoàn thiện pháp luật về góp vốn bằng nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam

NCS. Lê Minh Thái - Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh

Hiện nay, việc góp vốn thành lập doanh nghiệp đã trở nên phổ biến trong xã hội. Trước bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, khái niệm tài sản vốn góp không chỉ tập trung vào tài sản hữu hình mà còn cả vào nhãn hiệu hàng hóa. Điều này đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ và là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định sự phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Bài viết phản ánh thực trạng pháp luật về góp vốn bằng nhãn hiệu hàng hóa và đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề này trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Góp vốn bằng giá trị nhãn hiệu hàng hóa

Khác với những tài sản thông thường, nhãn hiệu hàng hóa là một tài sản đặc biệt - tài sản vô hình, mà giá trị vật chất và tinh thần của nó không dễ dàng xác định được. Vấn đề góp vốn bằng giá trị nhãn hiệu hàng hóa không phải là một hiện tượng kinh tế mới, song các vấn đề pháp lý như: Góp như thế nào, định giá như thế nào, cơ chế đảm bảo giá trị vốn góp và ngay cả việc thống nhất vấn đề trên giữa các cơ quan quản lý cũng đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Theo Vũ Tuấn Anh (2012), góp vốn là vấn đề then chốt trong hoạt động kinh doanh. Xét về mặt pháp lý, góp vốn là hành vi pháp lý mà theo đó người góp vốn chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người kinh doanh để đổi lại những lợi ích từ việc góp vốn. Thực tế, việc góp vốn hay hùn vốn là việc nhiều người cùng góp nguồn lực của mình để tạo nên một nguồn lực chung lớn hơn nhằm thực hiện ý tưởng kinh doanh mang lại mục đích sau cùng là lợi nhuận.

Ngô Huy Cương (2006) cho rằng: “Tài sản là một phạm trù động mà phạm vi của nó có thể thay đổi theo các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội nhất định”. Nhãn hiệu hàng hóa là một nhánh thuộc khái niệm tài sản nên cũng có chung tính chất như vậy, cũng sẽ xuất hiện nhiều dạng hình thức nhãn hiệu hàng hóa mới hình thành trong tương lai.

Ở thời kỳ chiếm hữu nô lệ, xã hội chưa xuất hiện khái niệm sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp hay giá trị thương hiệu. Ngày nay, những khái niệm này xuất hiện nhiều và phổ biến hơn trên thế giới. Trong những thương vụ mà đối tượng chuyển giao là tri thức, danh tiếng, quyền lợi… không những phát triển mà còn đem lại rất nhiều lợi nhuận, đặc biệt là các sáng chế ứng dụng trong khoa học, y tế, kỹ thuật.

Trong khoa học pháp lý hiện đại, những đối tượng đó tuy xuất hiện với dạng hình thức mới nhưng bản chất lại chính là quyền tài sản hay nói cách khác, chúng là tài sản vô hình. Về cơ bản, tài sản vô hình là tài sản không có đặc tính vật lý, có thể chuyển giao, khai thác giá trị sử dụng và trị giá được bằng tiền. Tài sản vô hình bao gồm: Quyền đối vật (vật quyền); quyền đối nhân (trái quyền) và quyền sở hữu trí tuệ. Theo Ngô Huy Cương (2015), ngày nay, pháp luật dân sự một số quốc gia còn xem lợi ích, thông tin là tài sản.

Nhãn hiệu được sử dụng rộng tãi từ lâu trên thế giới và tại Việt Nam. Đây là khái niệm được chuẩn hóa trong luật Việt Nam và quốc tế. Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thì nhãn hiệu là “các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”.

Cùng với sự phát triển của kinh tế hàng hóa, nhãn hiệu dần trở thành một đối tượng có giá trị và cụ thể hơn là một tài sản vô hình quan trọng của nhà sản xuất, giúp làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa mang nhãn hiệu. Nhu cầu xác lập và bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu cũng trở nên cần thiết.

Các quy định đầu tiên về đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu ra đời tại Hoa Kỳ khoảng nửa cuối thế kỷ 18. Luật Nhãn hiệu đầu tiên của Pháp có hiệu lực năm 1857 và sau đó là của Anh năm 1862. Cho đến nay với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới, hầu hết các nước trên thế giới đều có luật hoặc các quy định pháp lý bảo hộ nhãn hiệu.

