Giải pháp thực hiện mục tiêu 90-90-90 trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

Theo TS. Nguyễn Thị Linh Giang - Học viện Chính trị khu vực 3/tapchicongsan.org.vn

HIV/AIDS hiện nay vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Thực hiện mục tiêu 90-90-90 là “đầy thách thức nhưng Việt Nam quyết tâm thực hiện bằng được vì không chỉ phục vụ sức khỏe, tính mạng của con người mà còn vì sự ổn định, phát triển đất nước” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ phát động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 nhằm hướng tới việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Nguồn: Internet
Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020. Nguồn: Internet

Dịch HIV/AIDS: Mức độ lây nhiễm rộng khắp, kéo dài và chưa thể dập tắt

Từ khi mới xuất hiện, đại dịch HIV/AIDS được nhiều chuyên gia và tổ chức thế giới cảnh báo sẽ tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi mà điều kiện chăm sóc y tế cho người dân còn hạn chế. Nhận thức rõ được điều đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng hệ thống luật pháp phòng, chống HIV/AIDS, xây dựng chiến lược Quốc gia phòng, chống AIDS, tăng cường tổ chức bộ máy phòng, chống AIDS, đầu tư thích đáng cho công cuộc phòng, chống AIDS, và đặc biệt quan trọng là đã huy động cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, kể cả những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vào công cuộc phòng, chống AIDS. Kết quả đã kiềm chế tốc độ lây lan của dịch, phần nào kiểm soát được những hệ quả mà dịch bệnh này gây ra cho cộng đồng và xã hội.

HIV/AIDS hiện nay vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Số tích lũy HIV dương tính tiếp tục tăng cao. Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18-6-2018 là 208,8 nghìn người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 91,6 nghìn người; số người tử vong do HIV/AIDS tính đến thời điểm trên là 97,5 nghìn người. Mỗi năm có trên 10.000 nhiễm HIV mới được phát hiện và có đến 2.000 - 3.000 tử vong do AIDS, gây tác động rất lớn đối với các gia đình, xã hội. 

Dịch HIV/AIDS đã xuất hiện và tồn tại ở 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 98% số huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và trên 78% số xã, phường, thị trấn trong toàn quốc đã có báo cáo về người nhiễm HIV/AIDS. Dịch HIV/AIDS có mức độ lây nhiễm rộng khắp trên bình diện cả nước và kéo dài, chưa thể dập tắt được.

Đến nay, cả nước đã được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho hơn 2 nghìn người nghiện ma túy và điều trị ARV cho gần 90 nghìn người nhiễm HIV/AIDS. Nhờ đó mà số người nhiễm HIV mới, số bệnh nhân AIDS và tử vong đã giảm liên tục trong 9 năm qua. Nỗ lực của các ngành, các cấp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua đã đem đến những kết quả hết sức ấn tượng như số ca nhiễm mới đã giảm 50%, những ca tử vong giảm 50%, 65% số bà mẹ mang thai được tư vấn, xét nghiệm, điều trị nhiễm HIV/AIDS và tiến tới có thể thanh toán được các ca lây nhiễm từ mẹ sang con.

Tuy thu được những kết quả bước đầu, nhưng nếu chủ quan, lơ là, không coi trọng việc phòng, chống đúng mức, dịch bệnh HIV/AIDS sẽ có chiều hướng lây lan ra cộng đồng dân cư bình thường, không còn tập trung chủ yếu trong nhóm nguy cơ cao như những năm trước đây và vì vậy ngày càng trở nên khó kiểm soát. Trong khi xu hướng chung cả nước là giảm thì một số địa phương lại phát hiện số người nhiễm HIV tăng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là có cả các tỉnh, thành phố được đầu tư nhiều và luôn được coi là những thành phố có điều kiện cũng như kinh nghiệm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Một số tỉnh, thành phố khi triển khai mạnh các hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện thì phát hiện số mới nhiễm HIV gia tăng, đặt ra câu hỏi về tỷ lệ người mắc bệnh mà không biết mình có bệnh. 

