Nhiều hình thức sản xuất hàng giả tinh vi mang yếu tố nước ngoài
Thông tin trên được cơ quan chức năng và doanh nghiệp cho biết tại hội nghị Phòng chống kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 14/12
Theo số liệu thống kê về kiểm tra hàng giả của Chi cục Quản lí thị trường TP. Hồ Chí Minh, trong 11 tháng năm 2016, đơn vị đã kiểm tra 587 vụ sản xuất, buôn bán chứa trữ hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu đối với kiểu dáng nhãn hiệu hàng hóa.
Trong đó, có 116 vụ làm giả các nhãn hiệu giày dép, tịch thu 7.437 đôi; 174 vụ làm giả mặt hàng túi xách, ví, bóp, nịt tịch thu 5.768 đơn vị sản phẩm; 93 vụ đồng hồ giả, tịch thu 5.314 cái. Các nhãn hiệu bị làm giả phổ biến là các thương hiệu nổi tiếng.
Theo nhận định của Chi cục Quản lí thị trường TP. Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tăng về quy mô, tinh vi về công nghệ và thủ đoạn. Bất cứ một sản phẩm nào bán chạy trên thị trường đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thời gian qua đã xuất hiện thêm ngày càng nhiều hình thức sản xuất hàng giả tinh vi mang yếu tố nước ngoài. Hàng giả có nguồn gốc từ nước ngoài được nhập vào Việt Nam để gia công, đóng gói, pha trộn, lắp ráp rồi đưa ra tiêu thụ. Hoặc hàng giả được sản xuất tại nước ngoài dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó tiếp tục lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở một nơi khác. Khi có đơn đặt hàng, hàng hóa mới được gắn nhãn mác giả hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao cho khách hàng.
Với hàng giả sản xuất trong nước thường bị làm giả nhãn hiệu, kiểu dáng tương tự hoặc sản xuất hàng giả nhưng dùng nhãn mác thật có cả chỉ dẫn địa lý. Điều đáng lo ngại là có nhiều mặt hàng giả làm hàng hàng tiêu dùng, thực phẩm, thuốc chữa bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Theo đại diện Công ty Bitex, nhà phân phối độc quyền nhãn hàng máy tính Casio của Nhật tại Việt Nam. Trong hơn chục năm qua mặc dù doanh nghiệp đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác chống hàng giả, tuy nhiên, tình trạng giả mạo máy tính casino trên thị trường vẫn rất phổ biến do thủ đoạn sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi hơn.
Theo số liệu thống kê của Bitex, từ năm 2005 đến nay, các cơ quan chức năng trên cả nước đã phát hiện và xử lí trên 1.900 vụ, tịch thu 110.805 máy tính giả nhãn hiệu Casio, phạt hành chính 2,5 tỉ đồng, trong đó cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh xử lý 206 vụ, tịch thu 37.700 xử phạt hành chính gần 703 triệu đồng, truy tố hình sự 3 vụ.
Theo nhận định của các chuyên gia tại hội nghị, sở dĩ hàng giả, hàng nhái ngày càng phát triển là do siêu lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng nhái lôi kéo ngày càng nhiều đối tượng tham gia.
Bên cạnh đó, tâm lý “sính ngoại” và sự mất cảnh giác của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, sự bất cập trong quản lí về chế tài xử lí và sự chưa quan tâm đúng mức của các lực lượng chức năng và cả doanh nghiệp trong việc chống hàng giả... cũng tạo điều kiện cho hàng giả ngày càng phát triển.
Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản, quy định pháp luật, đưa ra chế tài đủ mạnh đủ sức răn đe các đối tượng làm hàng giả còn cần sự tham gia và phối hợp tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng... để từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái.