Tổng quan lý thuyết về quản trị lợi nhuận và chất lượng lợi nhuận

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 7/2020

Trên cơ sở tổng quan kết quả một số nghiên cứu, tác giả trình bày một số vấn đề liên quan đến quản trị lợi nhuận và chất lượng lợi nhuận.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đây là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất của các nhà nghiên cứu kế toán hiện nay, vì con số lợi nhuận trên báo cáo tài chính là chỉ tiêu quan trọng, được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động, quyết định đến giá cổ phiếu của công ty, vì vậy thời gian qua có nhiều lo ngại, sai phạm trọng yếu chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán báo cáo tài chính.

Về quản trị lợi nhuận

 Theo Schipper (1989), quản trị lợi nhuận là một sự can thiệp có mục đích trong quá trình báo cáo tài chính (BCTC) ra bên ngoài với mục đích thu được lợi ích riêng. Healy và Wahlen (1999) đưa ra định nghĩa: Quản trị lợi nhuận xảy ra khi các nhà quản lý sử dụng xét đoán trong BCTC và xây dựng các giao dịch để thay đổi các BCTC nhằm làm cho các đối tượng sử dụng thông tin trên BCTC hiểu sai về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hoặc làm ảnh hưởng đến các hợp đồng có cam kết dựa trên chỉ tiêu lợi nhuận kế toán.

Davidson và cộng sự cho rằng, nguồn gốc của quản trị lợi nhuận trong khuôn khổ của chuẩn mực kế toán bao gồm sự lựa chọn chính sách kế toán, sự vận dụng chính sách kế toán và định thời điểm đầu tư và thanh lý, nhượng bán tài sản. Quản trị lợi nhuận phản ánh hành động của nhà quản trị trong việc lựa chọn các phương pháp kế toán để mang lại lợi ích cho họ hoặc làm gia tăng giá trị thị trường của công ty (Scott 1997).

Động cơ để nhà quản trị thực hiện hành động điều chỉnh lợi nhuận có thể là: Công ty lần đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc trong các đợt phát hành thêm cổ phiếu; khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) thay đổi; khi công ty được hưởng các ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập DN; khi công ty thuộc đối tượng được tham gia các chương trình giải thưởng công ty của quốc gia; các nhà quản trị này làm thay đổi lợi nhuận thực tế để được thưởng và chia lợi nhuận tại một thời điểm nhất định nào đó.

Ronen và Yarri (2008) đã tổng hợp lại các quan điểm trên và đưa ra 3 nhóm quản trị lợi nhuận dựa trên mục tiêu công bố thông tin gồm: Nhóm quản trị lợi nhuận trắng nhằm gia tăng chất lượng BCTC, nhóm quản trị lợi nhuận xám nhằm gia tăng giá trị của DN hoặc lợi ích của nhà quản trị, và nhóm quản trị lợi nhuận đen nhằm làm sai lệch hoặc giảm sự minh bạch của BCTC. Từ đó, Ronen và Yarri (2008) cho rằng, hành vi quản trị lợi nhuận là tập hợp các quyết định quản lý nhằm tối đa hóa giá trị của DN thông qua việc không phản ánh đúng lợi nhuận thực trong ngắn hạn.

Theo WangJianHui (2009), quản trị lợi nhuận được sử dụng rộng rãi trong các DN trong và ngoài nước. Nếu trường hợp này xảy ra, về lâu dài sẽ làm giảm chất lượng và mức độ tin cậy của thông tin BCTC. Thông tin kế toán về lợi nhuận là thông tin quan trọng mà các nhà đầu tư, các chủ nợ… sử dụng để đánh giá ưu, khuyết điểm của DN.

Việc điều chỉnh lợi nhuận quá mức sẽ làm cho thông tin kế toán bị sai lệch, dẫn tới gây hiểu nhầm cho người sử dụng thông tin. Mặt khác, quản trị lợi nhuận chỉ nhằm đạt được mức lợi nhuận tối ưu tức thời trong ngắn hạn mà không gắn liền với sự hoàn thiện cải cách sản phẩm, tổ chức hoạt động của DN có thể sẽ mang lại rủi ro cho sự phát triển của DN trong tương lai.

Chất lượng lợi nhuận

Chất lượng lợi nhuận là mức độ mà lợi nhuận được báo cáo thể hiện thực tế tình hình kinh tế, để đánh giá một cách hợp lý thành quả tài chính của một công ty (Krishnan và cộng sự, 2008). Chất lượng lợi nhuận là một chỉ số quan trọng được sử dụng như một thước đo về hiệu suất của công ty. Chất lượng lợi nhuận cao hơn, hiệu suất của công ty cao hơn. Các công ty có chất lượng lợi nhuận tương đối cao phản ánh kết quả hoạt động của công ty cao (Dechow và Schrand, 2004). Nó cung cấp thêm thông tin về các điều kiện thực hiện của công ty có liên quan đến quyết định cụ thể của những người ra quyết định cụ thể (Dechow và cộng sự, 2010). Chất lượng lợi nhuận cao phản ánh một số liệu tốt cho mục đích đánh giá, dự báo và đánh giá hiệu quả (Radzi và cộng sự, 2011).

