Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử
Quyền lợi người tiêu dùng đã được bảo vệ trên cơ sở pháp luật, với hệ thống pháp lý rất rõ ràng ở các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, việc triển khai trong thực tiễn cuộc sống vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là xử lý các khiếu nại, vi phạm trong môi trường thương mại điện tử (TMĐT).
Nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và khuyến khích cạnh tranh tự do, bình đẳng trong TMĐT, Chính phủ Ấn Độ đang đề xuất sửa đổi Quy tắc bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT năm 2020. Quy tắc bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT năm 2020 của Ấn Độ có hiệu lực từ ngày 23/7/2020 nhằm ngăn chặn các các hành vi thương mại không bằng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng trong môi trường TMĐT.
Tuy nhiên, kể từ khi Quy tắc này đi vào thực tiễn, sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng TMĐT cũng đã làm gia tăng các khiếu nại liên quan đến các hành vi gian lận thương mại phổ biến và giao dịch không công bằng đang diễn ra trong các giao dịch TMĐT tại Ấn Độ. Những phản ánh từ những người tiêu dùng, nhà cung cấp hàng hóa, các tổ chức xã hội về các hành vi liên quan đến gian lận tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp trên thị trường.
Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng TMĐT cũng dẫn đến sự xuất hiện những người bán hàng “thời vụ” không được kiểm soát chặt chẽ hoặc một số sàn TMĐT đang gây ra việc hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng bằng cách “ưu tiên” một số nhà cung cấp nhất định trên nền tảng của họ. Điều này ngăn cản một sân chơi bình đẳng và cuối cùng hạn chế sự lựa chọn của khách hàng và tăng giá.
Nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, ngăn chặn việc lợi dụng của các sàn TMĐT vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế cạnh tranh tự do và bình đẳng trên thị trường, Chính phủ Ấn Độ đang đề xuất sửa đổi Quy tắc Bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT năm 2020. Các sửa đổi được đề xuất nhằm mục đích mang lại sự minh bạch trong các nền tảng TMĐT và tăng cường hơn nữa cơ chế quản lý để hạn chế các hành vi thương mại không công bằng phổ biến.
Cụ thể, nâng cao tính thực thi của Đạo luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2019 và Quy tắc Bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT năm 2020. Bản dự thảo đề xuất sửa đổi yêu cầu các doanh nghiệp TMĐT: Bổ nhiệm Giám đốc điều hành; Phân công đầu mối liên lạc để phối hợp 24/7 với các cơ quan thực thi pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp TMĐT phải tổ chức đào tạo và xây dựng hệ thống các nhân viên chuyên trách tư vấn, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trên nền tảng TMĐT. Điều này sẽ đảm bảo tuân thủ hiệu quả các quy định của Đạo luật và Quy tắc, đồng thời củng cố cơ chế giải quyết khiếu nại đối với các doanh nghiệp TMĐT.
Cùng với đó, xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về các pháp nhân TMĐT và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng khi giao dịch thông qua các nền tảng TMĐT, tất cả các doanh nghiệp TMĐT phải đăng kí với Cục Xúc tiến công nghiệp và Nội thương (DPIIT) để được cấp số đăng ký. Các doanh nghiệp TMĐT được cấp phép sẽ có dấu thông báo hiển thị nổi bật trên trang web cũng như hóa đơn của các đơn đặt hàng TMĐT liên quan đến doanh nghiệp.
Để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, các hành vi bán hàng như quảng cáo, cung cấp thông tin sai sự thật là bị nghiêm cấm; người bán phải cung cấp thông tin chi tiết, cụ thể liên quan đến sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Điều này giúp đảm bảo rằng người tiêu dùng biết về ngày hết hạn của các sản phẩm họ đang mua trên nền tảng TMĐT, tất cả người bán cũng như doanh nghiệp TMĐT phải có trách nhiệm trong việc cập nhật và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đảm bảo đối xử công bằng và minh bạch cho các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp trong nước trong giao dịch TMĐT, quy định chủ thể thực hiện TMĐT cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ nhập khẩu phải ban hành bộ tiêu chí để xác định hàng hóa căn cứ theo quốc gia xuất xứ và đề xuất giải pháp để đảm bảo cơ hội minh bạch cho hàng hóa trong nước. Và đảm bảo người tiêu dùng không bị ảnh hưởng trong trường hợp người bán không giao hàng hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của chủ sàn TMĐT, đề xuất bổ sung các điều khoản về trách nhiệm dự phòng đối với các doanh nghiệp TMĐT.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch TMĐT, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; khuyến khích kinh doanh, tiêu dùng bền vững…. Có thể nói, đây sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đưa các chính sách đi vào đời sống, bảo vệ quyền của người tiêu dùng theo hướng phù hợp với các cam kết quốc tế và yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế xã hội.