Kết quả phòng, chống HIV/AIDS những năm gần đây cho thấy xu hướng giảm dần ở cả ba tiêu chí: số người nhiễm HIV được phát hiện mới, số người chuyển qua giai đoạn AIDS và số tử vong do AIDS, nhưng những kết quả ấy chưa có tính bền vững và vẫn còn nhiều nhân tố, nguy cơ làm gia tăng HIV/AIDS trong thời gian sắp tới. 

Những hạn chế về nguồn lực (nguồn lực từ tài trợ quốc tế suy giảm, nguồn lực từ ngân sách nhà nước hạn hẹp, không đáp ứng yêu cầu) làm cho việc truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, nhất là hành vi của các nhóm đối tượng dễ lây lan, không được duy trì và thực hiện như những năm trước đây nên nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020

Chủ đề trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 được xác định là “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. Đây là mục tiêu rất cao do Liên hợp quốc đề ra và Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới hưởng ứng mục tiêu 90-90-90. Mục tiêu 90-90-90 nhằm hướng tới năm 2020 bao gồm 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV) và 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp (dưới ngưỡng ức chế để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác). Mục tiêu 90-90-90 là những dấu mốc quan trọng có tính chiến lược cần đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung, cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Thực hiện mục tiêu này là “đầy thách thức nhưng Việt Nam quyết tâm thực hiện bằng được vì không chỉ phục vụ sức khỏe, tính mạng của con người mà còn vì sự ổn định, phát triển đất nước” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ phát động hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 nhằm hướng tới việc kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thưc. Mỗi năm vẫn có khoảng từ 12 nghìn đến 14 nghìn người nhiễm mới HIV; nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS còn thiếu nhiều, chủ yếu phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài và chưa bền vững. Theo ước tính, Việt Nam mới phát hiện được khoảng 56% số người mới nhiễm HIV, còn khá xa để đạt được mục tiêu 90– 90 -90.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu 90-90-90 cần ưu tiên các giải pháp: Giám sát chủ động các ca bệnh; mở rộng mạng lưới xét nghiệm, phân cấp đến y tế cơ sở để những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS dễ tiếp cận; tăng cường truyền thông, hiểu biết, giảm kỳ thị phân biệt đối xử; mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị, tăng nhanh số lượng bệnh nhân; chú trọng, theo dõi chặt chẽ chất lượng điều trị…Đồng thời tiếp tục khống chế để dịch không tăng thông qua các biện pháp can thiệp giảm hại hiệu quả, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS. Kinh phí dành cho phòng chống HIV/AIDS cần nhanh chóng được chuyển đổi từ việc dựa chủ yếu vào viện trợ sang huy động đa dạng các nguồn lực từ trung ương, địa phương đến cộng đồng, xã hội. “Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, Viêt Nam đầu tư 1 USD cho phòng chống HIV/AIDS bây giờ sẽ mang lại 10 USD vào năm 2030. Với mức độ đầu tư trung bình 92 triệu USD/năm chúng ta có thể cứu được 150.000 người không bị nhiễm HIV và kết thúc đại dịch này vào năm 2030”.

Giải pháp thực hiện mục tiêu 90-90-90

Trong việc thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020 của Liên hợp quốc, khó thực hiện nhất là tiêu chí liên quan đến điều chỉnh thuốc kháng virus (ARV). 

Hiện nay, việc điều trị ARV đã được triển khai tại tất cả 63 tỉnh, thành phố với 401 phòng khám điều trị ngoại trú ARV. Chương trình phòng, chống AIDS đã mở rộng điều trị bằng ARV tại các trạm y tế xã/phường, điều này tạo điều kiện thuận lợi để bệnh nhân dễ dàng tiếp cận điều trị. Đến nay đã có 7.844 bệnh nhân nhận thuốc ARV tại 562 trạm y tế xã/phường và trong trại giam. Tính đến hết tháng 6-2017 chúng ta đã điều trị cho 119.575 bệnh nhân HIV/AIDS, tăng gần 4.000 bệnh nhân so với năm 2016. 

