Đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về Thương mại điện tử

ThS. Nguyễn Trọng Nhân, ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Trang -Trường Đại học Thương mại/tapchicongthuong.vn

Thương mại điện tử (TMĐT) ngày nay đang phát triển mạnh mẽ cùng với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ trong quá trình phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh mới của nền kinh tế hiện nay. Để TMĐT phát triển bền vững rất cần sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong nội dung bài báo này, tác giả đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về TMĐT thời gian vừa qua, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, từ đó có những giải pháp thích hợp nhằm phát triển nhanh mạnh và bền vững thương mại điện tử.

1. Một số khái niệm

* Khái niệm thương mại điện tử

Quá trình phát triển của TMĐT gắn liền với sự phát triển của CNTT và internet. Bắt đầu từ năm 1995 khi thuật ngữ "electronic-commerce" được hãng máy tính IBM (International Business Machines) sử dụng thì những nghiên cứu về TMĐT mới chính thức được bắt đầu.

Tuy đã thống nhất về mặt thuật ngữ song nếu chỉ dùng một định nghĩa ngắn gọn sẽ rất khó có thể nêu đầy đủ bản chất của TMĐT. Do vậy, định nghĩa về TMĐT cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn thống nhất. Có thể hiểu khái niệm TMĐT theo 2 nghĩa:

+ Khái niệm TMĐT theo nghĩa hẹp

TMĐT là việc mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử và mạng viễn thông, đặc biệt là máy tính, mạng internet.

Theo cách hiểu này có một số khái niệm về TMĐT được các tổ chức và các nhà nghiên cứu đưa ra như sau:

- Theo Kalakota & Whinston (1997): "TMĐT là quá trình mua, bán và trao đổi sản phẩm, dịch vụ và thông tin thông qua hệ thống máy tính trên nền internet"[5].

- Theo European Information Technology Observatory (EITO, 1997): "TMĐT là quá trình thực hiện các giao dịch kinh doanh có dẫn tới việc chuyển giao giá trị thông qua các mạng viễn thông"[4].

- Theo Cục Thống kê Hoa Kỳ: "TMĐT là việc hoàn thành bất kỳ một giao dịch nào thông qua một mạng máy tính làm trung gian mà bao gồm việc chuyển giao quyền sở hữu hay quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ" [6] .

Như vậy, theo nghĩa hẹp, TMĐT bắt đầu bằng việc các DN sử dụng các phương tiện điện tử và mạng internet để mua bán hàng hóa và dịch vụ, các giao dịch có thể giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với cá nhân hoặc giữa cá nhân với cá nhân.

+ Khái niệm TMĐT theo nghĩa rộng

TMĐT là toàn bộ chu trình và các hoạt động kinh doanh liên quan đến các tổ chức hay cá nhân, được thực hiện thông qua phương tiện điện tử. Nói khác hơn, TMĐT là việc tiến hành hoạt động thương mại, sử dụng các phương tiện điện tử và công nghệ xử lý thông tin số hóa.

Theo cách hiểu này, có một số khái niệm về TMĐT được các tổ chức, các nhà nghiên cứu đưa ra như sau:

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (1997): "TMĐT gồm các giao dịch thương mại liên quan đến các tổ chức và cá nhân dựa trên việc xử lý và truyền đi các dữ kiện đã được số hóa thông qua các mạng mở (như internet) hoặc các mạng đóng có cổng thông với mạng mở"[7]. Nói khác hơn, TMĐT là việc làm kinh doanh thông qua mạng internet, bán những hàng hóa và dịch vụ có thể được phân phối không thông qua mạng hoặc những hàng hóa có thể mã hóa bằng kỹ thuật số và được phân phối thông qua mạng hoặc không thông qua mạng.

Ủy ban của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển - UNCTAD: đưa ra định nghĩa đầy đủ nhất để các nước có thể tham khảo làm chuẩn, tạo cơ sở xây dựng chiến lược phát triển TMĐT phù hợp với nước mình.

* Khái niệm quản lý nhà nước về thương mại điện tử

Sự phát triển của TMĐT là kết quả tất yếu của quá trình "số hóa" các hoạt động thương mại trong nền kinh tế, trong đó các phương tiện điện tử được sử dụng như một công cụ để thực hiện các hoạt động thương mại trên môi trường điện tử. Như vậy, bản chất của khái niệm "thương mại" trong TMĐT cũng tương tự như khái niệm thương mại của hoạt động thương mại truyền thống. Theo Luật Thương mại, "hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác".

Từ khái niệm về TMĐT cho thấy, TMĐT chỉ khác hoạt động thương mại truyền thống ở phương thức tiến hành các hoạt động thương mại, TMĐT không phải là một lĩnh vực hoạt động riêng biệt mà là phương thức tiến hành hoạt động kinh doanh - thương mại trên môi trường điện tử. Như vậy, QLNN về TMĐT chính là hoạt động QLNN về thương mại có gắn với các đặc trưng của TMĐT như đã nghiên cứu ở trên.

Với quan điểm này, quản lý nhà nước về thương mại điện tử được hiểu là quá trình nhà nước sử dụng các công cụ quản lý để tác động lên hoạt động thương mại trong môi trường điện tử,  nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thương mại điện tử đã đặt ra.

* Hoạt động QLNN về TMĐT có các đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, về chủ thể quản lý: do tính chất đặc thù của TMĐT là thực hiện trên môi trường điện tử thông qua các phương tiện điện tử, do đó TMĐT cần phải được đảm bảo bằng một hạ tầng công nghệ (đặc biệt là công nghệ thông tin và internet). Do đó, bên cạnh chủ thể quản lý trực tiếp là cơ quan QLNN về thương mại (Bộ Công Thương), vai trò của cơ quan QLNN về CNTT và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đặc biệt quan trọng trong việc tạo lập hạ tầng công nghệ cho sự phát triển của TMĐT. Công nghệ thông tin và TMĐT có mối quan hệ mật thiết, hay CNTT chính là nền tảng phát triển của TMĐT. Dựa trên những ứng dụng, phương pháp và công cụ kỹ thuật của CNTT, nền tảng trang web, hình thức thanh toán, quy trình mua hàng,... sẽ được thiết lập nhằm mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến tối ưu nhất. Do đó, nếu không được đảm bảo bằng một hạ tầng công nghệ ổn định, hiện đại, theo kịp các xu hướng phát triển về công nghệ của thế giới thì TMĐT không thể phát triển.

Thứ hai, về đối tượng quản lý: TMĐT được xem là sự phát triển tất yếu của thương mại trong nền kinh tế số hóa, là hình thức thể hiện của hoạt động thương mại trong môi trường điện tử. Bên cạnh các đối tượng tham gia quan hệ giao dịch giống như giao dịch thương mại truyền thống còn xuất hiện thêm đối tượng thứ ba đó là các nhà cung cấp hạ tầng dịch vụ (dịch vụ internet, dịch vụ viễn thông di động...), các tổ chức chứng thực điện tử (cung cấp chữ kí số, chứng thực số,...), các đối tượng này tuy không trực tiếp tham gia vào các giao dịch TMĐT, nhưng lại là nhân tố đảm bảo cho các giao dịch TMĐT thành công.

Thứ ba, yếu tố môi trường điện tử trong hoạt động TMĐT luôn thay đổi một cách nhanh chóng, các hình thức kinh doanh trong TMĐT ngày càng đa dạng, phức tạp và luôn ứng dụng các công nghệ mới nhất. Điều này đã đặt ra một thách thức rất lớn trong hoạt động QLNN, đòi hỏi cơ quan QLNN về TMĐT phải luôn có những chính sách phù hợp để thích nghi kịp thời với những thay đổi này.

2. Phương pháp nghiên cứu

Để hoàn thành nghiên cứu này, tác giả đã tiến hành xây dựng thang đo và hình thành bảng hỏi để chuyển đến 2 đối tượng là các doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Sau khi phát đi 300 phiếu, thu về được 275 phiếu, tác giả đã tiến hành nhập liệu và sử dụng phần mềm SPSS 20 để phân tích dữ liệu phục vụ nghiên cứu.

3. Thực trạng quản lý nhà nước về thương mại điện tử

3.1. Tính hiệu lực của QLNN về TMĐT

Kết quả điều tra cho thấy QLNN về TMĐT có tính hiệu lực tương đối cao, điều này được thể hiện qua mức độ đồng ý và rất đồng ý đối với các thang đo luôn chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, khi xem xét từng chỉ tiêu đo lường tính hiệu lực của QLNN về TMĐT cho thấy có sự khác nhau trong kết quả thực hiện các chỉ tiêu này.

Đối với chỉ tiêu "Mức độ nhận thức của doanh nghiệp (DN) và xã hội đối với TMĐT", kết quả điều tra cho thấy, hầu hết các DN đều nhận thức được lợi ích và vai trò của TMĐT đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và xã hội. Kết quả này được thể hiện qua mức độ đồng ý đối với câu hỏi "TMĐT có thể thay thế các hoạt động thương mại truyền thống và đem lại nhiều lợi ích cho DN và xã hội" bình quân đạt 3,85. Trong đó, hầu hết ý kiến của DN đều tập trung vào mức độ đồng ý và rất đồng ý đối với câu hỏi trên với tỷ lệ tương ứng là 46,6% và 28,3%.

Đối với chỉ tiêu "Mức độ hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT của cơ quan QLNN về TMĐT", kết quả điều tra cho thấy hầu hết các DN đều cho rằng hiện nay DN rất ít nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan QLNN trong việc triển khai ứng dụng TMĐT trong DN. Kết quả này được thể hiện qua mức độ đồng ý đối với câu hỏi "DN luôn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan QLNN trong quá trình triển khai TMĐT" bình quân chỉ đạt 2,90. Trong đó hầu hết ý kiến của DN đều tập trung vào mức độ rất không đồng ý, không đồng ý và phân vân đối với câu hỏi trên, với tỷ lệ tương ứng là: 22,8%; 27,4% và 29,2%. Điều này cho thấy DN rất mong muốn các cơ quan QLNN về TMĐT trong thời gian tới cần chú trọng hơn nữa việc hỗ trợ các đơn vị đào tạo TMĐT để tạo ra nguồn nhân lực TMĐT có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của DN.

Đối với chỉ tiêu "Mức độ bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT", kết quả điều tra cho thấy hầu hết các DN đều cho rằng pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT hiện nay còn rất yếu. Kết quả này được thể hiện qua mức độ đồng ý đối với câu hỏi "Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT còn thiếu" bình quân đạt 4,01. Hầu hết ý kiến của DN đều tập trung vào mức độ đồng ý và rất đồng ý đối với câu hỏi trên, với tỷ lệ tương ứng là 22,8% và 39,3%. Do đó, trong thời gian tới, cơ quan QLNN cần hoàn thiện pháp luật bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT.

Đối với chỉ tiêu "Mức độ thuận lợi, phù hợp của các hình thức thanh toán trong TMĐT", kết quả điều tra cho thấy hầu hết các ý kiến đều đồng ý với nhận định cho rằng các điều kiện về thanh toán trong TMĐT hiện nay chưa tạo thuận lợi cho DN và người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch TMĐT.

Kết quả này được thể hiện qua mức độ đồng ý và rất đồng ý đối với câu hỏi: "Các điều kiện về thanh toán trong TMĐT hiện nay đã đáp ứng được các yêu cầu của DN và người tiêu dùng?" bình quân chỉ đạt 2,79. Hầu hết ý kiến của DN đều tập trung vào mức độ rất không đồng ý; không đồng ý và phân vân đối với câu hỏi trên, với tỷ lệ tương ứng là: 33,8%; 23,7% và 32,4%.

Thông qua kết quả khảo sát cũng cho thấy vấn đề thanh toán trong các giao dịch TMĐT hiện nay ở Việt Nam thật sự là một rào cản rất lớn cho việc triển khai TMĐT ở DN (Bảng 1) với tổng điểm đánh giá chỉ đạt là 2,86/5 điểm và đứng ở vị trí thứ 3 trong tổng số 6 trở ngại lớn nhất đối với việc triển khai TMĐT trong các doanh nghiệp.

Bảng 1. Đánh giá của doanh nghiệp về các trở ngại trong ứng dụng thương mại điện tử

Số TT

Các trở ngại trong ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp

Năm 2020

1

An ninh mạng

3.06

2

Nhận thức xã hội và môi trường kinh doanh

3.09

3

Hệ thống thanh toán điện tử

2.86

4

Nguồn nhân lực

2.86

5

Môi trường pháp lý

2.76

6

Dịch vụ vận chuyển và giao nhận

2.81

Nguồn: Phân tích bằng SPSS

Đối với chỉ tiêu “Mức độ đầy đủ, phù hợp của các tiêu chuẩn TMĐT do cơ quan QLNN ban hành”, kết quả điều tra cho thấy rất nhiều DN không đồng ý với ý kiến cho rằng các tiêu chuẩn TMĐT hiện nay tương đối đầy đủ, rõ ràng, phù hợp khi áp dụng trong DN và phù hợp với các tiêu chuẩn chung của thế giới. Kết quả này được thể hiện qua tỷ lệ mức độ không đồng ý và phân vân với nhận định trên là 33,3% và 20,1%. Điều này cho thấy các tiêu chuẩn về TMĐT hiện nay tuy đã được ban hành, nhưng mức độ phù hợp của các tiêu chuẩn này trong hoạt động TMĐT của DN chưa cao.

Đối với chỉ tiêu "Mức độ đáp ứng nhu cầu của nguồn nhân lực TMĐT đối với các hoạt động của DN", kết quả điều tra cho thấy hầu hết các DN đều cho rằng nguồn nhân lực cho TMĐT trong nền kinh tế hiện chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của DN. Kết quả này được thể hiện qua mức độ đồng ý đối với câu hỏi "Nguồn nhân lực cho TMĐT trong nền kinh tế chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của DN" bình quân đạt 4,16. Trong đó, hầu hết ý kiến của DN đều tập trung vào mức độ đồng ý và rất đồng ý đối với câu hỏi trên, với tỷ lệ tương ứng là 48,4% và 33,8%. Thông qua kết quả phân tích cũng cho thấy, trong các đề xuất của DN đối với cơ quan QLNN đề xuất về việc đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chiếm tới 31% trong tổng số các đề xuất chủ yếu của DN. Điều này chứng tỏ nguồn nhân lực phục vụ cho TMĐT trong giai đoạn hiện nay đều được các DN hết sức quan tâm.

Đối với chỉ tiêu "Mức độ phù hợp của hạ tầng CNTT quốc gia cho sự phát triển của TMĐT", kết quả điều tra cho thấy, hầu hết các DN đều đồng ý với ý kiến cho rằng cơ sở hạ tầng công nghệ cho TMĐT hiện nay đã phù hợp với sự phát triển của TMĐT, thể hiện qua tỷ lệ mức độ rất đồng ý và đồng ý với nhận định trên là 40,6% và 34,70%.

Theo kết quả điều tra, cơ sở hạ tầng công nghệ cho TMĐT đã được đánh giá không phải là một trong những cản đối với ứng dụng TMĐT trong DN.

Đối với chỉ tiêu Mức độ hoàn thành các mục tiêu trong chiến lược, kế hoạch phát triển TMĐT. Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, đến cuối năm 2020, hầu hết các mục tiêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020 đều hoàn thành với kết quả rất cao.

3.2. Tính hiệu quả của QLNN về TMĐT

Hiệu quả QLNN về TMĐT được đánh giá thông qua 2 chỉ tiêu cơ bản, đó là mức độ phổ biến của TMĐT trong nền kinh tế và các lợi ích mà TMĐT đem lại cho DN.

Thứ nhất, về mức độ phổ biến của TMĐT trong nền kinh tế.

Qua các số liệu trong Báo cáo TMĐT hàng năm của Cục Thương mại điện tử và kinh tế sốcho thấy, nếu như trước đây, môi trường cho việc ứng dụng TMĐT ở Việt Nam chưa hình thành, TMĐT chưa được pháp luật chính thức thừa nhận, số lượng các DN ứng dụng TMĐT còn rất ít và mới chỉ dừng lại ở cấp độ 1 và 2, thì đến hết năm 2020, thông qua việc triển khai thực hiện rất nhiều các chương trình dự án trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020, môi trường cho sự phát triển TMĐT ở Việt Nam đã được hình thành, TMĐT đã được pháp luật chính thức thừa nhận; TMĐT đã được ứng dụng rộng rãi trong các DN; TMĐT bước đầu đã được xã hội chấp nhận sử dụng.

Kết quả điều tra tại các doanh nghiệp trên cả nước cho thấy 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát có trang bị máy tính; 99% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã có kết nối internet; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng email cho mục đích kinh doanh tăng mạnh so với các năm trước, đạt 97%; trên 50% doanh nghiệp thường xuyên cập nhật thông tin hàng tuần lên website; lượng đơn nhận đặt hàng qua website của doanh nghiệp tăng lên đáng kể so với các năm trước đạt 29%.

Số doanh nghiệp có website chuyên nghiệp ở mức độ 2 (có chức năng tương tác, hỗ trợ người xem) chiếm tỷ lệ 41%; doanh nghiệp có website ở cấp độ 3 đạt mức 28%, tỷ lệ doanh nghiệp có website cấp độ 4 chưa nhiều, dừng ở mức 8%.

Thứ hai, về các lợi ích mà TMĐT đem lại cho các DN, kết quả điều tra, cho thấy hiệu quả của việc ứng dụng TMĐT rất rõ nét, được thể hiện qua một số kết quả sau:

Kết quả khảo sát cho thấy tổng giá trị đơn hàng doanh nghiệp đã đặt qua các phương tiện điện tử cũng rất khả quan, với 20% doanh nghiệp được điều tra cho biết các đơn hàng đã đặt qua phương tiện điện tử chiếm hơn 50% tổng giá trị mua hàng cả năm và 18% cho biết tỷ lệ này đạt mức 31% - 50%.

TMĐT có tác động rất lớn đến doanh thu của DN. Theo khảo sát, có 37% DN tham gia cuộc khảo sát trả lời là doanh thu tăng, 49% không thay đổi và có 14% cho biết là doanh thu giảm so với các năm trước. Điều này khẳng định tầm quan trọng của TMĐT đối với việc kinh doanh của DN.

Ngoài ra, các DN tham gia khảo sát cũng được yêu cầu đánh giá hiệu quả của TMĐT qua một số tiêu chí, với thang điểm từ 1 tới 4, trong đó 4 là mức hiệu quả cao nhất. Hầu hết các DN được khảo sát cho rằng việc ứng dụng TMĐT đã đem lại nhiều hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN với giá trị điểm của các tiêu chí đều lớn hơn 2.

Như vậy, qua 2 chỉ tiêu đánh tính hiệu quả của QLNN về TMĐT là: mức độ phổ biến của TMĐT trong nền kinh tế và các lợi ích mà TMĐT đem lại cho DN cho thấy hiệu quả QLNN về TMĐT trong thời gian qua khá cao. TMĐT đã được áp dụng phổ biến trong các DN, bước đầu được người tiêu dùng và xã hội chấp nhận. Các DN ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất - kinh doanh đều mang lại hiệu quả cao.

3.3. Tính phù hợp của QLNN về TMĐT

Kết quả điều tra cho thấy tính phù hợp của QLNN về TMĐT hiện nay có sự thay đổi theo từng nội dung đánh giá.

Đối với chỉ tiêu "Mức độ phù hợp của hệ thống pháp luật về TMĐT", kết quả điều tra cho thấy có rất nhiều DN đồng ý rằng hệ thống pháp luật về TMĐT hiện nay phù hợp cho việc áp dụng TMĐT trong DN, với tỷ lệ mức độ rất đồng ý là 30,1% và đồng ý là 16,9%. Bên cạnh đó, cũng còn khá nhiều DN cho rằng pháp luật về TMĐT hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại cần phải hoàn thiện, điều này được thể hiện qua mức độ không đồng ý với nhận định pháp luật về TMĐT hiện nay là phù hợp cho việc áp dụng TMĐT trong DN với tỷ lệ 26,5% và phân vân là 21,9%. Như vậy, trong thời gian tới,  các cơ quan QLNN vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về TMĐT để phù hợp với các yêu cầu phát triển TMĐT.

Đối với chỉ tiêu “Mức độ phù hợp của các mục tiêu trong kế hoạch phát triển TMĐT với việc ứng dụng TMĐT trong DN”, rất nhiều DN cho rằng các mục tiêu trong kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn vừa qua là phù hợp với việc ứng dụng TMĐT trong DN. Điều này được thể hiện qua mức độ đồng ý và rất đồng ý với ý kiến trên là 32% và 25,6%.

Đối với chỉ tiêu “Mức độ phù hợp của các chính sách phát triển TMĐT ở Việt Nam với các thông lệ quốc tế”, kết quả điều tra cho thấy có khá nhiều DN cho rằng các chính sách TMĐT ở Việt Nam hiện nay phù hợp với xu hướng phát triển của TMĐT trên thế giới (tỷ lệ rất đồng ý với nhận định này là 17,4 % và đồng ý là 23,3%). Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều DN không đồng ý với nhận định trên, thể hiện qua tỷ lệ mức độ không đồng ý là 27,4%. Điều này cho thấy, trong thời gian tới, các cơ quan QLNN cần chú ý đến các xu hướng mới của TMĐT trên thế giới để hoàn thiện chính sách phát triển TMĐT trong nước cho phù hợp với các thông lệ quốc tế.

3.4. Tính bền vững của QLNN về TMĐT

Kết quả điều tra cho thấy QLNN về TMĐT đã có những tác động to lớn tới nền kinh tế nói chung và DN nói riêng. Đồng thời, trong quá trình thực hiện chức năng QLNN về TMĐT, các cơ quan QLNN cũng hết sức chú trọng đến tính bền vững trong hoạt động quản lý của mình. Các kết quả này được thể hiện thông qua việc hầu hết các DN đều đồng ý và rất đồng ý với các chỉ tiêu đánh giá tính bền vững của hoạt động QLNN về TMĐT.

4. Những vấn đề còn tồn tại trong QLNN về TMĐT ở Việt Nam

4.1. Những vấn đề còn tồn tại

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, QLNN về TMĐT hiện nay còn tồn tại một số hạn chế nhất định, đó là:

Thứ nhất, về xây dựng hệ thống chiến lược, kế hoạch phát triển TMĐT.

Nhiều mục tiêu đặt ra đối với các DN lớn không cần thiết, vì thực tế đã đạt rồi.

Kế hoạch đề ra mục tiêu cung cấp các dịch vụ công trực tuyến như hải quan, thuế, đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư,… theo từng giai đoạn. Những mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến này trùng với kế hoạch của các Bộ, ngành hữu quan.  

Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT đưa ra một số mục tiêu khá tham vọng nhưng còn quá tổng quát như hình thành một số DN kinh doanh dịch vụ TMĐT lớn có uy tín trong nước và khu vực; nhiều hộ gia đình ở các thành phố có thể sử dụng phương tiện điện tử để thanh toán các dịch vụ như điện, nước, điện thoại, tivi, internet.

Thứ hai, về xây dựng chính sách và ban hành pháp luật TMĐT.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù các cơ quan QLNN đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng chính sách và ban hành pháp luật TMĐT. Tuy nhiên, những quy định tại các văn bản luật này còn rất chung chung và chỉ mang tính nguyên tắc. Chưa có văn bản điều chỉnh những khía cạnh thực tiễn của TMĐT phù hợp với các hoạt động ứng dụng khá đa dạng trong xã hội. Còn thiếu nhiều quy định, như: thiếu các quy định cụ thể về xử lý tranh chấp khi thực hiện các giao dịch TMĐT; thiếu các quy định cụ thể về bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT; chưa thừa nhận giá trị pháp lý của chứng cứ điện tử; thiếu các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy các DN ứng dụng TMĐT; chính sách thương nhân trong TMĐT chưa theo kịp những thay đổi của TMĐT trong thực tiễn; chính sách thuế trong TMĐT chưa có những quy định cụ thể về đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế trong các giao dịch TMĐT, quản lý thuế trong TMĐT còn nhiều bất cập; đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT chưa được quan tâm đúng mức,... Chính những hạn chế này đã tạo ra rào cản rất lớn trong quá trình triển khai TMĐT.

Thứ ba, về tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan QLNN, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các cơ quan thông tin đại chúng đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, phổ biến về TMĐT và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của DN và nhân dân về TMĐT đã được nâng cao rõ rệt, thể hiện qua việc ứng dụng TMĐT tại các DN ngày càng tăng, hoạt động mua bán trực tuyến đã dần trở nên phổ biến tại các thành phố lớn,...

Tuy nhiên, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về TMĐT điện tử trong thời gian vừa qua chủ yếu tập trung vào cổ vũ, động viên cho việc ứng dụng TMĐT, chưa chú trọng đến vấn đề giáo dục pháp luật. Hoạt động giáo dục pháp luật về TMĐT được tổ chức chưa nhiều. Văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành thường chỉ được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức giới thiệu khoảng một đến hai lần cho một số ít đối tượng nên tính phổ cập của các văn bản này vẫn còn thấp. Hiện nay, chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả trong hoạt động giáo dục pháp luật giữa các cơ quan liên quan như cơ quan QLNN và cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đào tạo,...

Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và các địa phương chưa thật sự chặt chẽ. Các nguyên nhân này đã khiến cho TMĐT chưa được áp dụng phổ biến ở rất nhiều địa phương, do không có những định hướng, những mục tiêu cụ thể để các DN có thể triển khai TMĐT.

Thứ tư, hoạt động kiểm tra, thanh tra trong TMĐT còn nhiều hạn chế.

Nguồn lực thanh tra mỏng, tần suất các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thấp, hiệu quả chưa cao, chưa có cơ chế giám sát trực tuyến các hoạt động trên môi trường điện tử; chưa có thanh tra chuyên ngành TMĐT; nhiều quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT chưa đủ mạnh để răn đe, tạo ra sự tuân thủ tốt trong xã hội.

4.2. Nguyên nhân của các vấn đề còn tồn tại trong QLNN về TMĐT

Thứ nhất, tính chất không biên giới của TMĐT đặt ra rất nhiều thách thức trong QLNN về TMĐT.

Xu hướng toàn cầu hóa thông tin đang xóa mờ những giới hạn về không gian kinh doanh, không gian văn hóa. TMĐT xuyên biên giới cũng nằm trong xu thế đó, nó sẽ trở thành một trào lưu mà DN, người tiêu dùng và các cơ quan QLNN cần phải chú trọng. Rất nhiều vấn đề mới nảy sinh đối với các giao dịch xuyên biên giới, như: quản lý thuế, thanh toán điện tử, giao nhận trong các giao dịch TMĐT xuyên biên giới chưa có các quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật về TMĐT của Việt Nam.

