Các thị trường châu Á hồi phục ngay khi Hiệp định RCEP được ký kết

Theo Việt Dũng/congthuong.vn

Sáng ngày 16/11, các thị trường châu Á đã hồi phục trở lại sau khi 15 nền kinh tế trong khu vực đã ký kết thành công Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào ngày 15/11, thiết lập nên một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các hãng thông tấn quốc tế đã nhận định việc RCEP được ký kết với mục đích giảm dần thuế quan trên nhiều lĩnh vực, hiện là khối thương mại lớn nhất thế giới, đánh dấu lần đầu tiên các cường quốc Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia cùng một hiệp định thương mại.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,59%, trong khi Topix tăng 1,37%. Nền kinh tế Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ, tăng 21,4% hàng năm trong quý thứ ba. Trên cơ sở dữ liệu hàng quý, nền kinh tế tăng trưởng 5%, tốt hơn dự báo 4,4%, và là dấu hiệu cho thấy đất nước này đang phục hồi sau thiệt hại do đại dịch gây ra.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 1,52%. Chứng khoán Trung Quốc đại lục biến động trái chiều trong thời gian đầu giao dịch. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,36%, trong khi chỉ số của Thâm Quyến giảm 0,48%. Số liệu ngày 16/11 cho thấy sản lượng sản xuất của nước này tăng nhanh hơn dự kiến ​​trong tháng 10, tăng 6,9%. Doanh số bán lẻ tiếp tục phục hồi, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn dự báo tăng trưởng 4,9%.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,43% vào đầu phiên giao dịch sáng ngày 16/11. Standard Chartered tăng 3%, trong khi HSBC tăng 2,8%. Chỉ số S & P/ASX 200 đã tăng trong đầu phiên giao dịch, tăng 1,23% so với phiên giao dịch trước. Thị trường Ấn Độ đóng cửa do nghỉ lễ. Nhìn chung, chỉ số rộng nhất của MSCI về cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đã tăng 0,88%.

Sáng ngày 16/11, Ngân hàng Mizuho đã gọi RCEP - thỏa thuận thương mại khổng lồ này là “con đường huyết mạch rất cần thiết cho thương mại toàn cầu”. Phạm vi tiếp cận và tham vọng của RCEP, nhằm xóa bỏ khoảng 92% thuế hàng hóa trao đổi, sẽ rất quan trọng trong việc tăng cường liên kết chuỗi cung ứng.

Các nhà xuất khẩu của Nhật Bản đã đạt được lợi nhuận lớn vào sáng ngày 16/11 nhờ các tin tức về thỏa thuận thương mại khu vực mới nhất. Cổ phiếu ô tô tại Nhật Bản chủ yếu được hưởng lợi, với Nissan tăng 2,79% và Mazda tăng 6%. Mitsubishi tăng hơn 4% và Honda tăng 3,77%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ trong nước cũng tăng điểm với Tokyo Electron tăng 5,45%, trong khi Panasonic tăng 5,25%. Softbank Group đã tăng hơn 1%. Cổ phiếu công nghệ niêm yết tại Hàn Quốc cũng tăng vọt với Samsung Electronics tăng 3,64% và SK Hynix tăng vọt hơn 6%.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đôla Mỹ so với rổ các tiền tệ khác, đã yếu hơn ở mức 92,623 sau khi giảm từ mức trên 92,9 vào cuối tuần trước. Đồng yên Nhật giao dịch ở mức 104,61 mỗi USD, sau khi tăng từ mức trên 105 vào cuối tuần trước.

Đồng đôla Australia tương đối ổn định, giao dịch ở mức 0,7291 so với đồng đôla Mỹ. Sau khi giảm hơn 2% vào ngày 13/11, giá dầu đã tăng cao hơn vào sáng ngày 16/11 theo giờ giao dịch châu Á. Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế kỳ hạn tương lai tăng 0,65% lên 43,06 USD/thùng. Dầu thô kỳ hạn tương lai của Mỹ tăng 1% lên 40,53 USD/thùng.