Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng

Theo Thu Phương/congthuong.vn

Trong tháng 8, các lực lượng chức năng TP. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Xử lý hành chính hơn 3.400 vụ vi phạm

Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, trong tháng 7, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng vẫn diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mặc dù lượng hàng hóa, đặc biệt các mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng gia cầm, rau, củ, quả, các mặt hàng thực phẩm chế biến (mỳ, dầu ăn) có nhu cầu tiêu dùng cao hơn so với cùng kỳ, song cơ bản thị trường hàng hóa không có sự tăng giá đột biến. Các cơ sở kinh doanh cung ứng trên địa bàn cũng cam kết đảm bảo nguồn cung, không tăng giá và bán đúng giá niêm yết.

Cũng trong tháng 7, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi buôn lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm. Đặc biệt là xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, gom hàng, tăng giá bán bất hợp lý, qua đó góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đi vào ổn định, tuân thủ pháp luật; bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng thủ đô.

Theo đó, trong tháng 7, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 3.787 vụ; xử lý hành chính: 3.407 vụ. Khởi tố 05 vụ đối với 14 đối tượng. Trong đó 322 vụ hàng cấm, hàng lậu; 53 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; và 3.032 vụ gian lận thương mại. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là 384 tỷ 384 triệu đồng.

Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội - Cơ quan Thường trực BCĐ 389/TP trong tháng 7 cũng đã kiểm tra 517 vụ, xử lý: 381 vụ. Phạt hành chính: 3 tỷ 709 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm: 21 tỷ 533 triệu đồng. Điển hình, ngày 7/7, Đội QLTT số 19 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma tuý, Công an huyện Thạch Thất phát hiện khoảng 2,8 tấn các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh tại cơ sở kinh doanh ở làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội không rõ nguồn gốc. Ngày 9/7/2021, Đội QLTT số 14 phối hợp với Đội 4 PA04 - Công an TP Hà Nội tạm giữ 15.000 sản phẩm thuốc lá điện tử tại cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử ở số 33 ngõ 12 Thạch Cầu, Long Biên, Hà Nội.

Hay ngày 14/7/2021, Đội QLTT số 8 phối hợp với Đội 5 Phòng cảnh sát môi trường - Công an thành phố Hà Nội tạm giữ gần 4 tấn hàng hóa gồm dầu gội đầu, dầu xả, thuốc nhuộm tóc, máy cắt tóc, kéo...các loại tại cơ sở kinh doanh, tập kết hàng hóa số 6B1 khu tập thể đường sắt, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên.

Đăc biệt, ngày 18/7/2021, Đội QLTT số 14 phối hợp với Phòng PC03 - Công an Thành tạm giữ 3.050 bộ Kit Test nhanh COVID nhãn hiệu NASOCHECK Comfort của CHLB Đức, không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc tại 2 cơ sở có địa chỉ: P304 chung cư HH3B Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội và chung cư HH3C Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội).

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Mặc dù đạt kết quả nhất định, song tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm… Bên cạnh đó, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo 389 thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm để người dân biết, chủ động phòng tránh. Hướng dẫn và phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt Kế hoạch số 02/KH-BCĐ389/TP ngày 18/02/2021 của BCĐ 389/TP về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cungxg yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng có liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình thị trường, dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá mua, giá bán bất hợp lý để trục lợi; trà trộn để bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm, không đảm bảo chất lượng…

Đặc biệt, tháng 8 chuẩn bị bước vào năm học mới và Trung thu, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cũng yêu cầu tập trung kiểm tra các mặt hàng đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập, xuất bản phẩm; kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và các nguyên liệu làm bánh trung thu nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong Thành phố, ở Trung ương và các địa phương khác nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ.