Tăng cường bảo mật thông tin trong các ứng dụng thuế

Thùy Linh

Việc áp dụng công nghệ thông tin trong ngành Thuế đang giúp người nộp thuế thực hiện nghiệp vụ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề bảo mật an toàn thông tin và phòng tránh lừa đảo đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải chú ý. Ông Nguyễn Xuân Hoàng – Chủ tịch Liên minh An toàn Thông tin (Liên minh CYSEEX), Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MISA đã có chia sẻ với Tạp chí Tài chính xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng.

Phóng viên: Hiện nay, việc áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành yếu tố quan trọng hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghiệp vụ thuế nhanh chóng, hiệu quả và an toàn. Ông đánh giá như thế nào về các ứng dụng mà ngành Thuế đang triển khai để hỗ trợ người nộp thuế?

Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Tôi đánh giá rất cao các ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thuế đã triển khai trong thời gian qua. Chúng không chỉ giúp cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp và hàng triệu cá nhân kinh doanh thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng và chủ động, mà còn tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh doanh hiện đại, khi tốc độ và sự linh hoạt là yếu tố quyết định. Nhờ việc triển khai công nghệ, việc kê khai, nộp thuế trực tuyến đã trở thành hoạt động thường ngày của các doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ thủ công và hạn chế sai sót do nhập liệu.

Phóng viên: Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi mà công nghệ mang lại, vấn đề an toàn bảo mật thông tin cũng đang gây nhiều lo ngại. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Đây là vấn đề tất yếu của mọi hệ thống công nghệ. Công nghệ mang lại sự tiện lợi và hiệu quả cao nhưng cũng đi kèm với những thách thức lớn về an toàn thông tin. Khi chúng ta tương tác qua hệ thống trung gian công nghệ thông tin và đường truyền internet, khả năng xuất hiện các lỗ hổng bảo mật là điều không thể tránh khỏi. Từ việc trao đổi thông tin cá nhân đến các giao dịch tài chính, mọi hoạt động đều cần đảm bảo được bảo mật một cách chặt chẽ.

Chính vì vậy, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ toàn diện là điều vô cùng cần thiết. Điều này bao gồm không chỉ việc triển khai các giải pháp bảo mật phần mềm mà còn phải bảo vệ các thiết bị phần cứng và cơ sở hạ tầng hệ thống. Thời gian qua, Liên minh CYSEEX đã tích lũy và chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực chiến trong việc bảo vệ hệ thống, phòng ngừa các lỗ hổng và ứng cứu sự cố. Để hệ thống không bị tấn công và luôn hoạt động ổn định, cần có một cách tiếp cận đa lớp với nhiều biện pháp phòng chống từ trước.

Phóng viên: Hiện ngành Thuế đã nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo mật cũng như đưa ra nhiều cảnh báo tới người dân và doanh nghiệp. Ông có khuyến nghị như thế nào tới cơ quan thuế để nâng cao tính bảo mật trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Theo tôi, cách tốt nhất để bảo vệ các hệ thống công nghệ thông tin là phải tập trung vào phòng ngừa. Điều này giống như việc chúng ta tiêm phòng để tránh các bệnh tật, hay rèn luyện thể thao để duy trì sức khỏe. Cơ quan thuế cần thực hiện các chương trình diễn tập an toàn thông tin thường xuyên. Việc này sẽ giúp tìm ra các lỗ hổng tiềm ẩn, giúp đội ngũ kỹ thuật phát hiện và khắc phục kịp thời trước khi chúng có thể bị lợi dụng.

Ngoài ra, việc diễn tập định kỳ sẽ nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên trong việc ứng phó với các tình huống thực tế, đảm bảo rằng khi có sự cố xảy ra, chúng ta có thể khôi phục hệ thống một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đội ngũ kỹ thuật cần được trang bị đầy đủ kiến thức và luôn sẵn sàng ứng cứu khi có vấn đề, giúp đảm bảo hệ thống hoạt động trở lại bình thường trong thời gian ngắn nhất.

Phóng viên: Mặc dù đã có nhiều cảnh báo được gửi tới người dân, thực tế vẫn xảy ra nhiều trường hợp bị lừa đảo. Không ít người nộp thuế cá nhân đã cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, và mật khẩu cho các đối tượng xấu. Ông có khuyến cáo cụ thể nào tới người dân để tránh tình trạng bị lừa đảo không, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hoàng: Đúng vậy, vấn đề lừa đảo thông tin cá nhân là mối nguy cơ luôn tiềm ẩn. Người dân cần phải cảnh giác cao độ và thường xuyên cập nhật kiến thức về an toàn thông tin qua các kênh chính thống như thông tin từ cơ quan thuế, cơ quan công an, và các chương trình truyền thông cộng đồng. Những cảnh báo này không chỉ là thông tin lý thuyết mà còn là hướng dẫn cụ thể về cách phòng tránh và nhận diện các chiêu trò lừa đảo phổ biến.

Đối với những người làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức, cần có các buổi đào tạo nội bộ về phòng chống lừa đảo và bảo mật thông tin. Sự chủ động học hỏi và thực hiện các biện pháp tự bảo vệ là yếu tố quan trọng giúp người dân tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị lợi dụng. Hy vọng rằng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và ý thức tự bảo vệ của mỗi cá nhân, tình trạng lừa đảo sẽ được giảm thiểu đáng kể.

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!