Chuyên gia nhận định ra sao về triển vọng giá vàng trong trung hạn?

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Thị trường đang đương đầu với rủi ro suy thoái kinh tế cũng như khả năng tăng trưởng toàn cầu chững lại khiến cho dòng tiền vào vàng tăng lên.

Ảnh: GettyImages
Ảnh: GettyImages

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu khi mà đồng USD hạ giá và nỗi sợ suy thoái kinh tế lớn dần khiến cho nhu cầu đối với vàng trong vai trò công cụ đầu tư an toàn tăng lên, tuy nhiên khả năng lãi suất được điều chỉnh tăng đã khiến cho giá vàng khép lại một tuần sụt giảm.

Đóng cửa phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,1% và đóng cửa tại mốc 1.824,69USD/ounce, trước đó, giá vàng có lúc chạm mức thấp nhất trong 1 tuần là 1.816,1USD/ounce. Giá vàng giao hợp đồng tương lai tăng và chốt phiên ở mức 1.830,3USD/ounce. Trong tuần qua, giá vàng giảm 0,81%.

Chỉ số theo dõi diễn biến của đồng USD giảm hơn 0,2% và vì vậy khiến cho sức hấp dẫn của vàng lớn hơn.

“Có quá nhiều yếu tố đang đẩy giá vàng tăng lên, chính vì vậy giá vàng hiện vẫn giao dịch ở trong ngưỡng hẹp”, chuyên gia chiến lược hàng hóa tại công ty TD Securitíe – ông Daniel Ghali phân tích.

Cũng theo ông Ghali, hiện thị trường đang đương đầu với rủi ro suy thoái kinh tế cũng như khả năng tăng trưởng toàn cầu chững lại khiến cho dòng tiền vào vàng tăng lên, nói cách khác, thị trường đã có cam kết của Fed về việc đương đầu với lạm phát, thực tế này sẽ khiến cho lãi suất thực tăng lên.

Vàng vốn được coi như công cụ ngừa lạm phát tuy nhiên lãi suất tăng cao hơn làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ nó.

“Chúng tôi nghĩ rằng vàng sẽ có một số lần tăng không đáng kể trong nửa sau của năm nay, nhiều khả năng giá vàng sẽ chạm mức 1.900USD/ounce”, chuyên gia thuộc Commerzbank – ông Carsten Fritsch phân tích.

Trong ngắn hạn, tuy nhiên, Fed sẽ nâng lãi suất mạnh tay, giá vàng sẽ chịu không ít sức ép.

Trên thị trường vàng vật chất, nhiều nhà kinh doanh vàng đang hạ giá các sản phẩm vàng nhằm thu hút người mua khi mà mùa cưới tại Ấn Độ dần kết thúc, cùng lúc đó, một số người tiêu dùng tại Trung Quốc mua vàng trong bối cảnh có nhiều nỗi lo kinh tế ngày một lớn dần.

Hiện tại, rủi ro suy thoái kinh tế tăng lên đang ngăn khả năng nhà đầu tư bán vàng, tuy nhiên, giá vàng sẽ diễn biến theo biến động của lãi suất thực trong phần còn lại của năm 2022, chính vì vậy giá vàng sẽ chịu áp lực suy giảm, chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Standard Chartered viết trong nghiên cứu mới đây.

Các số liệu mới nhất về sản xuất và dịch vụ cho thấy triển vọng kinh tế tại cả châu Âu và Mỹ đều u ám. Căng thẳng Nga – Ukraine đã gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lạm phát cao lây lan khắp thế giới.

Nhiều nền kinh tế hiện vẫn đang đương đầu với các vấn đề về gián đoạn chuỗi cung ứng, triển vọng lãi suất cao không khỏi gây tổn hại đến đầu tư kinh doanh. Châu Âu hiện đang đương đầu với áp lực lớn từ khả năng mùa đông năm nay sẽ vẫn tiếp tục thiếu năng lượng.

Vào ngày thứ Năm, chính phủ Đức chính thức khởi động giai đoạn 2 trong kế hoạch 3 bước nhằm đương đầu với tình trạng thiếu hụt các sản phẩm khí đốt trong mùa đông năm nay, Đức như vậy tiến gần hơn đến việc sẵn sàng các kế hoạch dự phòng. Các chuyên gia kinh tế lo ngại bối cảnh này sẽ không khỏi tạo ra cú sốc lớn tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Theo số liệu của S&P Global, các chỉ số quản trị sức mua hàng tại Mỹ, chỉ số đo lường hoạt động sản xuất và dịch vụ, giảm xuống còn 51,2 điểm trong tháng 6/2022 từ mức 53,6 điểm của tháng trước đó, đây cũng là ngưỡng thấp nhất trong 5 tháng.

Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, chỉ số này giảm xuống còn 51,9 điểm của tháng 6/2022 từ mức 54,8 điểm của tháng 5/2022 – thấp nhất trong 16 tháng. Ngưỡng 50 phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.