Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có vi phạm
Thông qua công tác trực ban trực tuyến, Trực ban Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo một số đơn vị hải quan địa phương kiểm tra, phát hiện nhiều vụ nhập khẩu hàng hóa thành phẩm từ Trung Quốc nhưng sản phẩm thực nhập vi phạm về xuất xứ, nhãn hiệu.
Ngày 15/11, Trực ban Tổng cục Hải quan thông tin, trên cơ sở đề xuất của cơ quan Hải quan, UBND tỉnh Lạng Sơn và UBND TP. Hải Phòng vừa xử phạt một số vụ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc có vi phạm về xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn xử phạt 120 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Vi Thiện Nhân (địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy yếu tố vi phạm đối với 1.044 chiếc nồi cơm điện gắn dấu hiệu IHTOSFILBA (xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu TOSHIBA). Đồng thời Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cục Hải quan Lạng Sơn) xác định lại trị giá lô hàng, truy thu thuế hơn 85 triệu đồng.
Số hàng vi phạm nằm trong lô hàng 19,5 tấn do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Vi Thiện Nhân nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tại Hải Phòng, nhiều vụ việc nhập khẩu hàng từ Trung Quốc có vi phạm về xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa cũng được cơ quan Hải quan phát hiện, xử phạt hoặc đề xuất Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng xử phạt.
Điển hình như, Cục Hải quan Hải Phòng đề xuất Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo về nguồn gốc xuất xứ của Công ty TNHH Thương mại Minh Thiên (địa chỉ đăng ký kinh doanh tại 25 Dốc Tam Đa, Tây Hồ, Hà Nội), số tiền phạt 165 triệu đồng, buộc tái xuất toàn bộ hàng hóa vi phạm gồm 12 dòng hàng, trị giá gần 3,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ít ngày trước khi nhập khẩu lô hàng vi phạm nêu trên, Công ty TNHH Thương Mại Minh Thiên đã bị lực lượng Hải quan phát hiện hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa và đề xuất Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng xử phạt theo thẩm quyền số tiền 160 triệu đồng (ngày 9/3/2021).
Được biết, Công ty TNHH Thương mại Minh Thiên thành lập từ năm 2003, chuyên nhập khẩu các sản phẩm khóa và phụ kiện khóa từ Trung Quốc vào Việt Nam, phân phối qua các đại lý tại Hà Nội và quảng cáo sản phẩm trên website với sản phẩm nhập khẩu mang nhãn hiệu của các thương hiệu khóa như: NIKEN, KOFFMANN, KOLER, KOSPI… Tuy nhiên, một số thương hiệu nêu này là thương hiệu khóa của Đức, Hàn Quốc.
Trước đó, Công ty CP APKEY Hà Nội (địa chỉ Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bị Hải quan Hải Phòng xử phạt 160 triệu đồng và buộc tái xuất hàng hóa vi phạm. Lô hàng vi phạm được Công ty khai báo là phụ kiện cửa kính gồm 9 mục, xuất xứ Trung Quốc. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, Hải quan Hải Phòng phát hiện trong lô hàng có 1.000 sản phẩm là bộ khóa dùng trong cửa kính nhưng doanh nghiệp khai là kẹp khóa cửa kính. Ngoài ra, còn 1.450 sản phẩm là bản lề cho cửa kính hiệu KOLN trên sản phẩm có đúc nổi dòng chữ “Germany” (nhưng lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc). Qua xác minh, cơ quan Hải quan xác định Công ty có các hành vi vi phạm: “khai sai tên hàng, chủng loại, mã số…” và “nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hàng hóa (giả mạo nguồn gốc)”.
Liên quan đến nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về cảng Hải Phòng giả mạo xuất xứ, tháng 6/2021, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ vụ nhập khẩu 70.000 sản phẩm giả mạo các thương hiệu khóa Việt-Nhật, mũi khoan Bosch, mũi đục Avatar. Cụ thể, ngày 8/6/2021, một công ty (có trụ sở tại Hà Nội) mở tờ khai nhập khẩu lô hàng nêu trên từ Trung Quốc về khu vực cảng Hải Phòng. Hàng hóa khai báo là mũi khoan, khóa cửa, mỏ lết, mũi đục bê tông… mới 100%.
Tuy nhiên, qua các biện pháp nghiệp vụ, Đội Kiểm soát hải quan Hải Phòng và Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) phát hiện dấu hiệu nghi vấn lô hàng có chứa hàng hóa vi phạm. Kết quả kiểm tra, lực lượng Hải quan phát hiện hơn 21.000 ổ khóa, hơn 40.000 mũi khoan và 10.000 mũi đục là hàng hóa giả mạo các thương hiệu nêu trên, với tổng trị giá hàng vi phạm gần 1 tỷ đồng.
Có thể thấy, điểm chung trong các vụ việc nêu trên là quá trình khai báo hải quan, doanh nghiệp đều khai báo hàng hóa xuất xứ Trung Quốc, nhưng thực tế hàng nhập khẩu có vi phạm về xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng của nhiều nước, như in sẵn tên của thương hiệu nổi tiếng hoặc tên quốc gia khác… trên sản phẩm, bao bì sản phẩm.
Câu hỏi đặt ra là nếu không bị cơ quan Hải quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời, liệu khi bày bán trên thị trường và đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm này còn giữ đúng xuất xứ Trung Quốc hay lại được “khoác lên mình” các thương hiệu nổi tiếng đã được in sẵn tên trên sản phẩm, bao bì?
Thực tế chuyện “treo đầu dê bán thịt chó” như trên từng xảy ra không ít. Điển hình là vụ nhập khẩu khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk từ Trung Quốc sau đó về “phù phép” thành hàng “Made in Vietnam”. Việc đánh tráo hàng hóa càng có nguy cơ gia tăng khi thương mại điện tử ngày càng phát triển.