Các hiệp ước quốc tế quy định các nguyên tắc chung về đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu trên phạm vi toàn cầu cũng được ký kết, điển hình là Công ước Paris về bảo hộ Sở hữu công nghiệp, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO…

Các liên minh đa quốc gia tạo thuận lợi cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong từng khu vực cụ thể hoặc toàn cầu cũng được thiết lập, điển hình là hệ thống Nhãn hiệu Cộng đồng châu Âu, các tổ chức đăng ký chung nhãn hiệu khu vực châu Phi như Tổ chức Sở hữu trí tuệ khu vực châu Phi và Tổ chức Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Phi.

Văn phòng nhãn hiệu Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan, Luxemburg)… và điển hình là Hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu Madrid do WIPO quản trị, bao gồm đến nay là 90 quốc gia thành viên trải rộng trên cả 5 châu lục.

Nhãn hiệu có thể được tạo thành từ các dấu hiệu truyền thống là các chữ, chữ số, dấu hiệu hình, màu sắc hoặc kết hợp của chúng. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các phương tiện truyền thông hiện nay, luật pháp nhiều nước cũng đã chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu là các đối tượng mới, bao gồm các dấu hiệu âm thanh, clip hình ảnh động, hình biến đổi theo góc nhìn, thậm chí cả mùi, vị và cảm giác.

Hiện nay, các nhãn hiệu của Việt Nam và nhiều nước đang phát triển khác chỉ mới chấp nhận bảo hộ các nhãn hiệu ở dạng truyền thống. Với việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO, số lượng nhãn hiệu xin đăng ký tại Việt Nam của người Việt Nam và nước ngoài ngày càng tăng. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 35.000 nhãn hiệu xin đăng ký tại Việt Nam, trong đó 2/3 là nhãn hiệu của các DN trong nước, đưa Việt Nam vào tốp đầu trong các nước Đông Nam Á về số nhãn hiệu xin đăng ký trong một năm.

Do chức năng của nhãn hiệu là phân biệt hàng hoá dịch vụ của các nhà sản xuất, cung ứng khác nhau nên một DN có thể sử dụng và đăng ký bảo hộ cho một hoặc nhiều nhãn hiệu khác nhau phù hợp với nhu cầu kinh doanh từng chủng loại hàng hóa và từng khu vực cụ thể, miễn là chúng đáp ứng các tiêu chuẩn theo luật định.

Có nhiều công ty xuyên quốc gia sở hữu đến vài trăm nhãn hiệu độc quyền. Điều này lý giải tại sao có đến hơn 5 triệu nhãn hiệu được nộp đơn xin đăng ký tại các quốc gia trên toàn thế giới. Từ các khái niệm trên có thể thấy, bản chất của góp vốn bằng nhãn hiệu hàng hóa là việc người góp vốn chuyển giao những quyền tài sản (nhãn hiệu hàng hóa) của mình cho người kinh doanh (thương nhân) để đổi lại những lợi ích từ việc góp vốn.

Thông qua hành vi góp vốn, mối quan hệ pháp lý được tạo lập, người góp vốn có nghĩa vụ phải chuyển giao những quyền tài sản của mình sang cho thương nhân. Việc dịch chuyển quyền sở hữu này có thể được thực hiện thông qua giao kết hợp đồng thành lập công ty của các cổ đông, thành viên góp vốn.

Theo Ngô Huy Cương (2004), bằng hành vi góp vốn các thành viên, các cổ đông sáng lập đã tạo ra sản nghiệp ban đầu cho công ty để đổi lại quyền lợi của mình trong công ty. Đặc điểm của góp vốn bằng nhãn hiệu hàng hóa cũng dựa trên đặc tính phi vật lý của tài sản. Đó là việc chuyển giao sẽ không thể xảy ra nếu không tạo lập một hình thức vật chất nhằm chứa đựng giá trị tài sản đem góp vốn.

Thực trạng pháp luật về bằng nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam

Pháp luật Việt Nam quy định về góp vốn kinh doanh bằng nhãn hiệu hàng hóa hiện nay đã có nhiều bước phát triển so với trước đây. Sự ra đời của Hiến pháp 2013, Luật DN 2014 và Bộ Luật dân sự 2015, được coi là nền tảng trực tiếp chứa đựng những quy phạm pháp lý cơ bản nhất của vấn đề này.

Tuy nhiên, do sự không rõ ràng trong lĩnh vực này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động góp vốn kinh doanh trong xã hội của cộng đồng DN. Hiện tại chưa có sự đồng thuận giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quy định về vốn góp bằng giá trị nhãn hiệu hàng hóa.

Một trong những nguyên nhân của hiện tượng trên là do các cơ quan hữu quan chưa tìm ra tiếng nói chung, chưa chỉ rõ bản chất của việc góp vốn kinh doanh bằng tài sản là giá trị nhãn hiệu hàng hóa, và cũng chưa có một nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về nội dung trên. Để có thể tìm hiểu sâu hơn, chúng ta cần nghiên cứu những quy định cụ thể của các chế định này.

Thứ nhất, sự thiếu sót về khái niệm tài sản là nhãn hiệu hàng hóa và những lỗi lập pháp về chế định tài sản.

Khái niệm tài sản là nhãn hiệu hàng hóa không được xuất hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nền tảng của hệ thống luật như Bộ luật Dân sự 2005 và dường như các nhà lập pháp vẫn trung thành với sự đơn giản hóa từ ngữ nghĩa về tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015: “Tài sản là vật, tiền giấy có giá và quyền tài sản”.

Cách định nghĩa này không nêu lên ý nghĩa của từ và cụm từ cần định nghĩa mà nó giống với cách liệt kê các sự vật mà khái niệm đó ám chỉ. Tuy nhiên, với kiểu liệt kê như trên, các nhà làm luật Việt Nam lại “giẫm chân lên nhau” bởi trong khoa học pháp lý, giấy tờ có giá bản chất là một trái quyền. Còn tiền, trong kinh tế được hiểu là vật ngang giá dùng để trao đổi thì trong luật học lại có bản chất pháp lý là vật.

Để phân loại tài sản, Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 đã chia tài sản ra các loại như sau: “Tài sản bao gồm bất động sản và động sản”. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Cách phân loại này kế thừa kỹ thuật phân loại của Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804.

Tuy nhiên, ở nhánh thứ 2, các nhà làm luật không sử dụng các yếu tố “đặc tính vật lý” để chia thành tài vô hình, trong đó có nhãn hiệu hàng hóa và tài sản hữu hình (như Bộ luật Dân sự Quebec - Canada) mà họ lại sử dụng yếu tố “thời điểm tồn tại” để chia thành “tài sản hiện có” và “tài sản hình thành trong tương lai”. Cách phân loại này về logic còn thiếu một nhánh, đó là “tài sản biến mất trong tương lai”.

Thứ hai, các quy định của pháp luật về định giá nhãn hiệu hàng hóa góp vốn.

Trên thực tế, hoạt động định giá tài sản góp vốn, đặc biệt là nhãn hiệu hàng hóa để tìm được sự nhất trí cho việc xác định giá tài sản không hề đơn giản. Do đó, nhằm đảm bảo việc hạn chế các ảnh hưởng có thể xảy ra với người thứ ba trong các hành vi giữa các bên, thì việc định giá tài sản cần phải có sự phối hợp với những người có thẩm quyền để đi đến mức giá cụ thể.

Pháp luật quy định rằng, việc định giá tài sản phải phản ánh xác thực về hiện trạng tài sản mà nhà đầu tư thấy rõ là hợp lý, đảm bảo không gây ra tranh chấp. Nguyên tắc định giá tài sản vốn góp mà Luật DN đề ra suy cho cùng cũng là trên cơ sở đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, cho DN tiếp nhận vốn và các bên thứ ba.

Tất cả thành viên là người định giá tài sản vốn góp. Một tổ chức định giá chuyên nghiệp có thể có thẩm quyền định giá theo yêu cầu của các thành viên, song làm thế nào để đạt được đúng theo nguyên tắc nhằm không gây ra tranh chấp thì chưa có quy định cụ thể.

Theo quy định của pháp luật, việc định giá tài sản góp vốn ở hai thời điểm thành lập DN và khi DN đang hoạt động chỉ khác nhau ở thẩm quyền định giá còn trách nhiệm và chu trình định giá là hoàn toàn giống nhau. Những người có thẩm quyền có thể sẽ trực tiếp tiến hành hoặc thuê những công ty kiểm toán hay các tổ chức kinh tế có chức năng định giá tài sản.

Nếu những người có thẩm quyền trực tiếp định giá tài sản góp vốn thì họ phải thành lập Hội đồng định giá. Tùy thuộc vào thời điểm tài sản được đem góp vào công ty, thành phần Hội đồng định giá sẽ khác nhau. Trong quá trình hoạt động, Hội đồng định giá được áp dụng cho ba loại hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm, công ty hợp danh lần lượt là Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên và tất cả các thành viên hợp danh.

Quyết định giá trị tài sản góp vốn sẽ được hội đồng quản trị công ty cổ phần, Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, tất cả các thành viên hợp danh công ty hợp danh bàn bạc trong cuộc họp. Việc định giá tài sản để tiếp nhận thành viên đồng nghĩa với sửa đổi Điều lệ chỉ được thông qua khi đáp ứng được tỷ lệ luật định. Luật cũng quy định công ty có thể thuê tổ chức định giá chuyên nghiệp để định giá tài sản góp vốn. Quy định của Luật DN về thẩm quyền định giá đã tạo điều kiện thuận lợi cho công ty định giá tài sản góp vốn.

Đối với trường hợp công ty tự tiến hành định giá tài sản góp vốn, tất cả thành viên liên đới chịu trách nhiệm về giá trị tài sản. Họ phải cùng thỏa thuận để định đoạt giá trị của tài sản góp vốn. Khi xảy ra việc tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của nó tại thời điểm góp vốn, theo quy định của Luật DN, cả người góp vốn và người định giá phải góp đủ số vốn như đã được định giá.

Đây là một quy định cần được xem xét trên cả hai phương diện: (i) Các bên đã không ý thức được giá trị thực của tài sản; (ii) Các bên đã cố tình định giá cao hơn giá trị thực tế. Dù ở trường hợp nào, khi gây ra thiệt hại cho người khác thì vẫn phải đặt ra trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, Luật DN chưa xác định rõ tỷ lệ trách nhiệm bồi thường giữa bên góp vốn và người định giá trong vấn đề này, vì điều đó mà tranh chấp có thể xảy ra.

Thứ ba, hạch toán “vốn” nhãn hiệu vào đâu?

Nói về nhãn hiệu hàng hóa, rõ ràng cùng một nhãn hiệu nhưng tại các DN khác nhau lại được ghi nhận giá trị vốn góp khác nhau. Có vẻ như việc áp giá giá trị này mang tính chủ quan, mà theo ý kiến của các kiểm toán viên, đây là việc ghi nhận giá trị vô hình do nội bộ tạo ra là tài sản.

Vậy ai là người có thể định giá chính xác nhãn hiệu hàng hóa trong trường hợp này và tác dụng của việc “gắn mác” nhãn hiệu trên tên DN giúp DN có những lợi ích cụ thể gì, định lượng bao nhiêu so với việc thiếu cái tên đó? Đáng lưu ý, tới đây, có tính phần vốn góp bằng nhãn hiệu của DN hay không? Giá trị là bao nhiêu?

Tuy nhiên, trong phần lưu ý về việc góp vốn của cổ đông bằng giá trị nhãn hiệu, năm 2007, kiểm toán viên “lưu ý người đọc” nhưng năm 2008 thì không. Điều này khiến những người quan tâm đặt câu hỏi, liệu cách ghi nhận khác nhau của các DN và “bên lề” quy định pháp lý như vậy có ảnh hưởng đến góc nhìn của nhà đầu tư về DN hay không?

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chấp nhận góp vốn bằng nhãn hiệu hàng hóa hiện không bị cấm và thực tế nếu các cổ đông chấp nhận nó thì nên được cơ quan quản lý cho phép. Tuy nhiên, nếu chấp nhận việc góp vốn bằng nhãn hiệu và ghi nhận giá trị nhãn hiệu góp vốn là tài sản cố định vô hình thì không hợp lý.

