Chủ tịch EC quan ngại về việc cắt giảm mạnh mẽ ngân sách EU

Theo Mạnh Hùng-Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Về những yêu cầu thắt lưng buộc bụng trong kế hoạch ngân sách dài hạn từ Phần Lan, Chủ tịch EU nêu rõ: "Tôi quan ngại về những khoản cắt giảm mạnh được nêu ra trong đề xuất này."

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, ngày 4/12.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, ngày 4/12.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 4/12 đã chỉ trích những kế hoạch của các nước thành viên nhằm cắt giảm mạnh ngân sách Liên minh châu Âu (EU), vốn có thể làm suy yếu những tham vọng về quốc phòng và biến đổi khí hậu của khối.

Về những yêu cầu thắt lưng buộc bụng trong kế hoạch ngân sách dài hạn từ Phần Lan, quốc gia giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của EU, bà Ursula von der Leyen nêu rõ: "Tôi quan ngại về những khoản cắt giảm mạnh được nêu ra trong đề xuất này."

Theo bà, vấn đề quốc phòng, việc bảo vệ các đường biên giới của EU, những nỗ lực "làm xanh nền kinh tế" đều sẽ bị ảnh hưởng bởi kế hoạch này.

Lời cảnh báo được đưa ra một tuần trước khi bà Leyen công bố Thỏa thuận Xanh Mới, trong đó sẽ đòi hỏi việc tăng mạnh chi tiêu để khiến lượng carbon của châu Âu trung hòa vào năm 2050.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đức có thể sẽ phải nâng mức đóng góp cho ngân sách mới của EU lên 50 tỷ euro (khoảng 55,5 tỷ USD), tăng 22 tỷ euro (khoảng 24,4 tỷ USD) so với mức hiện nay.

Vấn đề ngân sách mới của EU dự kiến sẽ là chủ đề căng thẳng khi các nhà lãnh đạo EU nhóm họp thượng đỉnh vào tuần tới ở Brussels (Bỉ) để thảo luận về ngân sách dài hạn giai đoạn 2021-2027 của khối.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ cùng tới Brussels để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU.

Tuy nhiên, cả Berlin và Paris đều mong muốn có tiếng nói mạnh mẽ hơn ở cấp độ châu Âu, song trong vấn đề tài chính, hai bên hầu như khó có tiếng nói chung.

Ngân sách EU tới đây nhiều khả năng sẽ ở mức trên 1.000 tỷ euro (khoảng 1.110 tỷ USD) và không chỉ có Pháp yêu cầu Đức tăng thêm phần đóng góp cho ngân sách chung của khối.

Sau khi Anh rời EU, 27 nước thành viên còn lại sẽ phải tăng phần đóng góp để lấp lỗ hổng ngân sách mà Anh để lại, trong khi đó Anh là quốc gia thành viên đóng góp ngân sách nhiều thứ 2 cho châu Âu, sau Đức.

Trong bối cảnh tân Chủ tịch Ủy EC Leyen kêu gọi tăng ngân sách cho các dự án mới đầy tham vọng của khối, đặc biệt để bảo vệ khí hậu, Chính phủ Đức khẳng định nên giới hạn ngân sách của EU ở mức 1% Tổng sản phẩm GDP của khối.

Điều này có nghĩa EU cần tái tổ chức việc chi tiêu ngân sách và việc chi cho các nhiệm vụ mới, và tiết giảm ở các khoản khác.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đã bác bỏ lập luận "phi thực tế" này của Berlin, đồng thời yêu cầu các nước thành viên tăng mức đóng góp ngân sách cho EU lên 1,11% GDP, thậm chí Nghị viện châu Âu kêu gọi tăng lên 1,3% GDP.

Theo báo chí Đức, Chính phủ Phần Lan - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - đã gửi đề xuất tới các nước thành viên, theo đó mỗi nước nên tăng mức đóng góp 1,07% GDP trong giai đoạn 2021-2027 và ngân sách của khối sẽ ở mức 1.087 tỷ euro (1.207 tỷ USD).