Pratt (2003) định nghĩa, chất lượng lợi nhuận là "mức độ lợi nhuận thuần được báo cáo trên báo cáo kết quả kinh doanh khác với lợi nhuận thực". Bellovary và cộng sự (2005) cho rằng, chất lượng lợi nhuận phụ thuộc vào sự trung thực của các con số được báo cáo, phản ánh “lợi nhuận thực” của công ty, cũng như tính hữu dụng của những con số báo cáo này trong việc dự báo lợi nhuận trong tương lai. 

Francis và cộng sự (2004) phân loại 7 chỉ tiêu sử dụng đo lường lợi nhuận dựa trên cơ sở các nguyên tắc kế toán và cơ sở thị trường. Chất lượng dồn tích, sự nhất quán, khả năng dự đoán và sự ổn định là các thuộc tính dựa trên cơ sở kế toán, bởi vì chúng được đo bằng thông tin kế toán, trong khi đó giá trị thích hợp, tính kịp thời và thận trọng được gọi là các chỉ tiêu dựa trên cơ sở thị trường vì được ước tính dựa vào mối quan hệ giữa lợi nhuận kế toán với sự phản ứng lại của thị trường.

Dechow (2010) đã xác định, chất lượng lợi nhuận có liên quan đến các khoản lợi nhuận cơ bản được báo cáo cho việc ra quyết định của người dùng. Tương tự, Schipper và Vincent (2003) đã xác định chất lượng lợi nhuận như là lợi ích quyết định của lợi nhuận được báo cáo cho người dùng. Trong bối cảnh này chất lượng của lợi nhuận là làm thế nào thông tin lợi nhuận không thể thiếu để thị trường tham gia vào việc đưa ra quyết định phân bổ nguồn lực trong thị trường vốn.

Chất lượng lợi nhuận là một đặc điểm quan trọng của hệ thống BCTC. Hầu hết những thay đổi quy định gần đây về các chuẩn mực kế toán, kiểm toán và quản trị công ty đều được thúc đẩy bởi các nỗ lực tăng tính minh bạch của BCTC. Chất lượng lợi nhuận cũng được sử dụng trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm để kiểm tra những thay đổi về đặc điểm lợi nhuận theo thời gian; để đánh giá tác động của sự thay đổi trong các chuẩn mực kế toán và môi trường thể chế; để so sánh BCTC giữa các quốc gia và để đo lường giá thị trường và những ảnh hưởng doanh thu của các DN khi đưa ra chất lượng lợi nhuận khác nhau. Chất lượng lợi nhuận và quản trị lợi nhuận là những vấn đề quan trọng hiện nay vì sự tin cậy của thị trường vốn đối với BCTC đáng tin cậy. 

Lý thuyết áp dụng

Các nghiên cứu liên quan đến quản trị lợi nhuận và chất lượng lợi nhuận, cũng như các yếu tố tác động đến nó thường tập trung vào một số lý thuyết điển hình như sau:

Lý thuyết đại diện

Lý thuyết đại diện cho thấy sự xung đột lợi ích giữa nhà quản trị và chủ sở hữu (M. C. Jensen & Meckling, 1976). Dựa trên nền tảng lý thuyết này ban quản trị có thể thiết lập những cơ chế giám sát và kiểm soát tốt hơn đối với hoạt động của DN. Cấu trúc ban quản trị có liên quan trực tiếp đến cách thức kiểm soát và giám sát DN từ đó giúp quản trị công ty hiệu quả hơn (A. Francis, 1991). Như vậy, trong trường hợp này thì lý thuyết đại diện hình thành mối liên hệ giữa ban giám đốc hay ban kiểm toán với chất lượng lợi nhuận. Khi ban quản trị công ty bao gồm các thành viên có ít thông tin về DN họ sẽ cho thấy sự giám sát chặt chẽ hơn và cải thiện chất lượng lợi nhuận (Mulili & Wong, 2011).

Lý thuyết cơ hội

Quản trị lơi nhuận được điều chỉnh tăng lợi nhuận giúp DN mới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng để thu được nguồn vốn tài trợ từ bên mua cổ phiếu, nhà đầu tư mà bị chi phối quyết định bởi lợi nhuận và không ý thức về sự bóp méo trong lợi nhuận công bố. Vì vậy họ thường trả mức giá chào bán cao hơn nhiều so với lợi nhuận báo cáo chưa được bóp méo theo hướng điều chỉnh tăng. Lý thuyết cơ hội cho rằng nhà đầu tư ra quyết định dựa trên lợi nhuận về lý trí đã không chiết khấu một khoản nhất định trong mong đợi về dòng tiền tương lai dựa trên lợi nhuận đã bị bóp méo. Rangan (1998) cho rằng, DN phát hành cổ phiếu trên thị trường thường dùng khoản dồn tích để tăng thu nhập DN với mục đích tạm thời bóp méo giá cổ phiếu và rằng nhà đầu tư, người mà đánh giá cao DN tại thời điểm phát hành cổ phiếu thường cảm thấy thất vọng với sự sụt giảm nghiêm trọng trọng lợi nhuận DN sau khi phát hành bởi vì các khoản dồn tích DN giảm.

Nói cách khác, nhà quản trị quyết định khoản dồn tích dương theo ý mình trước khi phát hành cổ phiếu, nhằm đánh lừa nhà đầu tư người mà mong đợi sự gia tăng trong lợi nhuận DN sau khi phát hành. Lý thuyết cơ hội đề cập tới hai vấn đề chính. (i) Nhà đầu tư không ý thức được động thái điều chính BCTC của nhà quản trị; (ii) Nhà đầu tư không quan sát được hành vi bóp méo lợi nhuận của nhà quản trị. Hai vấn đề này đã đi ngược lại với lý thuyết thị trường hiệu quả đã cho rằng giá tài sản phải phản ánh tất cả thông tin sẵn có trên thị trường (Fama, 1965).

Lý thuyết bất cân xứng thông tin

Khi có tình trạng bất cân xứng thông tin và xung đột lợi ích thì nhà quản trị thường chọn bóp méo thông tin BCTC (Rajgopal & Venkatachalam, 2011). Do đó, nhà quản trị nỗ lực thực hiện hành vi quản trị lợi nhuận và điều chỉnh số liệu trên BCTC để phù hợp với mong đợi của chủ sở hữu với mục đích là duy trì vị trí công việc và lợi thế trong DN. Khi chất lượng BCTC giảm thì chất lượng lợi nhuận cũng giảm theo (Habib & Azim, 2008). Một số nghiên cứu cho rằng việc giảm thiểu tình trạng thông tin bất cân xứng sẽ làm giảm ràng buộc tài chính của DN và làm cải thiện chất lượng lợi nhuận (Thomas & Vyas, 2013)...

Từ những lý thuyết nền tảng này các nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra cách đánh giá, cũng như các nhân tố tác động đến quản trị lợi nhuận, chất lượng lợi nhuận.

Mối quan hệ giữa quản trị lợi nhuận và chất lượng lợi nhuận

Theo Healy và Wahlen (1999), các công cụ phát hiện quản trị lợi nhuận cho thấy tầm quan trọng của chất lượng lợi nhuận hơn là chất lượng BCTC khi nhìn mục tiêu tổng thể. Vì, chất lượng BCTC là một khái niệm rộng hơn không chỉ đề cập đến thông tin tài chính, mà còn cả việc công bố các thông tin phi tài chính khác, góp phần hữu ích cho việc ra quyết định đưa vào trong báo cáo. 

Chất lượng lợi nhuận có mối quan hệ với quản trị lợi nhuận trong việc đánh giá sức khỏe tài chính của một công ty, khi mà lợi nhuận được quản trị cao thì chất lượng lợi nhuận sẽ thấp (Lo, 2008). Tuy nhiên, việc thiếu hành vi quản trị lợi nhuận thì không đủ để đảm bảo chất lượng lợi nhuận của công ty đó cao, vì còn các nhân tố khác như thị trường vốn, thù lao của ban quản trị cũng ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận (Lo, 2008).

Chất lượng lợi nhuận kế toán bị ảnh hưởng bởi hành vi quản trị lợi nhuận, hành vi này xảy ra khi nhà quản lý xử lý những con số lợi nhuận trong quá trình chuẩn bị BCTC bằng cách sử dụng những khoản dự phòng có thể điều chỉnh được cho phép của chuẩn mực kế toán. Quản trị lợi nhuận có thể gây ra hiểu lầm cho các bên liên quan và ảnh hưởng đến kết quả của những hợp đồng phụ thuộc vào những con số kế toán được báo cáo bởi vì việc quản trị lợi nhuận được báo cáo làm báo cáo không đáng tin cậy vì không thể hiện hiệu quả kinh tế thực của công ty (Healy và Wahlen, 1999).

Như vậy, những công cụ phát hiện quản trị lợi nhuận cho thấy tầm quan trọng của chất lượng lợi nhuận chứ không phải chất lượng BCTC.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bellovary, J. L., Giacomino, D. E. & Akers, M. D., 2005, Earnings quality: It's time to measure and report. The CPA Journal, 75, 32;
2. Dechow, P., GE, W. & SchranD, C., 2010, Understanding earnings quality: A review of the proxies, their determinants and their consequences. Journal of accounting and economics, 50, 344-401;
3. Francis, J., Lafond, R., Olsson, P. M. & Schipper, K., 2004, Costs of equity and earnings attributes. The accounting review, 79, 967-1010;
4. Jensen, M. C., & Meckling, W. H. (1976), Theory of the firm: Managerial behavior, agency costs and ownership structure. Journal of financial economics, 3(4), 305-360;
5. Healy, P. M. & Wahlen, J. M., 1999, A review of the earnings management literature and its implications for standard setting. Accounting horizons, 13, 365-383;
6. Lo, K., 2008, Earnings management and earnings quality. Journal of Accounting and Economics, 45, 350-357;
7. Mulili, B. M., & Wong, P. (2011), Corporate governance practices in developing countries: The case for Kenya. International journal of business administration, 2(1), 14.