Hãy đặt câu hỏi giá trị nhãn hiệu này có được định giá hợp lý không?Ai xác minh được giá trị này? Nó mang lại lợi ích cụ thể gì cho DN? Nếu chấp nhận coi nhãn hiệu là giá trị tài sản góp vốn thì DN có thể nghĩ ra nhiều cách để lách thuế, như đẩy phần vốn góp bằng giá trị nhãn hiệu lên cao.

Thực tế, góp vốn bằng nhãn hiệu đã được thực hiện khá nhiều tại các DN được cổ phần hóa. Trong nhiều trường hợp, giá trị nhãn hiệu của công ty mẹ “áp” cho công ty con khá lớn, không chỉ dừng lại ở vài trăm triệu đồng hay một vài tỷ đồng. Nhưng với những trường hợp này, đa phần là được “đặc cách”! Vấn đề là, cùng ghi nhận phần giá trị nhãn hiệu vào vốn góp của chủ sở hữu, song mỗi DN lại ghi nhận một kiểu, mỗi công ty kiểm toán lại nhận định một cách.

Một số kiến nghị

Tại Việt Nam, việc góp vốn bằng giá trị nhãn hiệu hàng hóa đang gặp những vướng mắc không nhỏ, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sự thống nhất, khi thực thi pháp luật trong việc góp vốn bằng giá trị nhãn hiệu hàng hóa. Trong khi, nhiều văn bản luật thừa nhận việc góp vốn bằng giá trị nhãn hiệu hàng hóa, một số văn bản hướng dẫn thực hiện lại không thừa nhận nội dung trên.

Về khía cạnh pháp lý, việc không ghi nhận giá trị vốn góp bằng nhãn hiệu hàng hóa như là sự đi ngược lại quy định của văn bản luật. Do đó, cần thiết phải có quy định rõ ràng, cụ thể trong vấn đề trên và đặc biệt là phải có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Do vậy, về mặt pháp lý, trong thời gian tới, cần bổ sung một số nội dung sau:

Một là, cần đưa ra quy định nhằm làm rõ khái niệm nhãn hiệu hàng hóa. Việc định nghĩa tài sản như Điều 105 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tạo ra sự cứng nhắc trong khái niệm về tài sản. Không chỉ vậy, quy định Điều 115 của Bộ luật Dân sự 2015 về quyền tài sản lại càng làm cho bản chất pháp lý của những nhãn hiệu hàng hóa dễ bị nhầm lẫn.

Trên thực tế, quyền tài sản có thể được coi là vật quyền, trái quyền và quyền sở hữu trí tuệ, vì vậy việc giải nghĩa như Bộ luật Dân sự hiện hành hoàn toàn là không dựa trên nền tảng một học thuyết pháp lý nào. Bên cạnh đó, tài sản là một khái niệm động và nó không đơn thuần có ý nghĩa pháp lý, mà còn có cả ý nghĩa lớn về kinh tế.

Nó luôn thay đổi bởi giá trị kinh tế của mình, vì vậy, việc ấn định cho quyền tài sản (mà ở đây là nhãn hiệu hàng hóa) một định nghĩa cứng nhắc là một thiếu sót và không đầy đủ. Do đó, cần xây dựng lại quy định về nhãn hiệu hàng hóa cho phù hợp với khoa học pháp lý và thực tiễn trong cuộc sống.

Hai là, cần bổ sung quy định về phần định giá vốn góp là các quyền tài sản. Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa quy định về vấn đề khi DN phá sản, nếu tài sản định giá sai thì quyền lợi của các chủ nợ sẽ giải quyết như thế nào và ai sẽ là người đứng ra chịu về phần định giá sai này?

Vì vậy, Luật DN cần phải dự liệu thêm trường hợp này để cho các cổ đông, thành viên, tổ chức định giá và cả chủ nợ biết được quyền và lợi ích của mình sẽ được thực hiện như thế nào. Ngoài ra, về phần định giá tài sản đối với những nhãn hiệu hàng hóa cũng cần được pháp luật quy định cụ thể những đối tượng nào có thể định giá được đối với loại tài sản này. Vì loại tài sản này đòi hỏi trình độ chuyên môn cao để có thể định giá một cách chính xác, tránh tình trạng làm ảnh hưởng tới quyền lợi của các bên.

Ba là, cần bổ sung quy định về chuyển nhượng sản nghiệp thương mại. Việc định giá sản nghiệp thương mại khá phức tạp, nên cần sử dụng cả cách thức định nghĩa mô tả các đặc trưng chủ yếu và cả cách thức liệt kê. Điều 5 Luật Thương mại năm 1997 định nghĩa: “Sản nghiệp thương mại là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp của thương nhân, phục vụ cho hoạt động thương mại như trụ sở, cửa hàng, kho tàng, trang thiết bị, hàng hóa, tên thương mại, biển hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, mạng lưới tiêu thụ hàng hóa và cung ứng dịch vụ”, vấn đề này đã bị lược bỏ trong Luật Thương mại năm 2005).

Mặc dù, định nghĩa về sản nghiệp thương mại đã từng được quy định, nhưng các quy tắc về chuyển nhượng, cho thuê hay cầm cố, thế chấp và góp vốn bằng sản nghiệp thương mại chưa được pháp luật thiết lập. Bên cạnh đó, định nghĩa trên chưa làm rõ được các yếu tố quan trọng nhất của sản nghiệp thương mại.

Các yếu tố đó không phải là các yếu tố hữu hình, mà là các yếu tố vô hình trong sản nghiệp thương mại. Chỉ khi xác định được rõ sản nghiệp thương mại, người ta mới có thể thiết lập các quy tắc cụ thể về thuê hay chuyển nhượng sản nghiệp thương mại. Là một tài sản hết sức nhiều đặc thù, cho nên, việc cho thuê hay bán sản nghiệp thương mại cần có một hệ thống các quy tắc riêng, khác với hệ thống quy tắc áp dụng đối với thuê mướn hay các tài sản khác.

Việc không quy định hay quy định không đầy đủ về vấn đề này, gây ảnh hưởng rất lớn tới chuyển nhượng sản nghiệp thương mại nói chung và hình thức góp vốn bằng sản nghiệp thương mại nói riêng.

Bốn là, cần nghiên cứu để quy định về thu thuế đối với việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh. Việc không thu thuế đối với hoạt động này đã tạo cơ chế để một số cá nhân, tổ chức muốn trốn thuế chuyển quyền sở hữu trí tuệ bằng cách bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng cùng đứng ra thành lập DN, trong đó, bên chuyển nhượng là người nhận góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bên chuyển nhượng sẽ làm thủ tục chuyển nhượng phần vốn góp đó cho bên nhận chuyển nhượng với tư cách thành viên DN và sau đó chấm dứt hoạt động của DN. Do đó, nếu thu thuế (với mức thuế áp dụng đối với người chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ) thì vừa tránh được việc trốn thuế của một số cá nhân, tổ chức; vừa tạo ra được một nguồn thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

Luật DN ghi rõ là được phép góp vốn bằng tài sản mang tính chất là sở hữu trí tuệ, nghĩa là pháp luật thừa nhận điều này nên chúng ta cần có hành lang pháp lý, hay những tổ chức định giá công minh để DN có thể hạch toán được tài sản và được công nhận. Tuy nhiên, vướng mắc trong chuẩn mực kế toán hiện nay vẫn là nút thắt mà rất nhiều DN mong mỏi được giải quyết.

Theo đó, cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật thừa nhận nhãn hiệu là một tài sản vô hình của DN và hướng dẫn cách xác định giá trị nhãn hiệu vào bảng cân đối kế toán của DN. Đó là cơ sở pháp lý để góp vốn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, nhượng quyền thương mại… bằng giá trị nhãn hiệu hàng hóa.      

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015), Bộ Luật Dân sự 2015;

2. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp 2014;

3. Quốc hội (2013), Luật Sở hữu trí tuệ 2013;

4. Vũ Tuấn Anh (2012), Định đoạt phần vốn góp của thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn theo pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội;

5. Ngô Huy Cương (2006), Góp phần bàn về cải cách pháp luật ở Việt Nam hiện nay, NXB Tư pháp, Hà Nội;

6.Ngô Huy Cương (2015), Kỷ yếu tọa đàm Chế định tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.