Thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 52 tỷ USD năm 2025

Theo Bảo Nhi/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020-2025 là 29%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo báo cáo này, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt 52 tỷ USD.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cũng vừa công bố báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2020. Theo đó, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%. Do đó, quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. 

Thanh toán trực tuyến và ví điện tử đều tăng trưởng mạnh
Thanh toán trực tuyến và ví điện tử đều tăng trưởng mạnh.

Đại dịch Covid-19 tác động toàn diện tới kinh tế - xã hội trong đó thương mại điện tử vẫn đứng vững, thậm chí có sự bứt phá trong một số lĩnh vực. Tháng 5/2020, Vecom khảo sát tác động của đại dịch và công bố báo cáo “Thương mại điện tử tăng tốc sau Covid-19”.

Báo cáo nhận định dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Trong giai đoạn cách ly cao điểm từ tháng 2-4/2020, trực tuyến trở thành kênh duy nhất để tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ. 

Các doanh nghiệp thích nghi và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến. Mặt khác, người dùng mua sắm trực tuyến tăng nhanh. Kết hợp cả hai yếu tố này dẫn tới nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt, bao gồm bán lẻ hàng hoá trực tuyến, gọi xe và đồ ăn, giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đào tạo trực tuyến. 

Năm 2020 dịch vụ tiếp thị số tăng trưởng chững lại nhưng vẫn ở mức cao. Doanh số của lĩnh vực này năm 2010 khoảng 26 triệu USD, năm 2015 tăng lên khoảng 329 triệu USD. Theo Báo cáo Xu hướng Tiếp thị số Việt Nam 2021, doanh số tiếp thị số năm 2019 là 716 triệu USD và dù gặp đại dịch Covid-19, con số này năm 2020 vẫn đạt 820 triệu USD và dự đoán năm 2021 sẽ tiến gần tới con số 1 tỷ USD.

Lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020 các ngân hàng phát hành mới tới 10,3 triệu thẻ các loại, nâng tổng số thẻ ở Việt Nam lên 103,4 triệu. Trong đó, số thẻ quốc tế là 15 triệu và thẻ nội địa là 88,4 triệu. Doanh số thanh toán chi tiêu theo kênh thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng 17%.

Trong đó, doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa theo kênh thương mại điện tử tăng tới 81%. Ngược lại, chi tiêu thẻ quốc tế tại kênh thương mại điện tử giảm 16%. Điều này phản ảnh sự suy giảm mạnh mẽ của du khách quốc tế cũng như khó khăn khi mua hàng trực tuyến từ nước ngoài về Việt Nam.

Trong năm 2020, sản lượng giao dịch thanh toán trực tuyến thẻ nội địa qua hệ thống của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tăng trưởng khá tốt so với năm 2019 với sản lượng giao dịch tăng khoảng 185% và giá trị giao dịch tăng khoảng 200%.

Sản lượng bưu gửi chuyển phát tăng trưởng 47% năm 2020
Sản lượng bưu gửi chuyển phát tăng trưởng 47% năm 2020

Hoạt động kinh doanh của các ví điện tử cũng tăng trưởng mạnh. Năm 2020 số lượng giao dịch của ví điện tử hàng đầu Việt Nam là Momo đạt hơn 403 triệu giao dịch, giá trị giao dịch đạt khoảng 14 tỷ USD. Cả số lượng và giá trị giao dịch đều tăng trên 3,5 lần so với năm 2019.

Hơn nữa, trong đại dịch nhưng số lượng người dùng đăng ký ví điện tử này đạt 23 triệu, tăng gần hai lần so với 2019. Với cả ba tiêu chí chủ chốt là số lượng người dùng, giá trị và số lượng giao dịch, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 70%, các tỉnh còn lại chiếm 30%. Thanh toán trực tuyến tăng trưởng nhanh, đặc biệt là qua hình thức ví điện tử, nhưng theo ước tính của Vecom tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt (COD) cho mua lẻ hàng hoá trực tuyến vẫn ở mức cao khoảng 80%.

Liên quan tới bán lẻ hàng hoá trực tuyến, theo khảo sát của Vecom sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30-60%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát thấp hơn so với tốc độ tăng sản lượng.