ASEAN+3 trước thách thức 4.0

Theo Huy Quốc/sggp.org.vn

Khu vực ASEAN+ 3 (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) vẫn phải đối mặt với những thách thức cơ cấu trung và dài hạn như sự suy giảm năng suất và mức đầu tư thấp do hậu quả chưa phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Giải quyết những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và thịnh vượng.

ASEAN+3 trước thách thức 4.0.
ASEAN+3 trước thách thức 4.0.

Báo Bangkok Post trích dẫn lời TS Junhong Chang, Giám đốc Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO): “Như nhiều người trong chúng ta biết, tăng trưởng của khu vực ASEAN + 3 ấn tượng trong vài thập niên qua nhưng có sự suy giảm rõ rệt về tổng năng suất ở hầu hết các quốc gia trong khu vực”.

Trong khi năng suất chiếm 1,5% mức tăng trưởng trung bình hàng năm của khu vực là 7% trong giai đoạn 2002-2007, bà Junhong Chang cho biết đóng góp của năng suất đã giảm mạnh từ giai đoạn 2011-2017. Xu hướng này phải được giải quyết khẩn cấp tại thời điểm cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) và nền kinh tế mới đang thay đổi nhiều thứ.
Sự suy giảm năng suất là một cảnh báo cho thấy năng lực sản xuất cho xuất khẩu, vốn thúc đẩy sự thịnh vượng trong nhiều thập niên, không còn là một chiến lược tăng trưởng đầy đủ hoặc bền vững. Việc chuyển đổi sang các dịch vụ là không thể tránh khỏi, nhưng những tiến bộ về công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ.

Khu vực ASEAN + 3 tăng trưởng nhanh chóng về tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) so với GDP toàn cầu, từ 17,9% tương đương 5.600 tỷ USD năm 1998, lên 23,8% (19.800 tỷ USD) vào năm 2018. Con số này được dự báo sẽ đạt 29% (40.000 tỷ USD) vào năm 2035. Vào năm 2035, AMRO dự báo GDP của ASEAN sẽ đạt 7.800 tỷ USD, tương đương 5,7% GDP toàn cầu, so với 3.000 tỷ USD tương đương 3,6% GDP toàn cầu hiện nay.

Theo các nhà kinh tế tại AMRO, nền kinh tế trong tương lai sẽ rất khác khi công nghệ mới chuyển đổi nhiều loại hình sản xuất và dịch vụ. Lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục thu hẹp trong khi các dịch vụ trở thành động lực chính của nền kinh tế. TS Hoe Ee Khor, nhà kinh tế trưởng của AMRO, xác định 2 động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế mới.

Đầu tiên là công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, 5G và Internet vạn vật (IoT). Thứ hai là nhân khẩu học liên quan đến dân số và tầng lớp trung lưu mở rộng thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng nên nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ tinh vi hơn.

Đáng lo ngại là việc thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, vì vậy khu vực rất cần phải tăng cường các chương trình đào tạo cho công nhân và cải tổ khung pháp lý để phù hợp với công nghệ mới.

Vì công nghệ mới, về bản chất, được xây dựng cho một nền kinh tế với các kỹ năng hoạt động tốt hơn trong bối cảnh xuyên biên giới, nhiều khuôn khổ truyền thống cần phải được cải cách để phù hợp hơn với thời đại. TS Hoe Ee Khor cho biết các quốc gia ASEAN + 3 nên khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào công nghệ mới.

Việc phát triển liên tục cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm cũng là điều cần thiết để tăng cường vốn nhân lực và kết nối ASEAN cũng như ASEAN+3. Xây dựng cơ sở hạ tầng và phải cân đối ngân sách là bài toán hóc búa, dễ rơi vào vòng lẩn quẩn vì nếu không đầu tư cơ sở hạ tầng đúng mức sẽ không bắt kịp thành quả của Cách mạng 4.0.