Ứng dụng công nghệ để đưa nông sản ra thị trường

Theo Hồng Hoa/Báo Quảng Ngãi

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) đã lập các tài khoản Facebook, Zalo... để chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản. Cùng với đó, nhiều sản phẩm đã có mặt trên các trang thương mại điện tử, mở ra hướng phát triển mới, bền vững cho các HTX.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) thường xuyên đưa hình ảnh sản xuất, thu hoạch sản phẩm lên trang Facebook. Ảnh: Hồng Hoa
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) thường xuyên đưa hình ảnh sản xuất, thu hoạch sản phẩm lên trang Facebook. Ảnh: Hồng Hoa

Tận dụng lợi thế của mạng xã hội

Được thành lập năm 2018, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu khởi nghiệp với mô hình trồng ổi, bưởi; sản xuất và kinh doanh nhiều mặt hàng đặc trưng của miền núi.

Từ khi ra đời, HTX đã chọn hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đồng thời, xây dựng nhãn hiệu cho nhiều sản phẩm. Linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội (MXH), nên từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Trên trang Facebook, Zalo của HTX, mẫu mã các sản phẩm, các video clip nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch nông sản hoặc thông tin về nguồn gốc cây trồng đều được chia sẻ. 

Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm cho biết: Quá trình quảng bá sản phẩm trên MXH đã giúp khách hàng có thể nắm được các sản phẩm hiện có của HTX. Về phía HTX cũng thường xuyên nhận được phản hồi tích cực, cùng những góp ý từ khách hàng, nhờ đó, HTX kịp thời điều chỉnh và ngày càng mở rộng thị trường.

Tương tự, HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà cũng ứng dụng hiệu quả MXH Zalo, Facebook vào kinh doanh. “Cách thích ứng của HTX trong thời buổi kinh tế thị trường là sử dụng các kênh thông tin như Zalo, Facebook để quảng bá sản phẩm. Thỉnh thoảng, HTX còn tự quay video giới thiệu các công đoạn sản xuất, chế biến ra sản phẩm đăng lên MXH. Công nghệ số đã giúp HTX đưa các mặt hàng nông sản ra thị trường”, đại diện HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà nói.

Ngoài 2 HTX trên, hiện còn rất nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả nhờ hình thức bán hàng thông qua MXH. Ngay cả HTX Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ Sơn Long (Sơn Tây), dù mới được thành lập vào tháng 8.2020, nhưng cũng đã nhanh chóng xây dựng và giới thiệu các sản phẩm lên trang Facebook riêng.

Xu hướng tất yếu

Việc bán hàng thông qua MXH của các HTX bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Hầu hết các sản phẩm đều được khách hàng tin dùng. Lý do là những thông tin về quy trình trồng và chăm sóc, cũng như chất lượng đều được minh bạch. Chính vì vậy, nhiều khách hàng biết được nguồn gốc rõ ràng, sau khi sử dụng sản phẩm cảm thấy hài lòng và thường chia sẻ các bài viết quảng cáo sản phẩm đến nhiều khách hàng khác.

Theo đánh giá của các HTX, việc chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua các MXH là hướng đi đúng đắn trong kinh doanh hiện nay của các HTX sản xuất nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Bình - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Ngãi, doanh nghiệp vừa và nhỏ (Liên minh HTX tỉnh) cho biết: Trung bình mỗi năm, Liên minh HTX tỉnh tổ chức từ 2 - 3 hội nghị giới thiệu, trưng bày sản phẩm của các HTX trên địa bàn tỉnh, tạo cơ hội để kết nối cung - cầu.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tổ chức các hội nghị như thế rất khó thực hiện. Do đó, tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua MXH cho thấy, đây là xu thế phù hợp, cần được các HTX phát huy và thực hiện bài bản.

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi sẽ phối hợp với các cấp, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, mở các khóa tập huấn về kỹ năng triển khai kênh bán hàng thông qua MXH. Qua đó, giúp các HTX có các kiến thức cần thiết để phát huy kênh bán hàng qua MXH một cách hiệu quả.