Chính phủ cũng đã quyết định cho triển khai chuyển giao và kiện toàn các cơ sở điều trị ARV trên toàn quốc, tiến tới kê đơn điều trị ARV bằng thuốc bảo hiểm y tế từ đầu năm 2018. Trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế suy giảm, đây là một chủ trương đúng đắn và kịp thời nhằm duy trì việc điều trị ARV suốt đời cho bệnh nhân, vừa có ý nghĩa nhân văn cao cả, vừa có ý nghĩa dự phòng lây nhiễm tích cực. Nhiều phòng khám điều trị ngoại trú ARV đã ký hợp đồng bảo hiểm y tế, thanh toán các phí dịch vụ, thuốc liên quan điều trị ARV cho bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế có xu hướng gia tăng ở phần lớn các tỉnh, thành và nhiều bệnh nhân HIV/AIDS đang tham gia điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, các tỉnh, thành cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS để thực hiện chủ trương của Chính phủ, bảo đảm 100% bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, hiện cũng mới có khoảng 50% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, cần có giải pháp để sớm đạt được mục tiêu 90%. Trách nhiệm của các Bộ Y tế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cần bảo đảm đủ thuốc ARV; nguồn ngân sách Trung ương và địa phương cần bảo đảm kinh phí để cung ứng thuốc. 

Tăng cường đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS

Đại dịch HIV không thể tự mất đi nếu không được đầu tư thỏa đáng. Càng đầu tư sớm (khi dịch đang ở giai đoạn tập trung) càng hiệu quả, càng đỡ tốn kém. Đầu tư muộn (khi dịch đã lan ra cộng đồng) sẽ càng tốn kém và hiệu quả không cao. Nếu không được cung cấp tài chính đầy đủ, đại dịch HIV/AIDS có thể quay lại bất cứ lúc nào với tỷ lệ HIV kháng thuốc cao và chi phí tốn kém hơn nhiều lần hiện nay. Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về phòng chống AIDS, nhiều sinh mạng người dân đã được cứu sống. Giai đoạn 2000-2016, Việt Nam đã phòng tránh được gần nửa triệu ca nhiễm HIV, cứu sống được gần 150.000 người không bị tử vong do AIDS. Vì vậy, thời gian tới, cần bảo toàn nguồn nhân lực cho phòng chống HIV, bảo đảm cung cấp dịch vụ thân thiện phù hợp cho các nhóm nguy cơ cao có thể dễ dàng tiếp cận trong quá trình thực hiện kiện toàn; đồng thời mở rộng điều trị methadone kể cả trong các cơ sở giam giữ và triển khai can thiệp cho người sử dụng ma túy tổng hợp. 

Tăng cường công tác phòng, chống ma túy, mại dâm

Ma túy, mại dâm là những tác nhân trực tiếp đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy công tác phòng chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng thực tế còn đang diễn biến rất phức tạp. Số đối tượng phạm tội về ma túy bị phát hiện, bắt giữ tăng. Các tụ điểm hoạt động mại dâm công cộng đã giảm về số lượng và mức độ công khai nhưng tình hình hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm soát, mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn như: gái gọi, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính; môi giới mại dâm thông qua internet ngày càng gia tăng, phổ biến...

Công tác thanh, kiểm tra, phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm còn một số hạn chế: các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy và một số văn bản quy phạm pháp luật khác còn nhiều bất cập. Nguồn kinh phí Trung ương cho Chương trình phòng, chống ma túy năm 2016 - 2017 chậm được bố trí. Công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, thường xuyên. Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai còn nhiều khó khăn. Một số địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhất quán về quan điểm, nhận thức trong đấu tranh phòng, chống mại dâm dẫn đến việc chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ chưa đồng bộ...

Để đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm hiệu quả, cần chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó, lực lượng Công an xây dựng các Đề án phòng, chống, các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình/đề án/kế hoạch cụ thể để thực hiện.