Thứ hai, nguồn nhân lực QLNN về TMĐT còn nhiều hạn chế.

Do TMĐT là một lĩnh vực mới nên hiện nay trong cả nước có rất ít các đơn vị đào tạo chuyên sâu về TMĐT, chính điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực về TMĐT của cơ quan QLNN ở cấp Trung ương và cấp địa phương, như: trình độ chuyên môn, năng lực và kĩ năng quản lý, kinh nghiệm thực tế..., từ đó đã ảnh hưởng đến hoạt động QLNN về TMĐT.

Thứ ba, ý thức thi hành pháp luật của doanh nghiệp và người dân chưa cao.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc thực thi pháp luật về TMĐT còn chưa đạt hiệu quả cao do người dân và DN chưa quan tâm nhiều đến các quy định liên quan, dẫn đến ý thức kém trong việc thi hành pháp luật.

Trong thời qua, các cơ quan QLNN đã triển khai nhiều biện pháp để đưa các văn bản quy phạm pháp luật đến với người dân và DN như tổ chức hội thảo, hội nghị để hướng dẫn trực tiếp, tuyên truyền phổ biến qua đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí, cung cấp nội dung văn bản và thông tin liên quan lên các trang thông tin điện tử về quản lý chuyên ngành,... Tuy nhiên,  hiệu quả của các hoạt động này còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, đối với nhiều quy định, mặc dù đã được tổ chức tuyên truyền, giáo dục khá tốt về nội dung, việc tuân thủ sẽ tạo thuận lợi hơn cho đối tượng, nhưng việc thi hành vẫn còn thấp.

Thứ tư, sự gia tăng không ngừng của các loại tội phạm trên mạng internet đã gây ra những nguy cơ rất lớn cho TMĐT, làm ảnh hưởng đến hoạt động QLNN về TMĐT.

Hoạt động của tội phạm mạng ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp và có tổ chức đã gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác QLNN về TMĐT. Các quy định của pháp luật luôn lạc hậu hơn so với những thay đổi trong môi trường kinh doanh trực tuyến. Mặc dù các nhà làm luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, nhưng việc sửa đổi các quy định của luật nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự không thể làm trong một sớm một chiều.

Thứ năm, mức độ ứng dụng CNTT và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan QLNN mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng còn chưa đáp ứng tốt.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển TMĐT cho thấy, để phát triển TMĐT thành công Chính phủ phải đóng vai trò người cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất, đồng thời cũng phải đi tiên phong trong việc ứng dụng TMĐT vào các hoạt động mang tính chất thương mại của Chính phủ.

Tóm lại, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động trong điều kiện kinh doanh mới, việc nhìn nhận và phân tích để thấy được những hạn chế cũng như nguyên nhân của hạn chế đó sẽ là những bước đi căn bản cần thiết để có thể đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2013), Quyết định số 669/QĐ-BCT Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin.
  2. Bộ Công Thương (2020), Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2020, Hà Nội.
  3. Nguyễn Văn Minh (2009), Giáo trình thương mại điện tử căn bản, NXB Thống kê.
  4. EITO. (1997). European Information Technology Observatory, Yearbook, Australia.
  1. Ravi Kalakota & Andrew B. Whinston. (1997). Electronic Commerce:A Manager's Guide. Boston, US: Addison-Wesley Professional.
  2. U.S. Census Bureau. Retrieved from: http://www.census.gov/econ/estats/definitions.html
  3. OECD. (1997). Measuring Electronic Commerce. OECD Digital Economy Papers, No. 27, OECD Publishing, Paris.
    http://dx.doi.org/10.1787/237203566348