Thận trọng khi mua thực phẩm online

Theo Tuệ Minh/congthuong.vn

Qua 4 đợt dịch Covid-19, người dân đã dần quen với việc mua sắm thực phẩm online. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động quản lý kinh doanh thực phẩm online chưa được kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chợ "mạng" sôi động

Bối cảnh dịch bệnh bùng phát đã làm thay đổi phương thức mua hàng của nhiều người tiêu dùng, từ trực tiếp sang trực tuyến. Đặc biệt, trong thời điểm nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu tạm dừng một số hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại chỗ, hạn chế ra đường khi không cần thiết, nhu cầu mua sắm thực phẩm online càng trở nên sôi động hơn.

Dạo quanh các trang mạng xã hội, có thể thấy, nhan nhản các trang facebook bán hàng thực phẩm, đa dạng, phong phú, từ đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp đến đồ tươi, sống. Chỉ cần có điện thoại thông minh, ngồi ở nhà, người tiêu dùng có thể mua "mớ rau, con tôm, thịt, cá, rau, củ, quả" và được giao đến tận nhà... Các cửa hàng kinh doanh, nhà hàng cũng linh hoạt, chuyển sang bán theo hình thức online, vừa chấp hành yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động.

Không chỉ trên các trang mạng xã hội, trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee…, mặt hàng thực phẩm từ đồ khô đến tươi, sống cũng đã có mặt trên các gian hàng. Theo đại diện sàn thương mại điện tử Lazada, mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã trở thành một thói quen mới của người tiêu dùng. Người tiêu dùng mua đa dạng các mặt hàng từ rau củ, thịt cá và trái cây tươi bao gồm số lượng đơn hàng và số lượng sản phẩm bán ra, đều tăng gần 70%.

Sàn Tiki, Shopee cũng ghi nhận số lượng đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống có mức tăng trưởng cao hơn so với trước đây. Thống kê của nền tảng Grab Việt Nam cho thấy, 10 mặt hàng bán chạy nhất trên GrabMart chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm có thể bảo quản lâu hoặc bổ dưỡng cho sức khỏe như sữa, mì ăn liền, miến ăn liền, sữa bột, nho không hạt…

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Bên cạnh các nhà hàng, cơ sở kinh doanh đồ ăn uống có đăng ký kinh doanh, có chứng nhận an toàn thực phẩm mở bán online, không ít địa chỉ bán hàng online nhỏ lẻ theo kiểu gia đình đều không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm không rõ nguôn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, nguồn gốc nguyên liệu đâu vào thường không được kiểm soát, phương tiện chế biến thủ công, loại bao bì sử dụng có thể là loại tái chế hoặc hàng trôi nổi trên thị trường không rõ xuất xứ, không được các cơ quan chức năng thẩm định. Vì vậy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là điều không tránh khỏi.

Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn cử, đầu tháng 7 vừa qua, Cục QLTT Hà Nội thu giữ gần 3.000kg các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh, tôm đông lạnh... tại cơ sở kinh doanh ở làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Cục QLTT Đồng Nai cũng phát hiện vụ vận chuyển hơn 500 chai mắm nêm, mắm nước, mắm mực, mắm ruốc là thực phẩm phụ gia không rõ nguồn gốc, xuất xứ (hàng hóa không nhãn)… Đây là hồi chuông cảnh báo tới những người tiêu dùng có thói quen mua hàng online không để ý đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa mà mình đặt mua.

Với nhu cầu mua sắm thực phẩm online tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, người tiêu dùng nên mua hàng tại các webiste đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương, hoặc mua tại các gian hàng chính hãng, uy tín trên các sàn thương mại điện tử. Trong trường hợp mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, chất lượng thực phẩm.