Hàng Việt ở đâu trong kênh phân phối hiện đại?
Số liệu thống kê cho thấy hàng Việt đang chiếm 70 - 80% trong kênh bán lẻ hiện đại ở nước ta. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất không đồng tình với tỷ lệ này và cho rằng, con số đó cao hơn thực tế. Khúc mắc này đã được làm rõ trong tọa đàm trực tuyến chủ đề “Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại” diễn ra sáng 26/4 tại Hà Nội.
Hàng Việt chiếm 70 - 80% trong kênh bán lẻ hiện đại?
Giải đáp sự nghi ngờ này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) chia sẻ: Cần phải hiểu đúng khái niệm hàng Việt Nam. Theo đó, hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong khi đó, hàng hóa thương hiệu Việt là hàng hóa do các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Từ khái niệm đó, con số 70 - 80% là hoàn toàn có cơ sở.
Đánh giá cao vai trò của hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long hoàn toàn đồng ý rằng, hàng Việt Nam chiếm trên 70% các mặt hàng trong hệ thống bán lẻ.
Riêng Big C hiện có khoảng 45.000 nghìn mã hàng hóa, trong đó tỷ trọng hàng hóa có nguồn gốc Việt Nam chiếm trên 90%. Ông cũng khẳng định siêu thị Big C luôn đồng hành với doanh nghiệp Việt.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Hiện nay, cuộc cạnh tranh của hàng có xuất xứ Việt với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài gia công tại Việt Nam vào kênh phân phối hiện đại ngày càng gay gắt hơn. Nguyên nhân là do từ nay đến năm 2018, hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm dần và cuối cùng có thuế suất bằng 0%. Bên cạnh đó, với hàng loạt các hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực, hàng Việt phải chịu sức ép lớn hơn về chất lượng và giá thành.
Trong kênh phân phối hiện đại, doanh nghiệp ngoại chiếm thị phần lớn, nên họ có quyền lựa chọn hàng hóa vào hệ thống siêu thị của mình. Ngoài ra, hiện nay hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất, gia công tại Việt Nam đang có nhiều lợi thế, khiến hàng thuần Việt gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo ý kiến của các khách mời, hàng có xuất xứ Việt muốn vào được các kênh phân phối hiện đại gặp nhiều trở ngại như: hàng có xuất xứ ngoại và hàng của nước ngoài gia công, đóng gói tại Việt Nam đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, dẫn đến cùng một sản phẩm nhưng hàng có xuất xứ Việt vốn có mức chiết khấu không cao sẽ khó cạnh tranh về giá…
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam chia sẻ, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự hiện diện hùng mạnh của các nhà bán lẻ nước ngoài. Thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp nội phải rất nỗ lực để đứng vững trên thị trường và đạt mục tiêu thị phần bán lẻ hiện đại chiếm 40% vào năm 2020.
Bên cạnh đó, dù hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trong hệ thống phân phối bán lẻ, nhưng nếu xét về bản chất có thể thấy tỷ lệ này đang thiếu tính bền vững, nguy cơ bị người tiêu dùng quay lưng, bị các đối thủ hàng nhập khẩu soán ngôi đang hiện hữu. Ngoài ra, cuộc cạnh tranh khốc liệt đó còn xảy ra ngay trong chính các doanh nghiệp trong nước, giữa hàng thuần Việt và hàng “Made in Việt Nam”, chưa kể vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Liên kết là giá trị cốt lõi
Theo các chuyên gia tham dự tọa đàm, giải pháp trọng tâm giúp hàng Việt đủ sức mạnh cạnh tranh trong sân chơi cam go, thử thách này là hình thành chuỗi liên kết.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh, TP Hồ Chí Minh cho rằng, liên kết là giá trị cốt lõi để giúp cho hàng Việt đứng vững trên thị trường vì nó giúp giảm tối đa giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, hệ thống bán lẻ hiện nay chưa coi trọng vai trò liên kết để hình thành các kênh lưu thông phân phối ổn định nên vẫn mang tính kinh doanh cơ hội, lợi trước mắt.
Thậm chí, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng. Suy đến cùng, người tiêu dùng vẫn là người quyết định cuối cùng cho việc lựa chọn sản phẩm nội hay ngoại nên xây dựng niềm tin ở người tiêu dùng là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp
Cùng với đó, các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Công thương, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại tại các các địa phương, nhất là các loại hình bán lẻ hiện đại, tăng cường liên kết để đạt được mục tiêu theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
Về phía doanh nghiệp, cần làm tốt vấn đề thương hiệu để người tiêu dùng bắt nhịp với hàng hóa Việt, đồng thời đẩy mạnh các hình thức bán lẻ hiện đại khác mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng thành công như: Cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa, kho hàng, trung tâm mua sắm, bán hàng theo catalogue, bán hàng trực tuyến…